… Càng dai? Nghi lắm! Chẳng qua là để an ủi cõi lòng thôi. Càng già càng xơ cứng, càng mỏi gối chồn chân … thì có. Thế nhưng “gừng càng già càng cay” thì đúng. Cay lắm! Và đó là lý do tại sao những người có tuổi ham tập thể dục, dưỡng sinh, khí công, tài chí, thiền, yoga… trong lúc các bạn trẻ còn đang mãi mê ngồi quán café phì phà thuốc lá, hoặc dô dô 100% ở các quán nhậu đợi cho tới khi thấp khớp, sưng chân, bụng phệ, tiểu đường… rồi tập cũng chưa muộn! Một anh bạn ở Mỹ về chơi nói bên đó bây giờ người sồn sồn như mình đa số mắc bệnh “3 cao 1 thấp”!
Tôi ngạc
nhiên:
- 3 cao 1 thấp là
bệnh gì?
- 3 cao là cao
máu (tăng huyết áp), cao đường (tiểu đường) và cao mỡ (thừa chất
béo).
- Còn 1
thấp?
- 1 thấp là “Thấp
khớp”!
- Thì ra là
vậy!
Nửa thế kỷ trước,
lứa chúng tôi nhiều người mê cuốn “Bắp thịt trước đã” của Phạm Văn Tươi, hướng
dẫn tập thể hình để được như… Lý Đức bây giờ. Vậy là mỗi cậu mua một tấm gương
lớn, tự chế mấy cái tạ bằng xi măng, hì hà hì hục tập. Mỗi sáng mỗi chiều đứng
trước gương, gồng tay, gồng bụng coi nổi mấy cục. Thỉnh thoảng lấy thước dây đo
vòng đùi vòng cánh tay rồi còn so đứa này với đứa khác. Tôi cũng mua gương, làm
tạ, tập được mấy hôm rồi bỏ! Đâu có dễ! Lý Đức bây giờ phải có ý chí ghê lắm,
rèn luyện ghê lắm, rồi còn phải ăn mỗi ngày mấy chục quả trứng gà, vài ký lô
thịt bò, ức gà… chớ đâu phải chuyện chơi! Dù sao thì cái thông điệp “bắp thịt
trước đã” vẫn hòan toàn có lý! Cơ bắp là bộ phận rất quan trọng của thân thể ta.
Không có nó, không có sự co duỗi của nó, ta không thể nhúc nhích được chớ đừng
nói tới chuyện nhảy múa ca hát, ỏng ẹo này nọ! Cứ coi mấy cái robot cà giựt cà
giựt thì biết! Cơ thể nếu chỉ có khung xương mà không có bắp cơ thì cũng cà
giựt, cứng đơ như thế. Co duỗi cơ tốn rất nhiều năng lượng. Một người bình
thường chỉ cần khỏang 1500 calo để họat động, để sinh tồn, thì khi chơi thể
thao- đá banh, tennis
chẳng hạn- có thể phải cần đến 6000 calo hoặc hơn! Cơ bắp tiêu thụ oxy rất mạnh
để sinh năng lượng đáp ứng nhu cầu. Chính vì thế khi cơ bắp vận động nhiều ta dễ
bị vọp bẻ ( chuột rút). Khi chạy đua, người ta nín thở thì sau đó phải thờ bù,
phì phò phì phào để trả “nợ oxy”! Nếu biết cách giữ hơi thở điều hòa thì ta ít
bị mệt khi cơ bắp họat động mạnh. Khi Đòan Dự và Kiều Phong chạy đua, Kiều Phong
là tay khinh công số một, còn Đòan Dư chẳng biết chút võ công nào nhưng chạy
không hề thua kém khiến Kiều Phong rất khâm phục. Hỏi, Đòan Dự đáp tại hạ có
biết khinh công gì đâu, chẳng qua vừa chạy vừa… thở ! Nhiều bạn trẻ ngạc nhiên
thấy các cụ già tập dưỡng sinh sao mà từng động tác chậm chạp như rùa bò chịu
không nổi! Thực ra, các cụ không tập thuần cơ bắp như người trẻ mà gắn vận động
cơ bắp với hơi thở. Hơi thở càng “êm, chậm, sâu, đều” thì động tác càng nhẹ
nhàng, khinh khoái. Đó là cách luyện thân và luyện tâm cùng lúc, phù hợp với
người cao tuổi. Các phương pháp yoga, khí công, tài chí, dưỡng sinh… đều dạy
phải làm sao cho thân tâm nhất như, nghĩa là hòa hợp.
Các thiền sư chủ
yếu luyện tâm cũng không quên tập thể lực. Có lần tôi đến thăm một vị thiền sư,
thấy ngài có đôi tạ tập thể dục hàng ngày, không kể vài giờ đi bộ quanh chân
núi, nên dù tuổi đã cao, ngài vẫn khỏe, tráng kiện, thư thái. Vận động thể lực
bằng bất cứ phương pháp nào cũng tốt cả. Chọn phương pháp nào là tùy sở thích,
tùy cơ địa của ta, nhưng nguyên tắc chung là phải tập… từ từ và đều đều. Không
gấp gáp được, không “nhảy vọt” được! Nhà thơ Trụ Vũ – nhà thư pháp nổi tiếng-
hơn tám mươi tuổi, mỗi sáng đều chạy bộ vài tiếng đồng hồ. Chạy xong về đến nơi
thì…thơ túa ra, ông phải viết rất nhanh mới kịp. Ông xuất bản hằng chục tập thơ
nhờ những buổi chạy bộ như vậy. Ông nói không biết tại sao phải chạy nó mới ra…
thơ! Không có gì lạ cả, chạy bộ cũng như các cách vận động thể lực khác như nhảy
múa, khiêu vũ, thái cực quyền… khi đạt đến một mức độ nào đó, não bộ sẽ tiết ra
chất endorphine, một thứ “á phiện” nội sinh, giúp ta cảm thấy sảng khoái, lâng
lâng, một trạng thái “hỷ lạc” mà các vị thiền sư hay nói đến. Endorphine là một
thứ “á phiện” tốt – không độc hại- thứ thuốc sản sinh tự bên trong, làm cho hết
mệt mỏi , đau nhức, giúp cơ thể dẻo dai mà không phải lệ thụôc vào các thứ thuốc
tự bên ngòai dễ gây phản ứng phụ. Cho nên không phải không có lý khi người ta
nói “càng già càng dẻo càng dai” ở những người có luyện tập.
Những người bệnh
nằm lâu một chỗ dễ bị teo cơ. Bắp cơ sinh ra là để co duỗi, để hoạt động, không
đựơc dùng thì đành phải teo lại. Đời sống hiện tại giúp cơ… teo nhanh hơn. Đứng
dậy bật cái TV cũng không đựơc vì đã có cái remote, không lẽ không dùng? Mọi thứ
cứ bấm bấm là xong hết! Chẳng trách trẻ con sau này chỉ phát triển ngón tay cái
còn người già thì ngày càng béo phệ. Đời sống tĩnh tại, riết rồi các bắp cơ chỗ
cần phình thì teo, chỗ cần teo thì phình, nên ta mới có những “quái vật ” như
trong các phim giả tưởng!
Tóm lại, ở bất cứ
tuổi nào, đừng quên vận động, tập luyện thể lực. Vận động là một hạnh phúc! Thế
còn tôi thì sao? Tôi ấp úng thưa rằng hãy nghe những gì tôi nói…
Đỗ Hồng
Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét