Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

PHÂN ƯU

PHÂN ƯU

Nhận được tin buồn Cụ Bà Diệp Thị Bé (Mata Diệp Thị Bé).
 Sinh năm 1929 tại Xã Thiện Nghiệp, Thân mẫu của:
Võ Đình Lang (cựu học sinh Hải Long lớp thứ hai);
Võ thị Thanh Vinh (cựu học sinh Hải Long lớp thứ bảy).


Từ trần vào lúc 19g 10'-Thứ hai, ngày 23/11/2015 (ngày 12/10 năm Ất Mùi),
 hưởng thọ 86 tuổi. 
  Lễ nhập quan lúc 14 giờ 00-Thứ ba, ngày 24/11/2015 (ngày 13/10 năm Ất Mùi). 
Lễ động quan lúc 15g 30'-Thứ tư, ngày 25/11/2015 (ngày 14/10 năm Ất Mùi). 
An táng tại Nghĩa trang Giáo sứ Rạng.

Thầy Cô, cựu học sinh Hải Long, bạn bè và thân hữu xin chân thành chia buồn cùng tang quyến.

Thành kính cầu nguyện hương linh cụ Bà sớm siêu thoát.


Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Chuyện Ma Bình Thuận

Chuyện Ma Bình Thuận


Dân Bình Thuận mà chưa biết câu “Cọp Khánh Hòa Ma Bình Thuận” thì chỉ có nước đập đầu xuống gối mà chết vì kiến thức thua cả thiếu úy Thọ. Nhỏ nghe đủ loại ma bắt mà sợ, nào ông kẹ, ma cụt giò, ma vú dài. ma cột đèn. ma gốc cây…Đến hơn 60 tuổi, tôi vẫn còn sợ ma nhưng rất thích nghe chuyện ma, hể chương trình discovery trên TV nói về ghost là tôi chờ xem cho được. Có khi tôi nghĩ  ma Khánh Hòa cọp Bình Thuận thì đúng hơn, có lẽ vần không được suông nên đành nói ngược lại. Những gì kể sau đây, các Bạn chỉ nên tin một phần, góc ba góc tư gì đó, tôi không chịu trách nhiệm phần trăm nào hết. Trước hết là chuyện cọp, chuyện cọp và  ma, cuối cùng là chuyện ma không có cọp. 
Lúc nhỏ ở nhà Dì Hai, má chị TS, tôi thấy cứ Tết đến là Dì làm một mâm cúng ông Cọp, mà ông này cũng có hình ảnh treo trên tường đầu hồi. Dì tôi kể lại, khi xưa dịp Tết, Bà của chị TS có dắt người con gái chưa chồng lên chùa Núi. Trên đường lên núi, thấy người con gái đi chậm, bà nói giởn, nếu chậm sẽ gửi lại chùa cho Thày trụ trì. Chợt nghe tiếng cọp gầm tỏ vẽ giận dữ. Đoàn người sợ, vừa niệm Phật vừa lầm lũi bước nhanh. Lên đến chùa, kể lại chuyện cho Thày, Thày nói có thể đó là ông Cọp đang tu trên chùa,  nghe được những câu xúc phạm Thày, Ổng giận. Các buổi tối sau, xen lẫn tiếng kinh tụng của Thày là tiếng cọp rống. Thày trụ trì khuyên nên xuống núi sớm. Đoàn người nghe lời, tờ mờ sương đã vội vả khởi hành xuống núi, thỉnh thoảng nghe tiếng chân sột soạt và hình như có cặp mắt nào đó đang rình mò. Về đến Phan Thiết, cũng không ai để ý đến chuyện ông cọp, sinh hoạt bình thường. Một buổi sáng, khi đi chợ về sắp đến nhà, Bà của TS nghe lối xóm báo tin có Cọp ngồi trên mái nhà, hổng biết khi nào và cách nào mà ổng lên được. Hoảng hốt, Bà nhớ lại chuyện đi chùa… Sau đó, lính Pháp bắn chết Cọp vì không thể nào mời ổng xuống nói chuyện phải trái. Đó là chuyện Cọp về Phan Thiết có thật, những người trên 90 tuổi còn khỏe không bị lãng đều biết chuyện này, cần chi tiết hỏi thêm chị TS.

Chuyện thứ hai là chuyện vừa cọp vừa ma. Mùa mưa năm 85, có lần tôi lên Tánh Linh làm đường Tà Pao Mê Pu. Đêm ngũ chợt nghe tiếng la hét, tiếng súng nổ (lúc đó súng đạn còn nhiều), tỉnh dậy nghe anh em nói lại Cọp vào nhà bắt người. Con cọp này gan thật, nhảy qua cửa sổ tha người chạy mất, bầy chó sợ điếng hồn cụp đuôi mấy ngày sau mới dám sủa. Theo dấu móng cọp để lại, có người khẳng định đây là con cọp “độc” chuyên bắt trâu bò heo gà ở Mê Pu, có lần bị sập bẩy, cọp vùng vẩy cắn người thoát ra được, từ đó còn 3 chân và lại thích ăn thịt người. Những ngày sau, cả xã chia ra nhiều nhóm nhỏ đi tìm nhưng vẫn không thấy xác. Có người bày cúng gọi hồn vì chắc là chết rồi. Nghe cũng có lý và cũng không còn cách nào khác, gia đình người chết rước sư Thày về cúng. Đêm đó, người vợ ngủ mê mơ thấy bóng chồng, chỉ nơi nằm nghĩ, dặn vợ đừng ầm ĩ vì cọp nghe được. Sáng hôm sau, chị vợ nói lại giấc mơ, cả làng đi tìm cả chục cây số và đúng như báo mộng, xác không còn nguyên vẹn mà chỉ còn phân nửa bên dưới được con cọp tinh dấu kỹ trong lùm cây. Theo kinh nghiệm những người thợ săn lâu năm, anh em động viên gia đình người xấu số, xin để nguyên xác người tại chỗ chưa đem về chôn, chờ rình bắn con cọp quay lại ăn mồi. Chính xác, khoảng một tuần thì con cọp “què” chủ quan khinh địch quay lại vào tờ mờ sáng, bị bắn chết khi chưa kịp tha mồi phóng vào rừng.
Chuyện ma thì nhiều lắm, chỉ kể mấy chuyện nho nhỏ, để mấy bạn đêm khuya thao thức trằn trọc đọc xong sợ ma trùm mền kín mít từ đầu đến chân dễ ngũ mà thôi. Bình Thuận là vùng đất cuối cùng của người Chiêm Thành, công chúa cuối cùng Bà Thềm cũng chết tại Bình Thuận, nhiều mộ Tần mộ Hời, nhiều kiểu chết nên tụ tập khá nhiều loại ma.
Từ nhỏ đã nghe về Ó ma lai, ban đêm bay đến các ngôi mộ mới chôn đào ăn xác người. Ma lai ban ngày là người, sinh hoạt tất cả mọi thứ đều bình thường, chỉ ban đêm mới thành ma. Rút đầu ra khỏi cổ, đem theo ruột gan lòng thòng, bay đi ăn đêm. Nhớ lại khi xưa, thường ngủ chung với mấy Dì và mấy người Chị, vẫn sợ sệt tưởng tượng lung tung, đêm khuya lò mò thức dậy coi mấy Bà này có biến thành Ó ma lai hay không, sờ thấy còn mái tóc dài mới yên tâm ngũ khò đến sáng. Những năm 90, vợ của một người bạn khóa 72 của tụi mình, đang làm Ngân hàng ổn định, rất đẹp nhưng cổ lại có ngấn. Thế là dân Phan Thiết loan tin đồn Ó ma lai, cả nghìn người rủ nhau đi xem, báo hại Ngân hàng phải đóng cửa và hậu quả là vợ bạn phải nghỉ việc, tức thật vì đến nay cô này vẫn còn sống khổ. Có lời khuyên, mấy bà bạn đẹp lão, da trắng cổ có ngấn, cần xem lại mình có phải là ma lai hay không để chỉ hẹn bạn bè gặp nhau vào ban ngày.

Một vị ma nữa là Thần Trùng. Truyền rằng, Thần Trùng chuyên làm khổ những người mới chết trong vòng thất tuần chưa kịp tỉnh ngộ trình diện diêm vương. Hù dọa tra khảo để người chết khai ra những người thân trong gia tộc, bắt đi theo. Vì vậy khi gia đình có người mất, việc đầu tiên là phải nhờ Thày xem ngày giờ người mất, tuổi người sống, ai bị trùng không được nhìn mặt khi tẩm liệm, không được dự lễ hạ quan… Lúc nhỏ ở Đức Thắng, nghe nhiều về chuyện Thần Trùng bắt người, ban đêm giả một giò, đi rảo các con đường hẻm mờ ảo ánh sáng vàng của bóng đèn tròn lung lay theo gió. Ghê nhất là chuyện Thần Trùng bắt cả nhà ông Thất Ngàn, ở đường xuống dinh vạn Thủy Tú. Sau này, gia đình một người bạn 72 đường NTH hình như cũng bị Thần Trùng chiếu cố, người con vừa chết chưa chôn là người cha cũng tự tử chết, sau đó không lâu là người em gái.
Bình Thuận là xứ biển, chết đuối là chuyện bình thường, người ta cho là bị ma da kéo (không phải là ma nhớt mới xuất hiện gần đây chuyên hù mấy bà góa). Dân biển cho rằng sau khi những người bị ma da kéo chết, cũng trở thành cô hồn, thường giả thành gái đẹp đi thơ thẩn trên bờ biển hoặc ngồi lạnh co ro, tìm người kéo xuống biển thành ma cho vui. Chết đuối, gia đình không cho đem người chết vô nhà, sợ rủ thêm người thân. Có một năm Phan Thiết bị bão xuất hiện bất ngờ gần bờ, hàng trăm xác người chết trôi vào dọc bờ biển từ Đức Thắng Lạc Đạo xuống Xóm Biển Xóm Trạm, cảnh người chết đắp chiếu, cảnh người thân khóc chờ đợi xác trôi vào, suốt đời tôi không bao giờ quên. Để những người chết đuối, những ma da cô hồn tứ cố vô thân có nơi nương tựa, người sống lập ra các nơi thờ như sở (miểu) Cô Bác tại Đức Long, miếu cô hồn Động Làng Thiền, miếu Cồn Chà (gần nhà NN., một người bạn 72 đã mất). Thú thật, tôi vẫn chưa gặp ma da, dù rằng rất nhiều lần thấy bóng người ngoài biển nhưng rốt cuộc không phải là ma thật, chỉ là cô hồn sống.

Trên rừng thì nhiều ma đói lắm, do chết, chôn giữa rừng thiêng nước độc nhưng người thân không có hoặc không đến thăm mộ (tục lệ người dân tộc). Hồi ở Bình Thuận, có lần đi rừng La Dạ, lang thang tìm lan rừng, thấy vắng người, kéo phẹc…, tự nhiên tôi lạnh người, thấy thoáng có ai đang nhìn mình mỉm cười. Vội vàng kéo lại…, ráng nhìn kỹ nhưng người lạ biến mất, tôi lên tiếng hỏi cũng không ai trả lời, bước theo khoảng vài thước thì một nấm mộ đất nho nhỏ nằm tự bao giờ. Tôi hiểu, khấn nhanh và rút lui có trật tự. Sau này, một lần đi rừng Bù Đốp Lộc Ninh, tôi cũng gặp chuyện lạnh xương sống tương tự. Những Bạn có dây thần kinh số 6 tốt, đều có khả năng “ngoại cảm” như tôi, có điều không bằng nhà ngoại cảm BH, nghe nói bà này biết được cả răng người chết nằm dưới mộ.
Chết mà tức tưởi cũng khó siêu thoát, thường hóa thành ma le trêu người. Ở Phan Thiết, có con đường NTT mới mở sau 75, nối THĐ và Đồi Dương. Khi phóng đường, gặp ngôi mộ của một cô gái vượt biên khu vực Vĩnh Thủy bị chết, xe ủi thi công đều bị trở ngại, máy chết hoặc người lái bị nhập hóa điên. Không ai dám ủi mộ, dù có thưởng cao và đã nhậu xỉn, rốt cuộc, phải né ngôi mộ, nay trở thành một ngôi miếu thờ. Năm tôi làm đường Đông Tiến Đông Giang cũng gặp hiện tượng này khi phóng đường qua một nghĩa địa người K’Hor, máy ủi D9 của  Mỹ khi đến đó là tắt máy, dù đã làm dê cúng tạ, chỉ còn cách lánh xa mấy vị. Hay ở các khúc đường quốc lộ qua Cá Ná, Hồng Sơn… cũng vậy, xe chạy ban đêm hoặc giữa trưa là thấy người vẩy, con nít chạy long nhong ngoài đường, tài xế tưởng là cán chết người nhưng xuống xe không thấy ai lại còn nghe tiếng trêu chọc. Lập miếu thờ là yên chuyện. Các hiện tượng tâm linh này tôi vẫn chưa giải thích được.
Bình Thuận còn nhiều chuyện ma lắm, chuyện ma trơi hiện ra thành đốm lửa lập lòe trong nghĩa địa, chuyện xin ván hòm làm con cơ. Muốn cầu cơ còn phải có cả bàn chữ, bài thơ cầu cơ, một cây đèn dầu vì phải ra nghĩa địa ban đêm. Phải tin và tịnh tâm, đè tay nhè nhẹ lên con cơ, khấn hỏi, cơ sẽ chạy theo từng chữ cái, ráp lại thành những câu trả lời. Ai nặng bóng vía và nghịch phá, con cơ chạy loạn xạ, có khi chửi thề. Bạn nào tin, có khi còn được ma nữ theo về nhà, nhưng rất hiếm. Ma nhà thương trên đường vào nhà xác bệnh viện Phan Thiết thì phải hỏi GH. Ma dốc đá ông Địa phải hỏi KL. Ma hời khu mộ cổ Chí Công thì phải hỏi V. Ma cây dúi Hồng Sơn thì phải hỏi H. móm hay D. Yamaha gì đó…
Thế giới vẫn đang tìm hiểu chuyện oan hồn ma có thật hay không. Có những chuyện rờn rợn hay tâm linh vẫn chưa giải thích được như chiêm bao báo mộng, cầu hồn lên đồng, thần giao cách cảm. Bằng những thiết bị công nghệ hiện đại ghi âm ghi hình, đo dao động sóng âm, khuếch đại vi sai năng lượng…, vẫn chưa đi đến đâu. Ma vẫn là ma mà người vẫn là người, chưa hiểu hết nên chưa gặp được nhau.

Hiện nay Bình Thuận hết cá biển lẫn hết rừng, thành phố Phan Thiết thì đất chật người đông, cả người chết tìm đất chôn cũng khó, làm sao ma quỹ  còn chỗ nào mà ở. Chuyện ma Bình Thuận chỉ còn trong dĩ vảng. Thật ra, không ma nào tôi sợ bằng maman mấy đứa nhỏ. Có lẽ mấy bạn trai của tôi cũng vậy, tính di truyền từ thời Lạc Long Quận phải dẩn 50 con lên núi theo lệnh bà Âu Cơ.

Phạm Sanh, P3/B2 72PBC

Nước mắm Phan Thiết

Nước mắm Phan Thiết



Năm đầu tiên vào học Sài Gòn, bạn bè cư xá Phú Thọ cứ kể câu chuyện trêu chọc, đang ngủ trên xe đò đi ngang Phan Thiết là bật tỉnh dậy biết ngay ở đâu. Lúc đó vừa thẹn vừa giận lại vừa thương cho quê hương nước mắm của mình. Nhỏ, ở nhà Ngoại, xung quanh toàn là thùng lều, bà Ngoại nhỏ nước mắm Mậu Hương, bà Ngoại lớn nước mắm Nam Hương, bước ra đường là thấy bà con thân thuộc chữ Hương và chữ Hồng, Hồng Hương, Vạn Hương, Hoàng Hương, Tân Hương, Hồng Sanh, Hồng Xuyên, Hồng Hòa… Mùi cá, mùi nước mắm, cũng như mùi biển mặn đã ăn sâu vào hơi thở lối sống tính cách những người con xứ biển.
 
Nghe kể, nghề nước mắm Phan Thiết có bề dày trên 300 năm do những  ngư phủ người Quãng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên theo chân đội quân Nguyễn Hữu Cảnh tiến vào miền đất phương Nam, vượt biển đưa cả gia đình vào vùng đất mới Phan Thiết, đất lành chim đậu. Khi thành lập Tổng Đức Thắng (1809), tên khai sinh của Phan Thiết, nước mắm đã ra đến đàng Ngoài. Đến đầu thế kỹ 20, nước mắm Liên Thành hiệu con voi đã có mặt khắp mọi miền đất nước, khắp Đông Dương và qua tận trời Tây dự triển lảm Marseille (1922).Những năm 1930, Bình Thuận đã sản xuất hàng năm đến 40 triệu lít nước mắm, chiếm 70% lượng nước mắm cả nước.

Nhờ hai dòng hải lưu ngược chiều ven bờ kéo theo hiện tượng nước trồi, tạo ra nhiều thức ăn phù du “dụ khị” các loài cá nổi về đầy vịnh Phan Thiết từ Mủi Né cho đến Mủi Dinh. Tiếng lành đồn xa, Phan Thiết đã thu hút đông đảo ngư dân miệt ngoài về dựng lều chòi tạm sinh sống dọc theo cửa sông, bãi biển. Dần dần, có của ăn của để, xây dựng nhà cửa kiên cố, nhớ ơn Tiền hiền Trời Phật Thánh Thần cùng nhau xây Dinh xây Vạn thờ “Ông” (cá voi). Vạn Thuỷ Tú Đức Thắng  lập vào năm 1762 là ngôi Vạn sớm nhất ở Phan Thiết. Hình thành nghề nước mắm, có thể lúc đầu cá nhiều không tiêu thụ hết, ướp muối hoặc làm mắm để ăn dần bán dần, nhưng đến mùa cá nục cá cơm, cá nỗi đầy biển, cá nặng muốn chìm ghe, cá nhiều quá phải nghĩ ra cách kéo rút lấy nước mắm từ thủ công lu mái ảng sành ngoài trời đến công nghiệp thùng lều trong các dãy nhà lều to như nhà máy.

Thùng lều hình trụ thường bằng gỗ mềm như bằng lăng, mít, bờ lời để dễ niền lại bằng dây song chạy quanh mặt ngoài thân thùng, các mảnh ván gỗ được siết chặt vào nhau, không còn khe hở. Có thùng trổ, thùng phơi, thùng chứa. Các loại thùng này có kích thước khác nhau, thùng nhỏ hơn gọi là thùng ba, thùng lớn hơn gọi là thùng tư. Thùng muối cá, xuống ngang mặt đáy thùng có một lỗ lù để rút nước mắm. Trước khi muối cá phải đắp lù, dọn thùng thật sạch, để khô ráo, lấy vỏ ốc để phía trong lỗ lù, đắp bao tải trấu rồi đắp một lớp muối hạt lên trên. 

Phan Thiết nổi tiếng thương hiệu nước mắm cá cơm. Cá cơm đánh bắt về được chọn lựa kỹ, bỏ những con to hay nhỏ quá hoặc không tươi, nên chọn cá  cơm than hoặc sọc tiêu để nhiều nước mà ngon. Cá cơm được đem vào muối không cần rửa lại vì trước khi đem lên bờ, cá đã được rửa bằng nước biển. Khi muối tỷ lệ thường dùng là 3 cá 1 muối, hai thành phần đó trộn chung cho thật đều mà không để nát, gọi là chượp, cũng có thể lớp cá lớp muối. Sau khi cho chượp vào đầy thùng, rải một lớp muối lên trên rồi cài lá dừa, vỉ tre trên mặt và xếp đá hộc đè chặt xuống.
Sau 2-4 ngày người ta mở nút lù ở đáy thùng tháo dịch cá chảy ra. Dịch này gọi là nước bổi, do các enzymes trong ruột cá giúp thuỷ phân phần nội tạng cá. Nước bổi có thành phần đạm cao, nhưng có mùi tanh, chưa ăn được, thường được vớt bỏ váng bẩn để làm nước châm vào các thùng chượp đã chín nhằm tăng độ đạm. Sau khi rút nước bổi, chượp trong thùng xẹp xuống và bắt đầu quá trình thuỷ phân chính. Tác nhân chính của quá trình này là một loại vi khuẩn kỵ khí, cần thời gian từ 8-18 tháng mới thuỷ phân xong thân cá. Khi quá trình này hoàn thành, tức chượp chín, nước mắm hình thành trong suốt với màu từ vàng rơm tới nâu đỏ cánh gián (tuỳ theo từng loại cá cơm) không còn mùi tanh mà có mùi thơm nồng, nhà lều dùng từ đã ”cẩn”. Nước nhất được rút từ thùng lều được gọi là nước mắm nhỉ, hoàn toàn từ thân cá thuỷ phân mà thành. Sau khi đã rút nước nhỉ, người ta đổ nước cốt châm vào để rút tiếp nước hai gọi là nước mắm ngang hoặc nước long, có long 1, long 2… Trong thời gian chế biến, hàng ngày 2 lần phải múc nước mắm từ thùng trổ đổ lên lại thùng muối, có thể thêm muối thêm cá thêm nước bổi nước cốt nhiều lần.

Nước mắm Phan Thiết còn một loại nỗi tiếng danh bất hư truyền, không phải là loại nước mắm nhỉ ăn với cơm nóng, mà là nước mắm lú, lấy nước mắm nhỉ để lâu thật là lâu nhiều khi quên mất (mới gọi là lú), màu cánh gián, bớt mặn bớt mùi, hơi hăng nồng, dùng trị bệnh là chính. Đau bụng, viêm họng, bất tĩnh trúng gió, đặc biệt là ca sỹ cần hơi dài gọng thanh, thợ lặn uống một ngụm ấm người trước khi xuống nước rất tốt.
Những hãng chế biến nước mắm với số lượng lớn gọi là hàm hộ. Có hàm hộ nhỏ,  hàm hộ lớn. Việc phân định cũng chỉ tương đối, căn cứ theo số que nước mắm và uy tín của hàm hộ. Mỗi que từ 12 - 20 thùng nước mắm lớn, mỗi thùng lớn có sức chứa từ 5 - 7 tấn cá hoặc nhiều hơn nữa. Mỗi hàm hộ lại có logo khác nhau, Kiết Thành biểu tượng 3 cua xanh, Mậu Hương 2 chữ thập xanh, Vạn Hương cá thu đen, Hiệp Hòa 2 ngôi sao đỏ,  Hồng Hương có biểu tượng con tôm được xem là hàm hộ lớn nhất Phan Thiết.
Thật ra, cách chế biến nước mắm của các hàm hộ trước đây đều khác nhau, gần như “bí mật” dấu nghề từ cách chọn cá, dọn thùng, tỷ lệ cá - muối chượp, quy trình pha trộn các loại nước mắm, cả việc bỏ thêm đường cho dịu và bỏ màu cho bắt mắt, người Huế thích màu đỏ đậm, cao nguyên thích mặn, Đà Nẳng thích mùi. Các chủ hãng nước mắm lớn trước đây đều quý người “cọp rằn”, chăm sóc gia đình người này cả đời, giống như cách quản trị nhân sự của các Công ty Nhật hiện nay. Hầu như hàm hộ Phan Thiết ai cũng cho các đầu nậu mượn tiền để có lượng cá làm nước mắm ổn định giá rẽ, đều có đội xe đội tàu, đều có đại lý kho hàng ở các nơi tiêu thụ, một dạng kinh doanh theo nguyên lý khai thác chuỗi giá trị đi trước thời đại.

Nước mắm Phan Thiết ban đầu chứa trong các tĩn nung hình bánh ú bằng đất sét trộn bùn non, mới hình thành xóm Lò Tỉn gần cầu Bốn mươi,  mỗi tĩn có dung tích 3,5 lít, có gắn nắp trét hồ kín và dây quai xách. Theo các cụ lớn tuổi thì nước mắm vô tĩn hợp vệ sinh, hương vị màu sắc được giữ nguyên vẹn ở bất kỳ thời tiết nào, để càng lâu lại càng ngon. Nước mắm tĩn được chất lên những chiếc ghe bầu đi khắp nơi, nghe nói cả các nước Đông Nam Á.

Ghe bầu Phan Thiết, đúng ra là ghe bầu Mủi Né khá nỗi tiếng, tiếp thu kỹ thuật đóng ghe của Malaya và Champa, làm kiểu cho ghe bầu miền Trung một thời. Dáng bầu bĩnh, trọng tải hàng 100 tấn chở được khoảng 20.000 tĩn nước mắm tương đương 10 toa đôi xe lửa, 3 buồm, nhiều khi xuôi gió chạy được tới 20km/giờ. Ghe có lái phụ, khoảng 12-14 người bạn chia làm 6 phiên, 1 tổng khậu lo bếp núc ăn uống. Mỗi chuyến đi vài tuần vào Sài Gòn hoặc vài ba tháng ra Trung, chở muối nước mắm đi bán và chở về gạo đường trái cây vải vóc. Công ty Liên Thành có 3 ghe bầu mang tên khá ngộ: Vị thuyền, Phan Thiết, Hải Thuyền.

Ghe bầu trở lái về đông 
Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi 

Khi đường bộ và công nghệ bao bì phát triển, nước mắm Phan Thiết được chuyên chở bằng thùng thiếc và thùng nhựa 20 lít, các chị em súc tĩn đã chuyển sang súc thùng, không còn ghe bầu vì đã có các tàu chở hàng trọng tải trên 200 tấn (những năm chiến tranh, đường bộ bị đắp mô, đường sắt ngừng hoạt động).
Sau giải phóng, nghề nước mắm Phan Thiết yếu hẳn, các hàm hộ nếu không bị cải tạo tư sản (thường là các hàm hộ được “người phe trước” ca ngợi, chụp ảnh lưu niệm) thì cũng phải vào quốc doanh, có người sợ hiến cả sở lều đi làm công nhân múc nước mắm để con cháu được ghi lý lịch tốt tốt một chút. Người ta lại nghiên cứu khoa học, xây bể chượp bằng bê tông gạch đá thay vì thùng gỗ truyền thống, làm nước mắm ngắn ngày thay cho quy trình đảo trộn lụi hụi trước đây. Kết quả thấy rõ, danh tiếng chất lượng thơm ngon nước mắm Phan Thiết chỉ còn trong kỹ niệm hoài cổ, danh hiệu nước mắm Phú Quốc lên ngôi. Dù hiện nay, không còn nước mắm quốc doanh, có tới trên 200 hãng nước mắm tư nhân Phan Thiết, đủ tên đủ tuổi, nhưng ngay cả tôi cũng dặn vợ không nên mua về dùng, vì nếu không giả thì cũng dởm, mang tiếng Phan Thiết mình.
Thật ra tôi rất đắn đo khi viết bài này cho mấy Bạn, sợ viết không hết ý và gợi lại nỗi nhớ những người thân trong gia tộc gia đình đã mất, ngại Má tôi buồn vì cả mười đứa con không ai theo nghề nước mắm của Ông Bà Cha Mẹ, cũng may mà Má đã lãng. Tôi vẫn nhớ hình ảnh những đêm khuya mùa cá nục, từng đoàn người nối đuôi gánh từ Cồn Chà về lều, Mẹ tôi xắn quần muối chượp cả đêm. Tôi không quên đức độ những bà Cửu Sanh, Cửu Mười, Hồng Hương, Hồng Sanh…, những người đàn bà cả đời tận tụy cho danh hiệu  nước mắm Phan Thiết, nhưng cái kết lại không được có hậu cho lắm.

Phạm Sanh, P3/B2 72PBC

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Hình vẽ trên đường phố

Toronto cũng giống như những thành phố lớn khác trên bắc Mỹ,chúng ta thường thấy những hình ảnh" nghệ nhân đường phố" họ vẽ lên những vách tường,nhiều hình ảnh nghệ thuật rất  cao,nhưng hiếm khi  được công nhận,bởi vì họ là nghệ nhân đường phố!!
Mời các bạn xem vài hình ảnh mt  chụp ở con hẽm nhỏ downtown Toronto

















Và đây là chiếc cầu cũ thật cũ nhìn về hường CN Tower




Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

Mũi Né xưa

Tôi cùng một người bạn ở xa về, dạo chơi một vòng từ xứ Rạng cho đến Mũi Né,.Các khu du lịch nằm cạnh nhau kéo dài hơn 12km Phố thị Mũi Né bây giờ đông vui ,nào là khách sạn, quán ăn, karaoke, massage lẫn các món ăn chơi không thiếu thứ gì. Khách du lịch các nơi đổ về, từ sáng cho đến khuya ăn uống vui chơi. Nhìn Phố thị rộn ràng như thế tôi lại thấy nhớ Mũi Né ngày nào: Mũi Né của một thời tôi cùng bạn bè tôi đã sống. Một thời tuổi thơ đi qua bây giờ nhớ lại cũng chỉ là một thoáng xa mờ trong ký ức. Mũi Né xưa Mũi Né của quảng thời thơ mộng.
Tôi nhớ rất rõ ngày xưa ấy, khi đi xa về, ngồi trên chuyến xe từ Phan Thiết về Mũi Né lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy nao nao. Xe lên dóc lầu ông Hoàng, xe đổ dóc mũi Đá Ông Địa gió bấc lùa mang theo mùi vị tanh nồng mằn mặn của biển cả làm lòng tôi thấy rộn ràng hơn. Mũi Né mờ mờ xa từ nơi ấy
Em có về thăm Mũi Né không
Dường như trời đã sắp vào xuân
Dường như gió bấc lùa trong cát
Những chuyến xe đò giục bước chân
Quanh co qua những con đường quen, quanh co qua những hàng dừa xứ Rạng xanh mát, quanh co qua những nỗi nhớ bao ngày . Mũi Né hoang sơ trầm mặc ngày nào cũng hiện ra trước mắt tôi. Đứng ở Cây Dừa Một nhìn về xứ Rạng xa xa, Thạch Long xa xa, Mũi Né như bức tranh quê hoàng mỹ nhất . .
Mũi né xưa không có những địa danh lịch sử như Sài gòn Hà Nội..hay những danh lam thắng cảnh nơi khác.Mũi Né xưa chi là biển, gió, cát,.Sự đổỉ thay không ngừng nghỉ của thời gian làm cho biển đồi Mũi Né trở nên thiết tha hơn với những ai từng sống với nó và Mũi Nexưa trong tôi không chỉ là những kỷ niệm tuyệt vời nhất mà còn là một dòng sông đầy thơ trôi mãi theo những tháng năm dài dù tôi có đi đâu về đâu..
Vẫn những sáng êm êm, từng đợt sóng mềm vổ đều vào bờ.Từng đàn từng đàn cá đối len vào bờ đá khi nước lớn [bây giờ không còn nữa].Lũ học trò chúng tôi cùng nhau đánh lưới bắt cá,ngập lặn quanh bờ đá.Rồi khi hè đến,khi cây phương vĩ già độc nhất của sân trường trung học Hải Long thủa nào nở hoa cũng là lúc gió nồm nam về thổi mạnh.Từng đơt sóng vổ vào kè đá,những lớp đá cuội bao đời vẫn vững bền che chắn cho bến bờ Mũi né ,Mùa nồm nam về,một mùa bội thu, từng cội chà xa khơi mọc lên, từng đàn cá nục,cá lầm lại về cho người dân Mũi né lại hả hê với một mùa lắm cá nhiều tôm.Rồi khi gió bấc về se se lạnh,biển MN trở lại hiền hòa như xưa, mảnh trăng khuya cùng những bóng thuyền xa,từng đợt sóng êm đềm vổ róc rách vào kè đá, bóng dừa khuya lay nhẹ suốt đêm dài .Buồn nhớ trở về khi tiếng máy đêm nổ nhẹ ngoài khơi , Mũi Né vắng lặng cô đơn như những chòi rớ khuya bên ánh đèn soi cá.
Tôi nhớ những con đường đất trong làng những tối không trăng. Chúng tôi vẫn ung dung lang thang trên những con đường quen ấy; Khi thì nhà bác Cả, bác Sáu Lý ,bác Cẩm Zùng;Khi thì nhà Ánh Hòa, A Xỉn hay nhà Võ Bất ,Võ Tồn.Con đường dóc bà Banh với nhiều địa danh kỷ niệm Trường Hải Long, đình làng Khánh Thiện, bida Tâm teo, cà phê Hùng, ngả tư Cù Đe, banh lắc ông Tòng. Tôi nhớ nhất những đêm trăng sáng thầy trò thường rủ nhau ra hòn đá ông Chin Cẩu ngắm trăng . Ngồi trên mỏm đá chơi vơi nhìn sóng nước đêm, biển trở nên hư ảo lạ thường. Nhìn về xứ Rạng xa mờ bóng dừa đêm trãi dài theo bờ khuya như suối tóc đen đang ôm lấy khuông mặt mỹ miều của ai đó thuần khiết và lãng mạn. Bây giờ những nơi ấy chỉ là những tên gọi xa xưa, một số rơi vào cảnh hoang tàn, một số trở thành nhà phố theo dòng đô thị hóa.Vết tích một thời cũng chỉ là những ký ức xa mờ nằm trong tâm khảm của mỗi chúng ta để trong một lần tìm về nào đó khi nghe tiếng chuông chùa phật học MN hay tiếng chuông nhà thơ Thạch Long vang lên ta lại lục tìm trong xó xỉnh ký ức một thời bao kỷ niêm vui buồn trên xứ MN đấy ấp thân thương này.
Tôi rất nhớ vầng trăng xưa thủa ấy.Ngữa mặt nhìn trời đêm trăng khuya thật xa,.thật cô đơn,trăng tỏa ra cả không gian bao la,biển trăng dịu vợi mông mênh. Trên biển khơi trăng như vỡ vụn, từng mảnh sáng trôi dạt muôn nơi xa xôi vô định. Đồi trăng sáng tối ẩn hiện phô bày những đường cong tuyệt mỹ của đất trời Cả một thời trăng ấu thơ chơi vơi .Trăng xuyên qua từng lớp lá dừa trăng trở nên lung linh huyền ảo hơn.Chúng tôi những người bạn trai gái thủa thời niên thiếu ấy cùng vui đùa bên nhau suốt cả bao mùa trăng và cũng trong những lần trăng đầy lưu luyến ấy tôi và cô ấy trở thành đôi bạn thân.Chúng tôi thương rủ nhau chơi riêng hay những lúc trăng về sáng chúng tôi thường cùng nhau đi gánh nước và khi chúng tôi cảm nhận đươc thứ tình cảm lạ lùng thủa ban đầu lưu luyến ấy thì vừa lúc chúng tôi xa nhau.Dòng đời nghiệt ngã đã tách chúng tôi về hai lối.Vầng trăng Mũi né xưa trở thành kỷ niệm buồn.
Ôi những chú nai tơ
Công chúa rừng già
Nơi hoang đường xa
Cừa đã khép ngăn em về.
[Tuổi biết buồn -Nhac Ngọc Chánh-Phạm Duy]
Tôi đi Nha Trang còn cô ấy cũng dời nhà đi nơi khác.Chúng tôi bặt tin nhau từ đó mãi cho tới khi năm tôi 20 tuổi chúng tôi lại gặp nhau trong một lần về ăn tết năm 1974.
Mũi Né ơi người xưa đã xa
Mùa ơi gió bấc nhớ không ngờ
Năm nay em có về ăn tết
Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ
[ Thơ Đỗ Nghê]
Chúng tôi lại bên nhau,cùng nhau thăm đồi cát.Trên con đường từ hội thánh tin lành đi đến đồi dương thủa đó chúng tôi lang thang qua nhiều lượn sóng cát dài, đồi dương gió chập chùng xa xa. Cô ấy rực rở và quyến rũ trong chiếc áo bà ba tơ sóng vàng óng ả. Đồi dương vắng lặng yên bình không tiếng xe, tiếng người chỉ có gió vang vang cùng sóng biển vổ xa .Biển rì rào ,đồi dương rì rào. Tựa vào nhau yên lặng, gió tết thổi ,dòng thời gian trôi, bao năm xa cách hiện về cùng với cái hiện tại lắm chênh vênh của thời chiến tranh và gió ,gió thổi ,thổi…thổi mãi.Gió tết cho chúng tôi gần nhau và cũng dòng gió tết năm ấy một lần nữa chúng tôi xa nhau
Gió bấc về gió bấc ra đi
Gió tết về mang nỗi chia ly
Một thời son sắc em đi mãi
Lá úa vàng theo những tháng ngày
[Theo vòng gió tết-VDL]
Ba mươi mấy năm sau, trong một lần hơp mặt cựu học sinh Hải Long chúng tôi lại gặp nhau. Cám ơn cuộc đời đã ban tặng cho cô ấy một gia đình thật hạnh phúc.
Mũi Né xưa ơi, dòng thời gian xưa ơi có không gian nào cho tôi trở lại nhìn những cọng buồn xưa trôi nổi trên sóng xa khơi một thời ; Có góc tối nào đầy trăng để tôi lục tìm trong quá vãng những ẩn ước ngày nào về sự hạnh ngộ cùng nổi chia ly ; Bạn bè ơi, những kẻ đã đi xa hay những người còn ở lại, con thuyền đầy ấp yêu thương của tháng năm xưa đã vỡ.Mỗi người trên miếng ván thuyền xưa trươt dài trong số phận đời mình theo những rủi may may rủi và có một lần khuya nào không nhỉ ? thổn thức lại tìm về , lại tìm thấy đươc niềm hạnh phúc hay nổi khổ đau của bè bạn một thời mà duyên phận đẩy đưa thành niềm trắc ẩn .
Vầng trăng xa xưa ơi:những đôi mắt đen cùng mái tóc xanh thủa nào đã trôi dạt về đâu? có nhớ không đêm trăng hè xưa cùng vầng mây đen xa xăm ấy.Những giọt hè thủa nào có còn rơi rớt trong giấc mơ đêm lạc loài mà ngày tháng cũ đã trở thành mộng mị trong mối dây tơ rối rắm một thời.Có biết không sóng xa từng đêm vẫn vổ dù thời gian có đi mãi không về.Mối tình xưa cùng lối cũ không hẹn thề ấy vẫn như Mũi Né thủa nào vẫn yên bình trong nổi nhớ nhung vô tận .Bao nhiêu năm rồi ai lang thang xứ lạ, ai quanh quẩn quê nhà ,Dù đi đâu về đâu khi gió tết về , có nghe không chút rộn ràng về ngày tháng cũ , tiếng pháo xưa trong một tối giao thừa hay ngọn đèn rớ khuya cùng gió đêm thổi hoài thổi mãi .Mùa xuân ơi có dòng xuân nào quay trở lại cho tôi được nhìn thấy bóng dáng em thủa nào cùng những thơ ngây xưa bên góc trời Mũi Né một thời mà những hoang đường xưa theo dòng hoài niệm về nơi cuối trời nắng gió đầy ấp yêu thương thủa nào.
Đêm…,sóng,….gió….., cát bay…,Mũi Né…. Và…. nổi cô đơn
Em đã về cùng với phôi pha
Bờ xưa lặng lẽ sống vỗ xa
Cỏ xưa lối cũ vàng trong nắng
Một thoáng buồn quanh góc phố già .
[Theo vòng gió tết-VDL]
Võ Đình Lang

Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

RỒI SẼ CÓ MỘT NGÀY, CHA MẸ BẠN PHẢI RA ĐI...



PHÂN ƯU


Cựu học sinh Hải Long vô cùng thương tiếc báo tin:

Ông LÂM BÁ PHÁT - Pháp danh MINH GIÁC, sinh năm 1945,
 là chồng của Cô Nguyễn Thị Sen.
Sau cơn bệnh hiểm nghèo đã từ trần vào lúc:
21 giờ 20 - Thứ ba, ngày 03/11/2015 (ngày 22 tháng 9 năm Ất Mùi), hưởng thọ 72 tuổi.
Nhập quan lúc 13 giờ 00 - Thứ tư, ngày 04/11/2015 (ngày 23 tháng 9 năm Ất Mùi).
Động quan lúc 07 giờ 30' - Thứ sáu, ngày 06/11/2015 (ngày 25 tháng 9 năm Ất Mùi).
Hỏa táng tại Trung Tâm Hỏa Táng Bình Hưng Hòa.

Thầy, Cô cùng cựu học sinh Hải Long thành kính phân ưu.
 Cầu mong hương hồn Ông sớm siêu thoát.


Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

PHÂN ƯU

PHÂN ƯU

Nhận được tin buồn Cụ Bà Phan Thị Mùi.
 Sinh năm : 1916 Thân Mẫu của:
  Cao Thị Mỹ (cựu học sinh Hải Long lớp thứ tư);
Cao Hoàng Yến (cựu học sinh Hải Long lớp thứ bảy).


Từ trần năm 2015; 
tại Alhambra Hospital, Alhambra, Ca, USA; hưởng thọ 99 tuổi. 
  
  
Lễ di quan lúc 11 giờ 15' ngày 02 tháng 11 năm 2015 nhằm ngày 21 tháng 9 năm Ất Mùi. Hạ huyệt lúc 12 giờ 15' - 12 giờ 45' cùng ngày. 

An táng tại 
Rose Hill Park, 3888 Workman mill Road, Whittier, Ca 91601

Thầy Cô, cựu học sinh Hải Long, bạn bè và thân hữu xin chân thành chia buồn cùng tang quyến.

Thành kính cầu nguyện hương linh cụ Bà sớm về cõi Phật.