Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Chuyện xóm tôi

ĐỢI CHỜ
Cái tin “động trời” vợ anh T bỏ nhà theo trai làm xôn xao, náo động cả xóm vốn êm đềm, hiền hòa, quanh năm suốt tháng chỉ biết vui vầy với ruộng đồng cây trái. Mấy hôm rày, suốt ngày trời mưa tầm tả, công việc nhàn rỗi, cũng là dịp cho mấy chị phụ nữ tụm lại bàn tán, mỗi người thêm một chút làm câu chuyện ngày càng dài ra, ly kỳ, hấp dẫn…

Sinh ra và lớn lên ở một làng chài vừa làm biển vừa làm rẫy; cũng như bao chị em bình thường khác, chị lập gia đình. Trong một lần ra khơi gặp bão tố, chồng chị vĩnh viễn không bao giờ còn trở về. Một mình tần tảo nuôi 3 con nhỏ. Khi thì người ta gặp mẹ con chị hàng tuần lễ ở trên nương rẫy chặt củi, đốt than. Khi thì người ta gặp chị ngày ngày kĩu kịt gánh đậu hủ nặng trĩu trên vai đi khắp làng trên xóm dưới và dọc theo các quán ăn ven biển. Tuy đầu tắt mặt tối nhưng cũng chỉ bữa đói bữa no. Những đứa trẻ gầy gò, ốm yếu, đen thui vì nắng gió và vì thiếu ăn, còn chị ngày một xanh xao, vàng vọt, bơ phờ…

Người họ hàng xa giới thiệu chị cho anh T, một người đàn ông hơn chị trên 10 tuổi, chưa vợ con, sống một mình. Thương cho cuộc sống mẹ con chị và đồng cảm trong cảnh nghèo như nhau, anh T đồng ý. Họ đến với nhau chẳng tiệc tùng ầm ỷ chỉ bằng vài mâm cơm cúng ông bà và mời mấy nhà hàng xóm lân cận đến chứng kiến chung vui. Ngày thành hôn, anh lúng túng trong bộ quần áo mới, đi đứng mất tự nhiên, ai bảo sao làm vậy bởi quanh năm chỉ quen với bộ đồ lao động cuốc xới vườn tược và đi làm mướn. Sau khi khách khứa ra về, người ta thấy anh cởi phăng chiếc áo, mặc quần đùi ngồi chồm hổm sau cửa bếp với tô bún trên tay cho thoải mái, khỏi nực nội, bực bội vì cả buổi đi tới đi lui lo cho khách chưa kịp ăn…

Từ ngày mẹ con chị đùm túm xa rời vùng biển lên vùng quê, căn nhà tôn vách đất của anh bấy lâu nay im lìm buồn tẻ sôi động hẳn lên, tiếng trẻ thơ nô đùa, tiếng i a học bài làm anh thấy vui; nhà có người phụ nữ coi ngó, dọn dẹp, bếp núc hàng ngày, anh cảm thấy an tâm và ấm cúng. Năm sau, chị sanh cho anh một cháu gái xinh đẹp, dễ thương, có người còn bảo “giống cha như đúc”…

Những đứa trẻ bắt đầu lớn, nhu cầu chi tiêu cho ăn uống sinh hoạt trong gia đình ngày càng nhiều, hai vợ chồng từ mờ sáng đã cùng nhau trên chiếc xe đạp đi làm mướn dài hạn cho một chủ vườn trồng thanh long cách nhà gần một cây số, sau giờ làm anh còn tranh thủ chăm sóc vườn tược mới đủ tiền trang trải cho cuộc sống.

Mấy ngày nay trời trở gió, nóng bức, báo hiệu mùa mưa gần kề; ngôi nhà tôn vách đất cũ kỹ, ọp ẹp, xiêu vẹo, dột nát của anh không biết có chống chỏi nỗi với mùa mưa bão năm nay không; anh nghĩ mà thương cho mấy đứa nhỏ, lấy gì mà che nắng mưa cho chúng nó. Biết chuyện, người chủ vườn cho vợ chồng anh mượn tiền cất nhà, tuy không được rộng rãi lắm nhưng cũng được xây bằng gạch, lợp tôn, nền lót gạch men, tạm đủ cho 6 người trong gia đình trú nắng che mưa. Hai vợ chồng cần mẫn, chăm chỉ đi làm mướn quanh năm suốt tháng nhưng cũng không thể nào dư tiền trả cho chủ. Anh quyết định bán bớt mấy sào đất vườn do cha mẹ để lại để trả cho chủ, còn dư chút ít đầu tư trồng thanh long trên khoảnh đất còn lại.

Kể từ hôm ấy, anh chuyển sang làm mướn cho một vườn thanh long khác sát nhà, ngoài giờ làm anh tranh thủ không kể sớm khuya mưa nắng chăm sóc vườn thanh long long nhà mình, còn chị đi làm công cho một công ty chuyên mua và xuất khẩu thanh long có tiếng trong vùng. Thời gian thắm thoát qua đi, những đứa con riêng của chị cũng đã lớn, đứa nhỏ nhất cũng đã mười lăm mười sáu tuổi, chúng ra đi mỗi đứa một nơi tự làm ăn nuôi sống bản thân. Lâu thật lâu, có khi hàng mấy tháng trời mới thấy chúng về, nhưng cũng chỉ một lát rồi đi liền, cũng có khi kéo cả đám bạn bè về bắt gà vịt làm thịt nhậu nhẹt, say sưa; có đứa trở về quê nội rồi ở hẳn ngoài đó. Nhà chỉ còn 2 vợ chồng và đứa con gái chung của anh chị, nay cũng đã tám, chín tuổi. Ngày ngày chị vẫn đi làm ở công ty, anh vẫn đi làm mướn và chăm sóc vườn nhà.

Những lứa thanh long đầu tiên cho thu hoạch, nhà bắt đầu có dư chút ít, chị thì ngày một trắng trẻo, hồng hào, đầy đặn. Ra đường cũng son phấn, quần này áo kia theo thời trang; còn anh thì cũng chỉ bộ đồ lao động, gầy gò, đen nhẹm vì nắng mưa vườn tược. Tuy vậy nhưng rất mực thương vợ thương con, chỉ biết làm mà không hề nghĩ đến thứ gì riêng cho mình.

Thời gian gần đây, chị thường đi làm sớm, về trễ và quan hệ hơn mức bình thường với một người đàn ông đã có vợ con cùng làm chung nhỏ tuổi hơn chị; người ta thường thấy hai người chở nhau đi, tiếng xì xầm bàn tán râm ran trong công ty; nghi ngờ chị ngoại tình, mấy chị em hàng xóm gần nhà anh cùng làm chung công ty quyết bắt quả tang cho được để chị không còn chối cải, bỏ cái thói lẳng lơ, ong bướm, trăng hoa kia đi.

Tối nay mấy chị em ra khỏi công ty sớm hơn bình thường, núp sau những lùm cây ven đường để rình, họ bắt quả tang chị ngồi sau xe Honda anh đó chở đi mãi tới khuya mới về, còn đi đâu làm gì thì chẳng ai biết. Ở vùng nông thôn, chỉ cần có thế là đủ chứng minh chị không minh bạch, không chung thủy rồi. Đến tai anh, vốn tính tình thật thà, hiền lành anh không tin, cứ nghĩ họ ghét bỏ vợ anh nên đặt điều nói bậy, mãi tới mấy hôm sau, đi làm về, nghe đứa con gái nói mẹ xếp quần áo và nói là đi Sài Gòn lúc đó anh mới chưng hửng. Tiền bạc trong nhà cũng lấy đi sạch, người hàng xóm phải cho cha con mượn mấy ký gạo ăn đỡ chờ bán thanh long.

Biết chuyện, những người hàng xóm tốt bụng chỉ biết thương cho anh, lắc đầu, thở dài; còn những người nóng tính hơn thì bảo loại người vô ơn, bội bạc đó thì bỏ quách đi cho rồi, thương tiếc làm gì…Gần như cả cuộc đời anh không hề nghĩ đến bản thân mình, chỉ biết làm để cưu mang, bao bọc, chở che cho mẹ con chị. Khi đủ lông đủ cánh chúng biền biệt không hề nhớ đến anh, còn lại chị, cũng bỏ anh mà đi mất, càng nghĩ anh càng thấy tủi thân rươm rướm nước mắt và thương cho đứa con nhỏ không có mẹ…

Đã hơn một tháng rồi, chiều chiều bên mâm cơm trước hiên nhà, anh thẩn thờ đăm chiêu nhìn xa xăm mãi tận cuối con đường như chờ đợi hình bóng chị trở về, bên cạnh đứa con gái bé bỏng chờ cha ăn xong để bới chén cơm khác./.

1 nhận xét:

  1. Hồi nào Em bủng, Em beo
    Tay bưng chén Thuốc lại đèo múi Chanh
    Ngày nay Em tốt,Em lành
    Em say duyên mới ,Em đành phụ Tôi

    Trả lờiXóa