Đầu năm 1968 giã từ giảng đường Đại Học Sài gòn , tôi đã trở về miền gió cát đầy nắng vàng,biển mặn mang tên Mũi Né – Hải Long ; Vùng đất thân thương có nhiều duyên nợ đến với tôi.
Bước vào đời với nghề dạy học dưới mái trường Trung Học Hải Long còn có tên gọi ngộ nghĩnh trưòng “Bà Lục Thị Đậu phụng cúng “. Một ngôi nhà trệt 3 gian cổ xưa làm phòng học, cùng những đồng nghiệp : Thầy Giên , Thầy Cương , Cô Anh , Cô Hưòng , Cô Nương v.v….. Cộng với đám học trò “to đùng” nhưng ngây thơ ngoan ngoãn.Và bắt đầu những giờ lên lớp với môn Pháp văn , Công Dân , Sử Địa v.v…..Trong đó tôi thích nhất là môn Pháp Văn với những áng văn chương trữ tình lãng mạn ; môn Công dân với những bài học về lòng nhân ái , vị tha v.v…..
Tôi có dịp dìu dắt , đùa vui với những đám học trò nghịch ngợm mà dễ thương có những cái tên khó quên như : Mòi, Ngư , Nghi Lễ , Mai Chí , Lê Quang v.v…và v.v…. nhiều quá làm sao kể hết được. Những buổi tối lang thang cùng dám học trò từ dốc Bà Banh đến cà phê “Cù Đe” mà nghe lòng ấm cúng lúc xa nhà. Không sao quên được những ngày hè, các thầy cô và học trò du ngoạn ở gành đá Thạch Long hoặc tung tăng dưới rặng dừa xứ Rạng .
Tôi cũng không quên được những ngày trọ cùng Thầy Giên ở nhà Cô Mai + nhà ông Năm Tình dọc bờ biển, đêm đêm nằm nghe sóng vỗ bờ buồn man mác , những đêm tâm sự cùng Thầy Giên trăn trở cho quê hương đất nước còn mãi chiến tranh, bao lớp thanh niên phải lên đường xa nhà, xa trường mà tôi cũng là “người đương thời” hai năm sau đó .
Vùng đất Hải Long – Mũi Né đối với tôi là một vùng kỷ niệm, nơi đó tình yêu đầu tiên cũng là mối tình duy nhất đối với bà xã tôi bây giờ ( Cô Hưòng ) đã được đơm hoa kết trái, cám ơn tình đất tình người Mũi Né đã cho tôi những tháng ngày hạnh phúc nhất ; tôi cũng cám ơn những lời trêu chọc, những lời cổ xuý của các em trường Trung Học Hải Long và Tiểu Học Khánh Thiện để tôi mạnh mẻ : TIẾN LÊN .
Viết đến đây tôi bỗng nhớ một người Thầy, một người anh kính mến nay đã về cõi vĩnh hằng đó là thầy Giên : có lần nào đó thầy đã cười nói với tôi "Sao chữ ký sổ đầu bài của ông có chữ K&H anh ca em hát là đây" tôi trả lời : "em bắt chước thầy" vì Thầy cũng thường ký tên GYEN chữ I ngắn thành Y dài ( tên Minh Yến là tên vợ của Thầy). Trong niềm hạnh phúc có được đến nay, đôi lúc tôi nghĩ một người bạn, một đồng nghiệp nay vẫn “một ngày lại một ngày” với "những bước chân âm thầm", đó là Thầy Cương. Giá mà … ngày đó những cây si thầy Cương gieo hạt, nẩy mầm tươi tốt , giá mà Thầy Cương và “người ấy” bây giờ là một đôi hoàn thiện thì cuộc đời này đẹp biết bao. Có lẻ không ai nói được câu “ta yêu người”.
Tôi lại bắt đầu xa trường, xa học trò thân yêu bước vào cuộc sống mới, mãi đến năm 1973 cầm trong tay quyết định : trở về nhiệm sở cũ : Trường Trung Học Hải Long Bình Thuận, lòng tôi xúc động nôn nao, mong sớm về nhanh với trường cũ trò xưa. Nhưng thời gian đã đi qua, quá khứ đã khép lại, trường cũ chỉ là một ngôi nhà cổ rêu phong vắng tiếng nô đùa của các em ngày nào, những đồng nghiệp cũ cũng đã rời xa.
Dạy học dưói mái trường mới khang trang hơn, đầy nắng và gió cát hơn với những đồng nghiệp mới : Cô Nở, Cô Sen, Cô Hồng, Cô Quân, Cô Linh, Cô Xí, Cô Dũng, Thầy Kai, Thầy Cầu v.v… tôi thấy tiếp tục làm ông lái đò đơn lẻ đưa khách sang sông, tôi lao vào công việc dạy dỗ , dìu dắt những học trò mới ngây thơ, rụt rè hơn ; những công tác triển lãm sinh hoạt Học Đường, cấm trại , văn nghệ v.v….đã an ủi phần nào khi xa gia đình . Và ngày ngày từ nhà trọ đến trường tôi đều đi qua đường cũ Hải Long mà không khỏi chạnh lòng cảm thấy trống vắng …
Người ta thường nói “đất lành chim đậu” nhưng Mũi Né đối với tôi đó là duyên nợ, lần thứ ba tôi khăn gói trở về “vùng kỷ niệm” vào giữa năm 1977 và an phận là một công nhân viên ngành hải sản . Miền đất Mũi Né, miền đất ân tình đầy tình người nhân hậu một lần nữa lại cưu mang giúp đỡ tôi trong những ngày khó khăn nhất, trên đường công tác thỉnh thoảng tôi găp phải những đôi mắt ngỡ ngàng của mọi người trong đó có những ánh mắt của các em học trò ngày nào. Thôi thì ”thời thế thế thời phải thế”. Giờ đây với tuổi đã nghĩ hưu , đôi lúc nghe ca khúc biển nhớ của TCS hoặc nhìn thấy những chuyến xe đi về Mũi Né mà không khỏi bùi ngùi nghĩ về “một thời để nhớ”.
Thay lời kết tôi xin ghi lại một câu mà trong sách “ người ta có thể đánh cắp sự giàu có vật chất của bạn nhưng không bao giờ có thể lấy đi những ký ức báu vật tinh thần ẫn chứa trong tâm hồn bạn” .
HUỲNH KHẢI
Phan Thiết 20/11/2010 .
(MC):
Trả lờiXóaBài viết của Thầy Khải làm em nhớ những kỷ niệm êm đềm của năm lớp đệ thất đệ lục, học môn pháp văn với Thầy, nhớ nhất là quyển sách "Con gà" thời đó (Le Francais Élémentaire).. Lần đầu tiên học tiếng Tây, lo sợ nhưng cũng rất thích!
Mỗi tuần 2 lần cô Hường đến trường "Lục thị Đậu Phụng Cúng' dạy môn việt văn..
Mới đó, mà đã hơn 40 năm trôi qua, nhanh thật là nhanh !
Chào Thầy!
Trả lờiXóaĐọc bài viết của Thầy em mới biết mãnh đất Mũi Né quê hương của chúng em lại "có duyên" với Thầy như vậy.
Ba lần đến rồi ba lần đi, cho mãi đến bây giờ nơi ấy với Thầy vẫn mãi là "vùng kỷ niệm" luôn "ẩn chứa trong tâm hồn".
Cám ơn Thầy vì những tình cảm Thầy đã dành cho quê hương và cho chúng em.
Thưa Thầy,
Trả lờiXóaQua bài viết của Thầy, em đã cảm nhận được tình cảm Thầy đã dành cho trường trung học Hải Long, Mũi Né và cho chúng em. Và em đã biết thêm về quãng đời đi dạy của Thầy.
Nhìn khuôn mặt đầy xúc động của Thầy trên màn ảnh hôm họp mặt tại nhà cô Hồng, em vô cùng cảm động. Cám ơn Thầy. Chúc Thầy và Cô nhiều sức khỏe.
Kính Thầy .
Trả lờiXóaEm ngồi đánh từng câu văn Thầy viết mà lòng em thấy có một cái gì đó không thể diễn đạt được.
"từng câu một từng câu một" nguyên văn của Thầy khơi dậy trong em các ký ức thời tuổi 14 - 15 những kỷ niệm mà em không thể nào quên được đúng như Thầy nói đám học trò “to đùng” nhưng ngây thơ ngoan ngoãn và còn nữa rất sợ rất sợ Thầy khi đối mặt,một là chuẫn bị tư thế vòng tay chào Thầy,hai là dòm qua ngó lại có đường luồn hay cái hẻm nào gần đó thì vọt lẹ... vọt lẹ .... hiii "sau lại sợ đến thế nhỉ lạ kì thật".
Em xin phép Thầy nhé ! có một mối tình nào đẹp hơn mối tình đầu phải không ? nhưng mối Tình đầu thường nói là mối tình ít bao giờ đơm bông kết trái, nhưng ngược lại Thầy và Cô đã được ông tơ bà nguyệt xe duyên kết tóc đưa đường dẫn lối thành một đôi uyên ương lý tưỡng khi đám cưới thầy cô các em không tham dự vì lúc đó các em còn bé nhưng bây giờ em vẫn : (chúc Thầy Cô luôn luôn Hạnh Phúc đến cuối đời)
Trong bài Thầy có nhắc đến Thầy Vỉnh Giên, một người Thầy Hiệu Trưỡng đầy kính mến của Trường Trung Học Hãi Long, nhiều kỉ niệm với Thầy em không bao giờ quên được, mổi khi buồn buồn cầm đàn guitar lằn tăng lẳng tẳng rất nhớ nhiều và nhớ nhiều về Thầy Giên và Thầy Lê Xuân Lập .
và còn Một đồng nghiệp của Thầy Nửa đó là Thầy Cương Một Người Thầy vô cùng Tuyệt vời nhưng bây giờ theo Thầy đã nói "một ngày lại một ngày"với "những bước chân âm thầm" đường vắng khuya bước chân buồn âm thầm bước mãi...vẩn bước mãi .....
Thật thương mến nhiều về Thầy quá đi thôi...
Thời gian trôi qua như cơn gió thoãng mới ngày nào nay đã .......
Xin copy lời Lành :
Thưa Thầy :
Ba lần đến rồi ba lần đi, cho mãi đến bây giờ nơi ấy với Thầy vẫn mãi là "vùng kỷ niệm" luôn "ẩn chứa trong tâm hồn".
Em xin tri ân Thầy đã dành nhiều tình cãm thiết tha và da diết cho quê Hương Mũi Né .