Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Bài học từ một đứa trẻ


Cho tới giờ phút này, đất nước Nhật Bản vẫn đang chìm trong những dư chấn và những đe dọa của hiểm họa hạt nhân. Nhưng điều quan trọng nhất mà thế giới chợt nhận ra là có một Nhật Bản thật kiên cường giữa tai biến, tang thương. Điều gì phía sau bí ẩn đó của xứ sở Phù tang?
Tuổi Trẻ mời bạn lắng nghe những câu chuyện từ trong lòng nước Nhật. Đầu tiên là chuyện của một cảnh sát gốc Việt đã sống ở đất nước này hơn 50 năm.
TT - Trong ngày hôm nay 17-3, nếu không đưa hết người ra khỏi khu vực này thì nguy quá. Trong thư gửi cho Tuổi Trẻ, anh Hà Minh Thành, một cảnh sát người Nhật gốc Việt, tỏ ra lo lắng cho số phận những tu nghiệp sinh VN được cho là vẫn còn quanh khu vực gần Nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 và thành phố Sendai.
Anh Thành là cảnh sát tỉnh Saitama nhưng được điều động đặc biệt xuống hỗ trợ tỉnh Fukushima. Khu vực anh đang làm việc chỉ cách Nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 khoảng 25km.
“Ngày tận thế”
Vừa mới hết phiên trực xong. Mệt rã rời. Hôm nay tôi vừa tìm được một em nữa tên là Dương Thị Thanh Thảo, du học sinh VN tại tỉnh Fukushima, và gửi em lên đường di tản sang tỉnh khác với một gia đình người Nhật. Thảo đã rời khỏi khu vực phóng xạ nguy hiểm ở Fukushima.
Sự cố nhà máy điện nguyên tử chắc đã bắt đầu vào mức độ nguy hiểm, hi vọng toàn bộ người VN còn sống sót ở vùng Fukushima và Sendai được sơ tán sớm trong ngày hôm nay. Các nước Indonesia, Singapore đã thuê trực thăng tư nhân từ Tokyo xuống đưa hết người của họ đi. Riêng Mỹ dùng luôn trực thăng quân sự bốc người ra tàu sân bay Hạm đội 7, như trường hợp kỹ sư Mỹ gốc Việt tên Toàn được cứu mà chúng tôi đã thông tin.
Tôi đang cố gắng hết sức tìm hết số người còn lại. Theo thông tin cảnh sát có được, trong số người sống sót có báo cáo cho cảnh sát, không có tên của người Việt nào.
Chính bản thân tôi không nghĩ rằng trận động đất này kinh hoàng đến như vậy. Toàn bộ đường lên Fukushima bị đóng cửa và hư hại nên chúng tôi được đưa đến thành phố Sendai, thủ phủ của tỉnh Miyagi, bằng trực thăng, rồi sau đó mới xuống Fukushima bằng đường bộ. Từ chỗ đáp trực thăng trên nóc sở cảnh sát tôi chỉ có thể nói là kinh hoàng, phải dùng đến từ “ngày tận thế của Nhật” mới diễn tả được.
Thành phố Sendai kể như tan nát, ngoại trừ Đại học Tohoku do nằm trên núi nên không hư hại gì. Giao thông của thành phố hỗn loạn vì bị cắt điện, nhưng người Nhật ý thức nhường nhịn tốt nên chưa có tai nạn nào đáng tiếc xảy ra dù không có đèn tín hiệu giao thông và cảnh sát hướng dẫn.
Ở Fukushima tình hình rất tồi tệ, người chết không đếm xuể. Cảnh sát phải trực 20 giờ/ngày. Lương thực và nước sạch gần như không đủ. Chính phủ đang lập cầu không vận để đưa thực phẩm lên cứu trợ vùng này. Hi vọng tình hình Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 không trở nên tồi tệ hơn.
Việc cứu người rồi đưa về Tokyo bằng đường bộ rất khó khăn. Từ khu vực Fukushima và Sendai về Tokyo hiện nay chỉ có quốc lộ số 4 là thông suốt. Tuy nhiên, nếu lái xe đi thì hơi mạo hiểm vì hiện tại tình trạng kẹt xe rất lộn xộn, tốc độ di chuyển khoảng 3-4km/giờ. Với cự ly 260km thì xăng không đủ để chạy xe. Toàn bộ các cây xăng trong khu vực này đều đã đóng cửa do hết xăng hoặc không có điện để bán. Người ta vứt xe dọc đường rất nhiều do hết xăng.
Nhà máy điện hạt nhân đã ở trong tình trạng nguy hiểm trầm trọng rồi. Cảnh sát chúng tôi từ sáng đến giờ được phát khẩu trang loại dày và áo nilông để bảo vệ. Chúng tôi đang công tác trong phạm vi 25km tính từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.
Người dân Nhật xếp hàng chờ kiểm tra phóng xạ - Ảnh: Reuters
Cậu bé và gói lương khô
Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho người bị nạn. Trong số những người rồng rắn xếp hàng có một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà cậu lại xếp hàng cuối cùng, sợ đến phiên của em thì chắc chẳng còn thức ăn, tôi lại hỏi thăm.
Cậu bé kể đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần xảy ra, cha của cậu làm việc gần đó chạy đến trường. Từ bancông lầu 3 của trường cậu nhìn thấy chiếc xe và người cha bị nước cuốn trôi. Chắc chắn ông đã chết rồi. Hỏi mẹ đâu, cậu bé nói nhà nằm ngay bờ biển, mẹ và em của mình chắc cũng không chạy kịp.
Cậu quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến người thân. Nhìn thấy cậu bị lạnh, tôi cởi áo khoác cảnh sát trùm lên người. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài. Tôi nhặt lên đưa cho bé và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói”.
Đứa bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tưởng cậu sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem đặt vào đó? Bé trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ”.
Đến lúc này tôi phải vội quay mặt đi chỗ khác khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hi sinh.
Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hi sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này đang ở vào những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hi sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
HÀ MINH THÀNH - LÊ NGUYÊN MINH (ghi)


1 nhận xét:

  1. Thật khâm phục.

    Câu chuyện của Em Bé này đáng để ghi vào tập sách "TÂM HỒN CAO THƯỢNG". Xứng đáng là bài học trong các trường học.

    Chúng ta cùng nguyện cầu cho người dân Nhật.

    Trả lờiXóa