Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

"Văn hóa nhậu"

"Văn hóa nhậu" 
Nói đến từ văn hóa, người ta thường nghĩ đến những điều tốt đẹp, tinh túy của xã hội loài người. Ấy vậy mà ở Việt Nam, văn hóa lại đi với không ít những điều thiếu tích cực, nếu không muốn nói là tiêu cực như văn hóa phẩm đồi trụy, văn hóa ăn nhậu...
Có lẽ khó ai trả lời được câu hỏi tại sao “văn hóa nhậu” lại phổ biến và trở thành bình thường “chuyện thường ngày ở huyện” bất kể ở nông thôn hay thành thị, với người giàu hay người nghèo? Vui, nhậu, buồn, nhậu, bạn bè lâu ngày gặp nhau, nhậu, bàn kế hoạch kinh doanh, nhậu, chuẩn bị một phi vụ làm ăn, nhậu, kết thúc phi vụ làm ăn, cũng nhậu... Sáng có không ít người đã lai rai, trưa nhậu là bình thường, tối nhậu là phổ biến. Nhậu từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến đêm... Cơ quan, doanh nghiệp triển khai công tác đầu năm xong phải có tiệc, sơ kết, tổng kết cũng phải có tiệc. Tiệc mà không có rượu bia thì không phải là tiệc. Đám cưới phải có rượu bia, đám tang cũng không thể thiếu bia rượu. Sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng... của con, của cháu, nhưng bố mẹ, ông bà lúc nào cũng phải ngà ngà men say. Có lẽ tìm một lý do để không ăn nhậu mới là việc khó.
Khi đã vào bàn nhậu, người thích bia hơi, bia tươi, bia chai, bia lon... Người thích rượu vang Úc, Chile, Pháp, Ý... Người mạnh ”đô” hơn thì rượu đế, vodka, cognac, whisky... rồi thì phải là whisky 12 năm, 18 năm hay 25 năm, thậm chí 38 năm... Người khỏe thì vậy, còn người bệnh có thể tìm đến đủ loại rượu thuốc ngâm thực vật, động vật... Đúng là cả một trời lựa chọn mà ngay cả những người tự nhận là ăn nhậu sành điệu nhất cũng không thể kể hết được những loại rượu bia đang có mặt trong các quán nhậu ở Việt Nam.
Chẳng ai có thể khẳng định loại thức uống có cồn này xuất hiện từ khi nào trong lịch sử phát triển của loài người. Chỉ biết sự phát triển của xã hội loài người dường như tỷ lệ thuận với sự đa dạng chủng loại, mức độ tiêu thụ những loại thức uống này.
Người uống có thể đưa ra rất nhiều lý do để uống, những điều có lợi khi sử dụng rượu bia, nhưng hầu hết đều là những nhận định chủ quan, cảm tính và thiếu cơ sở khoa học. Còn tác hại của rượu bia thì lại rất rõ ràng, có cơ sở khoa học, nhiều kết luận dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học công phu
Biết hại cho sức khỏe vẫn uống, biết ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, tốn kém tiền bạc, thời gian, nguy cơ tai nạn giao thông... vẫn uống, rồi khi nghe thông tin cấm bán rượu bia sau 22g thì không ít người phản đối. Quả là khó hiểu!
(Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy)
CHA & CON cùng nhậu, nhậu...

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

ĐAU MỘT ĐƯỜNG, CHẾT MỘT NẺO

Tôi có người bạn, không cùng lớp cùng trường, cũng không cùng xóm cùng quê, chỉ quen qua bạn bè, gặp nhau mỗi năm đôi ba lần qua các buổi họp mặt, tiệc cưới, đám ma… nhưng rất thân thiết; bạn to tê mập mạp, người tầm thước, ít nói, hiền lành. Mỗi lần gặp, bạn là một trong những người đầu tiên tới bắt tay, với nụ cười và câu hỏi duy nhất “khỏe không?”.
Cách đây mấy hôm, ngỡ ngàng nghe tin bạn vĩnh viễn ra đi trong nỗi đau đớn mất mát của gia đình, trong nỗi lưu luyến tiếc thương của người thân bạn bè. Có người nói bạn ấy chết do bị vỡ ruột thừa, kẻ thì nói bị tiểu đường, người khác thì nói bị viêm gan…
Hôm đi viếng, vợ bạn ấy cho biết “Anh ấy bị đau bụng dữ dội, bệnh viện chẩn đoán bị đau ruột thừa, sau khi mổ được lưu lại một tuần để tiếp tục theo dõi điều trị rồi mới cho xuất viện. Về tới nhà được một lát, anh ấy tiêu chảy xối xả, lại đưa vào bệnh viện cấp cứu, một lát sau thì chết với kết luận của bệnh viện: Tử vong do bị sơ gan cổ chướng”. Như vậy nghĩa là chẩn đoán điều trị một đường, chết một nẻo.
Vì thế, các bạn hễ thấy đau chân thì phải lưu ý cái tay, đau dạ dày thì phải lưu ý cái phổi, đau tim thì phải lưu ý đường ruột… cho nó chắc ăn./.
PhamDinhNhan
(Để nhớ về bạn Trần Văn Ba)

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

TIN BUỒN

Bạn Trần Văn Ba, Học sinh Hải Long lớp thứ tư đã qua đời ngày 29/7/2017
Cựu học sinh Hải Long xin được chia sẻ những đau thương mất mát với tang quyến.
Cầu mong hương hồn bạn được an nghĩ nơi cõi vĩnh hằng.


Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

‘Tại sao các dòng sông không chảy theo đường thẳng?’

‘Tại sao các dòng sông không chảy theo đường thẳng?’ và câu trả lời thức tỉnh nhiều người!
Trong một giờ học, vị thiền sư mở một tấm bản đồ ra và hỏi các học viên: “Các bạn hãy nhìn xem, những dòng sông trên bản đồ này có đặc điểm gì?”
Các học viên trả lời: “Tất cả đều không chảy thẳng theo một đường mà chảy quanh co, gấp khúc.”
“Tại sao lại như vậy? Hay nói cách khác, tại sao những dòng sông đó không chảy theo đường thẳng mà lại chảy đường vòng như thế?” – vị thiền sư tiếp tục hỏi.
Lúc này, những lời bình luận bắt đầu trở nên rôm rả.
Có người nói, những dòng sông chảy theo đường vòng, quanh co uốn lượn sẽ kéo dài thêm quá trình chảy, nhờ đó mà sông có thể chứa thêm nhiều nước. Khi mùa lũ đến, nước sông cũng sẽ không bị dâng quá cao mà gây ngập lụt.
Cũng có người trả lời rằng, khi quá trình chảy của dòng sông được kéo dài ra, lưu lượng nước trên mỗi đoạn sông sẽ được giảm đi, nước sông sẽ không gây ra áp lực quá lớn làm mòn bờ sông, như thế sẽ có tác dụng bảo vệ bờ sông hơn là chảy thẳng…
“Các bạn nói đều đúng”, vị thiền sư gật đầu và tiếp tục giảng giải.
“Nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, các dòng sông không chảy thẳng mà chảy theo đường vòng, nguyên nhân căn bản nhất là vì đó là một trạng thái bình thường của tự nhiên.
Bởi vì trong quá trình dòng nước chảy về phía trước, nó sẽ gặp phải vô số chướng ngại vật, thậm chí có những cản trở không thể vượt qua.
Vì thế, nó chỉ còn cách chọn đường vòng để chảy tiếp. Cũng là nhờ đi đường vòng, dòng sông sẽ tránh được các chướng ngại vật khác nhau và cuối cùng sẽ đến được biển lớn.”
Nói đến đây, thiền sư liền đổi chủ đề: “Thực ra, đời người cũng vậy. Khi chúng ta gặp phải những trắc trở gập ghềnh trên đường đời, chúng ta cũng nên coi cuộc đời chưa hoàn mỹ đó là một trạng thái bình thường của cuộc sống, chớ bi quan thất vọng, đừng than ngắn thở dài, cũng đừng ngưng chệ làm gián đoạn công cuộc tiến về phía trước.
Hãy coi việc đi đường vòng là một hình thức, một phương cách khác để chúng ta tiếp tục bước đi. Như thế, tất cả chúng ta sẽ có thể như những dòng sông chảy vòng vo uốn khúc kia, cuối cùng vẫn sẽ đến được với biển lớn.”
Coi việc đi đường vòng là một trạng thái bình thường, hãy dùng một trái tim bình thản để nhìn nhận những gập ghềnh, trắc trở trên con đường tiến về phía trước, rồi chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu lớn của cuộc đời.
Đôi lời bình
Ai cũng biết rất rõ rằng, trong cuộc đời mỗi con người, khó có thể tránh được những lúc gặp khó khăn đến mức không thể vượt qua.
Những lúc như thế, linh hoạt lùi một bước cũng là một cách, hoặc hãy tìm những biện pháp khác, dù tốn thời gian hơn một chút, mất nhiều công sức hơn một chút nhưng đạt được mục đích vẫn hơn là cố chấp, muốn đạt được thành quả ngay lập tức và sau đó nhận kết cục đắng cay.
Trong cuộc sống này, không có con đường dễ dàng trong mọi hành trình. Gian nan và thử thách chính là thước đo ý nghĩa của điểm đến, chỉ cần kiên trì vượt qua, chúng ta sẽ đến được nơi cần phải đến.
Và hãy xem khó khăn là cơ hội cho chính mình. Tìm một con đường không thẳng cũng chẳng gần để đi đôi khi lại là quyết định thông minh và sáng suốt.
Chỉ tiếc rằng, nhiều người trong chúng ta chưa nghĩ được như vậy, không thể từ bỏ hoàn toàn hoặc tạm từ bỏ được tham vọng quá lớn để rồi tự rước đau khổ về cho bản thân.
Sưu tầm Internet

Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Một Mình

Cà phê buổi sáng
           uống một mình
Ngồi giữa vườn sau
           chớm bình minh
Hoa lá vỗ về
           người thơ ấy
Vẫn chẳng nguôi ngoai
          ấp ủ hình
Người xưa còn đó
          sao xa quá
Bao nhiêu luyến ái
          vẫn nguyên trinh
Bên kia thương nhớ
          còn hay mất
Mãi mãi nơi đây
          giữ chữ tình

Thùy
7/2/17

Tặng người thơ tên L của Mũi Né