Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

"VÔ TƯ"


Nhiều cảnh nhà thoạt nhìn rất ÊM ẤM, con cái học hành đến nơi đến chốn, có công ăn việc làm ổn định. Thế nhưng HẠNH PHÚC nào cũng có mặt trái của nó, mỗi nhà mỗi khác. Nhưng câu chuyện dưới đây không phải là cảnh gia môn bất hạnh, bởi mọi thành viên trong nhà đều thành đạt và mãn nguyện. Đây chỉ là câu chuyện về những đứa con “VÔ TƯ”, mà thời nào cũng vậy, hễ MŨI “VÔ TƯ” thì trước hết vẫn là LÁI chịu đòn .

CON GÁI
T. là con gái lớn trong gia đình ba chị em. T. có ba bằng đại học và vẫn đang học MBA. Thời gian đi học, đi làm, thời gian cho các mối quan hệ xã hội bên ngoài khiến T. chẳng “nhín” cho gia đình mình được chút mối quan tâm nào. Nhà đông người nên việc nhà không người này thì người khác làm, đến lúc, T. chẳng những không làm gì mà cả nhà còn phải “làm giùm” T. từ việc cơ quan đến việc cá nhân. Sáng, mẹ dậy sớm nấu nướng, xới cơm cho T. mang theo ăn trưa. Chiều về, cơm nước sẳn có,T. ăn vội vàng rồi đi, chẳng biết lúc nào là đi học, lúc nào là đi chơi. Chưa kể, không tuần nào không có chuyện T. cần đi ngân hàng gấp, đi nộp giấy tờ đột xuất, để quên hồ sơ ở nhà…khiến ông bố về hưu hay cậu út đang là sinh viên, cũng bị huy động chạy việc cho T.. Cuối tuần, nếu không có hẹn với bạn,T. dậy thật muộn, cập nhật facebook, blog, làm tiểu luận. Tóm lại, dù có mặt ở nhà hay không, đầu óc T. cũng…thường trú ngoài đường. Mẹ của T. nửa đùa nửa thật: “Cả nhà tôi làm việc không ăn lương cho cơ quan nó”. Cả nhà “cam chịu” cảnh làm việc không công này vì hể nói động đến T. xụ mặt, giận lẫy cả tuần.

CON TRAI
Là con trai duy nhất trong nhà,Q. dằn cho mẹ một khoản tiền lương nhất định mỗi tháng và xem như đã xong nghĩa vụ. Ngày mưa, cậu ăn đủ ba bữa. Ngày nắng, cậu đi suốt từ sang đến tối, chẳng cần biết nhà có đợi cơm hay không. Hỏi đến thì Q. trả lời là đối tác mời cơm đột xuất.
Đừng nói là phụ việc nhà,đến phòng riêng của Q., mẹ cậu còn phải dọn dẹp cho. Mà theo chị N., mẹ của Q., mỗi lần chị dọn phòng cho cậu quý tử, mẹ con lại hục hặc vì cậu không muốn bố mẹ vào phòng riêng. Riết rồi để nhà của êm thấm, chị chờ con đi làm rồi mới “lén lút”hút bụi chứ chẳng dám lau chùi, đụng chạm gì đến đồ đạt của con.
Thường là người cuối cùng về nhà nên Q. được giao việc khóa cửa buổi tối. Nhiều lần nửa đêm,bố mẹ Q. thức dậy, tá hỏa vì cửa nẻo vẫn mở toang hoang trong khi cậu quý tử đã leo lên phòng, đóng cửa, mở máy lạnh, say giấc từ lâu. Bị mắng thì Q. cười hì hì, thay đổi được vài tuần rồi đâu lại vào đấy.

CON CƯNG
Vô tư thì dễ thương nhưng vô tâm thì…thương không dễ nữa. Mà đôi khi, từ vô tâm đến nhẫn tâm chỉ cách một bước chân. Thói quen được bảo bọc từ nhỏ cộng với khả năng độc lập về kinh tế khi đã có sự nghiệp khiến nhiều bạn trẻ “vô tư” sử dụng tình cảm gia đình như một “nguồn tài nguyên” vô tận và sẵn có.
Nhìn sâu xa hơn, lối sống của con cái hôm nay là kết quả những gì trẻ được tiếp nhận từ thuở còn thơ. Cha mẹ đôi khi khuyến khích con phát triển lệch. Bạn thường hay vẽ cho con một tương lai đầy hứa hẹn nếu con học giỏi, đổ đạt cao, song bạn đã bao giờ dạy cho trẻ biết sống có trách nhiệm với bản thân và biết quan tâm đến những người xung quanh? Những phẩm chất ấy đều phải qua giáo dục mà có.
Từ nhỏ, bố mẹ nên phân công cho trẻ những công việc vừa sức và cụ thể. Ví dụ đến giờ cơm, bé phụ trách việc dọn mâm chén và mời cơm, mẹ rửa chén, bố dọn dẹp bàn ăn. Khi ủi quần áo, bạn nên nhờ bé phụ gấp đồ hoặc treo áo quần vào móc. Với trẻ lớn hơn, bạn có thể giao hẳn cho con một việc cụ thể như quét nhà mỗi ngày một lần. Ngay cả khi nhà có người giúp việc, con bạn vẫn phải tự giặt quần áo cá nhân, khi có phòng riêng cháu phải tự dọn dẹp phòng, chẳng hạn. Những thói quen muốn trở thành nếp sống cần phải được xây dựng dần dần năm này qua năm khác chứ không phải một vài tháng. Điều quan trọng là bố mẹ cần tế nhị theo dõi thái độ của trẻ với nhiệm vụ được giao để khuyến khích, đôn đốc hoặc điều chỉnh. Sẽ có những thời điểm con bạn “đình công”, đó chính là lúc bố mẹ cần phát hiện kịp thời để thỏa hiệp trong một mức độ nhất định mà vẫn duy trì được thói quen tốt ở trẻ.
Một triết gia lẫy lừng như Goethe, rốt cuộc, cũng nhận ra sự minh triết ở ngay trong chính gia đình: “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất”, mà sự an bình trong gia đình chỉ có được khi mọi thành viên đều vun vén cho nó./.

CANH MỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét