Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

BỤI THỜI GIAN

          Mấy mươi năm một cuộc dời. Có những cuộc đời ngắn và có những cuộc đời dài. Dài hay ngắn rồi cũng hết một đời người. Vết bụi thời gian rồi có khi đã xóa nhòa tất cả, kể cả những nét văn hóa đẹp. Đến một lúc nào đó nó cũng bị lãng quên theo dòng thời gian đi qua. Ký ức như chợt ùa về theo dòng thời gian.
          Có khi như mới vừa hôm qua. Cũng có khi nó như ở một nơi nào đó xa lắm và cũng có khi ta mơ về nơi xa lắm. Ở thời của chúng tôi, những bà mẹ ru con bằng những lời ru truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những lời ru thắm đẫm tình người, những đứa con đi vào giấc ngủ bằng những lời ru ngọt ngào đó. Không có bà mẹ nào ở thế hệ U50 mà không hát ru con bằng những lời ru ngọt ngào đó. Ầu ơi… Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời hoặc bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn. Hay như má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu, hoặc hát ru Chim chuyền bụi ớt líu lo, lòng thương quân tử ốm o gầy mòn và còn biết bao nhiêu câu hò, câu hát đã đưa những đứa con mình chìm sâu vào giấc ngủ ngây thơ. Những câu hò, những câu hát thấm đẫm tình người, tình đất, tình quê… Ấy vậy mà bây giờ không biết bao nhiêu bà mẹ trẻ biết ru con bằng những lời ru mượt mà thấm tinh mẫu tử. Rất nhiều lần tôi đã nghe những bà mẹ trẻ ru con bằng dòng nhac hiện đại hay những bài nhạc được cài sẳn qua điện thoai. Cuộc sống hiện nay đã cuốn hút người ta vào chuyện cơm áo gạo tiền. Cuộc sống luôn tất bật đã lấy hết thời gian nên không ai còn sức mà đong đưa võng như ngày xưa. Cứ vậy, lặng lẽ theo dòng thời gian mất dần, mất dần. Và có lẽ đến lúc nào đó sẽ không còn ai nhớ nữa, và sẽ không ai biết nó từng tồn tại qua nhiều thế hệ.
          Ký ức chợt ùa về, chợt nhớ chuyện xưa. Bụi thời gian rồi cũng phủ lấp mọi thứ và nó lại xuất hiện thứ thay thế. Giống như mất thế hệ này, xuất hiện thế hệ khác và nó cũng khác hơn.
          Thôi thì đành để thời gian phủ bụi.
Nguyễn Hữu Trực

PHÍA TRƯỚC

Tà áo trắng em đi về phia trước
Phía sau lưng anh lặng lẽ bước theo
Tuổi thơ ngây tuổi áo trắng đến trường
Em tan hoc vẫn đi về phía trước
Ở nơi đó chẳng ai chờ ai đợi
Ở phía sau có kẻ lặng lẽ theo
Mong cho thời gian đi chầm chậm
Để đi theo lặng lẽ một đoạn đường.
Có gì đâu sao mong giờ tan học
Có gì đâu sao cứ mãi đợi chờ
Có gì đâu sao mong tà áo trắng
Lặng lẽ con đường bóng trước bóng sau.
Nguyễn Hữu Trực

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (2)

2. Đường tới Tam Tân
Thế là phải quay lại con đường cách đây vài tiếng vừa mới đi qua, trưa mùa Hè nắng gay gắt làm những giọt mồ hôi từ trong nón bảo hiểm rỉ ra, lăn xuống mắt cay xè, lăn cả xuống môi miệng mặn chát, lưng áo bắt đầu ướt mặc dù đang đi xe máy. Trở lại 10 cây số để đến ngã 3 Tân Thuận - Tân Hải rồi rẽ phải đi Tam Tân thì xa và ngán quá, nhất là thời tiết hiện tại. Nghe người ta nói mới mở con đường tắt từ Tân Thành đi Tân Hải ngắn được nửa quảng đường, tính hiếu kỳ trổi dậy nên quyết định đi cho biết. Vừa đi, vừa tìm, vừa hỏi thăm vừa để biết con đường mới này như thế nào!!!.
Cái điện thoại trong túi quần cứ một lát lại giật giật rung lên. Lại tấp vào lề, dừng xe, mở nón bảo hiểm ra, thò tay vào túi quần móc được cái điện thoại cũng vừa hết chuông, phải gọi lại “Alô Anh đây - Anh tới đâu rồi? - Anh đang tìm đường - Tụi em tới rồi! - Quán Bà Tư nha Anh - Oke”. Tội nghiệp con ngựa sắt cà tàng già nua của tôi, không còn đủ sức để phi nước đại, cứ nước kiệu từ từ lết hết con dốc này qua khúc cua khác, cũng may thỉnh thoảng chuông điện thoại reo được dừng lại mấy phút lấy hơi.
Suốt chặng đường không nhà cửa, không một bóng người, lâu lâu thấp thoáng chỉ có vài chòi rẫy của nông dân. Xe mà xẹp lốp có nước… dắc bộ. Khu vực này là vùng giáp ranh giữa huyện Hàm Thuận Nam và Thị xã La Gi; một bên đường thuộc xã Tân Thuận, bên kia là xã Tân Hải. Do địa hình thấp nên trước đây chủ yếu trồng lúa. Từ khi cây thanh long lên ngôi, nông dân chuyển đổi trồng thanh long bất chấp những năm mưa nhiều ngập lụt; nhà nào có điều kiện thì thuê máy múc ao, có cái diện tích cả sào (1.000m2) vừa chứa nước tưới vào mùa khô, vừa lấy đất nâng cao vườn tược chống ngập úng.
Hết con đường tráng nhựa, tiếp nối đường rãi sỏi lởm chởm gồ ghề mà chưa thấy tăm hơi Tam Tân ở đâu, nhưng bắt đầu có dân cư sinh sống. Hỏi thăm một nhà bên đường đúng là con đường này. Đi thêm một đoạn nữa gặp chiếc cầu sắt cũ kỹ, hoen rỉ, quá date từ lâu, có lẽ được làm từ lúc còn chiến tranh bắc qua con suối sâu thăm thẳm, người yếu tim nhìn xuống dễ ngất xỉu như chơi, sàn cầu lót bằng những tấm ván, nhiều chỗ bắt đầu mục, trơ ra những cái lổ cở cái khay đựng bình tách mấy cô tiếp viên bưng vào bưng ra ở mấy quán cà phê; xe đi qua rung rinh lắc lư giống như năm nào tôi và bạn bè xuống Sa Rài Đồng Tháp thăm một người bạn, 22 người vừa già vừa trẻ, vừa lớn vừa bé, vừa mập vừa ốm, vừa trai vừa gái chen chúc trên chiếc xe mục nát 12 chỗ đi chuyến cuối cùng sau đó nghỉ chạy để đại tu làm lại dàn đồng, mỗi lần gặp ổ gà xe nhún một cái là muốn nằm nhẹp xuống đường luôn, trời gần tối, cũng qua chiếc cầu gần giống như cầu này, xe lắc lư theo nhịp đong đưa của cầu, nhìn xuống, nước chảy cuồn cuộn như muốn cuốn đi tất cả. Hôm sau trở về mới phát hiện có tấm bảng nhỏ xíu cắm ở chân cầu ghi “yêu cầu xuống xe, cầu gần sập”. Hú hồn. Cái cầu tôi chuẩn bị đi qua hôm nay, ván lót trên cầu đã hư hỏng hết chỉ còn đủ cho xe 2 bánh đi qua, chứ xe 4 bánh trở lên chỉ đứng nhìn ngán ngẩm quay đầu.
Tôi thở phào nhẹ nhỏm thấy từ xa con đường nhựa quen thuộc đã từng mấy lần đến Tam Tân. Khu vực này trước đây là một Quận thuộc tỉnh Bình Tuy, nay là trung tâm xã Tân Hải thuộc Thị xã La Gi, nhà cửa san sát xây bằng gạch ngói kiên cố, lầu có, trệt có của một phố thị đã hình thành từ lâu, ngày nay nhiều nhà được xây dựng hiện đại, khang trang; có ngôi chợ mới bề thế, rộng mênh mông bán đủ các mặt hàng, nhiều nhất là hải sản: cá, mực, tôm, cua, ghẹ, ốc… bởi nơi đây có bến cảng Ba Đăng, tuy không bằng cảng cá La Gi nhưng rất nhiều tàu thuyền sau những chuyến ra khơi vào ra tấp nập. Đặc biệt còn là nơi tránh trú bão cho số tàu thuyền thuộc huyện Hàm Thuận Nam hoặc tàu thuyền ở nơi khác gặp bão tố không kịp về bến. Chỉ cần đi thêm khoảng 5 cây số nữa theo hướng Tây tức là về hướng trung tâm thị xã La Gi là đến Tam Tân.
Đi theo con đường này tính ra vừa lời vừa lỗ, lời là ngắn hơn được nửa quảng đường, lỗ là tốn thời gian gần gấp đôi, cũng có nghĩa là tốn gấp đôi nhiên liệu. Nhưng dân chơi “mút mùa lệ thủy” như bọn mình thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Phải không các bạn??? (Còn nữa)
PhamDinhNhan

Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

TẢN MẠN

          Sáng có việc đi Mũi Né chạy ngang vòng xoay ngả 3 đường đi Hòn Rơm thấy lực lượng công nhân Khách sạn Padanus tham gia dọn vệ sinh khu vực đến ngả 3 đồi cát. Một hình ảnh đẹp và thường xuyên hàng tháng của khách sạn. Hoan hô thủ lỉnh Trong đã duy trì một hành động tốt có ý nghĩa này. Nhìn những hình ảnh này không biết trong lòng các vị có trách nhiệm có đọng lại điều gì không?
          Tôi tự nghĩ đây là việc làm thiết thực liên quan đến việc kinh doanh của các cơ sở du lịch đồng thời mang tính giáo dục và gieo mầm ý thức chung tay bảo vệ môi trường từ người lớn đến trẻ em. Sao hàng tháng Ban quản lý du lịch không kết hợp với địa phương tổ chức làm vệ sinh từ ngả 3 du lịch Gềnh đến đồi cát và từ đồi cát đến hòn rơm. Tất nhiên cần sự hỗ trợ từ ban quản lý du lịch đến chính quyền địa phương và lực lượng đoàn đội. Tôi nghĩ điều này nằm trong tầm tay nếu chúng ta quyết tâm làm. Chứ huy động tổng lực năm làm một vài lần kiểu phong trào chẳng tới đâu hết. Hình ảnh các cháu thiếu niên đi nhặt rác dễ tác động đến người lớn. Vì phần lớn rác từ người lớn vứt bỏ. Thiếu niên nhặt rác người lớn mà vô tư vứt rác thì chắc là người ngoài hành tinh.
          Rất nhiều lần tôi bắt gặp những hình ảnh những chiếc xe sang trọng và những con người sang trọng và những bộ quần áo đắt tiền rất vô tư tống qua cửa xe bất cứ thứ gì trong xe, chẳng kể có người đi sau hay xe vào khu dân cư đông người qua lại. Một hình ảnh văn hóa trái ngược với những gì sang trọng họ có. Đây chắc cũng là người ngoài hành tinh hay sống cùng hành tinh có người nhưng lạ lẩm với tiếng người. Thôi kệ, biết sao bây giờ.
Nguyễn Hữu Trực

ĐI CÙNG NĂM THÁNG (Động cát ngày xưa)

         Từ ngày du lịch phát triển Mũi Né đã có những đổi thay đáng kể. Những vùng đất hoang vu đã trở thanh vô giá dưới mắt những nhà đầu tư khai thác ngành du lịch. Bà con ngư dân có thu nhập tốt hơn vì hải sản khai thác rộng đường tiêu thụ và giá cả tăng từng ngày.
          Nhiều gia đình nông dân trước ở nhà tranh vách lá, du lịch phát triển bán đi những vùng đất ven biển đã có tiền xây nhà và mua sắm những tiện nghi phục vụ cho cuộc sống tốt hơn. Lực lượng lao động đã có những công việc mới. Không thể phủ nhận ngành du lịch đã góp phần rất lớn làm Mũi Né thay da đổi thịt từng ngày. Những cư dân vùng Hòn Rơm trước đây khi về chợ Mũi Né phải mất hàng tiếng đồng hồ và phương tiện đi lại là đôi chân mỏi mòn, đôi vai trĩu nặng quang gánh để lưng ngày càng còng theo năm tháng.
          Cuộc sống của họ giờ tiện nghi tốt hơn. Đi chợ có xe chạy vèo năm bảy phút là tới. Đôi vai cũng đã đươc giải phóng. Nhưng cái được nào cũng có cái mất miễn là sự đánh đổi sao cho có lợi nhất cho người dân. Môi trường sống ít nhiều cũng đã bị đánh đổi. Trong đó vì nhu cầu cuộc sống, những cư dân hiền lành nhất cũng đã biết cách tráo trở hơn trong mua bán… Trở lại vấn đề phát triển du lịch. Những vùng đất ven biển đã được khai thác triệt để và lợi ích như thế nào vẫn cần có một tổng kết đánh giá đúng mức trong việc khai thác, đầu tư giữa các nhóm lợi ích. Song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng con đường 706 B chạy xẻ nửa động cát đã làm cảnh quan động cát thay đổi toàn bộ. Động cát ngày trước giống như những cô gái đỏng đảnh tạo dáng theo gió mùa Tây Nam hay gió mùa Đông Bắc có vẻ đẹp thật say đắm lòng người. Bởi vẻ đẹp như huyển, như hoặc đó mà trước năm 1975 nhiếp ảnh gia Đình Cường đã có những tác phẩm vô giá được đánh giá cao ở những cuộc thi nhiếp ảnh. Động cát Mũi Né xưa có những bờ dốc dựng đứng cao đến 30, 40 mét.
          Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy lấy những bẹ dừa khô làm xe ngồi trên bẹ dừa chạy từ đầu dốc xuống đến chân dốc và sau đó phải bò lên. Những chiều Hè tiết trời nóng có khi là 5, 7 đứa có khi vài ba đứa lên chọn những đồi cát cao nhất vừa có khí trời mát mẻ, vừa có thể ngắm mặt trời đỏ rực từ từ lặn ở chân trời thật xa. Hoặc cũng có thể ngắm trăng lên từ cuối chân trời xa thẳm. Mỗi một mùa gió động cát có mỗi kiểu dáng khác nhau. Bởi nó có tên là cồn cát di động nên luôn thay hình đổi dạng. Ai từng sống ở nơi này sẽ thấy rất rõ những thay đổi đến không ngờ của động cát ngày trước với ngày nay.
          Ngày trước động cát như cô gái mới lớn hay làm duyên, làm dáng thay hình đổi dạng và thật tinh khôi. Động cát ngày nay bị xẻ dọc chia hai và hàng ngàn dấu chân liên tục dẫm đạp quanh năm và cũng không đủ sức tạo dáng vì nó đã như cô gái về già thiếu sức sống và cam chịu. Giá như con đường 706 B không xẻ chia hai nửa động cát mà chạy dọc từ Mộ Cô dựa theo chân đồi 115 thì du khách có thể nhìn tổng thể Mũi Né để thấy làng xóm được biển ôm quanh và sau lưng là động cát điểm chia ranh giới của biển là hàng dừa xanh ven biển sẽ sinh động và quyến rũ hơn nhiều và khi ấy động cát vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi khi gió mùa về tạo hình dợn sóng được pha lẫn bụi màu đen để chứng tỏ sự có mặt của quặng Titan dưới lòng đất. Một người con Mũi Né đã từng xúc cảm vẻ đẹp của quê hương mà sáng tác bài hát (Mũi né quê hương tôi vòng tay ôm biển rộng, hàng dừa xanh ngát dọc đại dương…) Mũi Né cũng có mùa gió Đông Bắc, mùa của nhớ thương và mùa cưới. Gió bấc về đã từng làm người con của Mũi Né sống xa quê nhớ về tình yêu của mình khi gió bấc về với bài thơ có đoạn
                  Mũi Né ơi, người xưa đã xa.
                Người ơi, gió bấc nhớ không ngờ
                Năm nay người có về ăn tết.
                Có ngậm ngùi nghe chút ấu thơ
 Nguyễn Hữu Trực

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (1)

1. Tháp tùng đoàn đua
Như đến hẹn lại lên, mỗi năm một lần, huyện tôi tổ chức cuộc đua xe đạp truyền thống với tên gọi “Giải đua xe đạp vòng quanh núi Tà Cú”, năm nay là lần thứ 14. Gọi là vòng quanh núi Tà Cú nhưng thực ra đường đua bắt đầu từ trung tâm huyện lỵ, đến gần chân núi Tà Cú, rồi rẽ phải theo con đường mới được mở mấy năm gần đây, tráng nhựa hẳn hoi, nhưng cũng đã bắt đầu xuống cấp; rồi gặp tỉnh lộ 712 rẽ trái thuộc địa phận xã Tân Thuận; tiếp tục đến ngã ba Tân Thuận - Tân Hải lại rẽ trái đi ra biển thuộc xã Tân Thành và kết thúc đường đua tại khu du lịch Đồi sứ xã Thuận Quý. Chiều dài chỉ khoảng 25 cây số đi qua 4 địa phương, trong đó 10 cây đạp diễu hành, còn lại mới chính thức chấm điểm.
Mười bốn lần đua là mười bốn lần đơn vị tôi tham gia cũng là mười bốn lần nằm trong tốp cuối, có nghĩa là chưa bao giờ được giải gì hết. Biết là không thể nào tranh đua với những đơn vị có vận động viên trẻ, khỏe, thường xuyên luyện tập nhưng cũng đăng ký thi cho có phong trào, bởi nếu ai cũng nghĩ đua sẽ thua thì còn được mấy đội tham gia, chẳng lẽ giải phải dẹp tiệm à!!! Lần này, Ban Tổ chức “thương tình” động viên: “Anh cứ bảo anh em rán đạp tới nơi, chậm hơn người ta cũng được, tụi em sẽ trao giải khuyến khích đồng đội”. (Chơi xổ số kiến thiết người ta gọi là giải an ủi đó).
Cả đội phấn khởi hẳn lên chuẩn bị cho cuộc đua, đi mượn xe đạp của mấy em học sinh, đưa ra tiệm thay vỏ ruột sên líp, siết chắc chắn từng con ốc, tháo baga, dè trủi lụi nhẹ được tí nào hay tí đó. Một Công ty sản xuất phân bón tài trợ toàn bộ chi phí cho đội đua chúng tôi kể cả đồng phục cho vận động viên, săn sóc viên và nhân viên tháp tùng đội đua (có lôgô quảng bá sản phẩm của công ty, hình đại diện là cái đầu heo há miệng cười toe toét), còn đem cả ôtô con theo sau hỗ trợ. Buổi sáng khai mạc, đơn vị tôi được đánh giá là có đồng phục đẹp, rực rỡ và ấn tượng nhất. Chúng tôi bố trí cứ 2 săn sóc viên đi xe Honda chăm sóc cho 1 vận động viên, số nhân viên còn lại lo công tác hậu cần, có nghĩa là sau cuộc đua, toàn bộ nhân viên được một ngày nghĩ ngơi ăn uống tiệc tùng thoải mái, cũng đồng nghĩa là cơ quan đóng cửa không làm việc. Chỉ có 3 vận động viên tham gia đua xe nhưng tới 17 người tháp tùng. Tôi được giao nhiệm vụ tiếp nước, vị trí tại khu du lịch Đại Dương Xanh, ở đoạn đường cua tương đối gắt rồi lên một con dốc khá cao cách đích đến khoảng 5 cây số; ở đỉnh đốc là nơi tiếp nước lý tưởng nhất, rất dễ quan sát vì vận động viên lúc này phải leo dốc, qua cua không thể chạy nhanh được.
Ngóng cổ chờ hoài, các đội của đơn vị khác cứ lần lượt vụt qua mà phe ta chẳng thấy tăm hơi, có khi nào chạy qua rồi mà mình không thấy chăng? chẳng lẽ con mắt có vấn đề? nhưng tới 4 mắt lận (đeo kính); đến khi không còn đủ kiên nhẫn, dự tính lên xe tới điểm cuối của đoạn đua xem sao thì cái điện thoại trong túi quần rung lên bần bật: “Alô! Rút lui thôi anh, bỏ cuộc rồi”. Thì ra, mới xuất phát chưa đầy 5 cây số, tức là chưa tới 1/3 đường đua chính thức, một trong ba vận động viên đơn vị của tôi giảm tốc độ đột ngột, mặt mày tái le tái lét, gần xỉu, chút xíu nữa là té lộn nhào do mất sức chiến đấu vì đã lâu lắm rồi chiếc xe đạp bị lãng quên, luyện tập thì làm biếng, tuổi thì cao, sức thì yếu, đành thất trận. Thế là mọi hy vọng về cái giải an ủi đành vuột khỏi tầm tay, tan thành mây khói...
Nhưng không sao!!! bởi đích đến thực sự của chúng tôi không phải địa điểm do Ban tổ chức ấn định mà là “Ngảnh Tam Tân”, một vùng biển xanh cát trắng hiền hòa rất hoang sơ, rất lý tưởng, rất đẹp thuộc thị xã La Gi đang chờ đón chúng tôi. (còn nữa)
PhamDinhNhan

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

MÙA TRĂNG

          Đã lâu lắm rồi tôi tưởng chừng đã quên hẳn mùa trăng. Kể cũng lạ ký ức con người luôn tồn tại ở đâu đó trong góc kín trái tim. Đến lúc nào đó nó chợt sống dậy làm người ta lại nhớ đến. Dù biết nhớ đến chẳng để làm gì.
        Bây giờ đã quá xa cái thời mà tuổi trẻ chúng tôi luôn gắn với những đêm trăng như một chờ đợi gì đó. Xã hội đã phát triển đến chóng mặt và phát triển tận cùng trong ngóc ngách cuộc sống con người. Cái thời đèn dầu hiu hắt, nóng bức và muỗi vây quanh những tối khi lũ trẻ học bài. Cái thời mà xe đạp cũng là của quý hiếm. Đường giao thông bằng xe lại càng khó khăn hơn. Đường đất, đi bộ là “chuyện thường ngày ở Huyện”. Bước chân ra đường là cuốc bộ đi thôi. Bây giờ ra ngõ là xe vây quanh. Một bước lên xe, đi vài ba chục mét người ta cũng lên xe. Có lẽ để cho nhanh công việc và có lẽ người ta cũng quen như thế. Đi bộ trở thành điều gì đó khó khăn hơn và đêm đèn đốm nhà nhà, đèn đường phủ khắp ánh sáng thâu đêm. Trăng đã là cái chuyện của quá khứ. Hiếm hoi lắm người ta mới nhìn trăng một cách vô tình. Tôi chợt nhớ cái thời tuổi trẻ đã đi qua như đi qua chiến tranh ngày ấy. Trăng như là điều gì đó luôn hiện diện trong lũ trẻ chúng tôi. Còn nhỏ đợi mùa trăng là tụ tập chơi trò trẻ con như u mọi, đập lon, giựt dè và các trò chơi trẻ con ngày ấy. Mùa trăng là mùa của chúng tôi những trẻ con tận dụng bóng trăng để làm điều mình thích, chẳng tốn đồng nào nhưng có hôm vui đáo để. Lớn hơn một chút mùa trăng cả nhà quây quần bên thau ốc ruốc với cơm nguội nước mắm. Hay mùa cá trích bên bếp than hồng nướng những con cá trích vừa được đánh bắt vào. Nướng với mắm ớt cay xé lưỡi nhưng ngon ơi là ngon. Có lẽ ngày ấy chẳng nhiều đồ ăn như bây giờ nên có ăn là ngon. Cái cảm giác này gần như đã mất hẳn trong tôi. Nó mất theo sự phát triển từng ngày của xã hội. Những mùa trăng cũng đi theo vào những đợt chiếu phim lưu động hay thỉnh thoảng có gánh hát về. Đây là dịp chúng tôi lại được đi chơi đêm dưới trăng. Lớn lên một chút khi biết cảm giác tim đập nhanh cùng người khác phái. Đêm trăng luôn là đêm hò hẹn của bọn trẻ mới lớn như chúng tôi. Hẹn được nhau để gặp đêm trăng cũng là một việc không dễ như bây giờ. Tin nhắn gởi đi là xong, lạc tìm nhau trong phút chốc. Hẹn nhau có khi bằng thư nhờ người đưa hộ và lỡ lạc nhau chỉ có rảo bộ đi tìm theo kiểu hên xui. Lỡ không gặp thêm nàng giận nhau gặp cứ ai đó nhìn dưới đất mà đi, làm như tìm tiền rớt. Nhớ lại như một phần cuộc đời mình đã đi qua. Trong dọc đường đi qua đó người ta cũng tìm được bạn đồng hành đi với nhau hết chiều dài cuộc sống. Tôi cũng có được bạn đời mình cho đến hôm nay cũng từ những mùa trăng tuổi trẻ. Dọc đường đi qua những mùa trăng có những mùa trăng nó gắn liền với cơ cực cuộc đời. Có những đêm trăng, một mình trên đồng vắng tranh thủ cuốc lổ trồng dưa vì ban ngày còn phải đi làm. Một mình, một bóng một công viêc, một thời khắc khổ đã trôi đi theo năm tháng, trôi đi theo mùa trăng. Hôm nay ký ức chợt ùa về. Kể cũng lạ sao không nằm yên vào quên lãng, lại chợt ùa về để người ta bổng thấy nhớ, bổng thấy day dứt với nỗi nhớ đến cồn cào. Mùa trăng giờ không còn như xưa nữa nhưng bất chợt làm người ta nhận ra.
          Năm tháng đã đi qua. Đời người cũng sẽ mất đi như mùa trăng khi không còn sáng nữa. Mùa trăng, nỗi nhớ chợt, xin gởi tặng những người bạn một thời đi ngang qua đời nhau./.

Nguyễn Hữu Trực

GÁNH CỦI

         Sáng nay, từ Hàm Tiến chạy về Hòn Rơm theo đường 706 B lên hết dốc cầu Suối Tiên thì bắt gặp hình ảnh mà tưởng chừng đã mất đi mấy mươi năm. Hình ảnh hai người nam, nữ với hai gánh củi trên vai lầm lũi theo đường về nhà.
          Một hình ảnh mà cách đây hơn 50 năm xóm tôi đã hình thành nhóm người chuyên đi củi để bán. Ngày đó cuộc sống còn quá nghèo, những người lao động không có công việc nhiều như ngày nay, phần đông là phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau. Cứ khoảng 4 giờ sáng họ tập trung thành đoàn 5 hay 7 người vào khu vực mộ cô để hái củi. Đến khoảng 9g thì họ lại kĩu kịt quang gánh trên vai đầy củi họ trở về. Củi họ để lại một phần làm chất đun nấu cho bữa ăn gia đình, một số họ mang ra chợ bán. Có khi chợ trưa bán không được, họ lại quang gánh lên vai đi rảo khắp cùng ngỏ hẻm để bán kiếm chút tiền mua gạo, mua cá. Tiền bán củi không bao nhiêu nhưng họ mừng vì dù sao cũng còn có tiền mua gì ăn đỡ cho cả gia đình. Ngày ấy một thời gian dài tôi cũng đã từng sống cảnh như thế. Từ ấy đến nay đã xa vời vợi, xã hội quá nhiều biến động một cách chóng mặt. Chất đốt được thay thế bằng nhiều hình thức khác nhau. Công ăn việc làm và cuốc sống, cơ hội cũng nhiều hơn. Nên cái cảnh bán củi, đi củi tưởng chừng đã là hình ảnh tồn tại trong dĩ vãng. Sáng nay tôi lại nhìn hình ảnh mà hơn 50 năm trước nó là cuộc sống thường ngày của những người lao động nghèo. Cái nghèo thì đâu cũng có, mà cái nghèo lại luôn đeo đẳng tầng lớp bà con lao động. Khi mà văn hóa không có, nghề nghiệp thì không, gia tài chỉ là đôi quang gánh. Thế nhưng họ vẫn phải sống cho hết kiếp con người. Đôi quang gánh, gánh củi có lẽ cũng là một phần cuộc sống của họ. Họ cam chịu vì không còn đường đi khác và tự an ủi mình cái số mình nó vậy. Tự an ủi để còn tiếp tục có nguồn hy vọng mà sống. Có lúc tôi cũng tự an ủi mình vậy để mà đứng dậy đi tiếp cho hết cuộc đời.
Nguyễn Hữu Trực

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

VÀI ẢNH BÌNH MINH SÁNG NAY TẠI BÃI SAU MŨI NÉ 16/4/2017

VÀI ẢNH MŨI NÉ CHIỀU 14/4/2017

DÀ LẠT ĐỒI CỎ HỒNG CÂY THÔNG CÔ ĐƠN 08/01/2017

HÌNH ĐÀ LẠT


Hình Đà Lạt đồi cỏ hồng tại cây thông cô đơn chỤụp ngày 08/01/2017  

KÍNH CHÀO QUÝ THẦY CÔ VÀ TẤT CẢ HUYNH ĐỀ ĐỒNG MÔN

Hôm nay 14/04/2017 trang cuuhocsinhhailongphanboichau.com.vn 
Hoàn chỉnh lại Lê Văn Liễu tôi post vài hình ành trong thời gian cầm mấy ảnh mời quý Thầy Cô cùng các Huynh Đệ Đồng Môn xem vui.

Liễu xin chúc tất cả Qúy Thầy Cô và Huynh Đệ đồng môn sức khỏe hạnh phúc và nhiều thành đạt .

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

NÉT VĂN HÓA

Từ ngày trong hồ sơ bệnh án ghi “mãn tính”, cũng có nghĩa là từ nay phải sống chung với bệnh đau, giống như người miền Tây sống chung với lũ lụt, người Phi Luật Tân sống chung với bão tố, như Bác sỹ thường động viên “Anh cứ xem việc uống thuốc hàng ngày như ăn cơm, đi Sài Gòn theo định kỳ như đi công tác…”.  Thế là mỗi tháng một lần, bỏ qua một bên mọi ưu tư tính toán trong cuộc sống, thoải mái nhìn những đổi thay 2 bên đường qua ô cửa chiếc xe giường nằm để vào “Chợ Rẫy”… tái khám.
Lần nào cũng thế, lấy số thứ tự, chờ đến lượt để được Bác Sỹ hỏi dăm ba câu rồi kê đơn, nhận thuốc, lên Taxi đến bãi đậu xe để về. Năm giờ rưỡi chiều xe mới lăn bánh, vậy là có khoảng một tiếng ngồi ghế đá công viên 23/9 nhìn dòng xe cộ ồn ào nối đuôi nhau qua lại. Trong công viên, từng tốp từng tốp, người thì đi bộ thể dục, người thì đá cầu, trẻ em thì chạy xe đạp, trượt patin; tiếng chuyện trò, cười nói hòa với những hoạt động thể dục thể thao làm công viên nhộn nhịp, sinh động hẳn lên. Đây là khu vực có nhiều người nước ngoài nghĩ trọ khi đến Sai Gon. Buổi chiều, họ cũng dạo chơi trong công viên, người thì cao lều khều như đi cà kheo, người thì lùn tịt như người Nhật Bản ngày xưa; người thì trắng bum như Bạch Tuyết và bảy chú lùn, người thì đen thủi đen thui như hình ông Bảy Chà trên cây kem đánh răng Hynos; người thì váy đầm lùng thà lùng thùng như đi dạ hội, người thì quần áo cụt ngụn không còn chỗ để ngắn hơn. Mỗi người một vẻ, mỗi người một dáng, mỗi người người một màu sắc làm công viên trở nên phong phú, đa dạng.
Có một tốp người nước ngoài vừa đàn ông vừa đàn bà đi tới, một người dừng lại cúi xuống nhặt cái vỏ đựng bánh không biết ai vô tình hay cố ý đánh rơi, bỏ vào thùng rác rồi lại tiếp tục đi. Hình ảnh này cũng không có gì mới bởi tôi cũng thường xem trên mạng hoặc trên tivi, hình như đây là nét đẹp đã trở thành thói quen tất nhiên của người nước ngoài, hễ thấy rác là nhặt, là bỏ vào thùng rác, không cần biết của ai, vô tình, cố ý hay vô văn hóa vất ngoài đường. Lại một tốp học sinh khoảng bảy, tám tuổi bước vào công viên, vừa đi vừa nhặt bất cứ thứ gì người ta xả, gom lại bỏ vào thùng rác, chúng giành nhau như hễ nhặt được nhiều rác là đạt được nhiều thành tích. Đây mới là nét văn hóa đẹp mà tôi mong muốn được nhìn thấy. Một em học sinh đến bên tôi, chỉ vào cái khăn giấy tôi vừa lau để bên cạnh “cho con lấy bỏ vào thùng rác?”. Tôi trả lời “để lát nữa chú bỏ vào thùng rác cũng được”. Chú bé nhanh nhảu “để con làm giúp chú”. Tôi có cảm giác chiều nay công viên 23/9 đẹp hơn, mát hơn, vui hơn như lòng tôi đang vui vì những nét văn hóa đẹp mà tôi vừa chứng kiến.
Có lần đi xe bus, vừa bước lên xe, cô bán vé nói nhỏ với chú bé khoảng 10 tuổi “đứng lên nhường ghế cho ông”, tôi rất ái ngại khi phải để người khác mất ghế vì mình nhưng cũng rất vui khi thấy có sự chuyển biến mới trong cách cư xử trên các phương tiện công cộng. Tuần trước lại có việc đi xe bus, không cần ai nhắc nhở, cậu thiếu niên khoảng 14, 15 đứng lên “mời chú ngồi ghế”. Tôi trả lời “cháu cứ ngồi đi”, cậu thanh niên dứt khoát nhường ghế cho tôi. Thật tình mà nói, với cái tuổi 60 chân mỏi, gối mềm có được cái ghế trên xe bus để ngồi thật là sung sướng và hạnh phúc, chẳng qua lịch sự nói với cậu thiếu niên thế thôi nhưng trong lòng rất vui. Chiếc xe dừng, một phụ nữ luống tuổi bước xuống với 2 tay hai giỏ nặng trịch, cậu thiếu niên nhanh nhẹn tới giúp, người phụ nữ mĩm cười “cám ơn cháu!”. Trời! những cử chỉ, những hành động, những lời nói vô cùng đẹp, có thể nói là đã lâu lắm rồi, giờ tôi mới lại được nhìn thấy, làm tôi nhớ đến ngày xưa thời còn đi học, điều sơ đẳng của môn công dân giáo dục là một trong những cách ứng xử đẹp như tôi vừa nói ở trên mà học sinh chúng tôi phải được học và thực hành. Lòng vui thật vui, miên man nghĩ đến những nét văn hóa đẹp được chứng kiến ở công viên 23/9, ở trên xe bus mà quên đi đã về đến nhà, xe chạy qua một đoạn xa mới kịp dừng.
Lửng thửng đi ngược trở lại về nhà trong niềm vui với những hình ảnh đẹp luẩn quẩn trong đầu, một chiếc xe 7 chỗ đời mới bóng nhoáng chạy qua, từ trong cửa văng ra giữa đường một túi nylon tung tóe nào là vỏ trái cây, vỏ bao bánh kẹo, vỏ chai nước uống… Tôi đứng lại thẩn thờ nhìn mà lòng ngổn ngang những điều rối rắm không viết thành lời, chứng kiến hình ảnh vừa mới xảy ra, chỉ ngẫm ra một điều: ở đời, cái đẹp, cái xấu; cái được, cái mất; cái hay, cái dỡ; cái vui cái buồn chỉ cách nhau trong gang tấc mà thôi ./.
PhamDinhNhan