Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Hàm Thuận Nam

Chào các anh chị và các bạn cựu học sinh Trường Hải Long
Chắc hẳn các bạn đã xem những Video clip trên blog, có một nhận vật được Thầy Cương và các anh chị “kết nạp” làm thành viên của Trường Hải Long hôm họp mặt 6/3/2010 là tôi đó; tuy chưa học được ngày nào ở Trường các bạn nhưng qua những gì biết được trong những lần anh chị gặp nhau, kể cả gặp nhau trên blog; lâu dần mình trở thành cựu học sinh Trường Hải Long lúc nào không hay.
Không có những kỷ niệm đẹp của những ngày xa xưa đối với trường Hải Long và bạn bè như các anh chị để nói, mà im hơi lặng tiếng hoài thấy nó “kỳ một cục”, thôi đành viết một chút về quê hương mình vậy.


“Hồi” 1

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hàm Thuận Nam, cái tên nghe sao mà “lạ hoắc”, mà đúng là lạ thật vì nó mới được “khai sinh” từ sau năm 1983, vùng đất giáp ranh giữa Tỉnh Bình Tuy và Bình Thuận. Ngày xưa, ở đây khô cằn, sỏi đá, kế sinh nhai chính là làm rẫy, cũng có cái bờ biền dài trên 20 cây số, quanh năm suốt tháng chỉ “có cái nắng, có cái nóng, có cái gió” và có cả bụi cát (hát theo kiểu Siu black). Thế rồi một hôm, mấy cái ông doanh nghiệp từ Sài Gòn ra bắt chước Rạng, Mũi Né, Hòn Rơm từ từ biến thành một dãi dài những khu du lịch, lại có cả khu du lịch sinh thái nữa chứ, kiến trúc muôn màu muôn vẻ, đủ cả từ cổ tới kim; vô cùng đẹp. Tuy ở đây chưa có nhiều resort, nhiều khu nghĩ mát như Mũi Né Hòn Rơm nhưng những gì hiện có cũng đủ nói lên “trên cả tuyệt vời”, chẳng thế mà du khách sau khi đến đã đặt cho cái biệt danh “Đà Lạt trên sa mạc”.
Không tin ư ? Cũng được vì đã có câu “mắt thấy, tai nghe… hoặc là có thấy mới tin”. Thế thì mời bạn làm một chuyến về quê hương tôi đi, sẵn sàng đón tiếp các bạn và tình nguyện làm hướng dẫn viên miễn phí.
Chỉ cần rời khỏi Thành phố Phan Thiết theo hướng Sài Gòn chừng 20 cây số đường chim bay, dọc theo bờ biển, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt bạn là những bãi cát trắng ngần với những hàng phi lao xanh thẳm; những bụi dứa dại lẫn lộn với cây nhãn rừng quấn chặt lấy bờ cát mang đầy tính hoang sơ. Biển ở đây vô cùng đẹp, rất sạch; nước xanh biêng biếc, êm đềm; thỉnh thoảng nhô lên những bãi đá không biết từ bao giờ và do ai đặt cho những cái tên mang hình dáng rất thật: Bãi yên ngựa (như cái yên trên lưng ngựa), Bãi đá nhảy (không nằm thành từng bãi mà rải rác như đá nhảy từ nơi này đến nơi kia), Bãi đá dăm (giống như có ai đó chẻ bãi đá thành những miếng dăm nhỏ)…
Ở đây bạn có thể ngã mình dưới những tán dù, ngắm biển xanh bao la; đu đưa theo nhịp võng giữa rừng phi lao bạt ngàn; thức trắng đến phờ người, khan tiếng với những đêm lửa trại hoặc ngồi ung dung câu cá trên những rìa đá hoặc rạo rực đón tia nắng đầu tiên trong ngày nhô lên từ mặt biển hay thả hồn trong yên tĩnh để ngắm hoàng hôn mờ dần sau những đồi cát…Bạn đã thấy hấp dẫn chưa ?...?...?


Tiếp tục đi về hướng Nam, bạn không thể bỏ qua ngọn Hải đăng trên một hòn đảo nhỏ chỉ cách bờ biển khoảng 500 mét nằm giữa bãi đá lớn với chiều cao 65 mét, đây là ngọn Hải đăng cổ nhất, cao nhất ở Việt Nam do kiến trúc sư người Pháp Snavat thiết kế xây dựng từ năm 1889 bằng đá hoa cương với 184 bậc thang xoắn ốc. Đây vừa là biểu tượng, vừa là niềm tự hào của quê hương tôi đó. Từ đỉnh Hải đăng lồng lộng gió phóng tầm mắt ra chung quanh, một bên là rừng cây xanh thẳm, một bên là biển cả mênh mông. Trước thiên nhiên bao la, con người như nhỏ bé lại, bay bỗng, hòa lẫn vào không gian…viết đến đây thì tự nhiên tôi mơ ước: tôi và các bạn lùi về thời quá khứ cách đây 30 năm về trước để cùng “bạn của mình” đến nơi đây hát cho nhau bài “Bên em là biển rộng” hay là câu “Biển một bên và em một bên”. Lãng mạn chết đi được.
Tôi viết tiếp nha
Thủy triều ở vùng biển này có nét rất riêng; hàng năm, sau tết Nguyên Đán có từ 2 đến 3 ngày nước xuống cạn kiệt, bạn có thể đi bộ từ bờ ra Hải đăng mà không phải đi bằng tàu như những ngày khác trong năm. Tôi đã gặp một đoàn du khách người nước ngoài, họ không thích đi tàu mà bám chung quanh cái thúng chai, mình chìm dưới nước để cho 1 tàu đánh cá kéo ra, tham quan xong, kéo vào; đi biển kiểu này mới độc đáo; có lẽ đi biển kiểu Úc (vì tôi thấy trên tivi quảng cáo hễ cái gì khác bình thường là kiểu Úc: ăn kiểu Úc, uống kiểu Úc…)
Biển ở đây cũng rất đặc biệt giống như thủy triều mà các vùng khác hiếm thấy, thường thì vào khoảng đầu tháng 9 dương lịch, từng đàn cá đủ loại, lớn có, nhỏ có cùng với một loài Tảo màu đỏ trôi dạt vào bờ; theo ngư dân thì những con cá bơi gần Tảo đỏ sẽ bị say, lờ đờ, sóng biển cuốn vào, nhưng chỉ một lát sau thì cá trở lại bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra, không độc hại. Cứ thế, người dân địa phương và du khách tha hồ dùng tay không, có khi vớt cả rỗ đem về tự chế biến và thưởng thức ngon lành. Nếu có bạn Mai Chí, Gia Kế, Mai Thân, Vĩnh Lại, Tư Hào…ở đây, mình chỉ cần một bó củi đốt thành than hồng, nướng lên, nhắm với rượu gạo thôi; ngon tuyệt vời…


Viết đến đây thì người viết thấy dài quá, mỏi cả tay; mờ cả mắt mà người đọc cũng mệt gần xỉu, gần “tẩu hỏa nhập ma”. Thôi thì tạm dừng, hẹn “Hồi” 2 vào kỳ tới.

4 nhận xét:

  1. Bài viết với văn phong giản dị mà thật dễ thương. Đâu ngờ Hàm Thuận Nam lại có cảnh đẹp hữu tình như thế. Có dịp về Việt Nam chắc chắn sẽ rủ đám bạn Hải Long đến thăm quê hương của Nhân để cùng nhâm nhi rượu gạo với những món đặc sản của Hàm Thuận Nam. Cám ơn bạn Đình Nhân của Lành.

    Trả lờiXóa
  2. Hình ảnh Hàm Thuận Nam đẹp lắm .

    Diễn giải quê hương rất hấp dẫn, hãy viết tiếp đi Nhân mình rất thích đọc không xỉu đâu, nếu có xỉu, thì đã có thanh long ruột đỏ trị mà hii hiii.

    Chào nhé ! Chúc khỏe

    Văn Liễu .

    Trả lờiXóa
  3. Anh Nhân&Lành!!HTNam rất đẹp và còn nhiều hoang vu của thiên nhiên.
    mt thích câu cá,cắm trại,trông cây,nuôi cá,nuôi thú(thỏ,gà,heo) đi vòng vòng nhìn bông hoa.

    Chắc gìa gìa tí nữa về làm láng giềng với vợ chồng Nhân+Lành wá.
    mt

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn anh Liễu, GK, MT. Rất vui được thưởng thức thanh long ruột đỏ với anh Liễu, nhâm nhi rượu gạo với GK, làm láng giềng với MT. Nói tới biển mà không nhắc tới các món hải sản thấy nó thiếu thiếu, tôi sẽ viết tiếp "hồi 2" (theo từ ngữ kiếm hiệp).

    Trả lờiXóa