Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

NHỮNG CHUYẾN ĐI - Chùa Hang - Tập 3


Theo tài liệu, Chùa do thiền sư Bảo Tạng thuộc đời thứ 40 thiền phái Lâm Tế khai lập vào khoảng từ nửa đầu thế kỷ thứ XIX (1835 – 1836), ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ, vách ván, lợp lá. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo; đến thời Thiệu Trị, Chùa được xây dựng lớn cả về không gian lẫn nghệ thuật; các đời chủ trì kế tục đều có duy tu, bảo dưỡng, mở rộng, kiến tạo thêm nhiều công trình mới. Hiện nay toàn bộ ngôi Chùa có diện tích 1.200 m2, bao gồm: khu chánh điện, khu tam quan ngoại, gác chuông, lầu trống, nhà thiền, từ đường… và rất nhiều hang động ăn sâu vào núi, mỗi hang đều thờ Phật, hoặc Bồ Tát... Ta bắt đầu khám phá, chiêm ngắm một vài khu vực trong quần thể của Chùa:

Qua cổng Tam Quan và một khoảng sân rộng là ngôi chùa chính, tương đối lớn được xây dựng quy mô, đây là chính điện thờ Phật tổ, ngày đêm khói hương nghi ngút, vào những ngày lễ, tết khách thập phương từ mọi miền đất nước đến chiêm bái, lễ Phật, người ra, kẻ vào nườm nượp; nội thất được trang trí rất đẹp với nhiều câu liễn, câu đối hoành phi có niên đại cổ được khảm bằng xà cừ, chạm khắc trên gỗ, ghép mực sành…Ra khỏi gian chính điện, đi theo hướng tay phải sẽ thấy tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng trên ngọn núi có tên là Linh Thứu, uy nghi, tự tại giữa không gian mênh mông nhìn ra biển khơi; tiếp tục xuống cấp, lên cấp, quanh co, khúc khuỷu theo hướng ngược kim đồng hồ sẽ tới một khe đá, ở đây có những tảng đá cao, to đứng sát vào nhau, chừa ra một khoảng khe nhỏ vừa đủ cho từng người đi qua, gió từ khe núi thổi ra mát rười rượi, khác với chân núi nóng bao nhiêu thì ở đây mát bấy nhiêu, cái mát dễ chịu vô cùng, tôi dám bảo đảm chưa có kỹ sư nào trên thế giới có thể chế ra được cái máy làm mát như cái mát ở đây; đi cả buổi thấy cũng hơi hơi mệt, phải chi chỗ này ít người qua lại, ngã mình xuống đánh một giấc “thăm thẳm chiều trôi” thì đã đời biết mấy. (ông bà ta gọi là đánh một giấc thẳng cẳng).

Khe núi - gió mát rười rượi, tha hồ nghĩ chân

Cũng một cái Chùa, người thì nói là Chùa Hang, người thì nói là Chùa Cổ Thạch không biết cái tên nào là đúng. Viết đến đây làm tôi lại nhớ đến câu chuyện có mấy em nhỏ thấy chiếc xe tăng đi qua, một em nói: Ô…chiếc xe tăng, em kia nói: sai rồi, xe bọc thép, em khác cãi lại: xe tàu bò, có một em im lặng từ nãy đến giờ lên tiếng: không đúng, đó là xe thiết giáp. Cứ thế cãi nhau um sùm củ tỏi. Cuối cùng thống nhất là “thiết vận xa”. Như thế này tên là Chùa Hang thì dễ hiểu rồi vì nó có nhiều cái hang, còn Chùa Cổ Thạch là vì sao ? Phải tìm hiểu cho ra lẽ mới được.

Gặp một người trung niên, có lẽ là dân địa phương, mặt mày chân tay đen như cột nhà cháy, có bộ ria mép dáng dấp “đại ca”.
- Chào anh, anh cho tôi hỏi cái tên Chùa Cổ Thạch có nghĩa là gì ?
- Cái anh này hỏi mới lạ, thì Chùa Cổ Thạch tức là Chùa Cổ Thạch chứ gì. Thế mà cũng hỏi !!!
(Hình như hai vợ chồng đang gây lộn, dịp may hiếm có để trút giận).

Mà nghĩ cũng đúng, tên riêng mà, Chùa Cổ Thạch là Chùa Cổ Thạch chứ sao nữa; cũng như tên của ông Hoàng Gia Kế, Mai Thân, Mai Chí, Trần Vĩnh Lại, Võ Văn Hào, Phạm Đình Nhân có nghĩa là mấy ông đó chớ, chẳng lẽ là mấy ông khác được sao ?

Chưa thỏa mãn, đi hỏi tiếp. Gặp một lão “tiền bối”, râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, lúc nào cũng giữ nụ cười trên môi.
- Thưa Bác, cho cháu hỏi tên Chùa Cổ thạch có nghĩa là gì thế Bác ?
- À! Hình như: thạch là đá, cổ là cũ, chùa là chùa. Chùa Cổ Thạch có nghĩa là chùa bằng đá cũ.


Lạ nhỉ ? Đá cũng có đá mới đá cũ nữa sao ? mà “hình như” thì chưa chắc lắm. Lại phải tiếp tục đi hỏi. Gặp một Hòa thượng, mặc áo chùng nâu, tay cầm xâu chuỗi, phốp pháp to tê như ông Lỗ Trí Thâm trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc nhưng nét mặt rất hiền từ, đôi mắt rất từ bi.
- Bạch thầy, con là khách du lịch từ xa đến, muốn hỏi Thầy một việc?
- Thí chủ có điều chi muốn hỏi ?
- Dạ thưa Thầy, tên Chùa Cổ Thạch có nghĩa là gì ạ ?
- Theo tài liệu, sách vở còn lưu lại trong Chùa, Lão nạp được biết Chùa Cổ Thạch có nghĩa là chùa cổ, chùa xưa được xây dựng bằng đá.


À ra thế! Chùa cũ chứ không phải đá cũ; chỉ cần đọc Chùa Cổ…(nghĩ một chút) rồi mới tới Thạch thì có nghĩa là “Chùa xưa được xây dựng bằng đá” là đúng; còn nếu đọc Chùa…(nghĩ một chút) rồi mới tới Cổ Thạch thì có nghĩa “chùa đá cũ” là trật lất. Còn nếu đọc ba chữ Chùa Cổ Thạch liền một hơi không nghĩ là muốn hiểu sao thì hiểu. Rắc rối nhỉ! Phức tạp nhỉ! Thôi thì gọi quách là Chùa Hang cho nó chắc ăn.


Nói đến việc đọc cho đúng làm tôi nhớ đến hồi đó, mỗi lần muốn thông báo điều gì là có cái ông alô, dùng miếng tôn kẽm cuốn thành cái loa để đi alô alô (bấy giờ chưa có phương tiện thông tin hiện đại như bây giờ). Một hôm, ông vừa cầm cái loa, vừa cầm tờ giấy đi alô:
- Alô alô! Sáng mai là ngày………, các anh chị thanh niên nam nữ phải tham dự đầy đủ, khi đi trang phục gọn gàng, lịch sự: Nam bỏ áo trong quần Nữ…(đến đây hết trang giấy, lật qua mặt sau đọc tiếp) áo dài. Đọc mãi cũng không nhớ nỗi 2 chữ của trang sau. Cứ thế, từ đầu làng đến cuối xóm: …Nam bỏ áo trong quần Nữ…áo dài.

Đường đi quanh co khúc khuỷu

Lại tiếp tục quanh co, khúc khuỷu, lên xuống; hai bên lối đi dọc theo vách núi là những hình tượng được chạm khắc trên đá miêu tả cuộc đời Đức Phật và các Chư vị Bồ tát, cũng có cả thầy trò Tam Tạng đi Tây thiên thỉnh kinh. Xen lẫn giữa những núi đá san sát nhau là những hang động; hang thờ Tổ khai lập Cổ Thạch Tự Bảo Tạng có tượng nhà sư và nhiều bài vị của các nhà sư khác có công lao xây dựng chùa đã viên tịch; hang thờ Phật Chuẩn Đề có tượng Phật 8 tay và và nhiều tượng cổ; Hang Tam bảo thờ 23 pho tượng Phật cổ với nhiều kích thước và niên đại khác nhau; các hang động khác cũng được kiến tạo phù hợp với điều kiện thờ phụng. Tiếp tục bước lên nhiều tam cấp sẽ gặp một hang động, muốn vào hang lại phải tiếp tục bước thêm mấy tam cấp nữa, hang này nằm ở độ cao nhất trong quần thể các hang; cửa hang rất hẹp, phải khom người xuống mới “chui” vào được (coi chừng đụng đầu), nhiều người vào đây đã bị đụng đầu rồi, tôi vô ý cũng bị cái “cốp”, may mắn là nhẹ nên không “xuất hiện cục u”; cho dù người ta có muốn cửa hang rộng thêm nhưng không được vì bị chắn bởi hai tảng đá vô cùng lớn, mà đục đẽo thì lại làm mất vẻ tự nhiên, hoang sơ; thôi có sao thì để vậy. Tuy cửa vào hang nhỏ, hẹp nhưng trong lòng hang vô cùng rộng, thờ rất nhiều Phật, Bồ tát mà tôi không biết hết.

Có đi vào từng hang đá mới cảm nhận hết sự trang nghiêm của những nơi thờ kính, mới thấy hết vẻ đẹp tự nhiên, huyền bí một cách lạ lùng. Tiếp tục đi về hướng mặt trời lặn là gác chuông, gian để trống, trên đường đi sẽ gặp 2 khối đá ước chừng nặng hàng chục tấn, gần như vuông vức, chồng lên nhau rất sít sao, sắc sảo, đẹp mắt tưởng như có bàn tay của những nghệ nhân điêu luyện đục, đẽo, ráp, nối (tôi không biết phải diễn tả làm sao cho các bạn hình dung được nét độc đáo của nó).


Trong khu vực này, phía dưới chân Chùa có một cái giếng, tên là Giếng Tiên, nước trong vắt, ngọt lịm, mát lạnh, uống vào thấy trong người bớt mệt mỏi, nghe nói giếng không bao giờ hết nước kể cả những năm hạn hán, nguyên cả khu vực cây cối rũ lá vì thiếu nước nhưng giếng tiên thì không cạn chút nào…Và còn rất nhiều những cảnh quan, những hang động, những điều kỳ bí khác nữa mà miêu tả mãi đến ngày mai có lẽ cũng chưa hết. Cứ đi, rồi nghĩ mệt, rồi khám phá, rồi chiêm ngưỡng, rồi lại tiếp tục đi, loanh quanh, lên dốc, xuống dốc …lau mồ hôi, mệt quá! Nghỉ một chút, lại tiếp tục đi cho đến khi hết đi nỗi thì thôi! Còn nhớ, cách đây mấy năm, lần đầu đi Chùa Hang, lên xuống dốc rất vất vả vì chưa có nhiều tam cấp được xây như bây giờ, bạn Mai Chí với đôi chân đau buốt, ráng chịu đựng, cà nhắc, cà nhắc dẫn Thầy Cương và bạn bè thưởng ngoạn cảnh Chùa, giờ nhắc lại thấy vẫn còn thương lắm bạn Mai Chí ơi.
(còn nữa)

1 nhận xét:

  1. Anh Nhân đi đến chùa Hang
    Đi lên, đi xuống, đi ngang, đi vào
    Tam quan cổng đứng đón chào
    Vào chùa lễ Phật ngạt ngào khói hương
    Cùng anh Mai Chí, thầy Cương
    Nối chân theo khách thập phương thăm chùa
    Thiên nhiên tạo hóa như đùa
    Đá nằm trên đá bao mùa trơ gan

    Trả lờiXóa