Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Hàm Thuận Nam - Hồi 2 - Món ăn đặc trưng

Thay lời tựa: Tôi xuất thân mang bản chất nông dân thuần túy, lời văn mộc mạc, chân chất; nếu viết dở quá cũng xin khen một xíu cho ấm lòng …hì…hì…


Hồi 2 - Món ăn đặc trưng

Tôi không có ý định giới thiệu về những món ăn đặc sản của quê mình nhưng khi đọc bài Bánh hỏi lòng heo Phú Long của Thảo Chi (Bảy B) và những món ăn của Thanh Vân (Vân dễ thương): âm thầm nuốt nước miếng cái ực. Vả lại nói về biển mà không nhắc đến những món đặc trưng dễ làm mất đi cái hương vị của nó.

Hải sản ở đây cũng rất là phong phú, đa dạng: ngêu, sò, ốc hến, tôm, cua, cá, mực, ghẹ…ở Mũi Né có thứ gì ở đây có thứ nấy; ngư dân đánh bắt trong ngày, tươi xanh. Đặc biệt là cá Bò Hòm, một loại cá bằng bàn tay, hình khối tam giác, da cá dày cứng, thịt trắng và ngọt lịm như thịt gà ta thả vườn. Để có hương vị ngon của loại cá này, đầu tiên phải được hấp sơ, sau đó đưa lên lò than nướng liu riu cho đến khi bóc da ra, thịt có màu vàng sậm lại hơi nâu, tỏa ra mùi thơm rực làm cho vị giác, khứu giác của những người ngồi xung quanh phải hoạt động tối đa cũng là lúc có thể dọn ra để thưởng thức. Thịt cá phải được cuốn với bánh tráng mỏng, kèm theo rau sống, không thể thiếu rau thơm và những lát mỏng đậu bắp; nước chấm phải là nước mắm nhỉ cá cơm xuất xứ từ Mũi Né dằm với chính lá gan của cá mới trọn vẹn được hương vị của loại cá này (chứ nước mắm loại khác là hỏng bét).


Các bạn cứ hình dung, một buổi nào đó, trong cái mát dịu se se lạnh của biển cùng với bạn bè, người thân, gia đình bên đĩa cá Bò Hòm đang bốc khói (không cần phải vào nhà hàng sang trọng làm gì cho nó mất đi cái vẻ hoang sơ của vùng này, ngồi “chài bài” dưới nền gạch cũng được, cho nó thoải mái). Từng miếng thịt cá nóng hổi thơm phức được xé ra, cuốn với gia vị, chấm với nước mắm dằm gan cá, đưa vào miệng, nhai từ từ mới thấy hết vị đậm đà của cá pha lẫn một chút gì đó nồng nồng của rau thơm, chát chát dòn dòn của đậu bắp và đặc biệt là cái ngót ngót hơi đăng đắng của gan cá thấm dần từ lưỡi vào trong cơ thể mà vài ba ngày sau cái hương vị kia như còn đọng lại đâu đây.



Hình chỉ mang tính minh họa (tôi thấy báo chí bây giờ
thường viết câu này nên bắt chước)

Một món ăn khác đầy hương vị của biển, không cầu kỳ, mang tính dân dã, hoang sơ là món “Hàu”, một loại hải sản bám vào các bãi đá, giống như con sò nhưng xù xì, xấu xí mà thịt lại vô cùng ngon.

Buổi chiều, khi thủy triều xuống tới mức thấp nhất, lòi ra những vĩa đá ven bờ, cùng bạn bè tới đây; thoạt đầu mới nhìn cũng màu đen sạm như đá, nhưng chú ý mới thấy chúng bám đầy dọc theo những rìa đá. Thưởng thức theo “phong cách” sau đây mới là “kiểu Úc”: Dùng một khúc ngắn kim loại như cái búa đóng đinh chỉ của thợ mộc cũng được, khẻ gõ vào cái vỏ cho bể ra, trước mắt bạn hình thù như một cái phểu lộ ra trắng ngần, trong ấy thịt Hàu (trông giống như thịt con sò) bằng đầu ngón tay út, tươi ngon; chỉ cần nhỏ vào 2, 3 giọt chanh tươi cho thịt Hàu săn lại, rắc một xíu nuối tiêu, dùng cái muỗng cà phê múc lên, đưa vào miệng kèm theo một vài cọng rau răm, mắt lim dim, nhai từ từ sau đó thấm môi bằng một ngụm nhỏ rượu nấu bằng gạo nếp…vô cùng tuyệt; không tanh, vị ngon ngọt đặc biệt của món ăn này không thể nào diễn tả bằng lời, chỉ có ai đã từng ăn mới cảm nhận được cái tuyệt vời của nó.

Nếu ai không thích thưởng thức theo “kiểu Úc” thì mời thưởng thức theo phong cách của “ta”. Cứ đằm mình dưới biển cho đến lúc lạnh cóng, bụng cồn cào đói, lên bờ ngồi chung quanh nồi cháo Hàu nóng nghi ngút, cay xè, xì xụp húp cho đến vã mồ hôi, chảy nước mũi…mới thấy đã làm sao. Còn nhiều và rất nhiều những món ăn từ hải sản rất “độc chiêu” mà cách thưởng thức cũng như cách chế biến rất đặc trưng chỉ có ở Hàm Thuận Nam (xin “nổ” một chút cho nó khí thế). Tôi không kể về những món ăn nữa để các bạn tha hồ tưởng tượng cho nó thú vị.



Bãi đá ở Hàm Thuận Nam
(Hình này không biết tác giả là ai, tôi cóp-py từ trên in-tờ-nét)

Hồi 3 – Chùa Cú
Tạm biệt vùng biển, mời các bạn lên miền núi theo con đường mới được tráng nhựa mấy năm gần đây nhưng nhiều đoạn đã bị xuống cấp, ổ gà liên miên (có lẽ do xe chở khách du lịch dập dìu qua lại nhiều quá) để chiêm ngưỡng và hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của một danh lam có cái tên là Chùa Núi hoặc là Chùa Cú cũng được; trong sách vở, giấy tờ có tên gọi là Linh Sơn Trường Thọ. Tôi thì thích gọi là Chùa Cú cho nó dân dã, bình dân học vụ; gọi là Chùa Núi sợ nó trùng tên vì ở Việt Nam hầu hết các Chùa đều ở trên núi, còn gọi là Linh Sơn Trường Thọ thì nó văn hoa quá. Ta thống nhất gọi nó là Chùa Cú nha.

Có một anh bạn ở Phan Thiết hỏi tôi: ông có biết bài hát Em đi Chùa Hương của Nhạc sĩ Trung Đức phỏng thơ Nguyễn Nhược Pháp không? Tôi trả lời là biết. Anh ấy hỏi tiếp: ở ngoài Miền Bắc có Chùa Hương thì người ta hát “Hôm qua em đi Chùa Hương” còn ở quê ông chỉ có Chùa Cú thì phải hát làm sao? Nhờ các bạn hát dùm, nhớ phải đúng âm điệu của bài hát đó nha.

Viết đến đây tôi bắt chước phim bộ Hàn Quốc, Hồng Kông dừng đột ngột cho nó lôi cuốn người đọc ở những hồi tiếp theo (cũng là từ ngữ kiếm hiệp của Kim Dung). Hẹn các bạn vào kỳ tới.

4 nhận xét:

  1. Những món "độc chiêu" dân dã này mà ngồi "chài bài" hay ngồi "bệch" xuống đất nhâm nhi với "nước mắt quê hương" ở nơi hoang dã và hửu tình này thì "tuyệt chiêu" rồi còn gì bằng nữa... phải không ông bạn ĐN của Lành.. hahaha

    Trả lờiXóa
  2. Anh Đình Nhân ác quá , tả sao mà hấp dẫn quá , làm anh Kế đi ra đi vô cứ lầm bầm: "Ta đi tìm Nhân, ta phải đi tìm Nhân" .... hihihi ...

    Trả lờiXóa
  3. Đình Nhân nhé !
    Tả chi mà tả lạ kì.
    mình giã từ rượu đế 20 năm rồi nhá .
    ước gì sẻ có ngay, phá lệ một lần hii hiii
    Văn Liễu .

    Trả lờiXóa
  4. Anh Nhân !
    lệ̣ là Phụ Nữ mà đọc bài viết của anh cũng đâm ra thèm RƯỢU , hay thiệt nha

    Trả lờiXóa