Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN PHÚ


1927 - 2013

Cố Giáo Sư Nguyễn Văn Phú
Nguyên Giáo sư Trường Trung Học Chu Văn An Sàigòn
Nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung Học Tư Thục Hưng Đạo Sài gòn
Giáo sư Toán và là tác giả nhiều sách Toán bậc Tú Tài trước năm 1975 tại miền Nam
Đương kim Giáo sư Cố vấn của Hội Cựu Học Sinh Trường Bưởi-Chu Văn An Canada,
Vùng Montréal
đă thất lộc lúc 14 giờ 30 tại Montréal, Québec, Canada
ngày 17 tháng 2 năm 2013
(nhằm ngày 8 tháng giêng năm Qúy Tỵ)
Hưởng thọ 86 tuổi 
Thành kính phân ưu cùng tang quyến



Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Càng Già Càng Dẻo...



… Càng dai? Nghi lắm! Chẳng qua là để an ủi cõi lòng thôi. Càng già càng xơ cứng, càng mỏi gối chồn chân … thì có. Thế nhưng “gừng càng già càng cay” thì đúng. Cay lắm! Và đó là lý do tại sao những người có tuổi ham tập thể dục, dưỡng sinh, khí công, tài chí, thiền, yoga… trong lúc các bạn trẻ còn đang mãi mê ngồi quán café phì phà thuốc lá, hoặc dô dô 100% ở các quán nhậu đợi cho tới khi thấp khớp, sưng chân, bụng phệ, tiểu đường… rồi tập cũng chưa muộn! Một anh bạn ở Mỹ về chơi nói bên đó bây giờ người sồn sồn như mình đa số mắc bệnh “3 cao 1 thấp”!
Tôi ngạc nhiên:
- 3 cao 1 thấp là bệnh gì?
- 3 cao là cao máu (tăng huyết áp), cao đường (tiểu đường) và cao mỡ (thừa chất béo).
- Còn 1 thấp?
- 1 thấp là “Thấp khớp”!
- Thì ra là vậy!
Nửa thế kỷ trước, lứa chúng tôi nhiều người mê cuốn “Bắp thịt trước đã” của Phạm Văn Tươi, hướng dẫn tập thể hình để được như… Lý Đức bây giờ. Vậy là mỗi cậu mua một tấm gương lớn, tự chế mấy cái tạ bằng xi măng, hì hà hì hục tập. Mỗi sáng mỗi chiều đứng trước gương, gồng tay, gồng bụng coi nổi mấy cục. Thỉnh thoảng lấy thước dây đo vòng đùi vòng cánh tay rồi còn so đứa này với đứa khác. Tôi cũng mua gương, làm tạ, tập được mấy hôm rồi bỏ! Đâu có dễ! Lý Đức bây giờ phải có ý chí ghê lắm, rèn luyện ghê lắm, rồi còn phải ăn mỗi ngày mấy chục quả trứng gà, vài ký lô thịt bò, ức gà… chớ đâu phải chuyện chơi! Dù sao thì cái thông điệp “bắp thịt trước đã” vẫn hòan toàn có lý! Cơ bắp là bộ phận rất quan trọng của thân thể ta. Không có nó, không có sự co duỗi của nó, ta không thể nhúc nhích được chớ đừng nói tới chuyện nhảy múa ca hát, ỏng ẹo này nọ! Cứ coi mấy cái robot cà giựt cà giựt thì biết! Cơ thể nếu chỉ có khung xương mà không có bắp cơ thì cũng cà giựt, cứng đơ như thế. Co duỗi cơ tốn rất nhiều năng lượng. Một người bình thường chỉ cần khỏang 1500 calo để họat động, để sinh tồn, thì khi chơi thể thao- đá banh, tennis chẳng hạn- có thể phải cần đến 6000 calo hoặc hơn! Cơ bắp tiêu thụ oxy rất mạnh để sinh năng lượng đáp ứng nhu cầu. Chính vì thế khi cơ bắp vận động nhiều ta dễ bị vọp bẻ ( chuột rút). Khi chạy đua, người ta nín thở thì sau đó phải thờ bù, phì phò phì phào để trả “nợ oxy”! Nếu biết cách giữ hơi thở điều hòa thì ta ít bị mệt khi cơ bắp họat động mạnh. Khi Đòan Dự và Kiều Phong chạy đua, Kiều Phong là tay khinh công số một, còn Đòan Dư chẳng biết chút võ công nào nhưng chạy không hề thua kém khiến Kiều Phong rất khâm phục. Hỏi, Đòan Dự đáp tại hạ có biết khinh công gì đâu, chẳng qua vừa chạy vừa… thở ! Nhiều bạn trẻ ngạc nhiên thấy các cụ già tập dưỡng sinh sao mà từng động tác chậm chạp như rùa bò chịu không nổi! Thực ra, các cụ không tập thuần cơ bắp như người trẻ mà gắn vận động cơ bắp với hơi thở. Hơi thở càng “êm, chậm, sâu, đều” thì động tác càng nhẹ nhàng, khinh khoái. Đó là cách luyện thân và luyện tâm cùng lúc, phù hợp với người cao tuổi. Các phương pháp yoga, khí công, tài chí, dưỡng sinh… đều dạy phải làm sao cho thân tâm nhất như, nghĩa là hòa hợp.
Các thiền sư chủ yếu luyện tâm cũng không quên tập thể lực. Có lần tôi đến thăm một vị thiền sư, thấy ngài có đôi tạ tập thể dục hàng ngày, không kể vài giờ đi bộ quanh chân núi, nên dù tuổi đã cao, ngài vẫn khỏe, tráng kiện, thư thái. Vận động thể lực bằng bất cứ phương pháp nào cũng tốt cả. Chọn phương pháp nào là tùy sở thích, tùy cơ địa của ta, nhưng nguyên tắc chung là phải tập… từ từ và đều đều. Không gấp gáp được, không “nhảy vọt” được! Nhà thơ Trụ Vũ – nhà thư pháp nổi tiếng- hơn tám mươi tuổi, mỗi sáng đều chạy bộ vài tiếng đồng hồ. Chạy xong về đến nơi thì…thơ túa ra, ông phải viết rất nhanh mới kịp. Ông xuất bản hằng chục tập thơ nhờ những buổi chạy bộ như vậy. Ông nói không biết tại sao phải chạy nó mới ra… thơ! Không có gì lạ cả, chạy bộ cũng như các cách vận động thể lực khác như nhảy múa, khiêu vũ, thái cực quyền… khi đạt đến một mức độ nào đó, não bộ sẽ tiết ra chất endorphine, một thứ “á phiện” nội sinh, giúp ta cảm thấy sảng khoái, lâng lâng, một trạng thái “hỷ lạc” mà các vị thiền sư hay nói đến. Endorphine là một thứ “á phiện” tốt – không độc hại- thứ thuốc sản sinh tự bên trong, làm cho hết mệt mỏi , đau nhức, giúp cơ thể dẻo dai mà không phải lệ thụôc vào các thứ thuốc tự bên ngòai dễ gây phản ứng phụ. Cho nên không phải không có lý khi người ta nói “càng già càng dẻo càng dai” ở những người có luyện tập.
Những người bệnh nằm lâu một chỗ dễ bị teo cơ. Bắp cơ sinh ra là để co duỗi, để hoạt động, không đựơc dùng thì đành phải teo lại. Đời sống hiện tại giúp cơ… teo nhanh hơn. Đứng dậy bật cái TV cũng không đựơc vì đã có cái remote, không lẽ không dùng? Mọi thứ cứ bấm bấm là xong hết! Chẳng trách trẻ con sau này chỉ phát triển ngón tay cái còn người già thì ngày càng béo phệ. Đời sống tĩnh tại, riết rồi các bắp cơ chỗ cần phình thì teo, chỗ cần teo thì phình, nên ta mới có những “quái vật ” như trong các phim giả tưởng!
Tóm lại, ở bất cứ tuổi nào, đừng quên vận động, tập luyện thể lực. Vận động là một hạnh phúc! Thế còn tôi thì sao? Tôi ấp úng thưa rằng hãy nghe những gì tôi nói…
Đỗ Hồng Ngọc

GIEO HẠT MỖI NGÀY !

Gieo hạt mỗi ngày.
   Đời là một chuyến đi không biết điểm đến. Rất ít ai đến được điểm mình dự định. Thông thường ta bắt đầu cuộc hành trình với một ý niệm đích điểm trong đầu, chỉ để nhận ra rất sớm là cuộc đời có rất nhiều chỗ rẽ bất ngờ, và sau một lúc thì ta chẳng chắc là đời ta rồi sẽ về đâu. Nhưng như vậy thì đời mới vui.
   Nếu quan sát trẻ em và người già thì ta thấy rất giống nhau – cả hai cùng rất yếu về thể xác và cùng nhiều tình cảm hơn lý luận. Và ta bắt đầu từ bụi đất, sẽ trở về cùng bụi đất. Điểm cuối cũng là điểm khởi hành.
   Khái niệm đường vòng này rất ích lợi trong kế hoạch sống của chúng ta. Nếu ta biết đời không phải là đường thẳng và ta có thể vòng lại điểm đã qua, thì tốt hơn là trên mỗi bước đi, ta nên ném ra vài hạt trái cây ngũ cốc bên đường, hy vọng là dọc đường sẽ mọc nhiều cây trái, để lúc nào đó ta vòng lại thì có thể đã có sẵn trái ngon chờ đợi! Đi đến đâu gieo hạt giống đến đó, tức là sống hôm nay mà trồng cho ngày mai đó, các bạn ạ.
   Dĩ nhiên là không phải hạt nào cũng lên cây tốt. Nhiều hạt sẽ bị chim ăn, nhiều hạt sẽ chết đi, nhưng sẽ có một ít hạt nẩy mầm sinh cây. Và những cây này, biết đâu lại sinh hoa trái và chim chóc sẽ mang hạt của chúng gieo rắc hàng bao nhiêu dặm xa khắp nơi. Cuộc đời biến hoá vô lường, làm sao ta có thể đoán hết hậu quả của chỉ một hạt nẩy mầm, huống chi là khi ta gieo nhiều hạt mỗi ngày.
Chọn hạt tốt để gieo
   Nếu sống khôn ngoan, thì ta gieo hạt trên mỗi bước đi.  Nhưng các hạt đó là những gì?  Thưa, chúng ta có thể chia các hạt ta có sẵn trong túi ra thành vài nhóm.
   1. Những nụ cười, những lời cảm ơn, và những lời nói hiền dịu.
   2. Tiền tài: nếu có thể cho ai một ít tiền, thì cho. Nếu có thể cho ai mượn ít tiền, thì cho mượn. Nếu có thể giúp ai đỡ đói một ngày, thì giúp.
   3. Công việc: nếu có thể mách bảo ai một cơ hội làm ăn thì mách bảo. Nếu có thể chỉ ai có được một công việc thì chỉ. Nếu có thể dạy ai một cách kiếm tiền thì dạy.
   4. Kiến thức: nếu có thể dạy ai đó biết đọc, biết làm toán, thì dạy. Nếu có tài năng gì đó có thể chia sẻ lại với mọi người thì chia sẻ. Nếu có kỹ năng sống nào đó có thể dạy lại cho mọi người thì dạy.
   5. Đạo đức và triết lý sống: nếu ta đã có kinh nghiệm sống biết thế nào là đạo đức, thế nào là thiếu đạo đức, thế nào là tốt cho cuộc sống, thế nào là có hại, con đường nào sẽ đưa đến khổ đau, con đường nào sẽ đưa đến an lạc, thì hãy chia sẻ lại với anh chị em, nhất là những người ít kinh nghiệm sống hơn.
   6. Cách tự sống vững trên hai chân: có lẽ điều tốt nhất ta có thể trao tặng một người là kiến thức và kinh nghiệm giúp cho người đó có thể tự sống, tự xoay xở, dù là họ có lọt vào bất kỳ tình huống khó khăn nào. Đây là cách giúp cho họ kỹ năng sống cũng như tự tin để sống mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Phần cốt cán của nó là tư duy tích cực.
   Tất cả những điều này mỗi chúng ta đều đã có sẵn trong túi không ít thì nhiều. Chẳng tốn kém tiền bạc hay công lao chỉ để lấy ra vài hạt trong túi ném ra bên lề đường mình đang đi.
   Và tất cả các hạt này đều chỉ nằm trong một gia đình thực vật lớn, gọi là “tình yêu”.
   Nếu mỗi người chúng ta đều gieo hạt dọc đường thì sẽ có hai chuyện xảy ra. Thứ nhất, riêng cá nhân ta, một lúc nào đó ta sẽ hưởng được trái ngọt của hạt giống ta gieo hôm nay. Bắt buộc là như vậy. Càng gieo nhiều và càng sống lâu, xác suất được hưởng của ta càng tăng rất cao. Thứ hai, khi nhiều người gieo dọc đường, thì ai đi đâu, dọc đường nào, cũng đều có trái ngon chờ mình trên cây./.

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Hương Quê


BÁNH CĂN

Về Phan Thiết, một trong những nổi háo hức là chúng ta được hưởng hương vị đặc thù của hàng bánh căn.
Bánh căn ở Phan Thiết về hình thức na ná như bánh khọt ở miền Nam. Nhưng cái khác biệt là bánh khọt có dầu nên thuộc loại bánh chiên. Còn bánh căn không có dầu nên thuộc loại bánh nướng. Bánh căn là một loại thức ăn đơn giản, mang tính dân dã của dân Phan Thiết. Vì vậy làm bánh căn cũng đơn giản như tấm lòng của dân Bình Thuận.

Chất liệu chính của bánh căn là gạo tẻ ngâm nước khoảng từ 6 - 8 tiếng rồi đem xay thành bột loãng. Muốn bánh có độ xốp và tơi thì bí quyết là trước khi đem xay cho thêm vào chút ít cơm nguội. Khi pha bột cũng cần chú ý lượng nước vừa đủ để bánh đạt được độ giòn như ý.

Bánh căn được đổ trên một lò đất nung , mặt khuôn có từ 8 đến 16 lỗ tròn nhỏ. Than là loại chất đốt được dùng để nướng bánh. Cái quan trọng là luôn giữ than ở độ nóng cần thiết để bánh mau chín nhưng không cháy. Do bánh căn nhỏ nên cứ hai cái úp lại thành một cặp ở giữa có lớp hành lá thái nhuyễn.

Cái ngon của bánh căn chính là nước chấm. Nước chấm có nhiều loại theo sở thích của người dùng nhưng chính là nước mắm chanh ớt tỏi pha loãng, ngoài ra còn có cá nục hoặc cá cơm kho. Ngày nay người ta còn biến chế thêm xíu mại, trứng cút, trứng vịt luộc, da heo ăn kèm. Nhưng cái lạ là bánh căn dù dùng với nước chấm nào hoặc ăn kèm theo trứng cũng không có rau sống mà chỉ lấy xoài sống băm nhỏ làm điểm nhấn ăn theo, mặc dù rau sống là một loại ăn theo không thể thiếu ở các loại thức ăn khác tại Bình Thuận. Tôi có hỏi chuyện này với các người bán bánh căn họ ngạc nhiên và cười nói theo thói quen mà cũng không biết giải thích 

Vài chiếc bàn nhỏ cùng đôi mươi chiếc ghế con đặt bên hè cũng đủ làm nên ẩm quán. Cái thú của người ăn hàng là ở đấy, đến là giành ngay ghế ngồi đợi. Cái thú vị của món bánh này nằm ngay trong sự chờ đợi và giá trị sẽ được nâng lên chính từ sự nhẫn nại. Đặc biệt vào trời mưa mà được nhâm nhi vài cặp bánh căn nóng hổi cùng với nước mắm, với chút xoài xắt sợi thì quả là ngon tuyệt.
                                                               
Huỳnh Thị Thảo Chi ( Bảy B)

'Quả thần' khiến chanh, ớt cũng ngọt.

   Loại cây này xuất hiện ở Việt Nam khoảng 7 năm nay. Do đặc tính dễ trồng, cây sinh trưởng và phát triển nhanh nên tuy mới được du nhập vào Việt Nam nhưng hiện nay đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, trong đó có Đà Lạt.
   Quả của loại cây này khi chín có màu đỏ tươi, to bằng ngón tay út người lớn, lá bằng 3 ngón tay, dài khoảng 10 cm, cây trưởng thành có thể cao tới 6m. Điều đặc biệt, nếu ăn quả thần kỳ này, sau đó ăn bất kỳ món gì người ăn cũng đều cảm nhận được các món ăn đó có vị ngọt kể cả chanh, ớt, mướp đắng, dấm, dưa chua...
Quả 'thần' khiến những món ăn ngay sau đó đều trở nên ngọt lịm.

   Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên Trường ĐH Y Dược TP HCM, trong quả thần kỳ chứa hợp chất miraculin có tác dụng đánh lừa vị giác chứ không làm thay đổi cấu trúc hóa học của các thực phẩm.
   Tuy nhiên, cảm giác sẽ nhanh chóng biến mất nếu ta dùng các đồ uống nóng. Quả thần kỳ cũng hết “thần kỳ” nếu đem nấu chín. Chất miraculin có trong quả là một dạng protein không bền ở nhiệt độ cao, nó sẽ bị phân hủy khi gặp nhiệt độ nóng.
   Tại nhiều nước, trái thần kỳ được các dược sĩ chiết xuất chế thành những viên miraculin dùng để ăn trước khi dùng các món chua, cay như chanh, giấm, cải củ, dưa chua, tương ớt, bia…
   Hiện nay, Nhật Bản là nước dùng loại quả này nhiều nhất, chủ yếu cho người bị tiểu đường và người muốn ăn kiêng, giảm cân, dưới dạng nước sinh tố, nước ép đóng chai, hộp, bởi chỉ cần ăn loại trái cây này trước khi dùng các món khác, người ăn đều cảm nhận được vị ngọt từ bất kỳ món ăn nào.
   Quả loại cây thần kỳ chỉ có tác dụng đánh lừa vị giác chứ không làm thay đổi được bản chất các loại thực phẩm, nếu lạm dụng dùng quả thần kỳ để biến các món chua, cay, đắng, mặn… thành ngọt sẽ rất dễ gây tổn hại đến dạ dày và sức khỏe.

Theo Kiến Thức

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013


Tôi là Nguyễn Đức Thành cựu học sinh Hải Long Mũi Né ( con Chi Khu Phó quận Hải Long)
Hiện đang sinh sống tại Houston TX, số điện thoại             713-820-3603      
Muốn liên lạc cùng các bạn đồng ḥọc Nguyễn Hữu Xuân, Hùynh Công Nam cũng như các bạn cùng trường.
Xin chia buồn cùng anh Cao Hoàng Tấn Cao Hoàng Phát khi được tin anh Cao Hoàng Phong mất..

BỊ CHÚC MỪNG

Nửa  đêm  giấc  ngủ  nồng  nàn 
Giật  mình  vì  điện  thoại  kêu  vang
Quờ  quạng  bỏ  chân  tìm  đôi  dép 
Quáng  quàng  nhấc  máy  nói  Alô 
Đầu  dây  một  giọng  nói  tỉnh  khô 
Chúc  em  ngày  Va  len  tí  nồ 
Không  còn  vợ  chồng  , chẳng  phải  bồ 
Năm  nào  cũng  chúc  Va  len  tí  nồ 
Đầu  năm  chẳng  lẽ  không  tiếp  nhận 
Bãi  buôi  chúc  lại .... Va  len  tí  nồ *  !  

                                                                          *  Tên  của  một  cầu  thủ 

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

Truyền Thuyết Ngày Valentine !




Xuất hành đầu năm

          Theo tập quán của một số nước Đông Á đặc biệt là những quốc gia ăn tết cổ truyền âm lịch như Việt Nam ta. Ngày đầu năm, một số người chọn ngày, chọn giờ để khai trương, chọn hướng để xuất hành. Đây cũng là phong tục để tìm sự may mắn cho mình và gia đình trong năm mới. Có người phải tra cứu lịch hoặc đi xem thầy. Năm nay tôi cũng chọn mùng 3 tết, hướng Đông tức là hướng Phan Thiết – Mũi Né để xuất hành lấy hên.
          Dắt chiếc xe ra khỏi nhà, sao mà dơ quá, bụi đất bám đầy, có đến gần nửa năm chưa rửa. Làm siêng đột xuất, sẵn cái vòi nước tưới thanh long, cho con “ngựa sắt cà tàng” tắm nửa tiếng đồng hồ thỏa sức no nê trông cũng tạm ổn. Hòa với dòng người vi vu trên Quốc Lộ 1A theo hướng đã định. Được 4 cây số, xe tự nhiên tắt máy. Dzụ này mới đó nha vì từ hồi đó tức là từ lúc mua xe đến giờ chưa từng xảy ra như thế này. Lại trúng khu vực nhà cửa thưa thớt, không một bóng cây ven đường, dễ chết như chơi. Xa xa thấp thoáng tấm biển sửa xe HonDa, mừng quá trời, dắt bộ đến nơi, cửa đóng thin thít mà còn khóa bằng ổ khóa to tổ chạc mới thất vọng làm sao. Thôi thì lấy đồ nghề ra tự sửa, mở “bu-ri” chùi tới chùi lui vẫn không nổ, không biết phải làm sao vì nghiệp vụ chuyên môn sửa xe của tôi chỉ có bấy nhiêu, chẳng lẽ phải thuê chiếc xe lớn chở chiếc xe nhỏ về. Vào một quán cóc bên đường hỏi thăm, người ta chỉ cho đi tới một đoạn nữa có tiệm sửa xe nhưng không biết đầu năm đầu tháng đã làm chưa. Lại tiếp tục dắt bộ, vừa đi vừa thầm “than thân trách phận”. Con ngựa sắt tuy là cà tàng thật nhưng là bạn thân thiết đã từng đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường tôi đã đi qua: Phan Thiết Mũi Né, Ma Lâm Thiện Giáo, Bình Tuy LaGi, Bình Châu Xuyên Mộc… hàng tuần đều bồi bổ đầy đủ xăng nhớt, chỉ thiếu vệ sinh mà thôi, nay đột nhiên nổi chứng bỏ tôi giữa đường trong một buổi sáng nắng chang chang, không một bóng mát, mồ hôi đầm đìa mới đau làm sao.
          Rồi thì cũng đến được tiệm sửa xe thứ 2, nói tiệm cho nó oai chứ thực ra là cái nhà nhỏ nhỏ, chủ yếu sửa lặt vặt xì hơi xẹp lốp. Cũng lại cửa đóng then cài một cách lạnh lùng, may mắn hơn một chút nhà của chủ tiệm ở phía sau, tuy chưa khai trương nhưng thương cho cảnh “cơ nhở dọc đường” nên đang tưới thanh long, người nhà gọi vào sửa dùm, mừng hết lớn. Cũng lại kiểm tra “bu-ri”, rồi tháo “bựng xe”, rồi mở ”lốc máy”, một dòng nước chảy tóe ra ướt cả khoảnh sân. Mà nước không vào lốc máy mới là lạ!!! vì như tôi đã nói “cà tàng” mà, ron riếc bung từ đời nào, bựng xe thì vừa chạy vừa phát ra tiếng nhạc re re, yên xe thì rách bà xã phải lấy kim chỉ khâu lại, mùa mưa ướt cả mông quần, người ngồi sau cứ một lát phải điều chỉnh lại thế ngồi vì bị vẹo qua một bên, dằn mạnh cũng vẹo, dằn sơ sơ cũng vẹo, đường êm như ru cũng vẹo luôn…
          Thì ra tôi làm siêng hơi quá mức, xịt thật kỹ, nước vào lốc máy, quá trình vận hành làm cháy cuộn điện phát lửa; cũng may tiệm có cuộn lửa duy nhất, còn mới, tuy khác hãng xe nhưng gắn vào vừa khớp, chỉ cần chế lại “rắc cắm” bằng cách cắt luôn 4 sợi dây điện nối vào rắc cũ, băng keo thì hết, lấy sợi dây nylon đen quấn cho nó khỏi chạm nhau là xong, đề một phát xì khói nổ giòn tang, phẻ re. -Nhiều tiền đó nghe Chú. Hơi bối rối, nhưng không sao, trong túi đã có sẵn căn cước, bằng lái xe cả thẻ ATM, nếu thiếu thì thế đỡ, bữa nào chuộc lại, chẳng lẽ ráp vào rồi lại tháo ra. -Nhìn tướng chú sang, thay xe khác đi chú ơi. Sướng rơn, làm dóc: -Chiều mua tờ vé số sắm xe con luôn. -Mà nhắm chừng đi tới Mũi Né được không? -Tới Hà Nội luôn. Cháu chủ tiệm sửa xe vừa cười vừa trả lời…Cuối cùng thì vẫn đến đích như ai, gió biển mát rười rượi làm quên đi mệt mõi vừa trải qua.
          Người ta thường nói, hên đi liền với xui, may đi liền với rủi, được đi liền với mất. Tôi thì xuất hành đầu năm xui vì bị hư xe nhưng hên là còn có người chịu sửa và có cả phụ tùng thay thế. Rủi là con ngựa sắt cà tàng chưa bao giờ bỏ tôi dọc đường dù lên núi xuống biển nhưng lại chọn đúng ngày xuất hành nổi chứng nhưng may là cũng đến được Mũi Né, gặp người thân bạn bè trong đó có nhà thơ Mỹ Lệ, chuyện trò vui vẻ cười no ruột. Mất là mất một mớ mồ hôi và “ngân khoản” sửa xe, còn được là được cái gì đây ta…nghĩ mãi chưa ra./.
PhamDinhNhan

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

42 ĐIỀU NÊN LÀM 2013

  Mời nghe nhạc và xem   





Chân Thành cãm ơn các anh chị em :
- Võ Quang Thời.
- Nguyễn thị lành.
- Trần văn Tin.
- Trần Thị Bá Phong.
- Lê Thị Sơn.
- Hoàng Gia Kế.
- Cao Hoàng Tấn.
- Cao Hoàng Phát.

Đã hỗ trợ về tài chính tặng quà Quý Thầy, Cô nhân dịp Tết Quý Tỵ  2013

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Huyện tôi bắn pháo hoa

Hồi đó, cứ mỗi độ xuân về tết đến, gia đình tôi thể nào cũng phải mua ít nhất là 2 phong pháo, một đốt vào thời khắc giao thừa, một đốt vào sáng mồng một sau khi thức dậy. Tiếng pháo làm tâm hồn thêm náo nức phấn chấn đón mừng năm mới, xác pháo đỏ rực bay tung tóe, rơi vãi trước sân nhà tạo thêm niềm hy vọng cho một tương lai gặp nhiều may mắn tốt đẹp. Từ ngày cấm đốt pháo, không khí tết như thiếu thiếu một cái gì đó, mà theo như người ta giải thích là để tiết kiệm, tránh những trường hợp thương tâm do đốt pháo gây ra. Lâu ngày không có tiếng pháo rồi thì cũng quen. Mà nghĩ lại thấy cũng hợp lý đối với gia đình tôi. Với cái nghề làm đẹp cho người, những ngày cận tết là thời điểm làm “hết tốc lực” không kể sáng trưa chiều tối mới kịp, thế mà mới giữa tháng chạp, tiếng pháo đã lác đác đì đùng nổ làm nôn nao đứng ngồi không yên, làm cho đường kim mũi chỉ rối loạn tùng phèo, không có tiếng đì đẹt thế mới yên.

Vì không đốt pháo nên chính quyền tổ chức bắn pháo hoa để công chúng đến xem, tạo không khí phấn khởi hồ hởi chào mừng năm mới. Ban đầu chỉ ở các thành phố lớn, rồi thì đến thành phố nhỏ, đến tỉnh rồi đến huyện. Huyện tôi mấy năm nay cũng bắn pháo hoa như ai, mà theo như Ban tổ chức là phải “xã hội hóa bắn pháo hoa”. Nghe mà đớ người. Hồi đó đến giờ chỉ biết xã hội hóa giáo dục, xã hội hóa y tế, xã hội hóa giao thông…nay lại thêm xã hội hóa bắn pháo hoa, tức là nhà nhà người người cùng tham gia, tức là mọi người góp một ít chi phí, tức là có sự tài trợ của các doanh nghiệp, các đại gia. Từ ngữ ngày nay sao mà cắc cớ, rắc rối quá sức. Người nhà quê trình độ ngữ pháp được xếp vào hạng lờ mờ như tôi hiểu được chết liền.

Thông thường hàng năm, gia đình tôi quần tụ trước cái tivi, nhấm nháp một tí gì đó chào đón giao thừa. Năm nay phá lệ đi xem bắn pháo hoa vừa để cổ vũ cho huyện nhà, vừa để biết thế nào là pháo hoa vì cả đời chỉ thấy trong tivi, trong phim ảnh. Mười giờ đêm, ra khỏi nhà, dòng người, xe cộ ồn ào tấp nập đổ về khu trung tâm huyện. Sau khi thưởng thức chương trình ca múa nhạc miễn phí, đèn đường cúp cái rụp, tiếng pháo nổ ầm ầm như tiếng súng hạng nặng. Giữa bầu trời đen kìn kịt, từng vệt sáng từ mặt đất phóng lên tạo ra những chùm hoa đủ màu sắc, đủ kiểu dáng bung ra bay tung tóe, mọi người đồng loạt ồ lên thích thú…Tôi không thể tưởng tượng được nó đẹp đến thế, hèn gì người ta phải bỏ ra khá nhiều chi phí để có được một bầu trời đầy hoa cho công chúng xem trong thời khắc đặc biệt của đầu năm mới. Tôi tranh thủ chổng ngược mặt lên trời (vì chọn vị trí gần quá) bấm máy quay, kịp thời đưa lên Blog cho các bạn thưởng thức, kết quả là chỉ có hơn 15 phút mà cho đến hôm nay cái cằng cổ vẫn còn ê ẩm.

Đèn đường lại được bật sáng, đêm pháo hoa hoàn tất, mọi người ồn ào ra về. Chỉ tiếc một điều là không có tiết mục “kính thưa” để cám ơn những người đứng ra tổ chức, nhà tài trợ và những người đến xem vì nếu như không có ai xem thì bắn làm gì. Tôi nhớ câu chuyện liên quan đến người xem. Có một gánh hát trình diễn một vở kịch, có người hỏi ông trưởng gánh: Vở diễn với thời lượng là bao lâu? Theo kịch bản thì 3 tiếng, nhưng thường chúng tôi chỉ diễn khoảng một tiếng rưỡi, có khi chỉ một tiếng. Hễ nhìn xuống không còn thấy khán giả nào nữa là nghĩ.

Năm nay là năm thứ ba liên tiếp huyện tôi tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới thành công tốt đẹp. Không như ở huyện bạn, năm ngoái mới bắn được 6 phút, pháo xì rồi tịt luôn mọi người thất vọng lặng lẽ ra về bởi ở lại thì biết xem cái gì bây giờ./.
PhamDinhNhan

Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Xuân đã về

Kính chúc quý Thầy cô, các anh chị và các bạn
Năm mới sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng
     * Nhân Lành *

KÍNH CHÚC QUÝ THẦY CÔ, ANH CHỊ EM VÀ CÁC BẠN.






CUNG CÚC TÂN XUÂN PHƯỚC VĨNH CỬU
CHÚC TRONG GIA QUYÊN ĐƯỢC AN KHANG
TÂN NIÊN LAI ĐÁO ĐA PHÚ QUÝ
XUÂN ĐẾN AN KHANG VẠN THỌ TƯỜNG

Tản mạn đêm giao thừa

“Quanh đi quẩn lại mới đó thế mà giờ đã năm hết tết đến rồi…”. Đây có lẽ là một trong những câu nói được nghe thấy từ nhiều người nhất trong những ngày cuối tháng chạp này. Hình như cả một năm trời tất bật lo toan với cuộc sống, chẳng mấy khi ta dành ra một chút thời gian để nghĩ về những giây phút đã và đang lặng lẽ trôi qua. Khi những tờ lịch cuối cùng rơi xuống, để lộ cả một khoảng trống mênh mông của những ngày tháng cũ, ta mới giật mình ngồi đo đếm thời gian…

Tháng chạp thiếu, Tết sớm hơn một ngày, chỉ một ngày thôi nhưng bao nhiêu lo toan tất bật dường như dồn cả vào đấy, mọi người ai ai cũng vội vã; người buôn bán đóng cửa tiệm chậm hơn tranh thủ những giờ phút cuối năm kiếm thêm lợi nhuận; anh công nhân tranh thủ làm thêm giờ tăng thu nhập gởi về giúp gia đình, chị thợ may nhanh tay hơn cho kịp đồ trong tết… mọi người ai ai cũng muốn hoàn tất mọi công việc trong năm, không để những tồn đọng của năm cũ sang năm mới.

Dù khó khăn cơ cực thiếu thốn đến mấy nhưng những ngày đầu năm phải đầy đủ như mong ước một năm mới đem đến sự tốt lành no đủ, cũng phải có nồi thịt kho măng, bánh mứt, kiệu chua, dưa hấu và mâm cơm chiều cuối năm cúng rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Những tập tục ấy được lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác tưởng chừng như không còn mới nhưng thật ra không bao giờ cũ đối với lòng hiếu thảo và tình cảm của con người.

Thế là lại chuẩn bị từ giã một năm cũ, đón một năm mới, trời đất lòng người như hòa quyện với nhau trong cảm giác bồi hồi ở một thời khắc mang ý nghĩa giao hòa giữa sự chấm dứt và bắt đầu, chiếc bóng của quá khứ đời người lại dài ra thêm một chút. Đêm cuối năm, ngồi tính lại “sổ đời”, những ngày tháng đã qua ta đã làm được những gì, những gì còn băn khoăn trăn trở. Bạn bè ai còn ai mất ai mới tìm ra được trong năm, bạn nào cưới vợ gả chồng cho con, bạn nào đã lên chức ông bà nội ngoại, bạn nào đã thành đạt an nhàn với cuộc sống hiện tại, bạn nào vẫn còn lao đao với cơm áo gạo tiền hàng ngày…

Nhịp đập của thời gian đang nhích dần nhích dần đến những giây cuối cùng để bước sang năm mới, ta tạm gác những lo toan buồn vui sướng khổ của năm cũ để đón chào một ngày mai tươi sáng với những dự định, những ước mơ và tràn đầy những khát vọng về một cuộc sống an lành, ấm no.

Xin cảm ơn gia đình, người thân, bạn bè, những người đã gởi trọn cho ta tình yêu thương tốt đẹp nhất trong năm qua./.

Đêm 29 tết - PhamDinhNhan

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

QUÀ TẾT


  


                                                              

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

TẾT NGUYÊN ĐÁN

Tết Nguyên Đán là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm của Việt Nam. Ngày Tết không những là ngày thiêng liêng của người Việt mà nó còn mang sắc thái văn hóa đặc thù của dân tộc ta. Trên bầu trời cao, những cánh én đã về, mùa Xuân đã trở lại với vạn vật. Những cành lá trơ trụi của mùa Đông đã chuyển mình với những mầm non, với lá xanh mơn mởn. Trong bốn mùa, Xuân là mùa của ngàn hoa tươi thắm, với những cành lộc non xanh tươi vì thế mùa Xuân được người đời ưa chuộng hơn cả. Trong niềm rạo rực đón Xuân, Hàn Mạc Tử đã sáng tác bài “Mùa Xuân Chín”, xin hãy nghe:


Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý - bóng Xuân sang.

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời,
Bao cô thôn nữ hát trên đồi;
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,
Hổn hển như lời của nước mây.
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc,
Nghe ra ý vị và thơ ngây.

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng.
“Chị ấy năm nay còn gánh thóc,
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”.

Sau 37 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, cứ mỗi lần Tết đến người Việt tha hương khắp năm châu cảm thấy lòng nao nao nhớ lại những mùa Xuân êm đềm mang nhiều kỷ niệm nơi cố quốc và cảm thấy thấm thía qua những vần thơ “Xuân Tha Hương” của Nguyễn Bính:

Bốn biển vẫn chưa yên sóng gió,
Xuân nầy em chị vẫn tha hương.
Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ,
Son sắc say hoài rượu bốn phương.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Em đi non nước xa khơi quá,
Mỗi độ Xuân về bao nhớ thương.
Mỗi độ Xuân về em lại thấy,
Buồn như người lính ở biên cương.

Chữ Tết Nguyên Đán mang các nghĩa: Tết do chữ Tiết, có nghĩa là ngày lễ; Nguyên có nghĩa là bắt đầu; Đán có nghĩa là buổi sớm mai.

Vậy Tết Nguyên Đán là ngày mở đầu cho một năm mới với nhiều hy vọng và may mắn mới.

Đúng ra phải dùng cả ba chữ Tết Nguyên Đán, nhưng người Việt ta có tính giản dị nên chỉ gọi Tết hay Ngày Tết. Chữ Tết được dùng trong nhiều thành ngữ như: Ngày Tư Ngày Tết, Năm Hết Tết Đến, Sống Tết Chết Giỗ, Tết Nhất, Chợ Tết, Ăn Tết, Chúc Tết, Thiệp Tết, Quà Tết, Lương Tết, Tết Thầy, Tết Xếp... Ngày Tết mang rất nhiều phong tục cổ truyền và các phong tục này đã thấm nhuần trong lòng người Việt Nam từ xưa đến nay.


Sửa Soạn Tết
Ngay từ đầu tháng Chạp, ở thôn quê cũng như thị thành, thiên hạ đã bắt đầu sửa soạn Tết. Nhà nhà lo mua heo, bò, gà, vịt để sẵn, rồi còn mua nếp, đậu hầu chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét. Ngoài ra còn muối dưa, nén hành, may sắm quần áo mới, sơn phết trang hòang nhà cửa, lau chùi bàn thờ, mua tranh, pháo, câu đối, cùng các loại bánh mứt, trái cây, trà, rượu... Còn những người thích chơi cảnh, chơi hoa như các loại hoa hải đường, hoa mai, bích đào, thủy tiên... phải lo vun trồng, cắt xén để hoa kịp nở vào đầu Xuân. Đa số người Việt Nam chỉ lo ăn Tết có 3 ngày, tuy nhiên nhiều gia đình, nhất là những gia đình khá giả chuẩn bị Tết trong nhiều tháng trước.

Chợ Tết
Khoảng trung tuần tháng Chạp, phố xá, chợ búa bắt đầu thêm nhộn nhịp, nhất là các buổi chợ cuối năm càng tưng bừng tấp nập, đông đúc kẻ bán người mua. “Đông như chợ Tết”. Vào những ngày chợ Tết hàng hóa tràn ngập, nhiều gấp bội ngày thường, nào gian hàng vải, gian hàng bánh mứt, hàng hoa, hàng trái cây, dưa hấu bày bán la liệt. Thấy dưa hấu là thấy Tết. Dưa hấu lềnh khênh, chất cao thành đống. Khách mua cố lựa những trái dưa khi cắt ra ruột đỏ tươi vì người ta cho rằng mua dưa đầu năm lựa đuợc những trái dưa ruột đỏ thắm thi suốt năm gặp tòan những điều may mắn. Còn những người bán thì trưng bày những trái dưa mẫu ruột đỏ au để chiêu dụ khách hàng. Đặc biệt là vào những ngày cận Tết, ta thấy các ông đồ Nho râu tóc bạc phơ gò mình trên những tờ giấy hoa ở vỉa hè hay góc chợ, múa bút viết những câu đối với những nét chữ “Rồng bay, Phượng múa” để bán cho những khách hàng mua về dán ở nhà hay ở bàn thờ.

Đưa Ông Táo Về Trời
Một trong những cổ tục của ngày Tết là đưa ông Táo về Trời. Ông Táo là cái bếp nấu cơm trong mọi gia đình. Người ta tiễn ông Táo về Trời bằng bánh mứt, thèo lèo, trà và pháo. Theo truyền thuyết, cứ mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo cỡi cá chép bay về Trời để “báo cáo” với Ngọc Hoàng mọi chuyện xảy ra dưới trần gian trong suốt năm qua.

Cây Nêu
Nói đến Tết, theo truyền thống, người Việt nghĩ ngay đến bốn thứ điển hình là Cây Nêu, Hoa Mai, Bánh Chưng với Tràng Pháo:

Ở thôn quê, thiên hạ bắt đầu dựng cây nêu vào ngày 27 tháng Chạp, trễ lắm là vào buổi chiều ngày 30 Têt, nếu tháng thiếu là ngày 29 và hạ nêu vào ngày mồng 7 tháng Giêng. Nêu là cây tre dài chặt tới gốc còn đủ ngọn lá, được dựng ở trước sân với một cỗ mũ nhỏ và một tảng vàng buộc ngang thân, có nơi treo trên ngọn mấy chiếc khánh và bùa chú mà người ta tin tưởng rằng có thể ngăn cản, xua đuổi tà ma xâm nhập vào nhà để quấy phá gia chủ trong những ngày Tết. Riêng ở thành thị vì nhà cửa phố phường san sát không tiện trồng cây nêu nên ta thường buộc cành đa, lá dứa ngoài ngõ. Có nơi thiên hạ rắc vôi ngoài sân, ngoài cổng với hình bàn cờ, cây cung cùng tên bắn ra đằng trước và hai bên, ngụ ý trấn giữ nhà cửa ngăn chận tà ma.

Cú kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau đến Tết dựng nêu ăn chè.

Vật điển hình thứ hai của Tết là hoa mai. Mai vàng là màu sắc đặc thù của ngày Tết, thấy mai là thấy Tết và mai vàng tạo niềm rạo rực, rộn ràng trong lòng mọi người. Cho nên, dù giàu, dù nghèo thiên hạ nhà nào cũng tạo cho được một cành mai. Giàu có, khá giả không những tạo một nhành mai mà còn rước cả một cây mai to lớn đầy hoa về để trang trí nhà cửa trong những ngày Xuân. Còn nghèo khó không mua nổi một nhánh mai tươi thì cũng phải sắm cho được một cành mai giả để cũng có màu sắc Tết cho gia đình.

Tết không mai không ai biết Tết,
Mai không Tết chẳng thiết khoe vàng.

Vật điển hình thứ ba của Tết là bánh chưng. Tùy theo tục lệ từng miền, người ta có bánh chưng hay bánh tét, đó là hương vị không thể thiếu được của mọi gia đình trong những ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét thường được ăn với thịt mỡ, dưa hành hay củ kiệu. Trong lúc nhìn mai vàng nở trên cành, nghe những tràng pháo Tết rộn rã mà ăn một lát bánh chưng hay một khoanh bánh tét với một cục thịt mỡ và một miếng dưa hành là nuốt cả một mùa Xuân dân tộc vào tâm hồn ta vậy.
Vật điển hình thứ tư của ngày Tết là pháo. Pháo là âm thanh, âm điệu rạo rực nhất của ngày Xuân. Nghe pháo nổ là nghe như Tết đang reo vang trong lòng mọi người. Pháo bắt đầu nổ lác đác từ chiều 23 tháng Chạp, ngày đưa ông Táo về Trời. Rồi đến Giao Thừa pháo càng rộ lên cùng một lúc, xen lẫn trong những tràng pháo chuột là những tiếng pháo đại nổ chát chúa, vang rền như những quả đạn pháo kích. Tết đến, từ các cơ sở thương mại cho đến tư gia, nhà nào cũng đốt một vài phong pháo để đón Chúa Xuân. Người ta đốt pháo từ lễ Giao Thừa và vào sáng mồng một, mồng hai, mồng ba. Ngoài ra khi người bạn quý đến “xông đất” chủ nhà cũng mang ra một phong pháo đốt để “nghinh tân” ngược lai, người bạn cũng đốt một phong pháo để “Chúc Xuân” gia chủ. Còn các cơ sở thương mại, những nhà giàu có vào ngày Tết đốt pháo thường có múa lân vì thiên hạ tin tưởng rằng lân đến nhà đầu năm sẽ mang lại thịnh vượng.

Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh.

Mâm Ngũ Quả
Mâm ngũ quả thường gồm thơm, đu đủ, dừa, xoài, trái sung. Phải thừa nhận rằng đa số nguời Việt Nam, nhất là giới bình dân mang nhiều sự mê tín, dị đoan rất dễ thương. Vì thế mâm ngũ quả chưng bàn thờ trong những ngày Tết người ta thường chọn những loại trái cây có tên tốt, mang ý nghĩa như thơm, đu đủ, dừa, xoài, sung... vì theo họ, những loại hoa quả nầy tượng trưng cho một năm mới đầy thơm tho, tiền bạc trong nhà đầy đủ và cuộc sống sung túc.

Tiệc Tất Niên
Ở thành thi, theo thông lệ, cứ đến cuối năm, thiên hạ thường tổ chức những bữa tiệc tất niên tại các công, tư sở, xí nghiệp, trường học hầu các công tư chức, nhân viên, hoc sinh, sinh viên, thầy cô có dịp họp mặt vui vẻ, chuyện trò thân mật, chúc Tết lẫn nhau trước khi chia tay để về nhà hoặc về quê ăn Tết với gia đình.

Đưa Rước Ông Bà
Vào ngày Tết người Việt Nam ta có tục đưa rước ông bà. Trưa hôm 30 Tết người ta làm lễ cúng tất niên đồng thời đón rước ông bà hoặc người thân quá cố để vong linh họ về sum họp với gia đình trong những ngày Xuân. Qua đến ngày mồng bốn, ta tiễn đưa vong linh ông bà về phương cũ.

Giao Thừa Và Lễ Trừ Tịch
Giao Thừa có nghĩa là cũ giao lại cho mới tiếp nhận. Hết giờ Hợi sang giờ Tý vào lúc nửa đêm 30 Tết là Giao Thừa, thiên hạ làm lễ Trừ Tịch tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới còn được gọi là lễ “Tống Cựu, Nghinh Tân”. Theo cổ tục, người ta tin rằng từ năm Tý đến năm Hợi là 12 năm thì có 12 vị thần Hành Khiển luân phiên nhau, mỗi năm một vị lo trông coi việc nhân gian vì thế mà ta có lễ Trừ Tịch để tiễn đưa và đón các vị thần Hành Khiển của năm cũ và năm mới, đồng thời cầu cúng cả Bản Cảnh Thành Hoàng và Thổ Công Thần Kỳ mà ta có câu tục ngữ “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”.

Lễ Trừ Tịch ở các làng xã còn giữ cổ tục, người ta thiết lập hương án ở trong trung thiên hoặc nơi sân đình, cũng có khi ở ngã ba làng xã với vàng mã, hương, đèn, trầu, rượu, hoa quả, xôi gà tế lễ rất trọng thể. Trong khi tế lễ, họ đánh trống, khua chiêng, đốt pháo vang dậy trong giờ Giao Thừa. Còn các tư gia cũng cúng lễ Giao Thừa trong sân hay trước cửa nhà với mâm lễ vật đặt trên bàn rồi vái tứ phương. Khi tới Giao Thừa chuông, trống ở các Đình, Chùa, Giáo Đường khắp nơi cũng được đánh lên vang rền kèm theo tiếng pháo đón Giao Thừa nổ giòn giã. Tiếng chuông, tiếng trống, tiếng pháo của giờ Giao Thừa là âm điệu truyền thống của ngày Tết.

Những kẻ đã từng nghe những âm điệu nầy trong quá khứ, nay vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải xa lìa đất mẹ thân yêu, vào đêm Giao Thừa họ thường gục đầu im lặng để chờ nghe lại âm điệu ngày xưa, nhưng giờ Giao Thừa cứ lặng lẽ trôi qua và những âm điệu âu yếm kia vẫn biền biệt, khiến họ hụt hẫng, lòng họ dâng trào niềm nuối tiếc và uất hận, rồi lòng họ cảm thấy nghẹn ngào và đôi dòng lệ tự nhiên tuôn trào thấm ướt bờ mi. Vì ai mà họ đã đánh mất kỷ niệm thân yêu nầy? Vì ai mà họ phải khóc trong những đêm Giao Thừa xa cố quận?

Về Giao Thừa, nữ sĩ Hồ Xuân Hương có hai câu đối như sau:


Tối ba mươi khép cánh càn khôn,
Kẻo sợ ma vương đem quỷ tới.
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa,
Để cho thiếu nữ rước Xuân vào.

Tiền Của Vào Như Nước
Ở thành thị, phố phường ta có tục lệ sau giờ Giao Thừa, những người gánh nước mướn tự động gánh nước đến những nhà trong hàng xóm một vài đôi nước ngụ ý rằng năm mới gia chủ sẽ làm ăn phát đạt “tiền của vào như nước” và gia chủ vui vẻ thưởng tiền rất hậu. Cũng có những người buôn bán, vào những ngày cận Tết đã ân cần dặn trước những người gánh nước thuê đừng quên gánh nước đổ vào nhà cho mình.

Đi Lễ Chùa, Giáo Đường Và Hái Lộc
Sau khi cúng Giao Thừa xong, thiên hạ làm lễ Thổ Công rồi sửa soạn đi lễ tại các Đền, Miếu, Đình, Chùa, Giáo Đường để cầu phúc, cầu may cho năm mới. Ngoài mục đich đi lễ Phật, lễ Chúa, lễ các vị Thần Linh họ còn có dụng ý hái lộc và xin xăm. Hái lộc là một tục lệ nên thơ của người Việt Nam. Người ta tin rằng lộc là lộc của Trời vì thế hái lộc đầu năm sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng cho suốt một năm. Vì lẽ đó mà vào ngày đầu năm thiên hạ già, trẻ, trai, gái chen chúc nhau lên Chùa để hái lộc. Còn xim xăm, đa số người Việt rất tin vào số mệnh nên song song với việc lên Chùa lễ Phật, hái lộc họ còn lên Chùa để xin xăm hầu biết vận mệnh của mình và gia đình mình trong năm mới. Hình thức xin xăm là sau khi van vái Trời, Phật với tất cả lòng thành rồi người ta rút một thẻ xăm trong ống (hoăc lắc cho thẻ xăm rơi ra), đọan mang đến cho người đoán xăm, đôi khi là một thầy bói, đôi khi là một nhà sư để giải đoán dùm những ngụ ý trong quẻ xăm. Hầu hết những người lên Chùa xin xăm vào dịp đầu năm đều ra về với vẻ mặt “vui như ngày Tết” vì những lá xăm của họ đều hứa hẹn những điều tốt đep.

Xông Nhà, Xông Đất
Theo cổ tục, vào đầu năm người đến nhà ai trước nhất là người “xông nhà, xông đất” cho gia chủ và thiên hạ tin rằng đầu năm mới được người vui vẻ, dễ tính, tốt nết hoặc những người có tên như: Thương, Mến, Hùng, Dũng, Đẹp, Giàu, Sang, Phú, Quý, Thịnh, Vượng, Tài, Báu, Lợi, Phước, Lộc, Thọ, Có, Tiền, Bạc, Vàng, Triệu, Tỷ, Thơm... đến nhà trước nhất thì gia chủ sẽ được mọi chuyện tốt lành, đẹp đẽ, thịnh vượng, phú quý, may mắn quanh năm. Còn ngược lại, gặp người khẳn tính, cộc cằn, độc ác, khờ dại, ngu ngơ, đần độn hoặc những người có tên như: Nghèo, Khổ, Xấu, Ghét, Ngu, Hư, Thúi, Chết, Xụi, Thua, Lỗ, Nợ, Nần, Túng, Thiếu, Đau, Ốm, Bệnh, Ghẻ, Chốc, Bại, Xụi, Bần, Hàn, Đói, Rách, Gian, Ác... thì suốt năm gia chủ làm ăn lủng củng, thất bại hay gặp những chuyện vẩn vơ, bực mình.... Chinh vì vậy mà các cụ lớn tuổi hoặc những người còn mang nặng cổ tục rất kén chọn người đến xông nhà, xông đất, thường họ mượn người tốt nết, tinh tình dễ thương, có tên đẹp đến xông đất dùm. Còn trong gia đình, sau khi đi lễ Chùa, Nhà Thờ về là xông đất nhà mình và gia đình thường để cho người tốt nết nhất vào nhà trước.

Theo tục lệ, người đến xông đất đốt một phong pháo và chúc gia chủ mọi điều tốt lành, tùy theo trường hợp, lời chúc có thể:
- Nếu gia chủ có cha mẹ già thì chúc “Tăng phúc, tăng thọ”
- Nếu gia chủ là nhà nông thì chúc “Phong đăng hòa cốc”
- Nếu gia chủ là một nhà công kỹ nghệ thì chúc “Tốt tài sai lộc”
- Nếu gia chủ là một thương gia thì chúc “Buôn may, bán đắt, nhất bản vạn lợi”
- Nếu gia chủ là một quân nhân hay công chức thì chúc “Mau thăng quan, tiến chức”.
Trong trường hợp chẳng may gặp người xấu nết, tính tình cộc cằn hay xui hơn nữa bị một lão ăn mày đến viếng đầu năm thì gia chủ phải lấy gạo, muối ra vãi tứ phía và cúng vái gọi là “đốt phong long” rồi chờ một người khác khá hơn đến “tái xông”

Mừng Tuổi Và Chúc Xuân
Một trong những tục lệ đẹp đẽ nhất của người Việt Nam là mừng tuổi ông bà, cha mẹ vào dịp đầu Xuân. Đây là một hình thức hiếu đạo của con cháu đối với công ơn dưỡng dục của các đấng sinh thành đã nuôi dưỡng nên minh mà chỉ Việt Nam mới hãnh diện có cổ tục nầy trên thế giới ngày nay.
Mừng tuổi là mừng ông bà, cha mẹ thọ thêm một tuổi. Sáng mồng một Tết, sau khi ông bà, cha mẹ khăn áo chỉnh tề, con cháu cũng xúng xính trong những bộ quần áo mới, trải chiếu xuống đất lạy 2 lạy đồng thời chúc ông bà, cha mẹ những lời tốt đẹp, hiếu thảo. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu ngoan ngoãn, thông minh, chóng lớn, học hành mau đỗ đạt rồi cho con cháu những tờ giấy bạc mới đựng trong những phong bì màu đỏ gọi là tiền “lì xì”, có nghĩa là những đồng tiền may mắn.

Ngoài tục lệ mừng tuổi, vào ngày Tết thiên hạ còn có lệ chúc Tết lẫn nhau. Nếu ở xa người ta gởi thiệp, còn nếu ở gần bạn bè, họ hàng thăm viếng và chúc Tết với nhau. Những lời chúc thông dụng là “Phước, Lộc, Thọ”, “An Khang, Thịnh Vượng”, “Vạn Sự Như Ý”, “Sống Lâu Trăm Tuổi”, “Tân Xuân Vạn Hạnh”, “Con Đàn, Cháu Lũ”, “Tiền Vào Như Nước”, “Tiền Rừng Bạc Biển”, “Đa Tài, Đa Lộc”, “Mau Thăng Quan, Tiến Chức”...

Ngoài việc họ hàng, bạn bè thăm viếng chúc Tết lẫn nhau, các nhân viên thuộc quyền ở các Ty, Sở, Đơn Vị vào ngày Tết cũng có lệ đến chúc Tết các xếp của mình. Kèm theo những lời chúc Tết đẹp nhất, họ còn có “quà biếu” cho các xếp họ nữa. Xin hãy nghe bài “Chúc Tết” của nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương:


Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau,
Chúc nhau: Trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen nầy ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu,
Trăm, nghìn, vạn, mớ để vào đâu.
Phen nầy ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang,
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen nầy ông quyết đi buôn lộng,
Vừa bán, vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con,
Sinh năm, đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.


Kiêng Cữ
Đa số người Việt Nam ta tin rằng việc gì xảy ra đầu năm thì sẽ liên tục xảy ra suốt năm vì thế ta có rất nhiều tục kiêng cữ trong những ngày Tết:

Giông
Giông có nghĩa là xui xẻo, cho nên vào những ngày cuối năm có mượn đồ vật hoặc nợ nần của ai thì phải lo trả vì nếu để sang năm mới người ta đến đòi thì bị “giông”. Vì thế vào những ngày cuối năm, các chủ nợ thường đến đòi tiền các con nợ vì để qua năm mới đến đòi sợ “giông” người vay nợ. Ngược lại, các con nợ Tết đến cũng lo chạy đôn, chạy đáo để thanh toán tiền nợ của mình vì sợ để leo qua năm mới sẽ bị xui và sẽ bị mang nợ suốt cả năm nên ta có câu:

Khôn ngoan đến cửa quan mới biết,
Giàu khó ba mươi Tết mới hay.

Cữ Quét Nhà
Vào ngày Tết người ta cữ quét nhà trong suốt ngày mồng một, mồng hai và mồng ba vì sợ rằng quét nhà sẽ quét hết tiền bạc, của cải và các điều may mắn ra ngoài. Nều nhà có rác, ta chỉ quét sơ và gom vào một xó để chờ hết Tết rồi mới đem đi đổ.

Cữ Quần Áo
Trong những ngày Tết, người Việt ta cữ ăn mặc quần áo trắng hoặc đội khăn trắng vì sợ trong năm sẽ có tang.

Cữ Ăn Nói
Vào những ngày đầu năm, người trong gia đình phải hết sức thận trọng về “lời ăn tiếng nói”, chỉ nên dùng những lời lẽ đẹp và tránh những lời nói không hay như khỉ, chết, đau, ốm hay những lời nói tục tằn, chửi thề... để suốt năm không gặp những chuyện xui xẻo.

Cữ Đánh Con
Vào ngày Tết cha mẹ phải cữ đánh con cho dù rằng vào những ngày nầy con cái “phá như quỷ” cha mẹ cũng đành dằn lòng vì nếu đánh con trong những ngày Tết thì con sẽ bị “huông”, nghĩa là suốt năm con sẽ bị đòn hoài.
Ngoài các điều trên, thiên hạ còn kiêng cữ nhiều thứ khác trong ngày Tết như kiêng cãi nhau, kiêng đánh lộn, kiêng gây tiếng động, kiêng làm vỡ chén bát, ly tách, kiêng tiếng khóc dù là tiếng khóc của trẻ con đòi bú sữa. Ngoài việc kiêng cữ những điều “xấu”, người ta còn phải làm những điều “tốt”, đó là tục lệ đi mua muối đầu năm. Muối tượng trưng cho sự đâm đà, mặn mòi. Nhưng ngược lại ta cữ đi mua vôi vì vôi tượng trưng cho sự bạc bẽo, vong ân, bội nghĩa như ta thường nghe câu “ăn ở bạc như vôi” vì thế dân gian có câu tục ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”.

Bói Toán
Vào ngày đầu năm người Việt ta thích đi xem bói toán để biết vận mệnh của mình trong năm mới. Bói toán có nhiều cách, như bói Kiều, bói sách, bói tuồng, nhờ thầy bói xem bói dùm... Bói Kiều là lấy cuốn Kiều ra để trên bàn, sau khi thắp hương đèn và khấn vái Nguyễn Du, Thúy Kiều, Kim Trọng rồi người ta lật bất cứ trang nào của Kiều ra xem, những câu thơ sau đây được xem là tốt:

Dưới dòng suối chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.

Đầu năm mà gặp nước, gặp cầu, gặp vàng thì không có gì may mắn, hạnh phước cho bằng. Nước tượng trưng cho tiền bạc nên ta có câu thành ngữ “tiền vào như nước”, còn cây cầu tượng trưng cho sự thông giao, sự liên lạc, sự đoàn tụ và vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Ngược lại những câu thơ sau đây được xem là điềm xấu:
Hàn huyên chưa kịp giãi giề,
Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.
Người nách thước, kẻ tay đao,
Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi.
Già giang một lão một trai,
Một dây vô lại buộc hai thâm tình.

Hoặc:

Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.

Đầu năm bói Kiều mà gặp cảnh gia đình tan nát, phân ly hay gặp cảnh “Sầu đong càng lắc càng đây” như trên thì người ta tin rằng đó là điềm xui xẻo.
Bói sách cũng tương tự như bói Kiều, còn bói tuồng là ngày Tết ta chọn tuồng hát để xem, nếu xem nhằm tuồng kết thúc cốt chuyện bằng sự sum họp, thắng lợi, hạnh phúc, giàu có là điềm may. Còn nếu tuồng hát kết thúc bằng cảnh gia đình tan nát, chia ly, chết chóc là điềm không tốt. Ngoài việc bói Kiều, bói sách, bói tuồng, thiên hạ còn tìm đến các thầy bói để nhờ xem dùm vận mệnh, tình duyên, công ăn, việc làm của mình trong năm mới.

Khai Bút
Vào dịp đầu Xuân, người Việt Nam ta có tục lệ tao nhã khác đó là tục lệ Khai Bút đầu năm. Khai Bút là năm mới cầm bút viết lần đâu tiên. Những người thường hay viết lách như các cụ đồ, các nhà khoa giáp, các văn nhân thi sĩ, các nhà báo vào dịp đầu Xuân chọn ngày giờ tốt lấy giấy mực ra làm thơ, viết văn, ngâm vịnh và thưởng Xuân.

Kính Chúc Quý Vị Độc Giả Một Năm Mới An Khang – Thịnh Vượng.

Lê Thương
Richmond - Virginia