Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

NHỮNG CHUYẾN ĐI - Chùa Hang - Tập 1

Cô Hồng, các anh chị và các bạn thân mến!
Sau loạt bài Hàm Thuận Nam, theo đề nghị của Cô Hồng, bạn Hoàng Gia Kế và một số bạn muốn tiếp tục đọc thêm những bài viết của tôi, lần này xin được đóng góp với trang blog loạt bài có chủ đề NHỮNG CHUYẾN ĐI
Trong chúng ta, ai ai cũng có những chuyến đi: đi tham quan, đi du lịch, đi tắm biển, đi leo núi…cũng có cả đi lang thang, đi “loanh quanh cho đời mỏi mệt” nữa. Còn tôi sẽ cùng các bạn đi thăm thầy, đi thăm cô, đi thăm bạn bè, đi thăm những danh lam thắng cảnh của quê hương đất nước. Bây giờ là những ngày cuối của tháng 7 âm lịch, âm hưởng mùa đại lễ Vu Lan vẫn còn, ai cũng nghĩ đến việc báo hiếu và lễ phật cầu kinh, ta sẽ khởi hành bằng chuyến đi thăm chùa.

ĐI CHÙA HANG – Tập 1
Đi Chùa Hang (còn gọi là Chùa Cổ Thạch) có 2 cách, cách thứ nhất từ nhà Diệu Hoàng (Phan Rí) đi thẳng ra phía biển (hướng Đông) gặp ngã ba, rẽ trái, rồi lòng vòng lèo vèo, rồi lại lèo vèo lòng vòng vài ba bận là đến Chùa Hang. Cách thứ hai từ nhà Thầy Cương (Hòa Đa) đi thẳng hướng Bắc cũng gặp ngã ba, rồi quẹo, rồi cua, rồi lại cua, rồi lại quẹo cứ thế ít lần thể nào cũng đến Chùa Hang; nếu chưa tới thì hỏi người đi đường là biết ngay.
Ta thống nhất xuất phát từ nhà Thầy Cương. Trên Quốc lộ 1A, theo hướng Bắc “trực chỉ”, đến gần ngã ba Long Hương, bên đường sẽ thấy nhiều trụ “chỉ thiên” (hướng thẳng lên trời) cao chót vót, có cái chong chóng 3 cánh hướng ra biển quay tít thò lò trên những đồi cát lồng lộng gió, đó là những chong chóng sản xuất ra điện, còn gọi là điện gió, nói cho có vẻ khoa học kỹ thuật là “phong điện”. Tôi đã gặp nhiều chuyến xe có cái đầu như đầu xe công-tơ-nơ, ta cứ gọi là xe đầu kéo cho nó gọn, kéo từng cái cánh quạt từ hướng Sài Gòn ra, mỗi xe chỉ kéo được 1 cánh, lúc đầu tôi tưởng là cánh máy bay, mừng cho đất nước đã ráp được phi cơ, nhưng sao nó dài thế, hỏi ra mới biết đó là cánh quạt của “phong điện”
Mới năm ngoái đây thôi, có anh bạn ở Phan Thiết với nét mặt nghiêm trang nói với tôi, Tỉnh mình có “phong điện” rồi đó, tôi hơi bàng hoàng, cứ tưởng là căn bệnh hiểm nghèo của thế kỷ mới xuất hiện như bệnh Aids, kiểu này lơ tơ mơ nhân loại đi đến chổ “tuyệt chủng” mất thôi, bởi từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ chỉ nghe nói: phong cùi, phong thấp, phong hàn, phong tình, phong dời, phong đòn gánh…bây giờ lại có cả phong điện nữa?
- Thôi ông ơi! cái tầm hiểu biết của ông hạn hẹp quá, phong đây có nghĩa là gió, điện đây có nghĩa là…là…điện, phong điện là điện gió, nói đầy đủ từ ngữ là điện sản xuất ra từ gió, nghe ba chớp ba nháng tiếng được tiếng mất mà gọi là “phải gió hay là dừng gió” là hỏng tuốt luốt.
- Ối giời, thì nói toạc móng heo ra (Rạng, Mũi Né ta gọi là nói tẹc ra) là điện gió đi cho nó dễ hiểu, còn chơi cả chữ hán, chữ nôm; phong với chả gió có trời mà biết.

Theo báo chí, Tuy Phong Bình Thuận là khu vực đầu tiên ở Việt Nam lắp đặt điện gió, đã có 12 dự án đã và sẽ thi công, mỗi trụ cao 85 m, đường kính cánh quạt 77 m, trọng lượng trụ 165 tấn, trọng lượng tua-bin gần 90 tấn, thiết bị do nước Đức sản xuất, dự kiến trong 10 năm tới bình quân mỗi năm sản xuất ra được 3.000 MW điện. Thôi ta tạm gác cái chuyện phong điện ở đây đi, như bạn Thanh Vân thường nói (nguyên văn) “có gì chuyện đó tính sau” bởi ta đang đi Chùa Hang mà.

Phong điện – Tuy Phong

Tới ngã ba Long Hương, rẽ tay phải trên con đường trải nhựa phẳng lì, rộng rãi, ban đêm điện đóm sáng choang; đây là trung tâm hành chính của huyện lỵ Tuy Phong, các cơ quan thấp thoáng sau những hàng cây rất đẹp. Tiếp tục, gặp một ngã tư, qua luôn; hai bên đường nhà cửa san sát, buôn bán sầm uất, nhạc xập xình từ các quán cà phê phát ra inh ỏi, xe cộ tấp nập chạy tới chạy lui bát nháo như chứng minh sự phồn thịnh của một thị trấn lẻ loi cuối cùng nằm về hướng bắc của địa giới Bình Thuận. Lại gặp một ngã ba nữa, qua luôn. Tới một ngã tư, quẹo phải, đường đi bây giờ nhỏ hẹp hơn nhiều, dân cư cũng sinh sống theo hai bên đường, chủ yếu làm nghề khai thác hải sản mà ta thường gọi là làm biển. Lại tiếp tục đi cho đủ gần 10 cây số tính từ ngã ba Long Hương ta sẽ gặp con đường trải nhựa mới toanh, rộng thênh thang; có cái cổng rất lớn nối từ lề đường bên này sang lề đường bên kia; ở mức thấp ngang tầm xe có cái thanh ba-ri-e (tôi không biết tiếng Việt gọi là gì) chận các xe thu tiền lộ phí. Hễ có cái vé là cái thanh ba-ri-e bật lên cho xe qua rồi sập xuống ngay. Từ đây tới Chùa chỉ còn chưa đầy một cây số, nếu nhìn kỹ sẽ thấy thấp thoáng khu vực của Chùa.

Có anh bạn ở huyện Tuy Phong trước đây làm việc cùng ngành với tôi ví von câu chuyện sau (không biết có thật hay phịa ra) là có một đoàn khách nước ngoài, hình như là Thụy Sỹ, trên đường từ Phan Thiết ra tham quan Chùa Hang, khi đến đây, thấy cái thanh ba-ri-e giật mình quay sang hỏi cô phiên dịch “Ở đây có chiến sự hả?”, cô phiên dịch trả lời “No! chiến tranh ở vùng này đã lui về quá khứ rồi; đây là cái để báo cho những ai muốn đi qua phải mua cái vé lộ phí”. Nếu ai cũng hiểu theo kiểu cái ông người nước ngoài kia thì có lẽ đất nước mình chỗ nào cũng có chiến sự cả !!!
Nghĩ cũng lạ, đi Chùa Cú cũng trên con đường rộng thênh thang dài hàng bốn, năm cây số ta thoải mái phóng vù vù mà có phải mua vé đâu, đây chỉ có mấy trăm mét ? Mà thôi, thắc mắc làm gì cho nó rối tung cái đầu, mua cái vé mà được đi trên con đường êm như ru là sung sướng lắm rồi.
(Còn nữa)

6 nhận xét:

  1. Sáng thứ 6 được ngồi nhà uống cà phê đọc bài anh Nhân viết hấp dẫn qúa.
    Ở Toronto thỉnh thoãng rãnh, MT có chạy ra mua những dics video về du lịch VN và đã có xem qua chùa Hang ở Tuy Phong.Theo suy nghĩ riêng của MT thì chùa Hang chưa được chú ý nhiều cũng như bờ biển Tuy Phong nhiều đá và nước biển gần bờ,lại xa xôi với SGòn.Nều đem so sánh với MNé,LaGi(Bình Tuy)thì khó sánh kịp.MT rất thích khu chùa Cú hay LaGi vì gần SG rất tốt cho đầu tư lâu dài.

    Trả lờiXóa
  2. Hello anh Nhân,

    Bài viết của anh mới bắt đầu mà đã thấy hấp dẫn y chang như anh Mai Thân nói. Anh Kế đọc xong câu:

    "Trong chúng ta, ai ai cũng có những chuyến đi: đi tham quan, đi du lịch, đi tắm biển, đi leo núi…cũng có cả đi lang thang, đi “loanh quanh cho đời mỏi mệt” nữa"

    thì anh Kế cười khoái chí quá chừng ... hihihi ...

    Anh Kế và Thùy chờ đọc Chùa Hang - tập 2 :)

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn Mai Thân và Thùy.
    Cuối tuần sẽ tiếp tục "trình làng" Chùa Hang - Tập 2.
    Anh Kế cười khoái chí là thấy vui rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Ahhhhhhhhh ... cuối tuần hơi lâu :)

    Trả lờiXóa
  5. Lớp trưởng của tui ơi.TL mới đọc xong tập 1 đi Chùa Hang thấy bài viết dí dõm lắm không ngờ lớp trưởng viết văn cũng có tài chơi chữ lắm đó, nên đọc thấy có nhiều đoạn dzui dzui.....lôi cuốn.TL Nhớ ngày xưa Nhân chỉ giỏi toán thôi mà...hì....hì.....
    chờ lớp trưởng viết tiếp tập 2 đó, ờ mà xin hỏi có bao nhiêu tập dzậy ???
    TL

    Trả lờiXóa
  6. Các anh chị, các bạn ơi !
    Thanh Liên là bạn học cùng lớp với a Nhân. Sáng nay có mời bạn ấy vào thăm trang blog.
    VC bạn TL văn hay, thơ giỏi, hát hết chổ chê. Dân " Sì gòn " đấy.

    Trả lờiXóa