Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Ký sự - NGẢNH TAM TÂN (3)

3. Tam Tân- thiên nhiên như một bức tranh
Chỉ cách nhau 5 cây số, xã Tân Hải nhộn nhịp sầm uất mang dáng dấp của một khu đô thị, còn Tam Tân thì hiền hòa, êm dịu thơ mộng mang vẻ hoang sơ. Trước mặt là biển cả mênh mông nhấp nhô những cồn cát, những vỉa đá; sau lưng là rừng cây bạt ngàn và  những hàng dừa, hàng phi lao xanh rì bốn mùa mưa nắng. Từ non cao, dòng sông Maly đưa phù sa bồi đắp cửa Thiễn Môn (còn gọi là cửa cạn) và đôi bờ con lạch chảy ra biển làm cho vùng đất này thêm trù phú. Tam Tân là tiền thân của ba làng: Tân Ngươn, Tân Quý, Tân Hải nhập lại. Nay là xã Tân Tiến thuộc thị xã La Gi.
Gió biển mát rượi làm khô đi những giọt mồ hôi lúc nào không hay, người trở nên khỏe một cách lạ thường như chưa hề vượt qua quảng đường giữa trưa trời nắng gắt. Đến quán Bà Tư sát biển, mọi người đã tề tựu đầy đủ và ổn định đâu vào đó, chủ quán người đàn bà gần 70 khỏe mạnh, có mái tóc dày bạc trắng như cước mĩm cười đon đả chào đón khách. Quán không tên, không bảng hiệu, rất dân dã; chỉ nghe người ta gọi là Bà Tư, tôi tự đặt là quán Bà Tư cho dễ gọi, dễ nhớ. Giữa bãi cát gần bờ biển, chủ quán xây từng hàng những bệ xi măng dài khoảng 6 mét, rộng 3 mét, cao 5 tấc, mái phủ vải bạt dưới những tán dừa, tán phi lao mát rượi; chẳng cần bàn ghế, cứ ngồi dưới nền xi măng bày ra ăn uống hát hò thoải mái; dọc theo 2 bên bệ xi măng những chiếc võng lưới đã mắc sẵn, cứ tự nhiên ngả lưng thưởng thức những làn gió nhè nhẹ từ biển thổi vào hoặc ăn uống no say, tắm biển đã đời, lên võng đánh một giấc thăm thẳm chiều trôi cũng chẳng có ai đá động quấy rầy. Không riêng gì quán Bà Tư, dọc theo bờ biển nhiều quán khác cũng làm theo kiểu này, hễ chỗ nào còn trống hoặc mình thích cứ tự tiện đến, không có cảnh mồi chài níu kéo khách như ở một số nơi tôi đọc trên báo. Còn nếu muốn sang trọng, đầy đủ tiện nghi, có bàn ghế bóng loáng, chăn êm nệm ấm, máy lạnh vù vù, phòng tắm nước nóng nước lạnh, có người phục vụ từ a đến z thì đến khu du lịch nghĩ dưỡng Mỏm Đá Chim cách nơi đây vài trăm mét hoặc mấy quán bán đồ ăn thức uống và cho khách nghĩ trọ cách đây cũng không xa. Nhưng đi dã ngoại mà vào những nơi ấy thì còn gì là ý nghĩa!!!
Tam Tân thì biết rồi, nhưng tại sao gọi là Ngảnh, từ này với tôi hơi lạ. Hỏi Bà Tư, được bà giải thích lằng nhằng vòng vo tôi có cảm tưởng như chính bà cũng chẳng biết gì cả, nghe người ta gọi sao thì nói vậy, nhưng kết luận một câu chắc nịch “tức là Ngảnh Tam Tân” (còn cái gì để tức là Ngảnh Tam Tân chưa nghe bà nói). Thì ra, Ngảnh là rìa cát dài xen lẫn những vỉa đá từ trong bờ đâm ra biển, vùng này có hai rìa, tạo cho bờ biển thành vòng cung như một cái vịnh, được ngảnh chắn sóng và gió nên trong vịnh rất êm, một bãi tắm rất lý tưởng và an toàn, đáy biển không có những hố sâu chỉ dốc thoai thoải, nước trong xanh biêng biếc như màu ngọc bích, giữa vịnh rãi rác nổi lên những bãi đá như những hòn đảo nhỏ, du khách có thể bơi ra hoặc khi thủy triều xuống, nước chỉ tới lưng quần, bơi lội mệt lữ rồi lên những bãi đá ngồi ngắm cảnh trời mây nước có những đàn chim bay lên nhào xuống kiếm mồi hoặc đậu dày kín trên những mỏm đá rỉa lông, rỉa cánh sau một ngày kiếm ăn thật thú vị và an nhàn. Trên bờ, bãi cát trắng mịn nổi bật trước màu xanh thăm thẳm của rừng cây tạo thành bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ, vừa thanh bình khó mà diễn tả cho hết.
Các bạn cùng tôi thử tưởng tượng một buổi tối nào đó, tới bãi biển Tam Tân cũng ngồi chung quanh bếp lửa (ở đây rất nhiều nhánh dương khô, bạch đàn khô và tàu dừa khô), cứ chất thành đống rồi đốt, với cây đàn guitar vừa hòa tấu hợp ca với tiếng sóng biển, vừa thưởng thức những món ăn ngêu sò ốc hến ghẹ mực tôm cá, tự mình nướng trên những vỉa than đỏ rực xì xèo thơm lửng. Ca hát mệt nhoài lên võng hoặc trên những bệ ximăng đánh thẳng một giấc mờ sáng hôm sau thức dậy chiêm ngưỡng ánh mặt trời từ từ nổi lên từ biển cả mênh mông thì thật là tuyệt./. (còn nữa)
PhamDinhNhan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét