Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Các bạn ơi, hảy suy ngẫm triết lý này:
Câu chuyện về một keo không và tách cà phê :
 Khi nào bạn thấy không có đủ thời gian trong 24 tiếng để xữ lý mọi việc lớn nhỏ, bạn hãy nhớ lấy câu chuyện này nhé !
Một giáo sư Triết học lúc lên lớp đã đưa cho nhóm sinh viên xem một cái keo không rồi đặt vào đấy những quả banh đánh golf.
Xong rồi, ông hỏi cử tọa: Các em thấy cái keo này đã đầy chưa?
  - Thưa GS, đã đầy rồi! Nhóm SV đồng thanh trả lời
Vị GS mới lấy một hộp bi và đổ vào keo.
Các viên bi đã trám vào chổ trống giữa các quả banh.
Vị GS lại hỏi đám học trò của ông: Thế cái keo đã đầy chưa?
Cả nhóm lại trả lời đồng loạt : Vâng, đã đầy rồi!
Sau đó GS đã lấy một bịch cát đổ tiếp vào trong keo.
Dĩ nhiên là cát đã bít hết khoảng trống trong keo và GS lại hỏi đám SV:
- Cái keo đã đầy chưa?
Tất cả đều trả lời là keo đã đầy .
Tức thì GS chế vào keo hai tách cà phê.
 Và dĩ nhiên là cà phê đã choáng kín khoảng trống giữa các hạt cát.
Các Sinh Viên đồng thanh cười to!
 Đợi chúng cười xong, Giáo Sư mới nói :
 -Tôi muốn ví cái keo như cuộc đời của các em
 Những quả banh golf tượng trưng cho những điều quan trọng với bản thân các em như: Gia đình, con cái, sức khỏe, nói chung là những gì làm các em đam mê.
 Cuộc đời của các em có thể nói là đầy đủ nếu các em mất mọi thứ nhưng vẫn giữ được những yếu tố quan trọng này.

Những viên bi là những thứ thiết yếu khác như: công việc làm, nhà cửa, xe cộ ...
 Cát tượng trưng cho những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
 Đầu tiên, nếu tôi đổ cát vào keo thì sẽ không có chổ cho các viên bi hay quả banh golf... Trong cuộc sống cũng vậy:
 Nếu chúng ta cống hiến hết năng lực và thời gian cho những việc nhỏ thì chúng ta sẽ không bao giờ có chổ cho những điều thực sự quan trọng.

 HÃY CHÚ Ý ĐẾN NHỮNG ĐIỀU THIẾT YẾU TẠO NÊN HẠNH PHÚC CHO TA
  - Hãy nô đùa với con cái (hoặc cháu chắt !!),
  - Hãy đi khám sức khỏe ít nhất mỗi năm 2 lần,
  - Hãy đi giải trí cuối tuần với chồng hoặc vợ của mình, hãy cùng tập một môn thể thao.
 - Hãy giúp người bạn đời của mình rửa chén, hoặc sửa vòi nước trong bồn tắm vv...
  * - Các em hảy đặt vào keo đầu tiên hết là những quả banh golf, tức là tập trung năng lực và thời gian cho những điều quan trọng nhất trong đời người: Gia đình, con cái, sức khỏe của các em.
 * - Hãy thiết lập các ưu tiên, những gì còn lại chỉ toàn là cát mà thôi!
 Một trong các Sinh Viên giơ tay lên hỏi:
  - Thưa Giáo Sư, thế tách cà phê tượng trưng cho điều gì ạ?
 Giáo Sư mỉm cười và đáp:
 - Câu hỏi hay đấy! Đó là để chứng minh cho thấy ngay cả khi cuộc sống của các em đã hoàn toàn đầy đủ, nhưng vẫn còn chổ cho một tách cà phê nhâm nhi cùng một người bạn!

Chuyện gặp trên đường

Cái vỏ lonCơn mưa bất ngờ ào ào đổ xuống như thác rồi cũng bất ngờ tạnh hẳn, đường sá ướt át, nhơ nhớp, trơn trượt. Bà cụ già ốm yếu vì đói khát, da nhăn nheo do tuổi tác, đen sạm bởi nắng gió với cái nón lá trên đầu lom khom nhặt cái vỏ lon bia ai đó bỏ trên đường.

Một chiếc xe chạy qua kéo theo làn gió, thổi lăn cái vỏ lon khi cụ già gần chạm tới, vẫn kiên nhẫn bám theo.

Lại một chiếc xe chạy qua cuốn cái vỏ lon ra gần giữa đường, cụ già tiếp tục lom khom đuổi tới.

Một người mập mạp, trắng trẻo, ăn mặc sang trọng trên chiếc xe hai bánh đắt tiền chạy tới, thay vì dừng lại nhặt hộ cái vỏ lon cho bà cụ hoặc phớt lờ như không nhìn thấy. Ngoái cổ lại “muốn chết hả”.

Ở đời, vì hoàn cảnh khắc nghiệt, có những người bất chấp cả nguy hiểm buộc phải làm những việc mà ít người dám làm để kiếm sống hàng ngày.

Không biết bà cụ già mỗi ngày nhặt được bao nhiêu thứ người ta bỏ đi để sinh sống và cũng không biết với công việc này bà cụ “tồn tại” được bao lâu?

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Bài dự thi được giải

Với mỗi người học sinh, ai cũng có mái nhà được nuôi dưỡng và yêu thương. Một mái nhà là gia đình, nơi mẹ cha đã sinh ra em và nuôi em khôn lớn. Mái nhà thứ hai chính là ngôi trường thân yêu, nơi có những người thầy, người cô; nơi có bạn bè và biết bao kỷ niệm của tuổi học trò.
Mái trường thân yêu đã nuôi dưỡng tâm hồn em, cho em những thương yêu và dạy em biết cách yêu thương. Em không thể nào quên những ngày đầu tiên khi em bỡ ngỡ bước vào cấp hai. Thầy cô mới, bạn bè mới, biết bao lo âu. Nhưng chính các thầy cô giáo là những người đã động viên em cố gắng. Ngày ngày các thầy cô giáo đến lớp, say sưa với bài giảng và nhìn học trò âu yếm, bao dung. Mỗi học trò nhỏ là một đứa con mà thầy cô luôn dang rộng cánh tay để bảo ban, khuyên nhủ, chở che. Rồi những người bạn cùng lớp, cùng trường. Em từ xa lạ, rụt rè dần trở nên thân thiết. Chúng em cùng chia sẻ tâm sự, cùng làm những bài tập khó, cùng gánh chung hậu quả của những trò nghịch ngợm mà cả lũ gây ra...Thời gian chảy trôi đến một ngày chúng em mới nhận ra mình đã thân nhau như anh chị em trong nhà. Em bồi hồi nghĩ đến ngôi trường thân yêu của mình, nơi đó giống như một đại gia đình ấm áp, thầy cô là những cha mẹ và đám học sinh chúng em là những đứa con. Mái trường còn là nơi chắp cánh ước mơ cho mỗi học sinh chúng em. Em hiểu rằng, chúng em sẽ chẳng làm được điều gì có ích nếu không được thầy cô truyền dạy tri thức, kỹ năng. Năm tháng rồi sẽ đi qua nhưng sự âm thầm, bền bỉ dạy dỗ từng lớp lớp học trò của thầy cô sẽ không bao giờ phôi phai vì nó được ghi dấu trong suy nghĩ, trong hành động và trong cả thành công mà chúng em đạt được mai này...Em lặng lẽ đi dưới những tán cây bàng, cây phượng, cây dương được trồng từ mấy chục năm nay, có lẽ từ ngày trường mới được xây dựng. Những tán cây sum sê như chiếc ô lớn rộng rãi và chắc chắn. Cây ơi, đã bao người học trò được che mát như chúng em, bao niềm vui nỗi buồn được chia sẻ, bao chuyện giận hờn được bóng cây giấu kín...? Và hoa ơi! đã bao mùa hoa nở, có mùa hoa không thấy nước mắt chia ly vương trên má của tụi chúng em...! Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi qua, bao lớp học trò đến rôi đi, chỉ còn vòm cây mãi cao hơn, xanh hơn như gắng sức che chở, gìn giữ những ký ức đẹp đẽ giúp cho chúng em. Em bồi hồi nhớ đến giây phút vui vẻ cùng bạn bè nhảy dây chơi đùa trên sân trường, những khoảnh khắc bâng khuâng nhìn cánh hoa phượng rơi là là xuống mặt đất, những dấu khắc trên thân cây tên người tên lớp...
Ngôi trường của em, đó là điều thật đặc biệt, vừa là mái ấm gia đình, vừa là nơi chắp cánh ước mơ, vừa là nơi nuôi dưỡng ước mơ em bền bỉ... Em yêu mến nơi đây như yêu mến một phần ruột thịt thân thiết nhất của chính mình./.
LƯƠNG BÍCH VI
Lớp 7A2 - Trường THCS Lê Hồng Phong
Giải 3 (khối lớp 7)

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

BÓNG MÂY

Ai cũng là được Mẹ sinh ra
Con thương Mẹ Con, sao không vui khi Chồng Con thương Mẹ?
Ai già ngày nay, cũng từng qua thời trai trẻ
Mẹ đã có thời tươi trẻ như Con
Cũng một thời Má thắm Môi son
Nhưng không như Con, được thương yêu chìu chuộng
Mẹ quằn Mình từng đêm ngủ muộn
Đau đớn nhìn Hạnh Phúc trợt Kẻ Tay
Con được yêu và Hạnh Phúc đủ đầy
Không như Mẹ nuôi Con trong đơn lẽ
Nhọc nhằn tủi buồn không người chia sẻ
Đếm Thời Gian qua từng sợi Tóc thưa
Tiếng ru hời cho Trẻ mỗi buổi Trưa
Mỗi nhịp Võng đưa là nhịp Đời lặng lẽ
Giờ đã qua đi thời Tuổi Trẻ
Lại xót xa nhìn Hạnh Phúc trợt kẻ tay

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Đâu Là Sự Thật?

Người Tây phương thường nói: Sự thật thoát ra từ miệng trẻ. (La vérité sort de la bouche des enfants). Người Việt chúng ta cũng có cùng một ý tưởng nhưng diễn tả dưới một dạng khác: Đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Điều này chưa hẳn đã hoàn toàn đúng. Chàng Trương đã có suy nghĩ như thế nên mới tin lời trẻ khi nghe nó nói: Tối bố con mới về. Lửa ghen đã đốt cháy tim gan chàng trai này nên đã có thái độ khiếm nhã, khinh khi, coi thường phẩm hạnh của Thiếu phụ Nam Xương khiến nàng quá phẫn uất phải trầm mình xuống sông tự vẫn để gột rửa nỗi oan, tạo nên cảnh: Làn nước chi cho lụy đến nàng!

Cũng có ý kiến cho rằng : sự thật phải xảy ra trước mắt mới có thể tin được. Như thế chưa chắc đã là đúng. Câu chuyện sau đây sẽ chứng minh điều này : Vào năm 1976, sau biến cố 30-4-1975, một gia đình giàu có đã tom góp hết tài sản để vượt biên. Trên tàu, có một cậu trai trốn trại cải tạo cùng đi. Tàu ra tới hải phận quốc tế thì gặp cướp biển, bị chúng lột hết sạch, không còn một đồng ten dính túi. Gia đình buồn rầu, quyết định quay tàu trở về. Người con trai, quá tuyệt vọng, không chịu nổi viễn ảnh đen tối nên quẫn trí, lao mình xuống biển tự tử. Cả nhà ứa nước mắt nhìn làn sóng cướp mất người thân rồi về nhà lập bàn thờ người xấu số và coi ngày này năm tới là ngày giỗ đầu năm. Bẵng đi một thời gian dài, đột nhiên gia đình nhận được tin người thân, tưởng là đã bỏ mình dưới đáy biển, nay đang định cư ở nước ngoài. Lý do là cậu trai này biết bơi nên không chịu buông xuôi, đã hết sức vùng vẫy, chống chõi với tử thần rồi trôi giạt lại gần tàu cướp và được chúng thương hại vớt lên đưa vào bờ. Sau đó, cậu ta tìm tới trại tỵ nạn xin đi định cư. Quả là chết mà chưa thấy xác cũng chưa hẳn đã là chết!

Có người cho rằng, sự thật phải mắt thấy, tai nghe mới có thể tin tưởng được. Câu chuyện kể trên đã chứng minh cho chúng ta là sự kiện mắt thấy cũng chưa đã là đúng, còn tai nghe thì sao? Người xưa có nhắc đến việc bà mẹ Tăng Sâm được người quen báo cho bà biết là con bà đã giết người. Người đầu tiên nói, bà không tin, người thứ hai cũng thế nhưng khi nghe đến người thứ ba lặp lại việc này, bà cuống cuồng bỏ cả khung cửi đang dệt mà chạy. Lý do là có người trùng tên với con bà giết người nên đã xảy ra sự ngộ nhận. Việc này đưa chúng ta đến kết luận là một sự kiện dầu được nhiều người xác nhận là đúng cũng cần chính bản thân phải kiểm chứng lại .

Cũng có ý kiến cho là sự thật cần phải được cọ xát, đụng chạm, rờ mó thì mới có thể tin được. Chúng ta hãy tưởng nhớ lại câu chuyện mấy ông thầy mù đi xem voi. Ông thứ nhất rờ được chân voi thì cho là voi giống như cây cột nhà. Ông thứ nhì rờ được tai voi thì cho là voi giống như cái quạt. Ông thứ ba rờ được đuôi voi thì cho là voi giống như cái chuổi. Chẳng ông nào cho là mình sai vì mình đã rờ đúng sự thật cơ mà! Thực tế là mỗi ông chỉ nắm được một phần nhỏ sự thật mà đã ồn ào cho là mình nắm bắt được sự thật toàn diện.

Trong cuộc đời có biết bao thầy mù như thế, không tự biết mình, hiểu mình, còn lại đem cái hiểu biết nhỏ nhoi của mình nói cho nhiều người biết, phổ biến trên mạng, làm lung lạc lòng người. Bởi người đời có khuynh hướng luôn luôn cho mình là đúng, còn người khác sai, có lỗi thì đó là lỗi người chớ không phải là lỗi mình.

Victor Hugo, qua nhân vật Gavroche, trong cuốn Les Misérables (Người Cùng khổ) đã châm biếm nói: Je suis tombé par terre, c'est la faute à Voltaire. Le nez dans le ruisseau, c'est la faute à Rousseau (Khi mình té xuống đất, đó là lỗi của Voltaire. Khi mũi mình chúi xuống suối, đó là lỗi của Rousseau).

Còn lỗi mình ở đâu nhỉ? Theo nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine, trong bài La Besace (túi hai ngăn) thì lỗi mình luôn luôn nằm ở ngăn đằng sau nên mình không hề thấy được!

Theo văn hào Saint Exupéry, trong cuốn Hoàng Tử Bé (Le Petit Prince), ông cho rằng người ta chỉ thấy rõ bằng con tim. Điều cốt lõi không thể thấy được bằng mắt thường được. (On ne voit bien qu'avec le coeur. L'essentiel est invisible pour les yeux).

Người Pháp còn cho rằng: Chân lý bên này rặng Pyrénées, sai lầm bên kia (Vérité au-de çà des Pyrénées, erreur au-de là).

Điều mình cho là đúng, người khác lại cho là sai. Người Anh lái xe bên trái thì thấy người lái tay mặt ở nước này phạm luật giao thông. Người Thượng ở nước ta vài có bộ lạc chỉ bận đồ che bán thân phía dưới thì coi người Kinh bận đồ che toàn thân là kỳ lạ, bởi thế mới xảy ra chuyện vui như sau: Sau 30-04-75 có một số cô giáo phải bị bắt buộc lên miền cao nguyên để dạy các đồng bào Thượng. Tối họ ra suối tắm, lẽ dĩ nhiên họ bận đồ như đi tắm biển. Một người Thượng thấy lạ mắt bèn kêu người khác tới, rồi từ từ, cả bản đổ ra xem khiến các cô giáo lính quýnh, mắc cỡ, không hiểu tại sao. Một cô lanh trí, bèn nói với các bạn cùng nhau cởi hết cả sì lẫn xú (slip và soutien-gorge), che trên lẫn che dưới, quả nhiên họ thấy người Kinh, người Thượng trong y phục của Adam hay Eve thì ai cũng như ai, nên họ hết tò mò, bỏ ra về hết!

Trong mọi tổ chức, dù lớn hay nhỏ, luôn luôn có một hay nhiều người vượt trội hơn những người khác. Điều này gây ra ganh tỵ, đố kỵ cho nhóm người kia, do đó thường có những xích mích, chụp mũ cho nhau. Cho nên khi có sự bất hoà xảy ra giữa hai người hoặc giữa hai nhóm, bên nào cũng cho mình là đúng vì họ luôn luôn cố gắng trình bày những lý do thoạt nghe thấy rất rất hợp lý. Vậy đâu là sự thật? Phải có người thứ ba lắng nghe cả đôi bên, một cách vô tư, không thành kiến, mới hy vọng thấy rõ chân lý.

Thí dụ sau đây chứng minh điều đó: Một bác phu xe vào một tiệm ăn, gọi đồ uống và lấy đồ ăn của mình đem theo ra ăn. Bác ta vừa ăn, vừa uống, vừa hít mùi thịt thơm tỏa ra từ xâu thịt nướng bên cạnh chỗ bác ngồi. Khi bác ăn xong, ông chủ tiệm tính tiền nước rồi lại tính thêm khoãn tiền bác ngửi mùi thơm thịt nướng khiến bác ăn ngon miệng. Bác phu xe không chịu trả tiền thêm nên hai bên đôi co với nhau khá lâu thì một ông khách khác mới tới xin giàn xếp. Ông này hỏi bác phu xe có tiền cắc không? Bác đáp có rồi đưa cho ông khách này mấy đồng. Ông khách lấy tiền cắc này tung lên nhiều lần gây tiếng ra leng reng rồi hỏi ông chủ tiệm có nghe không? Ông này đáp lại là có nghe. Ông khách này mới phán là nhờ mấy đồng tiền này, ông mới nghe reng reng cũng như nhờ mùi thịt nướng bác phu xe mới ăn ngon, tôi nghĩ là mùi thịt nướng đã được trả bằng âm thanh của tiền cắc, như vậy là hợp lý, phải không ông?

Ngoài ra, với kỹ thuật hiện đại ghép hình, người ta có thể lấy đầu người này ráp vào thân người kia dùng vào dụng ý xấu để bóp méo sự thật, bôi lọ người khác. Người càng nổi danh, nổi tiếng, được nhiều người thương thì số người ghét cũng không ít, như cây to có bóng thường là cái đích, mục tiêu để họ tấn công vì có người nổi danh do tài đức của mình nhưng cũng có kẻ muốn nổi danh bằng cách đạp lên đầu, lên cổ người khác.

Đối với hạng người này phương tiện nào cũng tốt, dầu là vương đạo hay bá đạo, miễn là đạt đưọc mục đích. Điển hình là một thiền sư Việt Nam nổi tiếng, viết hằng trăm cuốn sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng, mỗi lần mở khoá tu là làm lợi lạc cho biết bao người mà đa số là người ngoại quốc. Thế mà thiền sư này lại bị một số đồng hương tìm mọi cách bôi lọ, xuyên tạc.

Vậy đâu là sự thật? Người có suy tư đâu có thể nào tin vào lời nói suông, vào bằng chứng ngụy tạo, mà phải tự hỏi tại sao mình không tới tận nơi, tận chốn, để mắt thấy tai nghe. Muốn thấy sự thật, nào phải chỉ thấy bằng mắt mà phải bằng cả con tim nữa như lời văn hào Saint Exupéry, mới mong nhận diện được điều mình muốn thấy! Còn phải biết lắng nghe được những gì đã nói mà ngay cả những không nói hoặc chưa nói. Nếu bạn là người muốn tìm hiểu chân lý, bạn phải biết nghe bằng tất cả các giác quan và luôn cả bằng con tim thì mới có thể tránh khỏi tri giác sai lầm, như một thầy bói mù, một bà mẹ Tăng Sâm hay một chàng Trương!

Tôi xin chia sẻ những gì mà tôi không những đã mắt thấy, tai nghe mà còn đã chứng kiến những điều này (témoin oculaire). Ước mong các bạn sẽ để tâm nhiều hơn khi mình phát biểu hoặc phán xét về những sự kiện đã thấy hoặc đã nghe.

Hoài Việt

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Ly hôn

Gặp nhau, quen nhau, yêu nhau rồi sống bên nhau. Tưởng là mãi mãi hạnh phúc cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt. Ngờ đâu chưa được 3 năm, hai người đưa nhau ra trước tòa ly hôn dù làng xã đã nhiều lần hòa giải nhưng không có kết quả.
Đầu giờ chiều nay, phiên tòa mở bất thường, thông lệ thì bắt đầu vào buổi sáng, có lẽ chuyện tế nhị, không muốn ai tham dự. Cả hội trường xử án vắng tanh, duy nhất chỉ có đôi vợ chồng trẻ dáng vẻ mệt mõi, chán chường, hồi hộp…đứng đối diện hội đồng xét xử. Sau những trình tự theo pháp luật. Vị thẩm phán tuyên “Tôi tuyên bố, anh chị được ly hôn. Bản án có hiệu lực kể từ ngày…..”. Những năm tháng sống chung với nhau kết thúc từ đây, cánh cửa hôn nhân vụt khép lại chia cắt mỗi người một ngã. Một chút chua xót, một chút tiếc nuối, một chút xao động. Thế là hết, mọi việc đã chấm dứt…Ngoài kia, những tia nắng cuối cùng trong ngày còn rơi rớt vàng vọt, ảm đạm như tâm hồn anh chị.
Người phụ nữ vội vã đi thật nhanh về hướng bến xe, chuyến xe cuối cùng trong ngày cũng vừa lăn bánh cách đây ít phút. Lần đầu tiên về phố Huyện, cảnh vật xa lạ quá, không người quen, không nhà trọ. Chị dáo dác nhìn quanh, nỗi lo lắng, bồn chồn xuất hiện trên khuôn mặt, nhà cách trên 20 cây số, qua nhiều quảng đường vắng, trời gần tối, làm sao đi bộ về. Khi không còn đường nào tính, bên tai vang lên giọng nói trầm ấm rất quen thuộc “lên đây tôi chở về”…
Người đàn ông cách đây không lâu còn được gọi là chồng ngồi trên chiếc xe đạp sát bên cạnh chị. Chiều nay ra khỏi tòa án, anh nhìn thấy chị ngơ ngác một mình giữa bến xe vắng tanh, nỗi thương cảm chợt nổi lên trong lòng, cái cảm giác này dường như mất hẳn trong anh từ ngày hai người đi đến quyết định chia tay. Một thoáng đắn do, nhưng không còn cách nào hơn chị bước đến ngồi lên. Ôi sao mà quen thuộc đến vậy, chiếc xe đạp chị đã từng ngồi không biết bao nhiêu lần từ những ngày hai người quen nhau, tấm lưng to bè người ngồi trước đã từng là chỗ dựa vững chắc của đời chị, những ký ức hạnh phúc mơ màng hiện về như những thước phim làm chị quên hẳn những gì đã xảy ra chiều nay, cảm giác lãng mạn yêu đương ngày ấy chợt sống dậy làm tim chị đập rộn lên, giờ mới thấy quý giá những gì trước đây xem rất bình thường nay đã bị mất đi…
Không biết vì lý do gì hai người chia tay và cũng không biết quảng đường đá gập gềnh hơn 20 cây số tranh tối tranh sáng anh chị đã nói với nhau những gì mà vài ngày sau đó trời chưa tỏ mặt người ta đã thấy anh chị chờ sẵn ở cổng tòa án để xin hủy bản án ly hôn.
Ôi! Chuyện tình yêu, hợp tan, tan hợp chẳng biết đường nào mà nói./.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Đạo Tình Yêu Qua Thúy Kiều & Kim Trọng

Năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Thi hào Nguyễn Du (1765-1965). Ông đã được Hội Đồng Hoà Bình Thế giới vinh danh là một Danh nhân Văn hoá Thế giới. Truyện Kiều đã được dịch ra rất nhiều ngoại ngữ là tiếng Đức, Pháp, Thụy điển, Anh, Tiệp khắc, Ba lan, Trung quốc, và Nhật bản … Trong số đó có ba bản dịch sang Pháp và Anh văn đã được Cơ quan Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc tài trợ xuất bản với tính cách là tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam.

Truyện Kiều là nguồn cảm hứng vô tận đối với những người làm văn học nghệ thuật. Trong mấy trăm năm qua, nhiều học giả đã viết về nhiều khía cạnh khác nhau của Truyện Kiều.

Cuộc sống biến đổi khôn lường. Nhưng tâm thức của con người mỗi ngày mỗi nhận ra đạo là nguồn sống là hạnh phúc đích thực. Nhân loại đang mong muốn trở về với những nguồn đạo lớn. Trong tất cả hành động hằng ngày nếu thể hiện bằng hành động thiếu đạo lý sẽ dẫn đến khổ đau cho mình và người khác. Người Việt có truyền thống theo Đạo Ông Bà, đây là nét đặc sắc nhất của dân tộc Việt. Đạo Ông Bà thờ ông bà tổ tiên, tôi nghĩ đặc điểm này không bao giờ đối nghịch với các tôn giáo khác. Cuộc sống thường nhật của con người có tình nghĩa vợ chồng đã dẫn đến đạo vợ chồng. Vợ chồng bắt nguồn từ tình yêu đôi lưá. Tình yêu đôi lứa đánh thức khả năng tiềm ẩn của con người. Tình yêu nam nữ hoà hợp, kết chặt trái tim cùng sức mạnh lý trí để thăng hoa ngọn lửa tình yêu nồng ấm. Ngọn lửa tình yêu có nguồn đạo lý riêng, trong đó tiềm ẩn những phép tắc nhiệm mầu và những điều cấm kỵ. Những điều bí mật đó là những gì thiêng liêng của Đạo tình yêu. Tín đồ đạo tình yêu, biết đâu là con số cao nhất của nhân loại và trong thực tế đã đang vượt lên, đang vươn tới tính bình đẳng, hòa hợp và nhân bản nhất. Nguồn đạo tình yêu không phân biệt tính quốc gia, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và tuổi tác v.v... và v.v... Có phải Ông Adam và Bà Eva là thủy tổ của Đạo tình yêu không? Nếu đúng, thì những người thật lòng yêu nhau, thật lòng hy sinh vì nhau sẽ nhận được những lời chúc phúc từ đấng Thủy tổ. Xin hãy yêu nhau thật lòng.

Từ suy nghĩ lan man bất chợt trên đây và cảm xúc sâu xa bởi tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng trong Đoạn Trường Tân Thanh của Thi hào Nguyễn Du. Người viết ngẫm nghĩ về vấn đề này, nên mạnh dạn thử phác họa Đạo Tình Yêu qua cuộc đời dâu bể của Thúy Kiều và Kim Trọng. Đây không phải là bài viết thuộc lọai nghiên cứu, mà chỉ là đôi điều tản mạn, những ý nghĩ mới bắt đầu, không làm sao tránh khỏi những bất cập. Rất mong các bậc cao minh, thức giả và những người yêu mến truyện Kiều góp ý, thông cảm, chia sẻ. Người viết vô vàn đa tạ.

Lối vào

1.

Thi hào Nguyễn Du đã để lại Truyện Kiều. Một cuộc tình đôi lứa, người quốc sắc kẻ thiên tài. Tình tiết đẹp đẽ cảm động tạo ấn tượng khó phai mờ trong lòng người thưởng ngoạn. Mối tình thủy chung đầy nước mắt cuả Thúy Kiều và Kim Trọng được Nguyễn Du viết thành thiên tình ca, thành những tiếng kêu đứt ruột là Đoạn Trường Tân Thanh. Nguyễn Du đã cho cặp trai tài gái sắc tất cả tự do, táo bạo, lòng yêu thương, tính phóng khoáng để tạo nên một thiên diễm tình bất tuyệt.

2.

Sự tồn tại của nhân loại khởi đi từ đời sống vợ chồng. Đạo vợ chồng là tình yêu hiến dâng cả tâm hồn lẫn thể xác giữa người nam và nữ.

Kim và Kiều là đôi tình nhân chưa phải vợ chồng. Và cũng không bao giờ trở thành chồng vợ. Hai người yêu nhau, hạnh phúc và say đắm trong tình yêu, đã thề nguyền: “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.” Nhưng dù mười lăm năm nhớ thương đứt ruột khi gặp lại nhau chàng và nàng vẫn đồng lòng vượt qua dục vọng, từ bỏ gối chăn.

Chúng ta cảm thương mối tình đầu nhẹ nhàng thanh thoát của Kiều khởi đi từ Tết Thanh Minh khi nàng đi tảo mộ cùng người em gái là Thúy Vân và em trai là Vương Quan. Giữa thiên nhiên mà cảnh sắc như tranh thủy họa: “Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.” Kiều như hoa lê trắng nổi bật lên giữa trời xanh bát ngát bao la. Kiều mang tâm hồn trong trắng, đa sầu đa cảm và hay thương xót nỗi đau của người khác. Cho nên khi gặp mộ Đạm Tiên, Kiều đã: “Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài.” Và giữa khung cảnh êm đềm, “cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, Kim và Kiều gặp nhau. Khi “hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”; người như hoa e lệ, xao xuyến. Cái phút ban đầu lưu luyến ấy nặng chĩu cảm xúc, mang cảm giác ngất ngây tình tự. Hình ảnh đó tạo nên tiếng sét ái tình. Kiều là giai nhân, quý phái. Kim Trọng là kẻ tài tử hào hoa nên hai người dễ nẫy mầm lưu luyến. Mới gặp nhau mà “tình trong như đã, mặt ngoài còn e.” Trong máu huyết của Kim Trọng đã có chất men tình ái. Chàng là giống nòi tình, tình yêu dễ làm cho chàng choáng váng “Chập chờn nửa tỉnh nửa mê.” Giữa không gian yên vắng, ngậm ngùi chàng kêu lên tiếc nuối xót xa: “ Người đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không.” Giữa không gian yên lặng đầy tình tự của đất trời: “Dưới cầu nước chảy trong veo, Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.” Giữa sự tịch lặng đó Kiều dễ dâng tâm hồn cho Kim Trọng: “ Bóng tà như giục cơn buồn, Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo.” Và từ đó, ngọn lửa mối tình đầu bùng lên bằng khát khao, nhung nhớ, sầu não đợi chờ. Tất cả hứa hẹn cho một mối tình mãnh liệt.

Duyên cớ đầu tiên của mối tình là chiếc kim thoa của Kiều bỏ quên trên cành đào.’’ Trên đào nhác thấy một cành kim thoa”. Đó là đầu mối của duyên tiền định. Kim Trọng đã đem kim thoa về nhà để ôm ấp. Một thi sĩ nào đó đã nói, khi yêu một sợi tóc cũng làm nên mê hoặc, huống chi đây là kim thoa, vật đã thường gắn lên mái tóc người mà mình mơ tưởng. Qua báu vật đó, chàng thương nhớ Kiều, tương tư đến hao mòn ngất lịm.

Kim Trọng si tình, tương tư Kiều, quên hết thú vui hằng ngày. “Hương gây mùi nhớ. Trà khan giọng tình”. Hoa ái tình đã nở, nỗi nhớ nhung điên cuồng thúc đẫy chàng tìm cách thuê nhà cho gần Kiều.’’ Lấy điều du học hỏi thuê. Túi đàn, cặp sách đề huề dọn sang”. Thư phòng của chàng như sẵn sàng là nơi tình tự:

Có cây có đá sẳn sàng

Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai

Mừng thầm chốn ấy chữ bài

Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây


Chàng tương tư nàng, nhìn đâu cũng chỉ thấy nàng. Nhìn chiếc kim thoa tưởng như ẩn hiện khuôn mặt Kiều, như tạo mối tơ mành, như nhện giăng quấn lấy tâm hồn Kim Trọng; chàng không làm sao gỡ ra được. Kim Trọng đứng ngồi không yên, có ý tìm tòi, nên ra ngẩn vào ngơ, cuối cùng chàng vội bước ra nơi vườn cũ để tìm Kiều. Khi thấy Kiều ngơ ngẩn đi tìm chiếc kim thoa. Chàng lên tiếng từ xa để ướm lòng: “Thoa này bắt được hư không. Biết đâu hợp phố mà mang châu về ”. Để rồi tiếng oanh vàng của Kiều lại trao duyên: “Chiếc thoa nào có mấy mươi. Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao”. Kim Trọng đã: “Thầm trông trộm nhớ, bấy lâu đã chồn.” Chàng nói hết nỗi lòng với Kiều để nàng hiểu cho mình. Chàng phải nói, cần nói để cho hả dạ, để giải thoát cho tâm hồn mình bị đè nén bao lâu nay: “Tiện đây xin một hai điều, Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng? ” Nhưng Kiều:

Ngần ngừ nàng mới thưa rằng:

Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong

Dù khi lá thắm chỉ hồng

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

Nặng lòng xót liễu, vì hoa.

Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa”


Dù khi lá thắm chỉ hồng. Chỉ hồng là sợi giây xích thằng vô hình ràng buộc chân hai người nam nữ với nhau. Nhưng với Kiều, cái duyên bởi sợi dây kết hợp đó chưa đủ mà nên chăng cũng phải ở lòng cha mẹ . Đây là nét đạo lý trong tình yêu của Kiều. Trái tim Kiều rộn ràng trước Kim Trọng, nên Kiều đã: “Vội về thêm lấy của nhà. Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông” Và hai người đã trao kỷ vật cho nhau.

“Rằng trăm năm cũng từ đây,

Của tin gọi một chút này làm ghi.

Sẵn tay khăn gấm quạt qùy,

Với cành thoa ấy, tức thì đổi trao.”


Sau đó: “Chàng về viện sách, nàng rời lầu trang.” Sau lần gặp gỡ để trao kỷ vật, chàng và nàng sống trong tâm cảnh: “Sông Tương một giải nông sờ. Bên trông đầu nọ, bên chờ mối kia”. Chàng và nàng tương tư nhau, qua ngày gió đêm trăng không sao gặp được. Nhân một hôm Kiều một mình ở nhà: “Nhà lan thanh vắng một mình, Ngẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay”. Nàng nghĩ cơ hội đã đến, nên gót sen nàng thoăn thoắt dạo mé tường để tìm Kim Trọng. Rồi dưới hoa, nàng đã thấy chàng đứng trông:

“Trách lòng hờ hững với lòng,

Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu.

Những là đắp nhớ nỗi sầu,

Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm.”

Với Kiều thì:

“Nàng rằng gió bắt mưa cầm,

Đã cam tệ với tri âm bấy chầy.

Vắng nhà được buổi hôm nay,

Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng.”


Bởi hương kỳ ảo của tình yêu thúc giục Kiều. Và đôi khi sự táo bạo đúng lúc là điều cần thiết để mở cửa tình yêu, Kiều đã: “Xắn tay mở khóa động đào, Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.”. Kiều đã chủ động đến với Kim Trọng. Lần đầu tiên chàng và nàng gặp nhau trong chốn thư hiên... ”Góp lời phong nguyệt, nặng nguyền non sông”. Giữa chốn thư phòng Kim và Kiều tình tự. Mới gặp nhau hai người đã tâm giao đắc ý. Kiều vẽ tranh Đạm thanh. Chàng Kim thảo thơ, đó là ngôn ngữ của thần linh. Kim thổi thần linh vào trong tranh của Kiều. Hai người chuốc rượu mời nhau. Thơ, Họa đã tạo nên cảm hứng tình yêu giữa chàng và nàng. Ở điểm này mới thấy Nguyễn Du yêu thương con người đến mức nào, nhất là với phụ nữ. Nguyễn Du đã giải phóng phụ nữ, thời điểm của mấy trăm năm trước, khi lễ giáo nho phong còn nặng nề, nam nữ thụ thụ bất thân. Nguyễn Du đã tạo cho Kim Kiều phóng khoáng tự do, đầy nhân bản. Làm sao chúng ta không thương quá Nguyễn Du. Kim khen tài Kiều là nhả ngọc phun châu. Kiều tâm sự, khi còn nhỏ có người coi tướng Kiều: “Anh hoa phát tiết ra ngoài, Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.” Nhưng Kim Trọng lại khoát đi, nói Kiều đừng tin: “Sinh rằng: - Giải cấu là duyên, Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.“ Uống rựơu, mê đắm, tâm tình với nhau. “Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.” Chén rượu tình đã ngà ngà say. Kiều giật mình vì “trông ra ác đã ngậm gương non đoài”. Bóng chiều đã xuống dần, mặt trời một nửa đã lấp vào ngọn núi phía tây. Kiều trở về nhà thấy “hai thân còn dở tiệc hoa chưa về’’. Nàng lại vội vàng quay trở lại với Kim Trọng. Trong lúc đó chàng thất thần dựa án thiu thiu: “Dở chiều như tỉnh, dở chiều như mê”; chàng đang tương tư hình bóng Kiều; còn nàng cũng thật táo bạo, thân gái đêm hôm: “Xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”, để trở lại nhà trai. Thật tự do, táo bạo, và liều lĩnh: “Nàng rằng: - khoảng vắng đêm trường. Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa.” Nguyễn Du cho hai người tự do phóng khoáng, rượu ân tình lóng lánh tận đáy lòng:

Tóc tơ căn vặn tấc lòng,

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

Chén hà sánh giọng quỳnh tương.

Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng.


Hương thơm lộn vào dải lụa áo của Kiều. Bóng người lồng vào gương của bình phong. Mùi trầm hương bay tỏa. Đôi lứa nâng ly thề nguyền. Trong khung cảnh quá yên lặng của thư phòng, để phá đi những ước vọng thấp hèn có thể xảy ra, Nguyễn Du đã cho âm nhạc làm thăng hoa tâm hồn Kiều và Kim trọng. Tiếng đàn của Kiều vút lên:

“Trong như tiếng hạt bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.”


Âm thanh giao cảm và hoà hợp giữa hai tâm hồn. Khi Kim Trọng âu yếm tỏ tình yêu đương, lả lơi suồng sã. “Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.” Và nhiều lần Kim Trọng muốn vượt, nhưng Kiều đã thuyết phục được Kim Trọng:

Vội chi ép liễu hoa nài.

Còn thân ắt lại đền bù có khi

Thấy lời đoan chánh dễ nghe

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân

Kiều khuyên Kim Trọng không nên lả lơi mà cần có trách nhiệm và giữ gìn cho nhau. Trong mê đắm Kiều vẫn sáng suốt và cảnh tỉnh. Kiều nói: “Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.” Kim Trọng ép Kiều làm điều dâm dục nhưng nàng phân trần lời lẽ đoan trang. Nàng rằng: “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia, Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai”. Kinh nghiệm này của Kiều là kinh nghiệm ngàn đời của ông cha truyền lại. Giữ tiết trinh là điều rất quan trọng. Nàng muốn chia sẻ tâm tình với cha mẹ. Kiều không muốn dấu cha mẹ về mối tình của mình, và sự đồng ý của cha mẹ là quyết định: “Nên chăng thì phải tại lòng mẹ cha.” Nàng ý thức tình yêu trong sáng và có trách nhiệm.

Cuộc đời là vô thường, mọi chuyện biến đổi không ngờ. Trong lúc hai người đang thề non hẹn biển, thì người giúp việc báo tin ông chú của Kim Trọng chết. Kim Trọng phải về hộ tang cho chú. Tâm trạng Kim như tơ vò khi nghĩ đến xa Kiều: “Trăng thề còn đó trơ trơ, Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.” chàng dặn dò Kiều : “Gìn vàng giữ ngọc cho hay, Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”. Nàng cảm xúc quá mãnh liệt, nên lại giải bày: “Ông tơ ghét bỏ chi nhau, Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi !” Nàng sẽ liều thân mình để giữ trọn lời thề, tạc đá ghi vàng không lấy ai khác nữa. Và rồi cũng phải chia xa, phút chia tay đầy nước mắt: “Ngại ngùng một bước một xa, Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.” Cảnh chia tay đứt ruột: “Não người cữ gió, tuần mưa, Một ngày nặng gánh tương tư một ngày”. Phút chia tay, Kim Trọng về thọ tang cho chú. Còn Kiều đâu có biết đời mình sẽ bước vào vòng ô nhục, nghiệt oan và bạc mệnh, bởi Kiều phải bán mình chuộc cha để cứu vớt hạnh phúc của gia đình, cha mẹ và hai em. Cứu vớt gia đình, thì đổ vỡ tình yêu, trong lúc nàng còn mang nặng lời thề với Kim Trọng: “Hồn còn mang nặng lời thề, Nát thân bồ liễu, đền ghì trúc mai.” Kiều muốn người yêu mình hạnh phúc, nên đã van xin Thúy Vân kết duyên cùng chàng:

Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ, thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên


Trao những kỷ vật của mình với người yêu cho em gái, Kiều nói Thúy Vân hãy xót thương người phận bạc, vì không biết cuộc đời chị sẽ về đâu, nhưng:

Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy, so tơ phiếm này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.

Với người yêu, “bây giờ trâm gẫy gương tan” Kiều xót xa, than khóc nức nở với chàng:

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi !

Phận sao phận bạc như vôi

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng

Ôi Kim lang ! Hỡi Kim lang !

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!


Trong giây phút quyết định bán mình chuộc cha. Kiều tan nát tâm can đối với người yêu, Kiều chỉ mong người yêu hạnh phúc và riêng mình giữ được lời thề nguyền với Kim Trọng và thực tế trong mười lăm năm lưu lạc giang hồ, không có phút giây nào Kiều không nhớ đến người yêu.

3.

Đời Kiều: “Hết nạn nọ đến nạn kia, thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”: nhưng tấm lòng vẫn trinh, chữ tâm vẫn trinh nguyên đối với Kim Trọng, trong đêm hợp cẩn cùng chén rượu sau tiệc đoàn viên. Nàng nói với chàng:

Chữ trinh còn một chút này

Không cầm cho vững, lại giày cho tan.

Đây là điểm khúc mắc, nhiều bàn cãi, dằn co, tranh luận, nhiều ý kiến nhất của giới nghiên cứu truyện Kiều. Mười lăm năm lưu lạc, sau tiệc đoàn viên, trong phòng tân hôn Kim và Kiều:

Động phòng dìu dặt chén mồi

Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa.

Hai người tâm sự suốt đêm.“Gà đà gáy sáng, trời vừa rạng đông”. Mặc dầu mười lăm năm: Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa đối với Kiều. Nhưng giữa đêm tân hôn Kim Trọng vẫn mê mệt, rung động trước nhan sắc rạng rỡ của nàng. Kiều căng tròn, tràn đầy nhựa sống của tuổi ba mươi. Nàng đẹp hơn bao giờ hết, vẫn còn xuân phơi phới, má hồng đỏ hây hây:

Canh khuya bức gấm rủ thao

Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân.

Kim Trọng là nòi đa tình. Sau mười lăm năm nhớ nhung, khát khao đến điên cuồng, giờ đây chàng muốn tận hưởng.

Thương nhau sinh tử đã liều

Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình

Chừng xuân tơ liễu còn xanh

Nghĩ sao cho thoát khỏi vành ái ân.


Kim Trọng muốn ái ân trong đêm đoàn viên cho thoả lòng, sau tháng năm dài mong nhớ. Chàng đã: “Thoắt thôi tay lại cầm tay/Càng yêu vì nết càng say vì tình”. Càng âu yếm tình càng thắm thiết bởi: “Mười lăm năm ấy bây giờ là đây.” Và trong phút này hai người say sưa mê mẩn, vuốt ve âu yếm ở vành ngoài: “Những như âu yếm vành ngoài”; nhưng khi Kim Trọng muốn vào …vành trong, thì Kiều một mực từ chối, không đồng ý chuyện ái ân. Đời nàng đã qua biết bao thương đau, đoạn trường. Kiều muốn giữ tình yêu cao đẹp, tấm lòng trinh nguyên, cái tâm trong sáng đối với chàng:

Những như âu yếm vành ngoài,

Còn toan mở mặt với người cho qua

Lại như những thói người ta,

Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa

Khéo là giở nhuốc bày trò

Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi

Người yêu ta xấu với người

Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.


Hương vị kỳ ảo của tình yêu tồn tại ở trong mâu thuẩn. Không sống nổi trong mâu thuẩn thì rất khó tìm được hạnh phúc. Nguyễn Du cho Kiều nói “không” vì: Nếu giở nhuốc bày trò, hậu quả của nó chẳng đẹp đẻ gì; sau phút đó cảm giác sẽ chán nản xấu xa. Thỏa mãn dục vọng sẽ làm mất sự kính trọng giữa hai người. Và “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau.” Có được cái quyết định này là nhờ kinh nghiệm sống; bởi cuộc đời Kiều đã quá nhiều nổi thống khổ và bất hạnh, ngẫm nghĩ lại một kiếp đọan trường, hết nạn nọ đến nạn kia: “Thiếp từ ngộ biến đến giờ, Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa”. Kinh nghiệm đau thương, bất hạnh từ bản thân. Kiều đã qua kiếp hồng nhan bạc mệnh, khởi đi từ chuyện vu oan giáng họa cho gia đình Kiều, nàng phải lưu lạc. Kiều phải bán mình chuộc cha, bị mất trinh khi bị lừa vào tay Mã Giám Sinh, phải rút dao tự vẫn để tự kết liễu đời mình nhưng không thể chết được. Sau đó, bị sở khanh lường gạt, đành phải dấn thân vào chốn lầu xanh lần thứ nhất. Tiếp tục bị Hoạn Thư đày đọa. Hoạn Thư vợ cả của Thúc Sinh, cho nàng ra Quan Âm các, giữ chùa chép kinh, Hoạn thư theo dõi. Tận cùng, nàng phải ăn cắp đồ kim ngân, giắt bên mình để hộ thân và bỏ trốn khỏi gia đình họ Hoạn. Nàng tạm lánh ở chùa của sư Giác Duyên. Đến với Bạc Hạnh lại tiếp tục bị lừa và phải vào lầu xanh lần thứ hai. Gặp được Từ Hải, đường đường một đấng anh hào đã đưa Kiều lên bậc phu nhân, giúp Kiều giải quyết ân oán cuộc đời. Hoạn nạn lại tiếp tục đến, khi Từ Hải nghe Kiều ra hàng để phải chết đứng giữa trận tiền bởi sự tráo trở của Hồ Tôn Hiến. Quá đau khổ, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử, “ngư ông kéo lưới vớt người”. Nàng không chết, gặp Sư Giác Duyên và đưa nàng về thảo lư. Kiều tiếp tục trong chiếc áo nâu sồng nương nhờ cỏi Phật. Kiều đã qua một kiếp đoạn trường. Những thảm trạng của cuộc đời bi thương, những nỗi thống khổ đứt ruột, tất cả đã làm Kiều mở mắt, mở lòng, mở tâm thức của nàng. Kiều đã ngộ, cho nên trong giờ phút đoàn viên với gia đình và gặp lại người yêu là Kim Trọng, nàng từ bỏ ái ân bởi Kiều thấy không xứng đáng với Kim Trọng. Chính nhìn ra cái điều không xứng đáng này là đúng với lẽ đạo của tình yêu, đã đưa tư cách của Kiều cao hơn. Nếu chấp nhận gần gũi giao hoan với Kim Trọng; tấm lòng nàng, cái tâm nàng sẽ bị ô nhục, dơ bẩn. Kiều mong muốn giữ mãi cái tâm trong sạch, trinh nguyên đối với Kim Trọng. Kiều giữ sự trong trắng, như nữ tiết liệt ngày xưa. Trí tuệ của nàng đã vượt thắng nổi đam mê của dục vọng, vươn cao hơn để đạt tới vẻ đẹp phẩm chất của tâm hồn nên không đồng ý tiến đến vợ chồng mà chỉ giữ trong tình bạn:

Hai tình vẹn vẽ hoà hai

Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ

Khi chén rượu, khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên

Ba sinh đã phỉ lời nguyền

Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy


Chính ở tâm hồn đẹp, tình yêu khởi nguồn từ trái tim biết hy sinh, quyết liệt giữ lòng trinh nguyên đối với Kim Trọng, điều này đã làm cho chàng càng yêu mến và kính trọng Thúy Kiều thêm lên:

Gương trong chẳng chút bụi trần

Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm.

Sự giải quyết trong đêm hợp cẩn này, Thúy Vân vẫn là người vợ của Kim Trọng và Thúy Kiều mãi mãi là người yêu tuyệt vời bởi nàng chưa bao giờ một lần chăn gối với người yêu. Đối với Thúy Vân. Nàng vô tâm hay sao? Chị giao người yêu để Vân lấy làm chồng, Vân cũng ừ. Và mười lăm năm sống với chồng là Kim Trọng, người chồng của mình luôn luôn thương nhớ người yêu là chị ruột của mình. Rồi trong tiệc đoàn viên sau những năm dài gặp lại, chị mình và chồng mình là Kim Trọng, hai người lại tiếp tục yêu nhau trong đêm hợp cẩn tái ngộ. Thúy Vân sống với chồng mà không có tình yêu. Vân quá thương chị, vì chị đã thương cha mẹ, thương gia đình mà bán mình chuộc cha. Thúy Vân thương chị nên chấp nhận đời sống vợ chồng mà không có tình yêu. Khi đọc Kiều chúng ta cần hóa thân vào nhân vật. Sự chấp nhận của Vân nói lên đức hy sinh, lòng nhân ái, tình yêu thương bao la trước cuộc đời. Chính ở điểm giải quyết trong đêm đoàn viên này, mà mấy trăm năm qua nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều học giả, nghiên cứu đã cảm nhận khác nhau ở đoạn Kim Kiều tái hợp. Và chính ở điểm phê bình và cảm nhận khác nhau này đã làm phong phú Truyện Kiều. Riêng ý chí tự do, đức hy sinh và tính trách nhiệm thể hiện tình yêu trong truyện Kiều, đặc biệt chữ trinh của Kiều đối với Kim trọng; tất cả đã làm người viết rung động và ngẫm nghĩ để trình bày về đạo tình yêu đôi lứa.

Nguyễn Du với cái tâm rộng mở, thương yêu kiếp hồng nhan bạc mệnh của Kiều. Sau mười lăm năm lưu lạc Nguyễn Du không muốn Kiều ở lại tu trong thảo am với vãi Giác Duyên. Nguyễn Du mang Kiều về lại giữa cuộc đời. Kim Trọng lấy Thúy Vân, nhưng không quên được tình nhân là Kiều. Kiều và Kim trọng tái hợp là để thực hiện lời hứa năm xưa đã nói lên lòng thủy chung trong tình yêu, giữ lời thề, không bội ước. Thúy Vân kết duyên với Kim Trọng là thực hiện lời nguyện ước cho Kiều. Việc thành hôn mà không chăn gối là để giữ tấm lòng trong sạch của Kiều đối với Kim Trọng. Không chăn gối để xoá cái vết tích nhơ nhuốc của Kiều. Cụ Nguyễn Du đã giải thóat cho Kiều vừa tình và lý, Kim Trọng đã bênh vực chữ trinh cho Thúy Kiều. Nếu nàng giữ chữ trinh không chịu bán mình để chuộc cha thì cha nàng sẽ bị khổ hình, tù tội. Hiếu là bổn phận thiêng liêng hơn chữ trinh:

“Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.

Có khi biến, có khi thường,

Có quyền, nào phải một đường chấp kinh

Như nàng lấy hiếu làm trinh

Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”


Trong phút đoàn viên, chữ trinh của Kiều đối với Kim Trọng, là tấm lòng trinh nguyên, là cái tâm mới mẻ, trong sáng như đã luôn luôn giữ lời thề nguyền với chàng trong những năm giang hồ lưu lạc, ngập tràn oan nghiệt, và đắng cay. Với Kiều: “Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm”. Tình yêu đó mãi mãi vẹn toàn trong cõi thiên thu. Kiều và Kim Trọng là một khối tình: “Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.” Đó là tình yêu đích thực. Khởi nguồn tình yêu của hai người là thiện căn của Kiều đối với Kim Trọng. Kiều trước đây đầy vọng động. Bây giờ, Kiều đã vượt lên dục tính. Ngọn lửa dục đốt tâm can của Kim và Kiều đã được chuyển hóa trở nên tươi mát. Tất cả những ức chế, những dồn ép của dục vọng trở thành những hoạt động tinh thần, thăng hoa trong đời sống của bằng hữu tri âm cao thượng, đạt đến trạng thái an lạc, nhiệm mầu.

Trí bát nhã của thi hào Nguyễn Du đã cho Kiều viễn ly điên đảo, khổ ách; để đạt đến cứu cánh thanh tịnh của niết bàn.


Nguyễn Văn Nhớ (Họa sĩ)

-------------

Chú thích “…”: Thơ trong Truyện Kiều.

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

PARIS VỚI NHỮNG VẦN THƠ...

01 - Sông Seine
Paris có gì lạ không em ?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em
(Nguyên Sa)

02 - Đường Rivoli & Vườn Tuileries
Em, Anh đã trở lại Paris
Đi giữa mưa gầy Tháng Bảy
Kỷ niệm chập chùng trang ký ức
Mắt cay cay cơn huyễn mộng trùng phùng
(Kim Thành)

03 - Dọc theo sông Seine
Anh đến thăm em một chiều thu lạnh
Lá vàng xua năm tháng lạc muôn phương
Trời Ba Lê hoa lệ giữa đau thương
Hồn lạc lõng trên nẽo đường hiu quạnh
(Võ Thu Tịnh)

04 - Toà Đô Chánh Paris
Anh đến thăm em một chiều không hẹn
Nghe nghẹn ngào nắng úa kiếp tha hương
Thành Ba Lê tàn nhạt mảnh nghê thường
Tình ế ẩm giữa chợ đời ghê lạnh
(Võ Thu Tịnh)

05 - La Conciergerie
Em ở đâu hỡi người em rất nhớ
Trời Paris nào có lụa Hà Đông
(Nguyên Sa)

06 - Khải Hoàn Môn
Vẫn còn đấy
Khải Hoàn Môn hoàng hôn hay nắng rỡ
Em xa rồi một thuở trầm hương
Anh vết thương nương hơi thở theo cùng
Tim lỗi nhịp, hồn bay tìm cánh gió
(Kim Thành)

07 - Quai Bourbon
Vẫn còn đây
Dòng sông Seine mấy mùa chung bóng
Con phố xưa đứng ngóng với đợichờ
(Kim Thành)

08- Công trường Concorde
Paris thành phố của tình yêu lãng mạn
Thêm tình mình một dạ thuỷ chung
Tháng Bảy mưa ngâu còn có ngày gặp mặt
Anh và em đâu còn dịp tương phùng
(Tôn Thất Phú Sĩ)

09 - Institut de France
Paris đêm huyền dịu
Ánh đèn màu mờ ảo lunh linh
Anh vẫn đi tìm em
Đi tìm hoài như một kẻ vô tâm
(Tôn Thất Phú Sĩ)

10 - Pont Neuf
Cầu Neuf đằng xa buông thõng chân
vào sông Seine, lắng tiếng vàng ngân
"Khoan hò ... " Giọng hát buốn thê thiết ;
Ai nhớ nhung gì, Vân hỡi Vân
(Vũ Hoàng Chương)

11 - Đảo Cité
Em có đứng ở bên bờ sông ?
Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
Anh về có nương theo giòng nước
Anh sẽ tìm em trong bóng trăng
(Nguyên Sa)

12 - Đêm dạo sông Seine
Sông Seine vàng lượn đôi bờ
Xuôi xuống vàng Montparnasse
Ngược lên vàng Sacré Coeur
Từng bậc từng cung đậm nhạt
(Vũ Hoàng Chương)

13 - Nhà thờ Sacré Coeur Montmartre
... Có phải đường lên
Sacré Coeur hoa vàng tượng đá ?
"Người về ... " tôi nhắc lại tên,
Dư âm đầy mạch máu vang rền
(Vũ Hoàng Chương)

14 - Thánh Đường Notre Dame de Paris
Chiều xuống Paris buồn
Sương mù đan kín nửa giòng Seine
Một nửa giòng kia bên tuổi vắng tên
Trên cánh chim bay nắng dịu êm
(Trần Đình)

15 - Chân Tháp Eiffel
Thạch dầu ngơ ngẩn bóng mây trôi
Thiết-tháp hờn trăng lạnh lẽo ngồi.
Em ạ, Paris toàn sắt đá ;
Lòng đau, Sắt nọ Đá này thôi !
(Vũ Hoàng Chương)

16 - Tháp Eiffel nhìn từ vườn Trocadéro
Mở mặt đô -kỳ -ánh-sáng : Paris ?
trong một chuyến đi
Mà sông Seine cùng tháp Eiffel
Mỗi xế trăng thu còn nhắc nhở thầm thì
(Vũ Hoàng Chương)

17 - Cầu Mirabeau
Dưới cầu Mirabeau
Trôi dòng sông Seine
Và cuộc tình chúng ta
Em ở đâu ? Ôi sương mù dĩ vãng
(Ngô Thuỵ Miên)

18 - Cầu Alexandre III
Sao ta ngơ ngác ? Lạ lùng chưa !
Em vẫn là mây tự kiếp xưa.
Trời xám Paris thu nặng trĩu
Lênh đênh sầu biết mấy cho vừa ?
(Vũ Hoàng Chương)

19 - Vườn Lục-Xâm-Bảo
Mùa thu âm thầm, Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá, Không em buốt giá từ tâm
(Cung Trầm Tưởng)

20 - Vườn Lục-Xâm-Bảo
Anh hiểu ! Vàng thu sẽ dậy men
Lá rơi vàng kín mặt sông Seine
Hồn anh sẽ đọng dài trên lá
Để giúp em màu đan áo "len"
(Vũ Hoàng Chương)

21 - Khu phố Saint-Eustache
Paris cà phê
Thiếu em tóc rối, Vạt nắng chiều quê
Thiếu em tiếng nói, Ru đời hồn mê
(Duyên Anh)

22 - Khu phố Montmartre
Cà phê Paris
Hỡi đôi mắt nhỏ, Nhìn em cuồng si
Tình yêu chưa tỏ, Đã đàng chia ly
(Duyên Anh)

23 - Đảo Saint-Louis
Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa
(Nguyên Sa)

24 - Một trạm métro Paris
Paris lạnh phố buồn
Em ơi rét không em
Lên métro cuối cùng
Em ơi khóc đi em
( ... )

25 - Quai du Louvre
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
(Cung Trầm Tưởng)


.

Hạnh phúc

Hai vợ chồng trạc tuổi 30 trên chiếc xe đạp, gió thổi ngược chiều, người chồng gò lưng thật thấp cố đạp, trán lấm tấm mồ hôi và lưng ướt đẫm, bộ dạng rất mệt nhưng nét mặt vẫn thản nhiên. Người vợ ngồi sau thu mình thật nhỏ như sợ cản gió.
Mây đen kéo tới, những hạt mưa bắt đầu lác đác rơi, người chồng bất chấp đạp thật nhanh cho qua quảng đường trống tìm nhà trù ẩn.

Càng lúc càng nặng hạt, trời tối sầm, cơn mưa ào ào ập xuống, hai người chạy vội vào cái chòi bên đường, gọi là chòi chứ thật ra chỉ là một khoảnh đất nhỏ cắm 4 cái cột bằng cổ chân, vách trống không, trên gác mấy tàu dừa che nắng của người bán trái cây cho khách đi đường đã bỏ hoang từ lâu.

Gió thổi mạnh hơn, hai người đứng tựa vào nhau. Cái chòi rung rinh như muốn bật tung. Mưa mỗi lúc một to, nước xối xả đổ xuống, cả hai cùng ướt. Người vợ lạnh run lập cập nép thật sát vào vòng tay của chồng như chuyền hơi ấm cho nhau...
Trong cảnh mưa gió, ướt át, lạnh lẽo. Lòng họ thật ấm và hạnh phúc./.

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Nhớ

Nằm mơ thấy chiếc lá rơi ngoài hiên buồn tênh
Một thoáng gió xa xôi trỗi lên những niềm riêng
Nhớ một ngày nào đó xa
Nhớ một thời nào đã qua
Bên đời ta ai đó vừa khuất xa

Ngày tháng cũ nhớ tới câu chuyện xưa dịu êm
Một đêm tối mây trôi về chốn xa hoang đường
Nhớ buổi chiều vàng nào cũ
Nhớ lời hẹn hò nào cũ
Dĩ vãng xưa vang mãi trong chiều về

Và em về đâu đó trong đêm mù khơi
Đêm từng đợt sóng yêu thương nhẹ trôi
Biết đã xa rồi vẫn mãi yêu người
Ôi thời gian ôi chiếc lá rơi

Chợt nghe lời đâu đó vang trong lòng tôi
Mộng mơ thời đôi lứa êm êm buồn trôi
Giấc mơ trôi xa vời
Ấu thơ xưa qua rồi
Chiều buồn theo gió hoang trôi cuối trời

Có...

Có buồn phảng phất mù sương

Có từng nỗi nhớ có thương một người
Có nước mắt sau nụ cười
Có lời uẩn khúc có vời nỗi đau
Có bờ bến lặng bên nhau
Có hơi ấm tóc có sau rã rời
Có hương đêm thở tuyệt vời
Có trong ánh mắt những lời tình yêu
Có ngày tháng hết cô liêu
Có hạnh phúc đến ngã xiêu cuộc đời

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

Thằng Ăn Cắp

Sưu tầm

Ở một làng nào đó bên xứ Ấn Độ, có một thương gia nghèo. Ðời sống khó khăn, nạn cường hào ác bá quá đỗi lộng hành khiến bác ta sống không nổi, phải bỏ đi một xứ xa sinh sống. Sống nơi đất khách quê người lâu ngày, lòng riêng vẫn tủi. Lại thêm tuổi đà xế bóng, tính ganh đua, lòng ham muốn cũng mỏi mòn. Một hôm chạnh nhớ cố hương, bác quyết định trở về. Bán hết tài sản lấy tiền mua vàng, gói vào một túi vải giấu trong túi hành lý khoác vai, bác lên đường về quê hương.

Trong vùng quê người thương gia, giữa một cánh đồng, dân trong vùng xây một ngôi chùa nhỏ để các nông phu buổi trưa ghé vào lễ Phật và nghỉ ngơi. Một cây bồ đề lâu năm che bóng rợp xuống một sân nhỏ lát gạch, một cái giếng khơi, nước mát và trong vắt, cũng là nơi cho khách bộ hành ghé chân nghỉ ngơi, giải khát, hoặc đôi khi ngủ qua đêm trong chùa. Chùa không có người coi. Phật tử trong chùa đều là nông dân. Lúc rảnh việc thì tự ý tới làm công quả quét tước, dọn dẹp, chăm sóc cho đám cây cỏ sân chùa lúc nào cũng hương khói quanh năm.

Sau nhiều ngày lặn lội đường xa, người thương gia về gần đến làng cũ. Trời đã xế trưa, nắng gắt. Ði ngang qua chùa, bác ghé vào nghỉ chân dưới gốc bồ đề. Ra giếng nước giải khát, rửa ráy sạch sẽ xong, bác vào chùa lễ Phật. Trong chùa vắng lặng. Bác thắp hương quỳ trước bàn thờ Phật. Ngước nhìn lên, nét mặt đức Thế Tôn vẫn trầm mặc như xưa nay, hơn mười năm qua không có gì thay đổi. Cảnh vật như đứng ngoài thời gian. Lễ xong, người thương gia rời chùa. Thấy bóng chiều đã ngả, đường về còn khá xa, bác liền rảo bước, bỏ quên túi hành lý trong chùa.

Buổi chiều hôm đó, một nông dân nghèo khổ trở về làng sau một ngày làm việc ngoài đồng. Ngang qua chùa, ngày nào cũng vậy, bác ghé vào lễ Phật trước khi trở về nhà. Lễ xong, bác trông thấy một túi vải to để gần bàn thờ. Bác ta nghĩ thầm: “Không biết túi vải của ai đi lễ đã bỏ quên. Nhỡ có người tham tâm lấy mất thì tội nghiệp cho người mất của. Âu là cứ mang về nhà rồi bảng thông báo để trả lại cho người ta.”

Về đến nhà, bác nông dân gọi vợ con ra, trỏ vào túi vải, nói:
- Ðây là vật người ta bỏ quên trong chùa. Nay mình cứ tạm kiểm kê rõ ràng, đầy đủ, mai mốt có người đến nhận đúng thì trả lại cho người ta.

Giở ra xem, thấy có gói vàng to, người nông dân nghiêm giọng dặn vợ con:
- Vàng của người ta là một vật rất nguy hiểm. Nó làm nảy lòng tham. Mọi điều bất chính, bất lương, mọi sự đau khổ cũng từ đó phát sinh. Mẹ con mày chớ có dúng tay vào mà khốn!

Bác cất cẩn thận vào rương, khóa lại.

Người thương gia rảo bước về gần đến làng, nhìn xa xa ráng chiều êm ả, những làn khói bếp vương vấn trên rặng tre quen thuộc. Cảnh xưa vẫn còn trong trí bác so với nay như không có gì thay đổi sau hơn mười năm xa cách.

Vừa đến cổng làng, người thương gia mới sực nhớ đã bỏ quên túi hành lý ở chùa. Lo sợ, hốt hoảng, bác vội quay lại con đường cũ, vừa chạy vừa kêu:
- Khổ thân tôi! Thế là tôi mất hết cả sản nghiệp dành dụm từ hơn mười năm nay! Bao nhiêu công lao trôi sống trôi biển cả rồi! Khổ thân tôi chưa!

Người đi đường ai thấy cũng ngạc nhiên.

Tới chùa thì cảnh vẫn vắng tanh, bên trong chỉ có một cụ già đang lễ Phật. Người thương gia vội túm lấy cụ già, hốt hoảng hỏi:
- Túi đồ của tôi đâu? Vàng của tôi đâu?

Cụ già ngạc nhiên:
- Túi đồ nào của bác? Vàng nào của bác?
- Thì cái túi hành lý tôi để quên hồi xế trưa trong chùa này!

Cụ già vẫn bình thản:
- Quả thật lão không thấy túi đồ của bác. Lão đã sống thanh đạm cả đời, nỡ nào trong chốc lát vứt bỏ lương tâm mà tham của người. Bác cứ bình tĩnh. Của mất, có duyên còn có ngày lấy lại, vô duyên thì của cầm trong tay cũng mất. Túi đồ của bác đã thất lạc, bác lại mất luôn cả cái tâm công chính, đỗ vấy cho người là cớ làm sao?

Gần đây có một xóm làng, buổi chiều nông dân thường lễ Phật trước khi về nhà. Bác thử tới đó hỏi xem. Thói thường, thấy vàng là tối mặt lại. Nhưng cũng còn tùy. Cũng còn có nhiều người tốt.

Người thương gia nghe ra, nhận thấy mình vô lý, bèn xin lỗi cụ già rồi theo lời chỉ dẫn, tiếp tục đi tìm. Tới làng, ông ta hỏi nhiều người mà không ai biết. Nghĩ rằng sản nghiệp dành dụm trong mười năm của mình nay phút chốc như chiếc lá vàng rơi theo gió đưa, biết đâu là bờ bến mà tìm! Ðành phó mặc cho bước chân tình cờ may rủi. Khi tới cuối làng, giữa vườn cây cối um tùm có một căn nhà lá nhỏ tồi tàn. Trước cửa treo một tấm bảng đen, với hàng chữ trắng viết to: “Tôi có nhặt được một túi vải bỏ quên trong chùa. Ai là chủ xin tới nhận lại.”

Người thương gia mừng quýnh đập cửa, gặp anh nông dân ra mở hỏi:
- Bác là chủ túi đồ bỏ quên trong chùa?
- Vâng, chính tôi. Tôi đã để quên trong chùa hồi xế trưa nay. Xin cho tôi nhận lại.
- Nếu đó là của bác thì bác phải nói xem túi đồ của bác như thế nào? Trong đựng những gì?

Người thương gia trả lời:
- Ðó là túi vải, trong đựng một ít lương khô đi đường.

Người nông phu nói:
- Thế thì không phải túi đồ của bác.
- Thú thật với bác, cũng còn một số vàng trong một gói vải khác màu đỏ.

Người nông phu nghe tả đúng các đồ vật và số lượng vàng đựng trong túi vải, biết chắc người tới hỏi là chủ nhân bèn mở rương ra, nói với người thương gia:
- Quả thật đó là túi đồ của bác. Xin mời vào nhận.

Người thương gia nhận đủ số vàng, lòng vui khôn tả. Bác thấy cảnh nhà người nông dân nghèo nàn mà lại không có lòng tham, để tỏ lòng biết ơn, bác chia đôi số vàng gói vào một miếng vải đưa cho người nông dân. Bác nói:
- Vàng của tôi tưởng đã mất, may sao lại gặp tấm lòng quý của bác. Tôi xin biếu bác một nửa để tỏ lòng thành thật biết ơn.

Người nông dân ngạc nhiên:
- Trả lại món vật không phải của mình chỉ là một việc bình thường, có ơn gì mà được đền?
- Bác đã làm một điều thiện. Ðược đền ơn là đúng lẽ.
- Làm việc thiện là nghĩa vụ tự nhiên. Đạo lý xưa nay vẫn dạy như vậy. Đó không phải là cái cớ để đòi hay nhận tiền thưởng. Cũng như lòng yêu dân tộc, yêu tổ quốc không phải là cái cớ để được trả công. Vàng của bác do công sức làm ra thì bác hưởng. Tôi có góp công lao gì vào đó mà chia phần? Thôi, xin bác hãy để tôi được sống yên vui trong cái nghèo của tôi hơn là sống giàu có nhờ vào của cải người khác. Như thế cũng là một cách ăn cắp.

Người thương gia không còn lý lẽ gì để nói thêm bèn khoác hành lý lên vai, bất thần vất gói vải đựng nửa số vàng lên bàn rồi bỏ chạy. Ý định của ông ta là bắt buộc bác nông dân phải nhận sự đền ơn, nhưng bác vội nhặt gói vàng rồi đuổi theo, miệng hô hoán:
- Bớ người ta, thằng ăn cắp! Bắt lấy thằng ăn cắp.

Dân trong làng nghe tiếng hô hoán liền đuổi theo bắt được người thương gia dẫn trở lại trước mặt bác nông dân, hỏi:
- Hắn đã ăn cắp vật gì của bác?
- Hắn định ăn cắp cái tâm công chính và chân thật mà tôi có được từ ngày tôi học Phật!

Những người làm việc công mà đòi trả ơn, làm việc thiện chỉ do tư lợi, làm việc nước cốt vì quyền hành địa vị... thảy đều không hiểu chuyện nầy!!

(Không biết tên người kể.)

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Tình Ta

Mong manh i y có́ ̀nh tôi
́ nhng trông mong có́ bi hi
́ gió đổi mù̀a lạnh hiu ht
́ mưa tng giọ̣t đọng trên môi

Khc khỏải trong tôi có́ ̀̀nh ai
́ nhng bâng khuâng đêm dài
́ ngà̀y xôn xao trong ni nh
́ phú́t tuyt vi nhng sm mai

Đậm đà yêu thương có ̀nh ta
́ câu lụ̣c bá́t có́ trăng ngà̀
hàng d
a cong ven bin vng
đồi cá́t và̀ng trả̉i bao la