Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Giếng bụi tre

Chiếc xe than nhọc nhằn bò chậm rãi lên từng con dốc, qua biết bao ổ gà thỉnh thoảng người lơ xe lấy một thanh sắt dài cời than cho cháy rực lên, than theo cái lỗ nhỏ bên dưới rơi vãi xuống dọc đường cháy nhanh rồi vụt tắt. Chỉ có 80 km thôi nhưng muốn thăm ngoại phải đón hai chặng xe vất vả, mệt nhoài.
 Xe qua khỏi Dốc Bà Banh, rẽ phải gặp con hẻm đầu tiên là đến rồi. Căn nhà lá củ kỹ êm đềm, dịu dàng bốn mùa gió cát. Nghe tiếng lanh canh và tiếng gõ  của đòn gánh đôm đốp phía sau nhà, tôi vội vàng chạy ra. Ngồi yên lặng hàng giờ quan sát bà con gánh nước, điều vô cùng làm tôi thích thú. Cái giếng nước nhìn như những cái giếng bình thường khác, kề bên một bụi tre mát rượi nên bà con thường gọi “Giếng bụi tre“. Điều kỳ lạ là giếng chỉ cách biển vài chục mét nhưng nước rất ngọt mát, không khi nào khô và cung cấp nước dùng đủ cho bà con cả xóm và các xóm lân cận. Lũ con nít tắm biển xong tranh thủ chạy lên tranh nhau xối lại, từ tờ mờ sáng đến chạng vạng luôn có tiếng nói cười và âm thanh của nước.
Trong đám con gái gánh nước tôi đặc biệt chú ý một đứa con trai đen nhẻm dáng cao to mạnh khỏe. Mọi người kêu tên nó là thằng Mọi. Không tranh giành múc trước hay múc sau với ai cả, nó cứ ngồi lên đòn gánh kê giữa hai thùng nước rồi kiên nhẫn đợi. Có lần  tôi hỏi Mọi ơi, sao không đi học? nó nói nhà tui nghèo lắm, kiếm con cá ăn còn khó. Buổi sáng tui phụ ba đi kéo lưới rùng, xong buổi biển tui phụ má việc nhà nữa, em tui đông lắm. Mọi nè, cho tui…gánh nước thử một chút có được không? Nó quay mặt cười giấu cái bĩu môi kín đáo. Không đợi đồng ý, đặt vai vào đòn gánh tôi cố hết sức để nhấc  lên. Thùng nước không tài nào hở lên dù chỉ một chút so với mặt đất chứ đừng nói chi gánh đi. Vai đau lắm nhưng sĩ diện cũng lắm. Tôi xuýt xoa… Tui thử lại lần nữa nhen Mọi.
Tiếng má nó lanh lảnh đầu xóm: Bớ, Mọi! Dề ăn cum. Có nhiêu đó tôi nói liền: trả lại nè, má kiu  ‘‘dề ăn cum’’  kìa. Nó kê vội vai nhấc lên cái nhẹ. Một tay đặt lên đòn gánh bước đi, tay còn lại thả lỏng tự nhiên đánh đòng đưa theo bước. Hai thùng nước đè nặng trên vai nó, thanh đòn gánh oằn xuống tưởng chừng như sắp gãy. Tôi chợt nghe mùi cá nướng thơm lừng đâu đây, cũng lật đật chạy theo sau lưng.
Đêm xóm biển xuống vội, ngoại cẩn thận đóng cửa. Cửa là một tấm phên kéo sập xuống rồi được chắn ngang bằng khúc gỗ dài. Nằm nhìn ngọn đèn hột vịt, tôi nghe đủ âm thanh ngoài kia. Tiếng gió, tiếng sóng, thỉnh thoảng dừa khô rụng lộp độp ngoài sân. Ngoại nói, quê mình mùa Bấc là mùa gió dữ nhất.Gió làm bay đi hết các vật dụng để ngoài hiên nếu chưa kịp lấy vào. Cát trắng nõn nà đến vậy nhưng gặp gió xoáy, cuốn thành cơn lốc cát thốc lên vào mặt, vào mắt, vào cả mâm cơm. Gió bật tung cả những gốc dừa trơ rễ… Ngoại chép miệng , thiên nhiên nghìn đời như một. Tôi nghe gió lao xao rồi nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ quê hương.
Sáng, ngoại chống cửa lên. Dì chuẩn bị đôi quang gánh ra biển đón dượng đánh cá vào. Tôi nằng nặc xin theo mặc cho dì nói đường đi rất xa...Dì đon đả bước còn tôi phải chạy mới theo kịp bước của dì. Đoạn đường như một dãi lụa cát nhiều đồi dốc. Chốc chốc dì lại dừng bước chờ, tôi bắt đầu thở . Cát lún quá, ráng bước thật nhẹ nhưng cát lún thật sâu. Mỗi bước chân qua đều để lại dấu còn cát thì hất tung lên theo…Dì ơi, con đi hết nỗi rồi…
Dì gửi tôi cho một chiếc xe bò chở nước ngọt về lại. Ngày nào dì mình cũng vậy, thật vĩ đại. Cát đã lấp đầy, níu mỗi bước đi mà dì còn phải gánh thêm hai giỏ cá nặng… Tự nhiên tôi đỏ mặt theo hai dãy hoa xương rồng ven đường.
Thời gian sau nhiều năm tôi quay trở lại.
Đoạn đường vụt xe máy hơn hai tiếng là đến nơi. Hai bên dãy dừa dọc đường giờ là các khách sạn năm sao. Khách nước ngoài và đèn nhấp nháy như một thiên đường thu nhỏ.
Ngoại qua đời, nhà bán lại cho người khác. Tấm phên xưa giờ là cánh cửa kính sang trọng lành lạnh. Dì theo chồng mãi trên đình làng Khánh Thiện. Giếng bụi tre, còn không? Đoạn đường xuống giếng đây rồi. Hồi hộp, run run. Bụi tre còn đó cao um tùm già cỗi hơn. Còn không? chân tôi cơ hồ ríu lại. Đưa tay vẹt ngang đám cỏ dại cao vút chằng chịt. Tôi tìm. Tim như ngừng đập.
Bất chợt reo lên: Đây rồi! Giếng giờ cạn khô. Cát lấp gần đầy miệng. Hoang tàn, phế tích. Chợt thèm tiếng gõ đòn gánh quá đỗi, tôi đảo mắt hy vọng nhìn thấy bóng dáng thằng Mọi xưa… Tiếng con gà gáy trái buổi bỗng vang lên giọng lang thang xé tan mảng sương chiều hun hút lạnh. Ngoài kia con đường rộng rãi người xe nói cười ăn uống trong những ngôi nhà đẹp đắp nhiều phù điêu lạ mắt của ngày đổi mới.
Đêm. Gió đượm buồn và cát cũng ngẩn ngơ.
HUỲNH THỤC OANH
(Con gái Kim Hường – LaGi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét