Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

NHỮNG CHUYẾN ĐI - Gặp Thầy Nguyễn Thành Hổ

Cô Hồng, các Thầy cô, các anh chị và các bạn cựu học sinh Hải Long thân mến!
Ngày 25/9/2010 vừa qua, một số cựu học sinh trường Hải Long đã làm một việc rất ý nghĩa, rất đáng trân trọng là tổ chức đi thăm các thầy cô giáo, cụ thể là đón thầy Cương vào Phan Thiết cùng đi thăm cô Phạm Thị Hoàng Xí, đi Phú Hội thăm Thầy Nguyễn Thành Hổ, ghé nhà Cô Minh Yến dâng hương Thầy Vĩnh Giên vì ngày giỗ Thầy không đến được. Theo tôi việc “tôn sư trọng đạo” mà các anh chị và các bạn đã thực hiện rất xứng đáng được ghi vào tư liệu truyền thống của cựu học sinh trường TH Hải Long.

Cũng trong loạt bài NHỮNG CHUYẾN ĐI, lần này tôi xin ghi lại một số nét với tên là “Gặp Thầy Nguyễn Thành Hổ” nhằm thông tin và bổ sung thêm cho chuyến đi thăm Thầy Cô giáo của các bạn.

Ở Phú Hội, nói đến Ông Bảy Hổ, người ta nghĩ ngay đến một Ông Giáo trên 70 tuổi, dáng cao, to; tính tình vui vẻ; rất văn nghệ, nhạc gì cũng chơi ráo, kể cả hát Karaoke (tôi đã chứng kiến Thầy hát một lúc hai bài nhưng không biết mệt) mà cũng lại là một nông dân sản xuất giỏi có tiếng trong vùng; ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng rất khỏe, trồng hàng ngàn trụ thanh long. Còn ở Rạng, Mũi Né, đặc biệt là cựu học sinh Hải Long khi nhắc đến Thầy Nguyễn Thành Hổ, ai ai cũng phải nghĩ ngay đến một Thầy Hiệu trưởng mẫu mực, thương yêu học trò, tâm huyết với nghề giáo mà cho đến gần 50 năm sau (tức là bây giờ) học trò vẫn còn yêu mến. Cách đây gần một tháng, tình cờ tôi được gặp Thầy cùng với một số bạn cựu học sinh Hải Long tại Phan Thiết, cùng đi hát karaoke, cùng chuyện trò, cùng đi ăn tối…Tạm biệt, Thầy bắt tay, tôi có cảm giác như mình cũng là học trò ngày xưa của Thầy vậy. Sau đó, chương trình đi thăm Thầy Cô giáo, trong đó có Thầy Hổ được anh Liễu và Mai Chí khởi xướng, có thể nói đây là hai nhà “hoạch định” các hoạt động của cựu học sinh Hải Long bởi trước đây đi Tuy Phong thăm Thầy Cương, họp mặt cựu học sinh…cũng đều do hai nhà “hoạch định” này đề ra cả.

Chuyến đi khởi đầu từ một buổi sáng, tiếng nhạc chuông điện thoại di động vang lên í éo:

-Alô. Lành nghe đây…..

Sau đó là cười cười, nói nói, thì thầm to nhỏ và kết thúc bằng một câu gọn trơn: vậy nha.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh (Thanh Tịnh
),
ra khỏi con hẻm 250m (cũng chính là con hẻm trong bài: Hàm Thuận Nam - Đến nhà Lành), gác lại mọi bận rộn của công việc, vi vu trên con đường mới được nâng cấp bằng lớp bê tông nhựa cách đây 3 tuần rộng mênh mông, phẳng lì; vì mới quá chưa kịp sơn giải phân cách nên các loại xe tha hồ phóng, lạng lách, kèn còi bóp inh ỏi. Tôi rất “hí hửng” được nhận nhiệm vụ làm phó nhòm (chụp hình) và tài xế (xe ôm), hòa với dòng xe cộ hướng về Phan Thiết.

Vì phải chờ anh Liễu, anh Lang, chị Thúy Hoa đưa Thầy Cương từ Tuy Phong vào, chúng tôi tập trung tại quán cà phê có cái tên là Phương Đông mà Lành thường nói nhầm là Đông Phương trên đường Thủ Khoa Huân, mà đúng là Phương Đông thật bởi cách bài trí rất là…Phương Đông trong một không gian yên tĩnh (tôi không biết phải diễn tả làm sao cho các bạn hình dung được, thôi thì hôm nào ghé là biết liền), ở một góc khuất về phía sau, nhấp từng ngụm cà phê, thưởng thức những bài hát của thập kỷ 40, 50 nào là Thiên Thai của Văn Cao, Đưa em tìm động hoa vàng của Phạm Duy, Hương Xưa của Cung Tiến ….làm chúng tôi như quay lại quá khứ thời còn học Trung học. Đây là quán cà phê mà trước đây có người nói với tôi là “quán cà phê của anh Mai Chí”; nhưng mà có phải là anh Mai Chí làm chủ đâu? Hôm nay trực tiếp nghe từ anh chủ quán nói “đây là quán cà phê do anh Mai Chí sáng lập”, tôi vội nhìn quanh, đúng là mang “phong cách Mai Chí” bề ngoài tưởng như giản dị nhưng thực ra khung cảnh từng góc quán, từng bức tranh, từng vật dụng trang trí đều “có hồn”, đều mang ý nghĩa rất có chiều sâu….Alô, xe đón Thầy Cương đến Phan Thiết rồi. Thế là chúng tôi bắt đầu chuyến đi thăm Thầy Cô…

…Cũng không khó khăn lắm để tìm nhà Thầy Nguyễn Thành Hổ, cứ đến Phú Hội, hỏi người đi đường, Có phải Ông ấy hồi trước dạy học ? – Đúng rồi – Cứ đi thẳng, qua khỏi cây me “to đùng” bên đường, quẹo phải là nhà Ông Giáo Hổ.

Đón chúng tôi, người phụ nữ trạc chừng cũng gần 70, dáng hình nhỏ nhắn so với Thầy, với giọng nói “rất Huế”, tôi cũng rất ngạc nhiên biết được Cô là vợ của Thầy. Ngước lên:

- Anh Cương

Thầy Cương cười (cũng là nụ cười hiền từ từ xưa đến giờ của Thầy).

Tôi không thể ngờ được, sau chừng ấy năm trời không gặp nhau, vẫn nhận ra nhau và trong tiếng “anh Cương” chứa đựng cả một niềm vui mừng khôn tả, cả một sự ngạc nhiên mà có lẽ Cô chưa hề nghĩ đây là sự thật. Tôi đọc trong ánh mắt Thầy Cô hình ảnh cả một quá khứ khó quên của “những ngày xưa thân ái”. Riêng tôi thì tôi xúc động thật sự.

Thế là đồng nghiệp gặp nhau, thầy trò gặp nhau; tay bắt mặt mừng; chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay nói hoài không cạn…Còn cô, đúng là tiêu biểu của người phụ nữ Á đông, rất hạnh phúc khi được “phục vụ” mọi lúc, mọi nơi “khách” của chồng, chúng tôi từ chối lời mời của Cô ở lại dùng bữa cơm trưa với gia đình…

Có lần, một anh cựu học sinh Phan Bội Châu hỏi Thầy về mối tình đầu, Thầy trả lời rất vui là không thể biết được vì cùng một lúc nhiều cô đến, không phân biệt được ai đầu, ai sau. Thế mới biết ngày xưa Thầy phong độ biết là dường nào (mà bây giờ cũng còn phong độ đấy chứ). Xin phép Thầy, ta cứ tưởng tượng như sau: cách đây nhiều năm, thầy giáo trẻ Nguyễn Thành Hổ với dáng người cao, đẹp trai, hào hoa phong nhã đã “lọt vào mắt xanh” không biết bao nhiêu là cô gái, đã làm cho nhiều con tim “đập loạn xạ” mỗi lần gặp, đã làm “tơ lòng rối tung” khi nụ cười xuất hiện trên môi. Trong những “giai nhân tuyệt sắc” ấy có một nàng (mà theo Thầy) đẹp như nàng Natasha trong tác phẩm “Chiến tranh và hòa bình” của nhà văn Léptônxtôi, với chất giọng Huế trong như pha lê, nhẹ như sương khói bay bổng với những câu hò Vỹ Dạ thực sự đã “đánh gục” chàng trai Bình Thuận, làm cho chàng phải mộng, phải mơ … gắn chặt với nhau cho đến bây giờ và có lẽ là mãi mãi…Tôi hỏi Thầy:

-Thế hồi đó “tín hiệu” nào được phát ra để hai người cùng biết ?

Một chút im lặng như để nhớ lại. Thầy nói có thể tóm gọn trong câu sau (Thầy nói một câu tiếng Pháp), Thầy Cương dịch ra tiếng Việt, tất cả cùng cười. Tôi nghe không rõ nhưng cũng cười theo. Về nhà hỏi Lành, vì đứng ngoài thềm nên cũng chỉ nghe loáng thoáng từ “mains”. Hỏi Mai Chí là biết ngay. Câu đó nguyên văn như sau:

Je veux demander ses mains (Tôi muốn nắm bàn tay cô ấy)

Ôi, cách tỏ tình thơ mộng làm sao, lãng mạn làm sao. Tôi nghe nói, hai người yêu nhau, khi nắm bàn tay thì 5 triệu tế bào cùng lúc rung lên làm “tim đập lung tung”.

Được biết, Thầy Nguyễn Thành Hổ về Trường Hải Long vào khoảng từ năm 1970 cho đến 1972, 1973. Tuy thời gian không nhiều nhưng một trong những việc làm rất ý nghĩa cho vùng đất Mũi né là đã trực tiếp xin Bộ Giáo Dục một triệu bảy trăm ngàn đồng (thời giá lúc đó) và một nhà hảo tâm ở Sài Gòn (Ông Cao Thanh Bình – Gốc Mũi Né) giúp đỡ để xây dựng 2 dãy phòng học, tường rào cho Trường Hải Long (phòng học cũ rất sơ sài, tạm bợ). Cho đến bây giờ, nhiều thế hệ học sinh qua đi, mấy ai biết có một Thầy Nguyễn Thành Hổ đã từng gắn bó với vùng đất Mũi Né, không những đem hết tâm huyết của mình trang bị kiến thức cho học sinh mà còn góp công sức xây dựng cơ sở vật chất cho trường, làm nền tảng vững chắc để tồn tại cho đến ngày nay.

Không có thời gian gặp nhiều hơn như mong muốn vì gia đình Thầy đang có việc, chúng tôi vội đến rồi vội đi như cơn mưa buổi trưa ở Phú Hội vội ào xuống rồi chợt ngưng lúc chia tay Thầy, cùng với không khí nhộn nhịp của một vùng ngoại ô đang bắt nhịp với thời kỳ công nghiệp hóa, chúng tôi trở lại Phan Thiết. Nếu ai về Phú Hội, qua khỏi trụ sở Xã đi thẳng gặp cây me “to đùng” bên đường, quẹo phải là nhà Ông Giáo Hổ./.

Tháng 9/2010- Phạm Đình Nhân

2 nhận xét:

  1. Nhìn hình Thầy luôn luôn nắm tay Cô.
    Đây là những hình ảnh tuyệt vời hạnh phúc .

    Có bài hát như thế này:"Tình chỉ đẹp khi còn dang dỡ-Đới mất vui khi vẹn câu thề"
    Câu này chỉ đúng cho mấy ông thi si,nhạc sĩ.Chớ thực tế cuộc sống nếu tình dang dỡ thì làm gì đẹp được,
    nhưng đẹp và giàu trong cảm hứng thi ca.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết cũa Nhân hay lắm đó nhé càng đọc càng thích đúng là văn sỉ .
    tấm hình đúng như thầy nói : Je veux demander ses mains (Tôi muốn nắm bàn tay cô ấy)
    càng hay hơn nữa là hình Cô vẫn vẫn giử được nét duyên dáng cũa người Phụ nử Việt nam đó là : nghiên người qua một bên thể hiện cái nét(mắt cở đó).
    Thầy Cô thật Hạnh phúc.

    Trả lờiXóa