Sáng
nay, từ Hàm Tiến chạy về Hòn Rơm theo đường 706 B lên hết dốc cầu Suối Tiên thì
bắt gặp hình ảnh mà tưởng chừng đã mất đi mấy mươi năm. Hình ảnh hai người nam,
nữ với hai gánh củi trên vai lầm lũi theo đường về nhà.
Một hình ảnh mà cách đây hơn 50 năm xóm
tôi đã hình thành nhóm người chuyên đi củi để bán. Ngày đó cuộc sống còn quá
nghèo, những người lao động không có công việc nhiều như ngày nay, phần đông là
phụ nữ ở các độ tuổi khác nhau. Cứ khoảng 4 giờ sáng
họ tập trung thành đoàn 5 hay 7 người vào khu vực mộ cô để hái củi. Đến khoảng
9g thì họ lại kĩu kịt quang gánh trên vai đầy củi họ trở về. Củi họ để lại một
phần làm chất đun nấu cho bữa ăn gia đình, một số họ mang ra chợ bán. Có khi
chợ trưa bán không được, họ lại quang gánh lên vai đi rảo khắp cùng ngỏ hẻm để
bán kiếm chút tiền mua gạo, mua cá. Tiền bán củi không bao nhiêu nhưng họ mừng
vì dù sao cũng còn có tiền mua gì ăn đỡ cho cả gia đình. Ngày ấy một thời gian
dài tôi cũng đã từng sống cảnh như thế. Từ ấy đến nay đã xa vời vợi, xã hội quá
nhiều biến động một cách chóng mặt. Chất đốt được thay thế bằng nhiều hình thức
khác nhau. Công ăn việc làm và cuốc sống, cơ hội cũng nhiều hơn. Nên cái cảnh
bán củi, đi củi tưởng chừng đã là hình ảnh tồn tại trong dĩ vãng. Sáng nay tôi
lại nhìn hình ảnh mà hơn 50 năm trước nó là cuộc sống thường ngày của những
người lao động nghèo. Cái nghèo thì đâu cũng có, mà cái nghèo lại luôn đeo đẳng
tầng lớp bà con lao động. Khi mà văn hóa không có, nghề nghiệp thì không, gia
tài chỉ là đôi quang gánh. Thế nhưng họ vẫn phải sống cho hết kiếp con người.
Đôi quang gánh, gánh củi có lẽ cũng là một phần cuộc sống của họ. Họ cam chịu
vì không còn đường đi khác và tự an ủi mình cái số mình nó vậy. Tự an ủi để còn
tiếp tục có nguồn hy vọng mà sống. Có lúc tôi cũng tự an ủi mình vậy để mà đứng
dậy đi tiếp cho hết cuộc đời.
Nguyễn
Hữu Trực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét