Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

TƯ MƯỚN LÊN ĐỜI (tiếp theo và hết)

Sáng mùng một tết, nhà Tư mướn ồn ào tấp nập như ngày hội, khách khứa vào ra nườm nượp mà hồi nào đến giờ đây là lần đầu tiên nhà Tư mướn đông đến thế; có cả ông làng, ông xã, ông xóm, ông thôn đầy đủ; sau khi chúc tết như phong tục tập quán còn có cả bài diễn văn phát huy Tư mướn đã “vượt khó, thoát nghèo, tiến lên làm giàu”; tiếng vỗ tay rôm rốp. Tư mướn sướng hết chỗ nói, khui chai rượu tây mời mọi người, còn vợ Tư mướn vui quá xá cười toe toét lòi cả mấy cái răng vàng mới bịt hôm tháng chạp, bây giờ chị mới thấy chồng mình nói đúng, nếu không có chai rượu tây lấy gì mà đãi khách đặc biệt này. Những ngày kế tiếp, khách khứa tiệc tùng liên miên, nhậu nhẹt tưng bừng thâu đêm suốt sáng, dàn karaoke phát hết công suất, hoạt động “hai bốn trên hai bốn” phục vụ các danh ca đang "hăng" nhờ rượu bia làm tưng bừng cả xóm, thế mới đúng là không khí xuân chứ! Thế mới đúng là Tư mướn đã “lên đời” rồi chứ!

Rồi thì cái “thời oanh liệt” kia nhanh chóng qua đi, sau những ngày tết huy hoàng hoành tráng, trở lại cuộc sống thường ngày, tiền trong nhà cạn kiệt mà chẳng thấy cái ông dự án du lịch đâu cả; nợ Ngân hàng quá hạn giấy báo liên tục gởi về; nợ mụ Chín ù mấy tháng nay chưa trả tiền lời gặp đâu mụ ấy chí chóe đó, rồi thì tiền điện, tiền nước, tiền gaz…Tư mướn lo quýnh lên ăn ngủ không yên, người gầy rộc hẳn đi, đôi má tóp rọp, mắt thâm quầng sâu hoắm, tóc bạc trắng. Vợ chồng con cái lại tiếp tục đi làm mướn; kẻ xấu bụng thì mỉa mai –Anh chị Tư bây giờ thành ông chủ, bà chủ rồi; tụi tui làm gì dám mướn, có khi tụi tui đi làm mướn lại cho anh chị thì có. Người tốt bụng thương cho cái hoàn cảnh trớ trêu của Tư mướn chỉ biết lắc đầu, thở dài. Bà Hai Đại thì dăm bữa nửa tháng xách tới cho mấy lon gạo của ít lòng nhiều. Tư mướn chẳng còn biết đường nào mà tính, lại phải đi gặp Bảy cò lần nữa thôi Tư mướn nghĩ thế rồi khăn gói qua nhà Bảy cò
-Bảy cò, sao đến giờ này chưa thấy cái ông dự án du lịch đâu cả hà mày?
-Tui nghe nói (cũng là nghe nói) đó là dự án treo nên bị hủy rồi, nhưng mà ít năm nữa thế nào cũng có người tới làm dự án du lịch, anh Tư cứ chờ đi.
-Làm sao mà chờ với đợi được nữa, hay là mày môi giới bán dùm tao, huê hồng bao nhiêu cũng được.
-Miếng rẫy đó không làm du lịch thì biết mua để làm gì.

Tư mướn thiu thỉu ra về mà lòng rối như tơ vò không biết đường nào mà gỡ, treo bảng bán nhà cũng chẳng thấy ai đến mua, mụ Chín ù thì ngày càng làm dữ, nhiều hôm Tư mướn trốn biệt trên rẫy mãi tới tối om mới dám mò về nhưng đâu thoát khỏi tay mụ, mờ sáng chưa tỏ mặt người đã đến đầu ngõ chưỡi la lá. Rồi thì xe honda, bàn, ghế, tủ, giường, ti vi, đầu máy, bếp gaz, tủ lạnh …lần lượt bị mụ Chín ù siết nợ hết; mua mười mụ chỉ tính hai, ba cũng phải ngậm đắng nuốt cay mà chịu. Bây giờ ban đêm nhà Tư mướn không dám bật đèn tối đen như mực, còn vợ Tư mướn tranh tối tranh sáng ngồi bên 3 cục đá thổi cơm cho mấy đứa nhỏ. Thế là Tư mướn “mèo lại hoàn mèo”, mà mèo bây giờ còm nhom gánh thêm cả khối nợ nặng trình trịch. Mỗi lần có ba chén rượu vào lại lè nhè chưởi đổng một câu triết lý không biết nghe được ở đâu “cha nó chớ, đời là thế đó”.

Đoạn kết: Nghe nói một thời gian sau, có người bạn Việt kiều thời khố rách áo ôm với Tư mướn về thăm quê hương tìm bạn bè, thấu hiểu hoàn cảnh “lên đời” của Tư mướn nên mua lại căn nhà đồ sộ kia nhưng vẫn để vợ chồng con cái Tư mướn tiếp tục ở, chừng nào làm ăn khá giả rồi tính. Tư mướn lấy số tiền đó trả nợ Ngân hàng, trả nợ mụ Chín ù, chuộc lại tài sản bị siết nợ. Người bạn tốt bụng kia còn giúp vốn mở quán ăn giá bình dân phục vụ mọi tầng lớp, khách du lịch sang trọng cũng được, khách tại chỗ lai rai cá khô rượu đế cũng xong. Bây giờ Tư mướn mới thực sự thoát kiếp làm mướn, trở thành ông chủ nhưng là chủ quán.

Chiều chiều nếu ai đi ngang qua quán Tư mướn sẽ thấy ông chủ quán ngồi rung đùi lai rai với mấy người bạn hàng xóm, lúc nào cũng thế, khi rượu vào đã rồi đều “phát biểu” duy nhất một câu cũng là triết lý “đời người nay lên voi mai xuống chó chẳng biết đâu mà lường, thôi thì lên đời được lúc nào hay lúc đó”./.

PĐN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét