Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Enseneda, Mexico 5/20/2017


Đồng hương Mũi Né đi cruise ăn mừng sinh nhật Ngự, ghé Enseneda, Mexico.

Từ trái sang phảỉ:  Oanh, Ngự, Trung ̣đen, Liên, Mai, Ni, anh Tư, chị Út, Kế, Thùy, Hạnh (em vợ Trung lũi), Hương, Trung lũi, Trường.

MƯA CHIỀU MIỀN TRUNG - LeLanh

Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Đạo Đức & Trí Tuệ...

Đạo Đức & Trí Tuệ...
Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức.
Inline image 1
Một cô gái sau khi tốt nghiệp liền sang Pháp, bắt đầu một cuộc sống vừa đi học vừa đi làm. Dần dần, cô phát hiện hệ thống thu vé các phương tiện công cộng ở đây hoàn toàn theo tính tự giác, có nghĩa là bạn muốn đi đến nơi nào, có thể mua vé theo lịch trình đã định, các bến xe theo phương thức mở cửa, không có cửa soát vé, cũng không có nhân viên soát vé, đến khả năng kiểm tra vé đột xuất cũng rất thấp.
Cô đã phát hiện được lỗ hổng quản lí này, hoặc giả chính suy nghĩ của cô có lỗ hổng. Dựa vào trí thông minh của mình, cô ước tính tỉ lệ để bị bắt trốn vé chỉ khoảng ba phần trăm.
Cô vô cùng tự mãn với phát hiện này của bản thân, từ đó cô thường xuyên trốn vé. Cô còn tự tìm một lí do để bản thân thấy nhẹ nhõm: mình là sinh viên nghèo mà, giảm được chút nào hay chút nấy.
Sau bốn năm, cô đạt được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của một trường danh giá, cô tràn đầy tự tin đến những công ty lớn xin việc.
Nhưng những công ty này, không hiểu vì lí do gì, lúc đầu còn rất nhiệt tình nhưng về sau đều từ chối cô. Thất bại liên tiếp khiến cô tức tối. Cô nghĩ nhất định những công ty này phân biệt chủng tộc, không nhận người nước ngoài.
Cuối cùng có một lần, cô trực tiếp đến bộ phận nhân lực của một công ty, yêu cầu giám đốc đưa ra một lý do vì sao từ chối cô. Kết cục họ đưa ra một lí do khiến cô không ngờ.
Inline image 2
“Thưa cô, chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc, ngược lại chúng tôi rất coi trọng cô. Lúc cô đến phỏng vấn, chúng tôi đều rất hài lòng với môi trường giáo dục và trình độ học vấn của cô, thực ra nếu xét trên phương diện năng lực, cô chính là người mà chúng tôi tìm kiếm.”
“Vậy tại sao công ty ngài lại không tuyển dụng tôi?”
“Bởi chúng tôi kiểm tra lịch sử tín dụng của cô và phát hiện ra cô đã từng ba lần bị phạt tiền vì tội trốn vé”
“Tôi không phủ nhận điều này, nhưng chỉ vì chuyện nhỏ này, mà các anh sẵn sàng bỏ qua một nhân tài đã nhiều lần được đăng luận văn trên báo như tôi sao?”
“Chuyện nhỏ? Chúng tôi lại không cho rằng đây là chuyện nhỏ. Chúng tôi phát hiện, lần đầu tiên cô trốn vé là khi mới đến đất nước chúng tôi được một tuần, nhân viên kiểm tra đã tin rằng do cô mới đến và vẫn chưa hiểu rõ việc thu vé tự giác, cho phép cô được mua lại vé. Nhưng sau đó cô vẫn trốn vé thêm 2 lần nữa.”
“Khi đó trong túi tôi không có tiền lẻ.”
“Không, không thưa cô. Tôi không thể chấp nhận lí do này của cô, cô đang đánh giá thấp IQ của tôi ư. Tôi tin chắc trước khi bị bắt trốn vé, cô đã trốn được cả trăm lần rồi.”
“Đó cũng chẳng phải tội chết, anh sao phải cứng nhắc như vậy? Tôi sửa là được mà.”
“Không không, thưa cô. Chuyện này chứng tỏ hai điều: Một là cô không coi trọng quy tắc. Cô lợi dụng những lỗ hổng trong quy tắc và sử dụng nó. Hai, cô không xứng đáng được tin tưởng. Mà rất nhiều công việc trong công ty chúng tôi cần phải dựa vào sự tin tưởng để vận hành, nếu cô phụ trách mở một khu chợ ở một nơi nào đó, công ty sẽ cho cô toàn quyền lực phụ trách. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi sẽ không lắp đặt các thiết bị giám sát, cũng như các hệ thống xe công cộng mà cô đã thấy đó. Vì vậy chúng tôi không thể tuyển dụng cô, tôi có thể chắc chắn rằng, tại đất nước chúng tôi, thậm chí cả châu Âu này cô sẽ không thể xin vào được nổi một công ty nào đâu.”
Đến lúc này cô mới tỉnh ngộ và cảm thấy hối hận vô cùng. Sau đó, điều khiến cô ghi nhớ nhất là câu nói cuối cùng của vị giám đốc này: Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức.
Đạo đức là phẩm chất cơ bản nhất của con người, cũng là nhân cách của một người. Một người dù ưu tú đến đâu nhưng nhân cách có vấn đề, cũng sẽ mất đi niềm tin và sự ủng hộ của người khác. Trên phương diện việc làm, những hành vi mất nhân cách thế này càng đáng sợ hơn, vì cái lợi nhỏ trước mắt mà phá bỏ nguyên tắc, điều này chắc chắn sẽ hủy hoại tiền đồ của bạn. Tôi cho các bạn lời khuyên chân thành, trong sự nghiệp cần phải dựa vào năng lực và chân thành của bản thân, mất thứ gì cũng không bằng mất nhân phẩm.
Nguồn: Cafek
                       (Bài do Cô Hồng sưu tầm)

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2017

Chiêm ngưỡng những tác phẩm bonsai tuyệt mỹ trên khắp thế giới...


 1. Cây bonsai phong đỏ tuyệt đẹp trong mùa thu
 2. Cây bonsai hơn 800 tuổi
3. Cây bonsai hoa tử đằng đẹp mê hồn
 4. Cây bonsai hơn 390 tuổi sống sót sau thảm họa hạt nhân Hiroshima
  5. Cây táo bonsai với sắc hoa trắng muốt
 6. Rừng bonsai tuyệt sắc
 7. Bonsai đỗ quyên hoa nở rực rỡ
 8. Cây phong đỏ Nhật Bản
 9. Bonsai táo độc đáo
 10. Hoa tử đằng
 11. Cây bonsai “Hobbit” ấn tượng
 12. Cây ớt Chile
 13. Cây bonsai hoa anh đào được tạo hình độc đáo
  14. Cây bonsai cherry nặng trĩu quả
 15. Cây bonsai mộc lan huyền bí
  16. Cây bonsai đỗ quyên rực rỡ
 17. Cây bonsai Pyracantha đẹp lộng lẫy
 18. Cây bonsai lá phong đỏ Nhật Bản rực rỡ
  19. Cây lá phong vàng óng ả vào mùa thu
 20. “Khu vườn” bonsai mùa thu
 21. Cây táo bonsai nhỏ nhắn nở hoa trắng muốt
 22. Cây bonsai tử đinh hương nở hoa rực rỡ 
 23. Cây bonsai 150 tuổi 
 24. Bonsai hoa giấy khoe sắc lộng lẫy
 25. Bonsai hoa tử đằng đẹp mê hồn
 26. Cây bonsai Sequoioideae ấn tượng
  27. Bonsai hoa anh đào mảnh mai
 28. Cây bonsai hoa giấy rực rỡ
   29. Bonsai sequoioideae đẹp ấn tượng
 30. Cây bonsai thạch lựu tuyệt đẹp
 31. Hòn non bộ bonsai
 32. Bonsai Pyracantha độc đáo
 33. Cây phong đỏ Nhật Bản
 34. Bonsai hoa giấy tuyệt đẹp
 35. Cây hồng bonsai
 36. Cây bonsai có gốc ấn tượng
 (Bài do Cô Hồng sưu tầm)

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU (ĐỌC ĐỂ SUY NGẪM)

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU (ĐỌC ĐỂ  SUY NGẪM)
Ngày còn bé con cứ thắc mắc, tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn sự tôn vinh người Mẹ. Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái. Con đường nào lớn gọi là “đường cái”. Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ”.
 
Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ”. Trên dải đất nhỏ hẹp mang hình chữ S này đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu. Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường Mẫu giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy. Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái”, “đũa cả”.

NHỚ LỜI MẸ DẶN

Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu”.

Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con.

Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây ấn tượng và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.

Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi”. Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con!

NHỮNG LÁ THƯ CŨ

Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây.

Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ”. Mẹ đã ngăn lại và bảo: “Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỉ niệm.

Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỉ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy”. Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thuỷ chung với mẹ.

Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc!

HAI VÙNG SÁNG TỐI

Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền.

Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hoá ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con.

Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu, những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi”.

Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít, đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi!

BÀI HỌC LÀM GƯƠNG

Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem vô tuyến. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con là cán bộ cũng không thông tỏ ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào?”.

Ngẫm kĩ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài.

Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo” mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!

Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình.

Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức, nhưng không phải vô tình người ta mới chỉ phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và trong nhạc, trong thơ, nơi đâu cũng thấy vang lên những “Huyền Thoại Mẹ”, ” Tình mẹ”, ” Lòng mẹ”…

Đinh Thủy
                    (Bài do Cô Hồng sưu tầm)

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Giếng bụi tre

Chiếc xe than nhọc nhằn bò chậm rãi lên từng con dốc, qua biết bao ổ gà thỉnh thoảng người lơ xe lấy một thanh sắt dài cời than cho cháy rực lên, than theo cái lỗ nhỏ bên dưới rơi vãi xuống dọc đường cháy nhanh rồi vụt tắt. Chỉ có 80 km thôi nhưng muốn thăm ngoại phải đón hai chặng xe vất vả, mệt nhoài.
 Xe qua khỏi Dốc Bà Banh, rẽ phải gặp con hẻm đầu tiên là đến rồi. Căn nhà lá củ kỹ êm đềm, dịu dàng bốn mùa gió cát. Nghe tiếng lanh canh và tiếng gõ  của đòn gánh đôm đốp phía sau nhà, tôi vội vàng chạy ra. Ngồi yên lặng hàng giờ quan sát bà con gánh nước, điều vô cùng làm tôi thích thú. Cái giếng nước nhìn như những cái giếng bình thường khác, kề bên một bụi tre mát rượi nên bà con thường gọi “Giếng bụi tre“. Điều kỳ lạ là giếng chỉ cách biển vài chục mét nhưng nước rất ngọt mát, không khi nào khô và cung cấp nước dùng đủ cho bà con cả xóm và các xóm lân cận. Lũ con nít tắm biển xong tranh thủ chạy lên tranh nhau xối lại, từ tờ mờ sáng đến chạng vạng luôn có tiếng nói cười và âm thanh của nước.
Trong đám con gái gánh nước tôi đặc biệt chú ý một đứa con trai đen nhẻm dáng cao to mạnh khỏe. Mọi người kêu tên nó là thằng Mọi. Không tranh giành múc trước hay múc sau với ai cả, nó cứ ngồi lên đòn gánh kê giữa hai thùng nước rồi kiên nhẫn đợi. Có lần  tôi hỏi Mọi ơi, sao không đi học? nó nói nhà tui nghèo lắm, kiếm con cá ăn còn khó. Buổi sáng tui phụ ba đi kéo lưới rùng, xong buổi biển tui phụ má việc nhà nữa, em tui đông lắm. Mọi nè, cho tui…gánh nước thử một chút có được không? Nó quay mặt cười giấu cái bĩu môi kín đáo. Không đợi đồng ý, đặt vai vào đòn gánh tôi cố hết sức để nhấc  lên. Thùng nước không tài nào hở lên dù chỉ một chút so với mặt đất chứ đừng nói chi gánh đi. Vai đau lắm nhưng sĩ diện cũng lắm. Tôi xuýt xoa… Tui thử lại lần nữa nhen Mọi.
Tiếng má nó lanh lảnh đầu xóm: Bớ, Mọi! Dề ăn cum. Có nhiêu đó tôi nói liền: trả lại nè, má kiu  ‘‘dề ăn cum’’  kìa. Nó kê vội vai nhấc lên cái nhẹ. Một tay đặt lên đòn gánh bước đi, tay còn lại thả lỏng tự nhiên đánh đòng đưa theo bước. Hai thùng nước đè nặng trên vai nó, thanh đòn gánh oằn xuống tưởng chừng như sắp gãy. Tôi chợt nghe mùi cá nướng thơm lừng đâu đây, cũng lật đật chạy theo sau lưng.
Đêm xóm biển xuống vội, ngoại cẩn thận đóng cửa. Cửa là một tấm phên kéo sập xuống rồi được chắn ngang bằng khúc gỗ dài. Nằm nhìn ngọn đèn hột vịt, tôi nghe đủ âm thanh ngoài kia. Tiếng gió, tiếng sóng, thỉnh thoảng dừa khô rụng lộp độp ngoài sân. Ngoại nói, quê mình mùa Bấc là mùa gió dữ nhất.Gió làm bay đi hết các vật dụng để ngoài hiên nếu chưa kịp lấy vào. Cát trắng nõn nà đến vậy nhưng gặp gió xoáy, cuốn thành cơn lốc cát thốc lên vào mặt, vào mắt, vào cả mâm cơm. Gió bật tung cả những gốc dừa trơ rễ… Ngoại chép miệng , thiên nhiên nghìn đời như một. Tôi nghe gió lao xao rồi nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ quê hương.
Sáng, ngoại chống cửa lên. Dì chuẩn bị đôi quang gánh ra biển đón dượng đánh cá vào. Tôi nằng nặc xin theo mặc cho dì nói đường đi rất xa...Dì đon đả bước còn tôi phải chạy mới theo kịp bước của dì. Đoạn đường như một dãi lụa cát nhiều đồi dốc. Chốc chốc dì lại dừng bước chờ, tôi bắt đầu thở . Cát lún quá, ráng bước thật nhẹ nhưng cát lún thật sâu. Mỗi bước chân qua đều để lại dấu còn cát thì hất tung lên theo…Dì ơi, con đi hết nỗi rồi…
Dì gửi tôi cho một chiếc xe bò chở nước ngọt về lại. Ngày nào dì mình cũng vậy, thật vĩ đại. Cát đã lấp đầy, níu mỗi bước đi mà dì còn phải gánh thêm hai giỏ cá nặng… Tự nhiên tôi đỏ mặt theo hai dãy hoa xương rồng ven đường.
Thời gian sau nhiều năm tôi quay trở lại.
Đoạn đường vụt xe máy hơn hai tiếng là đến nơi. Hai bên dãy dừa dọc đường giờ là các khách sạn năm sao. Khách nước ngoài và đèn nhấp nháy như một thiên đường thu nhỏ.
Ngoại qua đời, nhà bán lại cho người khác. Tấm phên xưa giờ là cánh cửa kính sang trọng lành lạnh. Dì theo chồng mãi trên đình làng Khánh Thiện. Giếng bụi tre, còn không? Đoạn đường xuống giếng đây rồi. Hồi hộp, run run. Bụi tre còn đó cao um tùm già cỗi hơn. Còn không? chân tôi cơ hồ ríu lại. Đưa tay vẹt ngang đám cỏ dại cao vút chằng chịt. Tôi tìm. Tim như ngừng đập.
Bất chợt reo lên: Đây rồi! Giếng giờ cạn khô. Cát lấp gần đầy miệng. Hoang tàn, phế tích. Chợt thèm tiếng gõ đòn gánh quá đỗi, tôi đảo mắt hy vọng nhìn thấy bóng dáng thằng Mọi xưa… Tiếng con gà gáy trái buổi bỗng vang lên giọng lang thang xé tan mảng sương chiều hun hút lạnh. Ngoài kia con đường rộng rãi người xe nói cười ăn uống trong những ngôi nhà đẹp đắp nhiều phù điêu lạ mắt của ngày đổi mới.
Đêm. Gió đượm buồn và cát cũng ngẩn ngơ.
HUỲNH THỤC OANH
(Con gái Kim Hường – LaGi)

Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

GẶP GỠ

Gặp gỡ các anh chị Học sinh Hải Long
 nhân dịp đám cưới con chị Thúy Hoa ngày 07/5/2017 tại Rạng

Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2017

Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (cuối)

4. Tam Tân - Đến rồi sẽ nhớ
Dạo một vòng vào xóm chài, ông già râu tóc bạc phơ vừa vá lưới vừa ngân nga bài thơ trong đó có câu: "Phong táp sơn yên truyền pháo hưởng, Triều phiên hải giác trợ bề thanh!" (Gió giật sườn non rền tựa súng, Sóng dồi góc biển trống âm vang). Theo người xưa kể lại, lâu thật lâu lắm rồi, chiến tranh, hoàn cảnh, cuộc sống đã đưa đẩy những nhóm cư dân miền Trung lưu lạc vào đây, bằng lòng với mảnh đất mới này, họ ở lại định cư cho đến ngày nay. Câu thơ trên là tâm tư của người dân phải chống chọi bao nỗi khó khăn cơ cực thuở hoang sơ rừng thiêng nước độc biển cả dữ dằn khi mới chân ướt chân ráo vào đây. Ngày nay, cuộc sống đã từng bước ổn định và đi lên, biết khai thác tiềm năng của đất, của biển để đem lại cuộc sống ấm no; biết làm dịch vụ đặc biệt là dịch vụ du lịch
Xa xa quán Bà Tư, có cái chợ gọi là chợ chòm hỏm, chỉ lưa thưa vài sạp nhỏ bán quần áo, còn lại chủ yếu là các loại hải sản, chỉ cần trải tấm bạt nhỏ bày hàng ra, người bán người mua đều ngồi chòm hỏm; cũng còn có cái chợ gọi là chợ di động, ngư dân sau những mẻ lưới vào bờ, tôm cua cá mực ghẹ ốc tươi xanh còn ngo ngoe, vợ con bày ra giữa bờ biển bán hoặc bưng từng thau, từng rổ đi tới đi lui dạo bán cho khách. Cung cách phục vụ ở quán Bà Tư cũng mới lạ, đặc trưng, chưa đụng hàng, trong quán hải sản không thiếu thứ gì, đặc biệt không cần tủ lạnh, không để qua đêm, mua bao nhiêu nấu nướng bán cho khách bấy nhiêu trong ngày. Mua của quán cũng được, đi ra ngoài mua cũng được, không hề phiền hà khó chịu. Chúng tôi chọn mua ở chợ di động vừa rẻ vừa tươi vừa tha hồ lựa chọn và tự chế biến. “Bà Tư, cho một lò than”. Lò than hừng hực được bưng ra, thế là tha hồ nướng (chỉ tính tiền nửa ký than). “Bà Tư hấp gừng dùm rổ mực - Cứ vào bếp tự hấp” (cũng chỉ tính tiền nửa ký than). “Bà Tư cho mượn mấy cái dĩa, cho mượn thêm mấy cái chén, mấy đôi đũa, mấy cái ly - Thiếu thứ gì cứ vào mà lấy” (không tính tiền). Tuy thế, để có qua có lại với Bà Tư dễ chịu chưa từng thấy, chúng tôi mua thêm thức ăn của bà, kể cả bia, đá.
Mấy chục năm rồi, từ ngày còn đi học nhà ở Thương Chánh (Vinh Phú, Phan Thiết), giờ mới được ăn lại com Tôm Vỗ, nhỏ hơn bàn tay khum khum một chút, thịt trắng như thịt gà thơm ngon và thật ngọt. Còn ghẹ hoa con nào con nấy như bàn tay xòe rộng, sau khi luộc sơ, đưa lên bếp than, nướng cho nước keo vào trong thịt, tách ra thơm ngào ngạt chưa kịp ăn phải nuốt nước miếng trước; mùa này tối trời gạch trong mai vừa dày vừa đỏ, nhai sần sật bùi không sao diễn tả nỗi; cá đục bằng hai ngón tay, sau khi nướng chấm nước mắm giả bằng lá me non tuyệt ơi là tuyệt… Khi đã no nê, tiếng đàn guitar được bật lên, thế là bắt đầu hát, bài nào cũng hợp ca, bài này nối tiếp bài kia, liên khúc nối tiếp liên khúc liên miên bất tận, có bài hát say sưa đến nỗi quên cả lối ra, muốn hết bài lúc nào thì ngưng đàn là hết. Cách mấy bệ xi măng, có tốp thanh niên 5 người đang nhậu, một bạn cầm cái dĩa trên để con mực lá một nắng to bằng bàn tay vừa nướng vàng ươm còn bốc khói nghi ngút đi qua “Tụi con thấy các cô chú hát vui quá, qua biếu cô chú con mực và xin được giao lưu một bài hát và một lon bia”, tiếng vỗ tay hoan hô vang lên rầm rập… Tôi được anh em cử qua giao lưu lại bằng dĩa tôm nướng, thanh niên bây giờ sao chúng nó không uống bia mà uống rượu? cũng không biết ngâm bằng thứ gì màu đẹp như rượu Whisky, mới hớp một hớp, nóng rân rân từ cổ họng trôi từ từ xuống bụng rồi lại dội ngược từ bụng lên mũi phải phà ra cái…phì. Tửu lượng như tôi giao lưu thêm vài ly nữa chắc hết biết đường về đành phải cáo lui. Nhìn chung quanh, chỗ nào cũng nướng, khói bốc lên nghi ngút mang theo cả mùi thơm của thức ăn; giống như năm nào ở Sài Gòn, các bạn chiêu đãi tôi đủ thứ món nướng tại Nhà hàng Làng Nướng đường Cách mạng tháng 8, đến giờ vẫn chưa quên.
Có một chị khoảng trên 40, nước da ngăm đen đặc trưng màu nắng gió của biển, bưng đến một thau mực ống, lớn bằng 2 ngón tay, tươi xanh, có con còn sống mới đánh từ biển vào cất tiếng không cần rào trước đón sau: “Cái cân của em non lắm, một ký tư nhưng thật ra chỉ một ký - Em cân cho anh một ký tư mực nhưng tính tiền một ký nha? - Giá bao nhiêu một ký? - Dạ! năm mươi ngàn đồng”. Nhìn dáng vẻ vui tính của chị, tôi chọc “Bây giờ chị hát cho tụi tôi nghe một bài, tôi mua một ký - Dạ! em không biết hát - Nửa bài một ký cũng được - Em nói thật không biết hát, nếu biết, nảy giờ hát luôn mấy bài bán được mấy ký mực - Mà sao nhiều người chị không mời ai mà lại mời tôi? - Dạ! Tại em thích anh”. Trời! Dễ chết không??? Nói rồi, để thau mực đó quay lưng đi một mạch. Khi chúng tôi thu dọn chiến trường chuẩn bị ra về, chị lại xuất hiện cầm theo cái bị nylon xếp từng con mực vào, khuyến mãi thêm mấy cục nước đá đi đường xa khỏi bị ươn.
Chiều Tam Tân thật êm, thật thanh bình và thơ mộng. Trong tiếng sóng vỗ nhè nhẹ vào bờ pha lẫn tiếng vi vu của gió qua những hàng dương tạo nên bản giao hưởng trầm tư bất tận của biển cả, của rừng chiều, của non xanh nước biếc và văng vẳng đâu đây, tiếng ngân nga của ông già vá lưới : "Phong táp sơn yên truyền pháo hưởng, Triều phiên hải giác trợ bề thanh!" (hết)

Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

ĐẲNG CẤP

          Không biết hai từ này nó có gì mà cũng có nhiều người sử dụng để nói về mình như là người ngoại hạng. Có một cô bé vùa mới tốt nghiệp cao đẳng Bình Thuận được người nhà đưa vào làm lễ tân của một cơ sở du lich. Vì là người nhà chứ thật em này có biết gì đâu. Trong một lần gây lộn bạn cùng làm (con nhà nghèo đi làm kiếm sống,có kinh nghiệm và tuổi cũng lớn hơn em) em đã nói với người kia “Tụi mày không có đẳng cấp nói với tao”. Nghe mà thật buồn cho cách nhìn nhận như vậy. Em đã quên rằng cái bằng tốt nghiệp cao đẳng cũng chỉ là tờ giấy lộn nó chứng minh số tiền đóng học phí và cái kiến thức em được học còn xa vời vợi với thực tế cuộc đời. Em đã chưởi vào nỗi đau bạn mình vì hoàn cảnh không cho phép em được đến trường, bươn chải cuộc sống phụ cha mẹ nuôi. Em ấy đã khóc vì không phải không biết cách nói mà khóc vì tủi cho phận mình. Cũng đã có lần tôi chứng kiến hai người rất thân (đều đã lớn có con cháu đầy nhà) làm ăn chung trong một công ty.Từng đã ca ngợi nhau như những người khôn ngôn cùng chí hướng. Đến khi vì quyền lợi quay lại chưởi nhau bằng thứ ngôn ngữ không còn gì khó nghe hơn. Anh nọ chưởi anh kia Đồ vô học (ví anh này chỉ học đủ viết và biết ký tên, anh kia cũng chỉ khá hơn tí thôi). Anh kia thách thức bằng bạc tiền. Tao với Mày (nhỏ hơn mà sốc) mỗi người bỏ ra 100 triệu cúng Chùa (Mô Phật chắc Phật cũng không dám nhận quá). Việt Nam ta có câu rất hay. Lời nói không mất tiên mua…) không biết người ta hay muốn chứng tỏ mình hơn người khác để làm gì. Có lẽ chắc họ hả hê lắm. Kể ra cái bả hư danh cũng lắm người thích mua. Ai mua không? Tôi cho không bán.
Nguyễn Hữu Trực

GIÁ NHƯ

          Không biết từ bao giờ ngay kè đê thuộc ranh giới giáp khu phố 1 và 2 được người nước ngoài ghé vào chụp ảnh làng chài này. Từ trên nhìn xuống quê hương Mũi Né cũng đẹp có thua gì ai đâu. Dần dần cả khách Việt cũng nhận ra vẻ đẹp của làng chài này mà không sợ lẫn vào bất cứ đâu trên cả nước
         Sự ưu ái của thiên nhiên đã giúp Mũi Né ngày càng được biết nhiều hơn kể cả khách nước ngoài. Khách đến ngày càng đông và dịch vụ bán buôn cũng dần xuất hiện. Ban đầu một số người bán hải sản tươi sống (cũng đã có trường hợp bán tôm hùm ươn thúi được dán bằng keo dán sắt. Không biết bao nhiêu khách bị lừa. Cách làm ăn mình tự giết mình) Và bây giờ có thêm quán ăn. Khách đến vùng biển không ngoài mục đích tắm biển và ăn hải sản tươi. Khách càng đông thì bắt đầu xuất hiện việc mất vệ sinh. Người bán vô tư đổ nước ra đường lênh láng tạo mùi hôi rất khó chịu cho người đi qua làm sao nhiều người dám ngồi ăn cùng mùi hôi sộc lên mũi như vậy. Giá như bà con bán ở khu vực này biết cùng nhau giữ vệ sinh chung, sạch đep. Khách tham quan nhiều, ăn uống nhiều thì bà con bán được và thu nhập cũng tăng theo. Giá như địa phương cùng bàn với bà con hướng giải quyết thì sẽ có cách thôi. Bởi vì ta làm vì lợi ích chúng ta.
          Giá như… chúng ta bắt chước kiểu sàng cát của người bán hàng ở bờ biển Thái Lan. Bà tự làm vì đơn giản sạch đẹp nhiều khách đến bà bán hàng được nhiều hơn. Có môt câu chuyện của một người Nhật. Một đấu 1 Nhật thua nhưng 3 đấu 3 họ thắng ta dễ dàng vì họ đoàn kết hơn. Người việt ta hay có kiểu ai chết nấy chịu, dơ thì tống hết ra đường miễn nhà mình sạch là được. Giá như...
Nguyễn Hữu Trực

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (3)

3. Tam Tân- thiên nhiên như một bức tranh
Chỉ cách nhau 5 cây số, xã Tân Hải nhộn nhịp sầm uất mang dáng dấp của một khu đô thị, còn Tam Tân thì hiền hòa, êm dịu thơ mộng mang vẻ hoang sơ. Trước mặt là biển cả mênh mông nhấp nhô những cồn cát, những vỉa đá; sau lưng là rừng cây bạt ngàn và  những hàng dừa, hàng phi lao xanh rì bốn mùa mưa nắng. Từ non cao, dòng sông Maly đưa phù sa bồi đắp cửa Thiễn Môn (còn gọi là cửa cạn) và đôi bờ con lạch chảy ra biển làm cho vùng đất này thêm trù phú. Tam Tân là tiền thân của ba làng: Tân Ngươn, Tân Quý, Tân Hải nhập lại. Nay là xã Tân Tiến thuộc thị xã La Gi.
Gió biển mát rượi làm khô đi những giọt mồ hôi lúc nào không hay, người trở nên khỏe một cách lạ thường như chưa hề vượt qua quảng đường giữa trưa trời nắng gắt. Đến quán Bà Tư sát biển, mọi người đã tề tựu đầy đủ và ổn định đâu vào đó, chủ quán người đàn bà gần 70 khỏe mạnh, có mái tóc dày bạc trắng như cước mĩm cười đon đả chào đón khách. Quán không tên, không bảng hiệu, rất dân dã; chỉ nghe người ta gọi là Bà Tư, tôi tự đặt là quán Bà Tư cho dễ gọi, dễ nhớ. Giữa bãi cát gần bờ biển, chủ quán xây từng hàng những bệ xi măng dài khoảng 6 mét, rộng 3 mét, cao 5 tấc, mái phủ vải bạt dưới những tán dừa, tán phi lao mát rượi; chẳng cần bàn ghế, cứ ngồi dưới nền xi măng bày ra ăn uống hát hò thoải mái; dọc theo 2 bên bệ xi măng những chiếc võng lưới đã mắc sẵn, cứ tự nhiên ngả lưng thưởng thức những làn gió nhè nhẹ từ biển thổi vào hoặc ăn uống no say, tắm biển đã đời, lên võng đánh một giấc thăm thẳm chiều trôi cũng chẳng có ai đá động quấy rầy. Không riêng gì quán Bà Tư, dọc theo bờ biển nhiều quán khác cũng làm theo kiểu này, hễ chỗ nào còn trống hoặc mình thích cứ tự tiện đến, không có cảnh mồi chài níu kéo khách như ở một số nơi tôi đọc trên báo. Còn nếu muốn sang trọng, đầy đủ tiện nghi, có bàn ghế bóng loáng, chăn êm nệm ấm, máy lạnh vù vù, phòng tắm nước nóng nước lạnh, có người phục vụ từ a đến z thì đến khu du lịch nghĩ dưỡng Mỏm Đá Chim cách nơi đây vài trăm mét hoặc mấy quán bán đồ ăn thức uống và cho khách nghĩ trọ cách đây cũng không xa. Nhưng đi dã ngoại mà vào những nơi ấy thì còn gì là ý nghĩa!!!
Tam Tân thì biết rồi, nhưng tại sao gọi là Ngảnh, từ này với tôi hơi lạ. Hỏi Bà Tư, được bà giải thích lằng nhằng vòng vo tôi có cảm tưởng như chính bà cũng chẳng biết gì cả, nghe người ta gọi sao thì nói vậy, nhưng kết luận một câu chắc nịch “tức là Ngảnh Tam Tân” (còn cái gì để tức là Ngảnh Tam Tân chưa nghe bà nói). Thì ra, Ngảnh là rìa cát dài xen lẫn những vỉa đá từ trong bờ đâm ra biển, vùng này có hai rìa, tạo cho bờ biển thành vòng cung như một cái vịnh, được ngảnh chắn sóng và gió nên trong vịnh rất êm, một bãi tắm rất lý tưởng và an toàn, đáy biển không có những hố sâu chỉ dốc thoai thoải, nước trong xanh biêng biếc như màu ngọc bích, giữa vịnh rãi rác nổi lên những bãi đá như những hòn đảo nhỏ, du khách có thể bơi ra hoặc khi thủy triều xuống, nước chỉ tới lưng quần, bơi lội mệt lữ rồi lên những bãi đá ngồi ngắm cảnh trời mây nước có những đàn chim bay lên nhào xuống kiếm mồi hoặc đậu dày kín trên những mỏm đá rỉa lông, rỉa cánh sau một ngày kiếm ăn thật thú vị và an nhàn. Trên bờ, bãi cát trắng mịn nổi bật trước màu xanh thăm thẳm của rừng cây tạo thành bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ, vừa thanh bình khó mà diễn tả cho hết.
Các bạn cùng tôi thử tưởng tượng một buổi tối nào đó, tới bãi biển Tam Tân cũng ngồi chung quanh bếp lửa (ở đây rất nhiều nhánh dương khô, bạch đàn khô và tàu dừa khô), cứ chất thành đống rồi đốt, với cây đàn guitar vừa hòa tấu hợp ca với tiếng sóng biển, vừa thưởng thức những món ăn ngêu sò ốc hến ghẹ mực tôm cá, tự mình nướng trên những vỉa than đỏ rực xì xèo thơm lửng. Ca hát mệt nhoài lên võng hoặc trên những bệ ximăng đánh thẳng một giấc mờ sáng hôm sau thức dậy chiêm ngưỡng ánh mặt trời từ từ nổi lên từ biển cả mênh mông thì thật là tuyệt./. (còn nữa)
PhamDinhNhan