Chủ Nhật, 6 tháng 2, 2011

Việt hóa những tình khúc Pháp thành nhạc Xuân

01-02-2011 14:36
Việt hóa những tình khúc Pháp thành nhạc Xuân
Ảnh minh hoạ: internet

Chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến Tết. Đã là người Việt, cho dù ở chân mây góc bể nào, cho dù bận rộn đến đâu, thì vào dịp năm hết Tết đến, ai nấy trong lòng đều cảm thấy xốn xang, hối hả, mong mỏi thời khắc tiễn đưa năm cũ để đón chào năm mới tới…. Và thế là một lần nữa, Xuân lại về.

Thông lệ, theo lịch tây phương, cuối tháng giêng đầu tháng hai, vẫn là thời khắc nằm trong ranh giới của những ngày Đông chí. Sau đợt tuyết rơi một cách tùy hứng và “đỏng đảnh” trước lễ giáng sinh, Ôi ! quy luật của thiên nhiên, tuy lãng mạn nhưng cũng gây không ít xáo trộn cho đời sống sinh hoạt của người dân thủ đô Paris, thì tiết trời cỏ vẻ như ấm dần trở lại, thậm chí còn ấm hơn nhiệt độ trung bình hàng năm.

Ấy vậy mà từ vài ngày nay, bầu trời Paris bỗng dần xe lạnh, cái lạnh không quá tái tê, đơn độc, mà nó đủ nhè nhẹ lâng lâng, rộn ràng, hoài cảm, khiến lòng người bỗng mơ tưởng đến một tiết xuân, một trời xuân ấm áp của xứ sở bên kia biển Thái Bình Dương, Việt Nam xa xôi.

Phải rồi, chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến Tết. Đã là người Việt, cho dù ở chân mây góc bể nào, cho dù bận rộn đến đâu, thì vào dịp năm hết Tết đến, ai ấy trong lòng đều cảm thấy xốn xang, hối hả, mong mỏi thời khắc tiễn đưa năm cũ để đón chào năm mới tới…. Và thế là Xuân đã về.

Xuân là vậy đó! Rất ngây thơ, trong sáng, giản dị nhưng lại sâu xa lắng đọng! Không hiểu từ bao giờ mà lòng người lại hướng về mùa Xuân, y như cách thức vận hành theo quy luật của thiên nhiên một cách hiền ngoan đến vậy ? Phải chăng sau một mùa đông tuyết lạnh, người ta cần một khoảnh khắc nào đó để xua đi những trầm khuất trong tâm hồn mình, làm tan đi những giá băng, những ưu phiền mệt nhọc trong cuộc sống, và Xuân có thể đem lại cho con người ta niềm hy vọng ấy. Hay Xuân chỉ đơn thuần là mùa đầu tiên trong bốn mùa của một năm….

Xuân đang về với trời đất, với con người. Thoang thoảng đâu đây, dường như ta nghe thấy những khúc ca xuân rất gần và rộn rã. Những giai điệu nồng nàn của mùa Xuân, của cỏ cây hoa lá, với cánh bướm tung tăng, và gió xuân la đà…Những giai điệu vượt thời gian ấy đã gieo vào lòng ta những cảm xúc đậm đà, vui nhộn, lắng đọng của mùa Xuân, và trong chuyên mục tuần này, mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu một vài chi tiết thú vị về những bản tình ca Pháp được Việt hóa thành ca khúc nhạc Xuân.

“Cánh Bướm Vườn Xuân”

“Cánh Bướm Vườn Xuân” một nhạc phẩm quen thuộc của Pháp, được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt từ giai điệu của bản “Cerisier rose et Pommier blanc” – tạm dịch “Đào hồng Táo trắng”, mà quí vị và các bạn vừa nghe qua giọng hát của Nguyễn Hồng Nhung, một nữ ca sĩ trưởng thành từ cuộc thi Sao Mai – Điểm hẹn trong nước năm 2004, nơi mà Nguyễn Hồng Nhung đã tạo được một khuôn mặt khá ấn tượng, để rồi giúp cô mở ra những cách cửa rộng hơn lớn trong âm nhạc, khi cuối năm 2005, cô đã sang bên Hoa Kỳ định cư và chính thức tham gia các hoạt động âm nhạc tại làng ca nhạc hải ngoại.

Quay trở lại với nhạc bản “Cerisier rose et Pommier blanc” thì nó được tác giả Louiguy viết nhạc và Jacques Larue đặt lời . Nội dung của bài hát xoay quanh những kỷ niệm ngập tràn hồn nhiên cháy bỏng của một tình yêu đôi lứa, từ thủa niên thiếu chơi trò nhẩy cò quanh gốc cây Đào hồng Táo trắng, khi cậu con trai vừa mới biết tiếng yêu đầu đời, và cô gái thì vô tư bẽn lẽn một mối tình trong sáng, cho đến khi họ thành đôi thành lứa sống hạnh phúc bên nhau mỗi độ Xuân về, một câu chuyện có bắt đầu nhưng không có hồi kết, bởi đối với họ hạnh phúc là vô tận.

“Cerisier rose et Pommier blanc” được Louiguy viết vào khoảng những năm 1950 của thế kỷ trước, theo điệu nhạc “bal-musette” uyển chuyển dập dìu. Người yêu nhạc Việt Nam hẳn không thể nào quên nhạc phẩm bất hủ “La vie en rose” (tạm dịch – Đời hồng), luôn gắn liền với tên tuổi của nữ danh ca huyền thoại Pháp Édith Piaf, và không ai khác Louiguy cũng chính là tác giả của “La vie en rose”.

Riêng đối với nhạc bản “Cerisier rose et Pommier blanc” thì nó đã được nam ca sĩ André Claveau chọn hát và thể hiện rất thành công, với chất giọng khoan thai, trầm ấm biểu cảm, in đậm trong tâm trí của người yêu nhạc Pháp cho đến tận ngày nay. André Claveau cũng là một trong số những nam ca sĩ đã vinh dự đem về cho nước Pháp giải thưởng cuộc thi Eurovision (Tiếng Hát Truyền Hình Châu Âu) vào năm 1958 qua nhạc phẩm “Dors mon amour” (tạm dịch – Ngủ ngon nhé tình ơi).

Về phần mình, nhạc sĩ Phạm Duy chỉ vận dụng một chút “không khí Xuân” của bài hát gốc, ông đã không ngần ngại đặt hẳn lời Việt mới cho ca khúc “Cerisier rose et Pommier blanc” và lấy tựa đề là “Cánh Bướm Vườn Xuân”. Chi tiết đặc biệt ở đây là Phạm Duy đã chuyển hẳn ca khúc gốc sang điệu Chacha vui nhộn, khiến rất phù hợp với sở thích nghe nhạc của người Việt.

“Cerisier rose et Pommier blanc”

Tương tự như nhạc phẩm “Đào hồng Táo trắng” (Cerisier rose et Pommier blanc), ca khúc “Xuân yêu thương” một ca khúc nhạc xuân vui nhộn cũng có xuất xứ từ một bản nhạc Pháp. Hiện tại chúng tôi vẫn chưa có đầy đủ tư liệu để giới thiệu với thính giả của RFI về tác giả phần lời việt của ca khúc này. Tuy nhiên lời của bài hát đã trở nên sinh động và quen thuộc đến nỗi có rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tưởng rằng “Xuân yêu thương” là một ca khúc thuần Việt. Âu đó cũng là một thành công đáng ghi nhận từ phía tác giả đặt lời Việt cho nhạc bản.

“Xuân yêu thương” luôn từng gắn bó với tên tuổi của nữ ca sĩ Kiều Nga. Trong thập niên 80, Thanh Lan cũng có nhiều dịp thể hiện ca khúc này trên sân khấu ca nhạc Tết của một số đài truyền hình trong nước. Gần đây, ca sĩ Thu Minh đã thể hiện lại “Xuân yêu thương” với lối hòa âm phối khí trẻ trung và tưng bừng hơn.

“Xuân yêu thương”

Về phần ca khúc gốc của “Xuân yêu thương” thì đó chính là nhạc phẩm “T’as le look coco”, do Laroche Valmont sáng tác vào khoảng năm 1984 và đồng thời kiêm luôn phần ca sĩ thể hiện. Phần lời của bài hát được tác giả xen kẽ rất nhiều tiếng “lóng” mà dân chơi thành thị Paris rất ưa dùng vào thời điểm ấy. Nội dung có phần hơi châm biếm đả kích thành phần dân thị thành đua đòi ăn chơi, hình thức hào nhoáng bóng bẩy nhưng chẳng có một xu dính túi. Nhạc phẩm “T’as le look coco” đã đem lại cho Laroche Valmont giải Đĩa Vàng của năm (1984), mặc dù nó đã bị không ít các nhà sản xuất băng đĩa thời điểm đó từ chối phát hành.

Một điều đáng nghi nhận trong clip-video của “T’as le look coco” khi được quảng bá rộng rãi trên các đài truyền hình của Pháp thời điểm giữa những năm 80, là lần đầu tiên người ta thấy Laroche Valmont đưa các nhóm nhảy Break Dance vào biểu diễn chung với mình, và có thể xem như đó là một trong số những yếu tố tiền thân cho phong trào nhảy Hip Hop tại Pháp sau này.

Vào những năm 90, những con tim yêu nhạc Việt Nam lại một lần nữa thổn thức qua một ca khúc đằm thắm mang tựa đề “Lạc mất mùa xuân”, một bản nhạc Pháp trữ tình do nhạc sĩ Lữ Liên đặt lời Việt, qua sự thể hiện của Tuấn Ngọc.

“Lc mt mùa xuân”

Tuy mùa xuân nơi đây chỉ được nhạc sĩ Lữ Liên thoáng nhắc tới, và không phải là chủ đề chính của ca khúc (mặc dù tiêu đề ông đặt cho bài hát cũng có chữ Mùa Xuân). Người nghe hoàn toàn có thể cảm nhận được thông điệp ông mượn hình ảnh “lạc mất mùa xuân” để nói nên nỗi lòng lạc mất em. Nhạc sĩ Lữ Liên đã hoàn toàn chinh phục được người yêu nhạc khi ông khoác cho ca khúc gốc của Pháp một bộ trang phục mới, vốn dĩ có nội dung miêu tả về một chàng trai hào hiệp, luôn sẵn lòng hy sinh cho tình yêu cao cả, đặc biệt cho người mình yêu, bằng một mối tình mãnh liệt, mà vì nàng, anh có thể ra tay diệt trừ quỷ dữ, dời non lấp biển, thế nhưng đứng trước nàng, anh chỉ là một sinh linh nhỏ bé, một anh chàng khổng lồ thật đấy, nhưng chỉ là bằng giấy (Le géant de papier).

Sau ca sĩ Tuấn Ngọc, nhạc phẩm “Lạc mất mùa xuân” còn được nhiều giọng ca nam khác thể hiện với nhiều góc độ khác nhau, như phiên bản của Đàm Vĩnh Hưng vào giữa những năm 2000, và gần đây nhất là phần trình bày rất thành công của ca sĩ Bằng Kiều trên sân khấu Thúy Nga Paris by night, khiến cho ca khúc càng tăng thêm sức hồi sinh trong lòng công chúng.

Còn bây giờ để khép lại chuyên mục chủ để nhạc xuân tuần này, mời quí vị và các bạn cùng thưởng thức nguyên bản tiếng Pháp của nhạc phẩm “Lạc mất mùa xuân”, với tựa đề gốc là “Le géant de papier” (tạm dịch : Chàng khổng lồ bằng giấy), do nam ca sĩ gốc miền nam nước Pháp (Toulouse) Jean-Jacques Lafon thể hiện, và chính anh cũng đồng thời là tác giả của ca khúc kể trên, mà đến nay khi có dịp vang lên, nó vẫn còn khiến hàng triệu con tim yêu của nước Pháp luôn phải thổn thức.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét