Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ của Phật giáo Phương Đông, có nhiều cột, kèo, xuyên, trính; chạm trổ họa tiết tứ linh “long, lân, quy, phụng”; mái lợp ngói âm dương theo bảy góc uốn lượn hình rồng thể hiện sự thanh thoát trần gian, an hòa, trầm mặc; với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo ra một kiệt tác về kiến trúc cổ độc đáo của Phật giáo còn lưu lại đến ngày nay. Theo tài liệu, Chùa được hình thành vào khoảng năm 1878-1880 do Sư Tổ là Trần Hữu Đức, tỉnh Phú Yên đến thiền tu.
Bước vào cửa Chùa, giữa gian Chính điện là tượng Phật đồ sộ được đặt trên bể thờ tương đối cao trước một khoảng nền rộng nghi ngút khói hương, ta tiếp tục rẽ qua hướng tay mặt, một dãy nhà dài với nhiều bộ ván được kê ngay ngắn, sạch sẽ là nơi cho khách thập phương có nhu cầu nghĩ lại qua đêm; tiếp đến là dãy nhà ăn với bếp lò nấu bằng củi, bàn ăn cũng sạch sẽ, tươm tất. Ở đây lúc nào cũng đầy ắp gạo, muối, tương, chao do khách thập phương đưa đến cúng; ai thấy đói bụng cứ “vô tư” tự nấu mà ăn; bên cạnh đó là hai dòng suối nhỏ uốn quanh, nước trong vắt chảy ra từ lòng núi. Nghĩ một chút, nhấp thử một ngụm nước mới thấy thế nào là vị ngọt mát của hương sắc núi rừng.
Giỗ tổ khai sơn ở Chùa được tổ chức ngày mồng 5 tháng 10 âm lịch, vào ngày này thường thì khách ở xa như Sài Gòn và các tỉnh miền Đông, Miền Tây tới rất đông. Tôi nhớ vào năm 1986, (cách nay 24 năm) lần đầu tiên cùng mấy người đồng nghiệp lên Chùa vào ngày giỗ Tổ, người rất đông, cứ nghĩ thế nào cũng có đồ cúng thí nên không đem theo thức ăn, tình cảnh này coi chừng bị nhịn đói, chúng tôi bố trí mỗi người chen chân đứng trước mỗi am nhỏ, hễ đến giờ Ngọ cúng xong là nhanh tay vơ đại cái bánh ăn “cầm hơi”; thế mà không sao nhanh hơn người khác được; cả bọn đói meo kiếm gốc cây ngồi, chợt một người đồng nghiệp phát hiện có người quen vừa đi qua đem theo một cái cặp như cặp sách học sinh cấp 3, trong đó đựng quần áo để nghĩ qua đêm ở Chùa, anh ấy đến mượn cái cặp và kể “tình cảnh” của chúng tôi; một diệu kế được hình thành, người cho mượn cái cặp vào Chùa báo là có đoàn cán bộ Ủy ban hành chánh Quận lên thăm Chùa, còn chúng tôi chỉnh đốn “xiêm y”, mặt mày cố tươi tỉnh lên, tôi được phân công xách cái cặp y như là cán bộ thật. Chúng tôi được mời vào Chính Điện, tiếp đón ân cần, ăn một bữa cơm chay thỏa thích, sau đó nháy với nhau vội vàng cáo từ xuống núi ngay vì sợ bị phát hiện. Trên đường về mỗi người một câu cười quên cả mệt nhọc.
Vì sao Chùa lại có cái tên Linh Sơn Trường Thọ ? Tương truyền rằng Sư Tổ khai sinh ra Chùa là người thiền tu huyền bí, quanh năm chỉ ăn hoa quả, cây rừng để tu hành nơi chốn Cõi Phật, có tài bốc thuốc, chữa bệnh, cứu người. Vào thời Vua Tự Đức, Hoàng Thái Hậu tức là Bà Từ Cung (mẹ của Vua) bị bệnh nặng, các quan ngự y thuốc thang nhưng không khỏi (bó tay), Vua xuống chiếu cho tìm các danh y trong nước, Sư Tổ nghe tin đã cho các đệ tử đem linh dược quý về kinh tiến Vua, Thái Hậu khỏe hẳn; Vua Tự Đức ghi ơn bằng việc ban tặng cho ngôi Chùa cái tên quý giá “Linh Sơn Trường Thọ” từ đó.
Tiếp tục hành trình, sau khi qua một bãi đá gập gềnh là tới một hang động nằm gần ngang với mặt đất, ăn sâu xuống, nhìn vào tối đen như mực. Tôi đã từng xuống hang này một lát sau quen mắt mới thấy khung cảnh lờ mờ hiện ra, nhưng vội lên ngay vì khói hương đến ngộp thở, có điều lạ là gió trong lòng đất theo hang thổi ngược lên. Tương truyền, thưở xưa Sư tổ thiền tu trong hang này trước khi cất Chùa, hang sâu thẳm có nhiều mỏm đá hoa cương tuyệt đẹp, nhiều ngỏ ngách thông ra bờ biển cách đó hàng chục cây số, hàng trăm năm qua, địa chất thay đổi không còn thấy đường đi xuống sâu hơn, đây là điều bí ẩn chưa được khám phá. Lúc “còn trẻ hơn bây giờ”, vào những ngày giáp tết, tôi cũng thường lên núi tìm Hoa Lan, ở đây có một loại gọi là “Thạch lan” vì mọc trên đá, ạnh Thiện (Mũi Né) gọi là Lan đục bình vì củ của nó bằng ngón chân cái, hình thù như cái đục bình cắm hoa, bên nách củ đâm lên cái ngồng từ 3-5cm, rũ xuống một chùm hoa trắng rực rỡ, đài hoa điểm tím, đỏ trông rất huyền bí nhưng đầy vẻ đài các kiêu sa. Rừng núi mênh mông và bí hiểm, tôi đã từng phát hiện nhiều hang động, có hang lộ thiên đầy Dơi, nhiều hang nằm chìm dưới đất nhìn vào tối đen ẩm ướt. Cách chân núi khoảng ít cây số, có một xóm nhỏ người Chàm (mặc dù cả khu vực này không hề có dấu tích của người Chàm xưa). Tương truyền, lúc Vua Chàm thất trận mất nước đi qua vùng này, có chôn một kho báu trên núi, để lại một nhóm người canh giữ, qua hàng trăm năm, nhiều thế hệ đã qua đi, nơi chôn dấu thất truyền, không ai còn biết vị trí kho báu chỗ nào nữa.
Ra sau Chùa khoảng trăm mét, một kiệt tác có thể nói có một không hai ở vùng Đông Nam Á là pho tượng Thích Ca Mô Ni nhập Niết bàn, nằm nghiêng, gối đầu lên tay, dài 49 mét, cao 11 mét, lưng tựa vào vách núi, mặt hướng ra biển Đông (do kiến trúc sư Dương Đình Ý kiến tạo, xây dựng vào năm 1960). Đây là công trình đồ sộ, bao dung nơi chốn sơn lâm, tịnh mịch, an cư, tượng trưng “đủ hình tứ lục và bảy chúng Phật tử” theo triết lý đạo Phật.
Một kiệt tác khác cũng rất nổi tiếng là cụm tượng Tam Thế Phật độc đáo theo lối kiến trúc kỹ xảo gồm tượng A-di-đà cao 7m, độ lượng, bao dung, ưu ái trần gian; tượng Quan Âm và Thế Chí cao 6m được kiến tạo bằng đá hoa cương biểu tượng của lòng từ bi, hướng thiện, cầu siêu…cách khu vực này 100m là tượng Phật Bà…
Ta cứ tưởng tượng, vào một đêm rằm tháng giêng, khi khí trời còn se lạnh của những ngày sau tết, đem theo cái đàn guitar, tụ tập ở khoảnh đất nơi rừng cây trước tượng Phật nằm, kiếm ít que củi khô, nhóm thành bếp lửa, vừa nấu nước vừa sưởi ấm (như các anh chàng cao bồi trong những đêm lạnh giá nơi hoang mạc vùng viễn tây Hoa Kỳ), pha 1 ca cà phê, 1 ấm trà, vừa thổi vừa nhắm nháp trong cái lạnh của núi rừng nơi độ cao khi màn đêm buông xuống, không gian tối om, chỉ còn lập lòe bếp lửa, ngon đến kỳ lạ (nhà hàng 10 sao chưa chắc được ngon đến thế); phím đàn được ngân lên, khe khẻ hát cho nhau nghe, tuyệt vời không thể nào diễn tả nỗi. Vài tiếng đồng hồ sau, một vầng sáng của ánh trăng từ từ xuất hiện nơi rừng cây sau bức tượng Phật nằm, lung linh, huyền ảo; con người, cảnh vật và khí thiêng của chốn từ bi như hòa quyện vào nhau làm cho ta quên đi thế tục, bước vào chốn thâm sâu nào đó…Càng về khuya, trăng càng sáng, không gian càng tịch mịch, linh thiêng, khí trời càng lạnh, cứ quanh bếp lửa mà ngủ.
Khi những tia sáng đầu tiên trong ngày lóe lên, khí lạnh từ trong đá bốc ra tạo thành những đám mây lơ lửng dưới chân ta giống như đang ở chốn thiên đình, lúc này các bạn nữ học sinh Hải Long mà làm tiên nữ múa hát thì không thể tưởng tượng nỗi đẹp đến mức độ nào. Nếu thế, tôi đề cử anh Liễu đóng vai Ngọc Hoàng, còn ai làm Hoàng Hậu, Hằng Nga và các thiên tướng khác nhờ các bạn phân vai dùm (mời Thùy cùng tham gia).
Chùa Cú còn nhiều chi tiết rất hay trong từng gian thờ, từng pho tượng, từng cái am; nhiều thắng cảnh đẹp và nhiều điều huyền bí, nhiều bí mật tôi không viết hết ra đây, chờ các bạn đến chiêm ngưỡng và khám phá; Ta tạm biệt ở đây thôi. Lần này “hạ san” cũng theo kiểu Tề thiên “đằng vân” về cho nhanh, vào ca-bin của cáp treo thích thú ngắm nhìn những ngọn cây trôi qua dưới chân và để biết thế nào là “lơ lửng trên chín tầng mây”, chỉ cần 7 phút, có mặt tại chân núi, vào nhà hàng thủy tạ cáp treo, làm mấy món cho biết ẩm thực ở xứ này, cũng chẳng có gì đặc biệt ngoài món thịt gà nấu lá giang, nhưng không thể nào ngon bằng gà lá giang bạn Thanh Vân nấu tại nhà Lành chiêu đãi bạn Trần Vĩnh Lại và các bạn vừa rồi. Phải chi có món thịt Dông băm nhỏ xào lăn xúc với bánh tráng nướng thật vàng, nhai dòn tang mà có lần anh Hữu Khánh chiêu đãi tôi tại nhà hàng Gềnh Mũi Né thì tuyệt biết mấy.
(Mời các bạn xem tiếp hồi cuối: Đến nhà Lành vào kỳ tới)
Đình Nhân nhá !
Trả lờiXóaDám đề cử Liễu làm Ngọc Hoàng nhé vậy thì :
Ngọc Hoàng đã xem rất kỉ bài diễn giãi phần 4 sẽ phán đây :tất cã thiện nam tín nử Đã băng rừng vượt ãi qua muôn vàn khó khăn gian khổ mới lên được tới "Tây Phương cực Lạc" không chịu xám hối tội lổi để Phật Tổ Như Lai cho chép kinh phật vào USB mang kinh về phổ biến vào BLOG cho "nhân loại"(CỰU HỌC SINH HL PBC)đễ ăn hiền ở lành có tâm sám hối lại dám cả gan bày trò gian dồi như sau :"một diệu kế được hình thành, người cho mượn cái cặp vào Chùa báo là có đoàn cán bộ Ủy ban hành chánh Quận lên thăm Chùa, còn chúng tôi chỉnh đốn “xiêm y”, mặt mày cố tươi tỉnh lên, tôi được phân công xách cái cặp y như là cán bộ thật. Chúng tôi được mời vào Chính Điện, tiếp đón ân cần, ăn một bữa cơm chay thỏa thích, sau đó nháy với nhau vội vàng cáo từ xuống núi ngay vì sợ bị phát hiện. Trên đường về mỗi người một câu cười quên cả mệt nhọc." đây là một tội không thể tha thứ :
Nhân danh Ngọc Hoàng sai Thần Tiên xuống trần gian bắt hết số người đói bụng làm liều,về Mũi Né phạt cho một chầu "món thịt Dông băm nhỏ xào lăn xúc với bánh tráng nướng" HIIII HIIIII
(bài viết hay lắm chúc gia đình Nhân hạnh phúc nhé).
Văn Liễu .
Khi những tia sáng đầu tiên trong ngày lóe lên, khí lạnh từ trong đá bốc ra tạo thành những đám mây lơ lửng dưới chân ta giống như đang ở chốn thiên đình, lúc này các bạn nữ học sinh Hải Long mà làm tiên nữ múa hát thì không thể tưởng tượng nỗi đẹp đến mức độ nào.
Trả lờiXóaCác tiên nữ Hải Long bây giờ tuổi đã quá ngũ tuần thì phải gọi là tiên bà . Các tiên bà chỉ nên hát thôi, các tiên bà mà múa thì các tiên ông xỉu mất anh Nhân ơi .... hihihi :P