Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

MÌNH ƠI, MÌNH À !

Mình ơi! Tôi gọi là nhà
( Bảo Bảo )




Trong dịp dự tiệc nhà người bạn, tôi đã nghe một đôi vợ chồng già gọi nhau cứ một tiếng “mình”, hai tiếng cũng “mình”, nghe rất cảm động , khiền tôi nhớ lại 2 câu thơ của nhà thơ Bùi Giáng:
Mình ơi! Tôi gọi là nhà
Nhà ơi! Tôi gọi mình là nhà tôi
Tôi không rành tiếng Anh, không biết House và Home khác nghĩa ra sao, chỉ thấy quảng cáo cho thuê nhà tòan ghi House for rent, chưa thấy Home for rent bao giờ.
Ngôn ngữ khác nhau nhưng đôi khi ý nghĩa lại trùng hợp, nghĩ cũng đúng Cho thuê nhà , chẳng ai chịu cho thuê Nhà tôi , Home mà không có Nhà tôi thì biến thành House mất rồi.
Đi về nhà có lẽ là Let’s go house còn Về nhà thôi thì chắc mới là Let ‘s go home.
Nhà của tôi lâu rồi đã là House……, đôi khi có đôi khi sau khi lai rai chén rượu giang hồ phiêu lảng ước gì lại được nói câu Về nhà thôi- Let’s go home, …ước gì…

Đêm khuya nghe gọi : Mình ơi
Dậy em nhờ tí, Mình ơi , Mình à
Giật mình như thể gặp ma
Mồ hôi nó toát như là tắm mưa
Bài thì mới trả buổi trưa
Giờ mà trả nữa te tua tuổi già
Nằm im mắt nhắm cho qua
Bên tai thỏ thẻ Mình à , Mình ơi
Còn bao năm nữa trên đời
Vui xuân kẻo hết Mình ơi , Mình à
Người ta bảo lúc về già
Dẻo dai hơn trẻ Mình à Mình ơi
Con lớn chúng đã xa rời
Nhà thì vắng lạnh Mình ơi Mình à
Sao không bắt chước người ta
Cờ người quyết đấu Mình à Mình ơi
Bàn son có sẵn đang phơi
Quân ngà mau dậy Mình ơi Mình à
Ráng cho vui cửa vui nhà
Em thương Mình lắm Mình à , Mình ơi




« Mình Ơi … Mình À »
( Tú Lắc )


Mình Ơi … Mình À
« Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai »
Nhưng mình có tật nói dai
Nên chi ta cứ cãi hoài không thôi
Ta mình « hai đứa » một đôi
Lâu lâu giận dỗi mỗi nơi một người
Làm lành « hai đứa » lại cười
Xáp vào lại hoá hai người một đôi
Ngọt ngào cất tiếng « Mình ơi ! »
Trên đời đẹp nhất là tôi với mình
Đôi khi có chuyện bất bình
Cãi nhau tôi lại với mình giận nhau
Nhưng mà giận chẳng được lâu
Giận nhau hôm trước hôm sau lại hoà
Nhìn mình tôi bật cười xoà
Nhìn tôi mình lại lăn sà vào tôi
Chúng mình như đũa có đôi
Có đôi để gọi « mình ơi, mình à ! »
Bây giờ như cặp khỉ già
Nhưng mà vẫn cứ « mình à, mình ơi ! »
Khi nào thấy vắng bóng tôi
Thì mình lại gọi : Mình ơi, mình à
Khi nào tôi thấy vắng bà
Thì tôi lại gọi : mình à, mình ơi !
Gọi nhau cho trọn cuộc đời ...


( Tú Lắc )

Cách xưng hô vợ chồng của người việt
Thời nay vợ chồng trẻ xưng hô với nhau "Anh anh em em" âu yếm thân thiết biết bao! Dẫu chồng ít hơn dăm ba tuổi vẫn là anh. Những cặp vợ chồng đã có con cái nếu không gọi nhau bằng “anh” bằng “em” thì cũng gọi nhau bằng “bố’ hoặc “mẹ”, “bố” và mẹ là gọi thay cho con, cũng như khi về già gọi là “ông” hoặc “bà” để gọi thay cho cháu.

Lùi lại bốn mươi năm trước, những gia đình ít nhiều được Âu hoá, vợ chồng gọi nhau bằng "mình" cũng thể hiện được tình cảm đậm đà, gọi nhau bằng "cậu, mợ" cũng thanh nhã, nhưng những từ đó còn xa lạ với nông thôn.



Một số cặp vợ chồng tân tiến muốn gọi nhưng vẫn còn ngượng ngùng với hàng xóm, chỉ thầm kín tỏ tình với nhau trong buồng, thỏ thẻ chỉ đủ hai người nghe với nhau. Cách gọi nhau bằng tên "trống không"cũng là một bước cải tiến lớn, chứ các cụ ngày xưa, thời trẻ chỉ gọi nhau bằng "bố thằng cu", "u nó", "mẹ hĩm"... Người mới lấy nhau chưa có con, chồng chẳng có chức vị gì thì gọi ra làm sao? Bí quá, có cô mới về làm dâu, muốn gọi chồng đang chơi bên nhà hàng xóm về, chẳng biết xưng hô ra sao bèn ra ngõ gọi thật to "Ai ơi! Về nhà ăn cơm". Từ "ai" ở đây không phải là đại từ nghi vấn, hay đại từ phiếm chỉ mà có nghĩa là "chồng tôi ơi".

Còn khi nói chuyện với người khác thì giới thiệu vợ mình hay chồng mình là "nhà tôi". Từ "nhà tôi" thật là đậm đà gắn bó, "mình" và "tôi" tuy hai nhưng một. "Nhà tôi" tức là "chồng tôi" hay "vợ tôi" chứ không thể nói "vợ anh", "chồng nó" là "nhà anh nhà nó".

Vợ chồng nói chuyện với nhau thường hay nói trống không "Này! Ra tôi bảo!" hoặc "nào ai bảo mình"...

Thế đấy! Ngôn ngữ Việt có nhiều cái hay và “phức tạp” lắm!


Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Sao Vầng Trăng Chưa Tỏ

Sao vầng trăng chưa tỏ
Trong đêm khuya muộn màng
Nẻo về sương mù lối
Chơi vơi ta chơi vơi

Sao vầng trăng không tỏ
Trong đêm ba mươi buồn
Trong dư hương phiền muộn
Lối về kẻ tha phương

Sao vầng trăng chưa tỏ
Giữa trời thu mông mênh
Lòng thu đêm vời vợi
Gió mù khơi mù khơi

Sao vầng trăng không tỏ
Khi mây đen phủ đầy
Biết nơi nào em đến
Biết nơi nào anh đi

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

PHÂN ƯU

Nhận được tin buồn Cụ Bà Nguyễn Thị Cúc sinh năm 1913 làng Thiện Nghiệp, mẹ của Phạm Văn Phúc, lớp thứ 6 Cựu học sinh TH Hải Long, Từ trần lúc 3 giờ ngày 24 tháng 11 năm 2011 nhằm ngày 29 tháng 10 năm Tân Mão, hưởng thọ 99 tuổi.
Lễ nhập quan lúc 8 giờ ngày 24 tháng 11 năm 2011 nhằm ngày 01 tháng 10 năm Tân Mão.
Hạ huyệt lúc 14 giờ 50 ngày 01 tháng 11 năm Tân Mão.
An táng tại nghĩa trang xã Thiện Nghiệp, Thành phố Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận




Tất cả Thầy Cô, cựu học sinh Hải Long, bạn bè và thân hữu xin chân thành chia buồn cùng Phạm Văn Phúc và tang quyến.



Thành kính cầu nguyện hương linh cụ bà sớm về cõi Phật.

Hoa Quỳnh




Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

CHUỘC LƯƠNG TÂM

Chuộc lương tâm
(Tác giả : LÝ TỬ)
Cách đây hơn hai chục năm, hồi tôi học phổ thông cấp III, đồng hồ đeo tay còn là thứ xa xỉ phẩm khan hiếm. Một hôm, thằng bạn cùng bàn sắm được một chiếc đồng hồ mới toanh; nó đeo đồng hồ rồi xắn tay áo lên trông thật oách làm sao, khiến cả lớp phục lăn. Chỉ vài hôm sau đã thấy mấy thằng khác cùng lớp đua nhau sắm đồng hồ đeo tay. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng ao ước được như chúng nó: sắm một chiếc đồng hồ để mọi người trông thấy mà thèm.
Hôm chủ nhật, tôi về nhà chơi. Lấy hết lòng can đảm, tôi nói với mẹ: “Mẹ ơi, con muốn mua một cái đồng hồ đeo tay, mẹ ạ !” Mẹ tôi trả lời: “Con này, nhà mình đến cháo cũng sắp sửa chẳng có mà ăn nữa, lấy đâu ra tiền để sắm đồng hồ cho con ?” Nghe mẹ nói thế, tôi rất thất vọng, vội quáng quàng húp hai bát cháo rồi chuẩn bị về trường. Bỗng dưng bố tôi hỏi: “Con cần đồng hồ làm gì thế hả ?”
Câu hỏi của bố nhen lên một tia hy vọng trong lòng tôi. Rất nhanh trí, tôi bịa ra một câu chuyện: “Hồi này lớp con đang học ngày học đêm để chuẩn bị thi đại học, vì là lớp cuối nên bây giờ chúng con lên lớp không theo thời khoá biểu của trường nữa, cho nên ai cũng phải có đồng hồ để biết giờ lên lớp.” Nói xong, tôi nôn nóng chờ bố trả lời đồng ý; thế nhưng bố tôi chỉ ngồi xổm ngoài cửa chẳng nói câu nào.
Trở về ký túc xá nhà trường, tôi chẳng còn dám nằm mơ đến chuyện sắm đồng hồ nữa. Thế nhưng chỉ mấy hôm sau, bất chợt mẹ tôi đến trường, rút từ túi áo ra một túi vải hoa con tý rồi mở túi lấy ra một chiếc đồng hồ mác Thượng Hải mới toanh sáng loáng. Tôi đón lấy nó, đeo ngay vào cổ tay, trong lòng trào lên một cảm giác lâng lâng như bay lên trời. Rồi tôi xắn tay áo lên với ý định để mọi người trông thấy chiếc đồng hồ của mình.
Thấy thế, mẹ tôi liền kéo tay áo tôi xuống rồi bảo: “Con này, đồng hồ là thứ quý giá, phải lấy tay áo che đi để giữ cho nó khỏi bị sây xước chứ ! Con nhớ là tuyệt đối không được làm hỏng, lại càng không được đánh mất nó đấy ! Thôi, mẹ về đây.”
Tôi tiễn mẹ ra cổng trường rồi hỏi: “Sao nhà mình bỗng dưng lại có tiền thế hở mẹ ?” Mẹ tôi trả lời: “Bố mày bán máu lấy tiền đấy !”
Bố đi bán máu để kiếm tiền mua đồng hồ cho tôi ? Trời ơi ! Đầu óc tôi quay cuồng, ngực đau nhói. Tiễn mẹ về xong, tôi tháo chiếc đồng hồ ra, bọc kỹ mấy lớp vải như cũ cất vào cái túi con tý mẹ đưa. Ngay hôm ấy, tôi hỏi thăm các bạn xem có ai cần mua đồng hồ mới không. Các bạn hỏi tôi tại sao có đồng hồ mà lại không đeo, tôi bảo tôi không thích. Họ chẳng tin, cho rằng chắc hẳn đồng hồ của tôi có trục trặc gì đấy, vì thế chẳng ai muốn mua nó.
Cuối cùng tôi đành phải nhờ thầy chủ nhiệm lớp giúp tôi tìm người mua đồng hồ và thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện cho thầy nghe, vừa kể vừa nước mắt lưng tròng. Thầy chủ nhiệm nghe xong bèn vỗ vai tôi và nói: “Đừng buồn, em ạ. May quá, thầy đang cần mua một chiếc đồng hồ đây, em để lại nó cho thầy nhé !” Thầy trả tôi nguyên giá, còn tôi thì dùng số tiền đó nộp hai tháng tiền ăn ở nhà ăn tập thể. Có điều khó hiểu là sau đó chưa bao giờ tôi thấy thầy chủ nhiệm đeo đồng hồ cả. Mỗi lần tôi hỏi tại sao thì thầy chỉ cười không nói gì.
Về sau tôi thi đỗ đại học rồi ra trường và làm việc ở một tỉnh lỵ xa quê. Câu chuyện chiếc đồng hồ kia cứ mãi mãi đeo bám ám ảnh tôi.
Trong một dịp về quê thăm gia đình, tôi tìm đến nhà thầy chủ nhiệm cũ và hỏi chuyện về chiếc đồng hồ ấy. Thầy tôi bây giờ đã già, tóc bạc hết cả. Thầy bảo: “Chiếc đồng hồ vẫn còn đây.” Nói rồi thầy mở tủ lấy ra chiếc túi vải hoa nhỏ xíu năm nào mẹ tôi đưa cho tôi. Thầy mở túi, giở từng lớp vải bọc, cuối cùng chiếc đồng hồ hiện ra, còn mới nguyên !
Tôi kinh ngạc hỏi: “Thưa thầy, tại sao thầy không đeo nó thế ạ ?” Thầy chủ nhiệm từ tốn trả lời: “Thầy đợi em đến chuộc lại nó đấy !” Tôi hỏi tiếp: “Thưa thầy, vì sao thầy biết em sẽ trở lại xin chuộc chiếc đồng hồ ạ ?” Thầy bảo: “Bởi vì nó không đơn giản chỉ là chiếc đồng hồ, mà điều quan trọng hơn, nó là lương tâm của một con người.”

Lý Tử

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

BẢN TỔNG KẾT QUỸ TRỢ GIÚP CỰU HỌC SINH HẢI LONG

Hôm nay là ngày 28 tháng 10 năm 2011
Tại Mũi Né
Chúng tôi thay mặt anh em Cựu Học Sinh Hải Long gồm có :
- Ông Lê Văn Liễu
- Ông Đặng Văn Quân
- Bà Hoàng Thị Thúy Hoa
- Bà Lê Thị Lành
- Bà Nguyễn Thị Mành
- Ông Nguyễn Văn Thừa
Tổng kinh phí Quỹ hổ trợ giúp cụ thể như sau :

*Ghi chú : Cô Hồng Giao Quân số tiền đổi 700 USA = 14.686.000đ

A/. Theo bản tổng kết ngày 22/02/2011
Số đại diện cựu học sinh đã ký chi hỗ trợ là : 14.610.000đ
------------------
Còn lại là : 76.000đ

B/. Tiếp tục chi số tiền quỹ hỗ trợ do Thanh Vân mang về trước Cô Hồng :

*Ghi chú : 2.300 USA = 45.200.000đ
Đã gửi vào Ngân Hàng từ ngày 22/11/2010
Cho đến ngày 22/08/2011 đã rút tiền ra vốn lải là : 49.922.000đ

1/. Hỗ trợ học bổng các con em cựu học sinh có hoàn cảnh khó khăn,

* Nguyễn Duy Hoài 500.000đ
* Nguyễn Thanh Phương Huyền 500.000đ
* Nguyễn Thị My My 500.000đ
* Nguyễn Thị My Ny 500.000đ
* Lê Công Tâm 500.000đ

2/. Hỗ trợ số cựu học sinh đau yếu bệnh tật,

* Phạm Ngọc Thừa (ung thư lưỡi) lớp thứ 8 2.000.000đ
* Phùng Thanh Xuân (mỗ tim) lớp thứ 5 (không chứng từ) 3.000.000đ

3/. Hỗ trợ Thầy Cô đau yếu và khó khăn.
5.000.000đ

4/.Hỗ trợ cho 4 trường mua thêm sách báo thư viện
(đầu tư kiến thức lâu dài cho các cháu học sinh)
Các trường này tủ sách thư viện rất nghèo nàn
*Tiểu học Mũi Né 2 5.000.000đ
*Tiểu học Mũi Né 3 5.000.000đ
*Trung Học CS Lê Hồng Phong 5.000.000đ
*Trung Học PT Bùi Thị Xuân) 5.000.000đ
--------------------
Tổng chi đến ngày 30/10/2011 là 32.500.000đ


Vậy cho đến thời điểm ngày
30/10/2011 tổng chi số tiền do Thanh Vân mang về là : 32.500.000đ


Tiền Thanh Vân Mang về gửi Ngân Hàng hiện có 49.922.000đ
Số tiền Cô Hồng còn thừa ở trên mang xuống : 76.000đ
------------------
Tổng cộng 49.998.000đ
Tổng chi 32.500.000đ
Còn lại 17.498.000đ


Dự chi:
Hỗ trợ đêm văn nghệ 18/11/2011 giúp đỡ các em học sinh nghèo 5.000.000đ Ngày họp mặt trực tuyến 07/11/2011
Tặng quà ngày nhà giáo 20/11 cho thầy cô 9.000.000đ

Như vậy quỹ tương trợ sẽ hiện còn lại là: 3.498.000đ


Bản tổng kết chi phí thông qua các anh chị có tên ở trên đồng ký tên
Các thành viên kết hợp ký tên


- Ông Lê Văn Liễu
- Ông Đặng Văn Quân
- Bà Hòang Thị Thúy Hoa
- Bà Lê Thị Lành
- Bà Nguyễn Thị Mành
- Ông Nguyễn Văn Thừa


Lê Văn Liễu

Họp mặt trực tuyến lần 2 - VideoClip 5