Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

THƯƠNG NHỚ THẦY!

Gần 40 năm qua, sau khi kết nối lại với bạn bè, bỗng dưng vào một buổi tối, ngoài cửa sổ trời đang đổ cơn mưa, tiếng chuông điện thoại reo vang, nhấc máy, một tiếng nói trầm ấm vang lên trong máy, thế là tôi được nghe một câu chuyện thuật lại cuộc sống của người Thầy mà Bạn tôi yêu quý nhất, rồi Bạn ấy đã xúc động không ngăn được nước mắt, lòng tôi bỗng trở nên nặng trĩu như những giọt mưa kia.
Câu chuyện đối với tôi không ngạc nhiên, vì trong thời thế đổi thay, hầu như ai cũng lâm vào hoàn cảnh đó. Muốn làm một điều gì đó cho Thầy chắc hẳn không thể. Bởi vì thời gian đó chẳng ai tìm đến ai và chẳng ai biết tin tức gì về nhau. Nhưng nếu, phải chi một trong những chúng ta nghĩ ra việc tìm kiếm, liên lạc với nhau sớm hơn vài năm nữa, chẳng phải tốt hơn sao?
Hơn 30 năm về trước, tôi học ở Trường THHL, lúc đó tôi chỉ mới mười mấy tuổi. Thầy dạy môn toán học, một môn học mà ngày xưa tôi học rất dở. Thầy luôn đứng trên bục giảng thao thao bất tuyệt với một giọng không phải địa phương(đến giờ tôi mới nhận ra Thầy có chất giọng Miền Bắc). Mỗi lần giảng bài Thầy thường quay mặt vào bảng, vừa nói, vừa viết, mỗi một câu đều rỏ ràng rành mạch. Quả thực Thầy đã có một cách giảng giải có thể khiến học trò nghe cảm thấy say sưa, hứng thú. Tôi cảm thấy Thầy là một người có học vấn phong phú, một người thành thục trong nghề nghiệp.
Sau khi rời Trường THHL, tôi vào SG tiếp tục việc học, rồi lập nghiệp tại nơi đây. Trong thời gian tương đối dài, tôi hoàn toàn cách ly và không biết tí gì về Thầy Cô, Bè Bạn của mình ở cái vùng quê xa xôi thân thương ấy, thậm chí có những người sống rất gần tôi như Bạn VL, sống tại C/c Lý Thường Kiệt Q10, trớ trêu thay cái C/c là nơi tôi thường xuyên đi tới đó như ăn cơm bữa mà không hề biết rằng có một người Bạn tôi đang sinh sống nơi ấy, và tuy rằng hàng năm cứ Tết đến là tôi lại về quê thăm gia đình nhưng tôi chẳng gặp được ai. Kỳ thực cứ nói tính cách của tôi thuộc loại cô độc thì đúng hơn, tôi sợ nhất là gặp gỡ người khác và nhất là những buổi tụ tập đông đúc chè chén linh đình.Thầy và Bạn cũ của tôi rất nhiều, tôi hầu như không đi thăm ai cả. Trời sinh tính như vậy, biết làm sao được. Như nay lại nghĩ chuyện đi thăm Thầy và các bạn là hoàn toàn không biết có thể xảy ra không?
Khi nghe Bạn kể về cuộc sống gian truân, vất vả và cuộc đời không mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho Thầy, tôi cũng không cầm lòng được, nước mắt tự dưng rơi, khóc cho Thầy, khóc cho ai và khóc cho chính mình. Thầy suốt đời tìm tòi suy nghĩ, không trốn tránh khó nhọc, quãng đường dài mà Thầy đã đi qua thật không dễ dàng. Núi cao quanh co, đường đi khúc khuỷu, Liễu xanh Hoa đỏ, tất cả sự đời Thầy đã từng nếm đủ, thuận lợi và trắc trở Thầy đều trãi qua. Nhưng sau nhiều năm vất vả, cuối cùng Thầy đã tìm được nơi quy tụ tốt nhất cho tinh thần.
Từ lúc tìm được liên lạc với Thầy, tôi vẫn thường xuyên trò chuyện với Thầy qua điện thoại. Cuộc trò chuyện gần đây nhất, Thầy đã nói với tôi: "Em hãy cố gắng sắp xếp về quê một lần đi, để thăm lại Thầy và gặp gỡ Bạn bè cho tường tận lẫn nhau. Giờ đây Thầy rất vui, vui vì học trò cũ của Thầy rất hiếu đạo và nghĩa tình (nhất là học trò ở Mũi Né), cái vui nữa là Thầy không ngờ học trò của mình đa số đều giỏi dang và thành đạt trong Xã hội ngày nay. Nhưng sao Thầy vẫn thấy buồn, buồn vì tuy có những em thành đạt nhưng lại không có được một hạnh phúc gia đình trọn vẹn, giống như chính bản thân Thầy."
Tôi đã trả lời Thầy: " Không sao đâu, không có gì phải buồn đâu Thầy ạ! Số mệnh là do Trời sắp đặt, không ai muốn mà được. Mỗi một con người có một số phận khác nhau, không ai giống ai, đó gọi là số phận. Thôi thì mình cứ đổ thừa cho số phận để khỏi phải tủi thân nghe Thầy, vả lại ngảy nay chúng em thành đạt cả cũng là nhờ ở công lao dạy dỗ của Thầy Cô."
Thầy cười và nói: "Ừ! thì đổ thừa cho số phận vậy, nhưng còn sự thành đạt của các em, một phần là nhờ vào sự phấn đấu của bản thân các em."
Lúc viết bài văn ngắn này, tôi trong một tâm trạng vô cùng khó tả. Tôi nghĩ "Sống và chết là quy luật của tự nhiên, số phận thì không ai có thể thay đổi được". Người xưa nói: "Đại khối lao ngã dĩ sinh, Tức ngã dĩ tử." (Sống là làm việc cật lực, Chết là nghỉ ngơi).
Thầy ơi! Xin hãy an lòng, đừng buồn, đừng nghĩ suy. Hình ảnh của Thầy vẫn mãi mãi trong tâm trí của những người học trò tuổi sắp già và tóc đã nhuốm bạc.
HH viết.

1 nhận xét:

  1. Hue Hanh em viet bài Thương nhớ Thầy hay lắm.
    cho anh chia sẻ nhé.
    và củng không ngờ em lại là một nhà nho.
    hiiii. hiiiiiii đừng giận nhé !

    Trả lờiXóa