Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Muốn sang thì “bắt” cầu kiều.. !

(MC):
Nhập cuộc:
Ngồi nơi đây có cả thảy 5 người, thầy Cương, Lành (khoá 4), Tư Hào (khoá 4), tôi và anh Tân. Anh Tân là tài xế lái xe của cơ quan tôi, 58 tuổi, nhưng tinh thần còn rất trẻ. Bà xã của anh là giáo viên dạy môn văn, đã về hưu. Tôi phải dài dòng một tí về anh Tân, vì tuy anh không phải là học sinh trường trung học Hải long Mũi né, nhưng không hiểu vì sao với vài lần gặp gỡ, anh có tình cảm rất đặc biệt với chúng ta. Ngoài ra còn một lý do thú vị nữa về anh Tân, đoạn sau bài viết này tôi sẽ đề cập!
(ghi chú: do anh Tân đứng dậy chụp hình, nên trong hình không có anh ấy)
Sáng hôm ấy chúng tôi ghé vào thị trấn Liên Hương, tìm một quán cà phê nhâm nhi và nghe nhạc trữ tình. Kể ra thì cuộc đời như vậy là cũng sung sướng lắm rồi!
Nhưng anh Tư Hào đề nghị nên tìm chỗ nào đó để làm vài ve, trong lúc chờ đợi đoàn cô Hồng từ Phan Rang quay vào, thì cái sự sung sướng này sẽ hấp dẫn hơn. (bạn Chí Kỳ và chị Thuý Hoa đã có bài viết về đoàn từ thiện này, và đã đăng trên trang web cách đây không lâu). Chúng tôi đồng ý rất nhanh với ý kiến của anh Tư.
Muốn sang thì “bắt” cầu kiều:

(1) Muốn sang thì “bắt” cầu kiều.. !
(2) “Bắt” thang lên hỏi ông trời !
(3) “Bắt” nồi cơm lên bếp !
(4) “Bắt” thằng ăn trộm !
(5) Phương “Bắc” !
(6) “Bắt” chiếc cầu qua sông !
Trong cuộc đàm đạo, thầy Cương nêu lên mấy thí dụ, và nói từ trước đến giờ, thầy vẫn viết “bắt” cho các câu: bắt cầu kiều, bắt cái thang, bắt nồi cơm, v.v. và viết “bắc” trong chữ phương bắc.
Nhưng vừa rồi, người em của thầy, cũng là giáo viên, bảo rằng như thế là không đúng, chỉ có trường hợp “Bắt thằng ăn trộm” là đúng, các trường hợp còn lại, đều phải viết “bắc” !
Do phấn chấn sau khi đã làm vài ve, tôi khắng định rất nhanh, chỉ có “phương bắc” là viết “bắc”, các trường hợp còn lại phải là “bắt”!
Lúc này, anh Tư Hào không nói gì, nên tôi chúc sức khoẻ anh và cùng “dzô” một cái, và cũng để tăng phần thông thái!
Tôi đã có sáng kiến tra từ điển việt-anh (có sẵn trên diện thoại di động). Kết quả thật .. bất ngờ:
Bắc nồi lên bếp” = “To put a pot on the fire” !
Nghi ngờ từ điển việt-anh, tôi tra thử từ điển pháp-việt, lại càng bất ngờ hơn:
“Bắc nồi lên bếp” = “poser la marmite de riz sur le réchaud”
“Bắc thang lên tường” = “dresser l'échelle contre un mur”
“cầu bắc qua sông” = “pont qui enjambe la rivière”
Thất vọng quá, vậy là từ xưa đến giờ mình đã viết sai “chính tả” cái tưởng chừng như rất đơn giàn. Bấy giờ tất cả mọi người cùng mời thầy Cương một ly.. cho giảm phần nào sự “đau khổ” !.
Anh Tân, người mà tôi nói ở trên, thấy hấp dẫn quá, vội đưa ra sáng kiến mới. Anh nói sẽ phone hỏi bà xã của anh, giáo viên day văn, chắc chắn bà ấy phải trả lời đúng, chứ mấy cái từ điển thời bây giờ “không tin được”.
“Bắc” thang lên hỏi ông trời, thì phải viết “bắc”, ai đời lại viết “bắt”. Tưởng có chuyện gì quan trọng mới gọi về, tốn tiền điện thoại, mà đi hỏi chuyện “lãng xẹt”.
Đó là kết quả của cú gọi “hỏi ý kiến vợ” của anh Tân, anh nói, cái gì mà bà xã đã nói, là chắc chắn phải đúng!
Vậy đó !
Bâng khuâng:

Không phải chỉ có phương bắc mới viết là “bắc”, mà mấy trường hợp còn lại cũng viết “bắc”!
Cũng giống vậy, không phải chỉ "bắt thằng ăn trộm" mới viết “bắt”, các bạn cứ tra tự điển, sẽ thấy khá nhiều trường hợp, như: bắt bẻ, bắt bí, bắt buộc, bắt chuyện ..
Trở về nhà đêm đó tôi đã có một giấc mơ, thấy mình đang ngồi trong lớp, giờ sử địa của thầy Vĩnh Giêng. Thầy dặn dò, là người Việt nam các em phải viết tiếng việt cho đúng, rồi tôi bần thần nhớ đến các thầy cô khác.
Và lòng tôi bâng khuâng một nỗi niềm!


12 nhận xét:

  1. Thùy nói: Người miền Bắc phát âm và viết đúng chính tả hơn miền Trung và Nam. Tôi nghĩ đúng thật; giống trường hợp của MC viết trong bài này :-) Các bạn có đồng ý không?

    Trả lờiXóa
  2. Nói đến viết sai chính tả và phát âm sai thì người miền nào không nhiều thì ít cũng có sai. Nhưng nói chung thì người miền Bắc ít sai hơn ... hihihi :P

    Một thí dụ phát âm sai điển hình là tên của anh Võ Bất. Thùy nghe anh Kế kể chuyện về anh Bất, chuyện đi chơi, chuyện thời học sinh với anh Bất hồi còn ở Rạng, Mũi Né. Thùy cứ nghĩ tên là anh Bấc giống như gió bấc, mãi đến về sau này khi anh Bất viết trên blog thì mới biết tên anh là Bất. Lý do mà Thùy tưởng tên anh là Bấc cũng chỉ vì anh Kế và nhiều người bạn khác đọc sai chữ Bất, Bất mà đọc thành Bấc.

    Trả lờiXóa
  3. Đúng như Thùy nói, cả 2 miền do phát âm theo "thổ ngữ" từng vùng dẫn đến một số người viết sai lỗi chính tả. Thí dụ ở miền Nam, từ "miên man" đọc là "miêng mang" nên có người viết là miên mang luôn. Ở miến Bắc, từ "thứ bảy" đọc là "thứ bẩy" nên cũng có người viết là thứ bẩy (Tạp chí Truyền hình viết là thứ bẩy. Tra từ điển tiếng Việt Online thì được trả lời: không có từ thứ bẩy.
    Tóm lại: thứ bảy hay thứ bẩy thì ai cũng biết là sau thứ sáu và trước chủ nhật...hi...hi...
    Nhưng mà phát âm có thể chấp nhận được vì đó là "âm ngữ" riêng của từng địa phương, nhưng khi viết nhất thiết phải đúng chính tả.

    Trả lờiXóa
  4. Người nước ngoài họ nhận xét là Tiếng Việt khó học và phong phú là có cơ sở.VD: Đỏ thì đỏ lòm, đỏ chói, chua thì chua lè chua lét v...v...
    Theo tư liệu Thùy đã đăng(500 dấu hỏi, ngã)thì có những từ viết như sau: bờ biễn, đễ dành, có thễ còn sách giáo khoa bây giờ thì viết bờ biển, để đành,có thể,Vậy thì viết như thế nào là đúng mời các bạn cho ý kiến. Riêng tôi thấy phân vân là không biết chọn cách nào cho thích hợp.

    Trả lờiXóa
  5. Sách giáo khoa viết: bờ biển, để dành, có thể...

    là đúng rồi Kỳ ơi.

    Trả lờiXóa
  6. Thùy xin ưu ái thân tặng anh Chí Kỳ một cặp kính lão để đeo lấy le với chị Chí Kỳ .... hihihi :P

    Sau khi đọc nhận xét của anh Chí Kỳ, Thùy giật mình vội vàng xem lại 2 bài Thùy chép trên mạng và cho đăng trong mục sưu tầm ngày 3 tháng 12 năm 2010, Thùy không thấy những chữ anh Chí Kỳ nêu ra.

    Nếu mà anh Chí Kỳ kiếm được những chữ ấy trong 2 bài đó thì anh Chí Kỳ cứ việc ưu ái thẩy cặp kính lão lại cho Thùy để Thùy cũng ráng đeo lấy le với anh Kế .... hahaha :P

    Trả lờiXóa
  7. Chị Lành ơi, từ nhỏ đến bây giờ Thùy toàn viết là thứ bẩy và cũng phát âm là thứ bẩy. Mèn ơi, sai tét lét mà không ai sửa dùm hết nên cứ tiếp tục sai cho đến bây giờ ... huhuhu :(

    Trả lờiXóa
  8. Người dân Nam Định không phát âm đúng những chữ có vần "L", thí dụ chữ Lái xe, họ phát âm "nhái xe".

    Trả lờiXóa
  9. Phần đông người Bắc phát âm những chữ có vần R, như chữ Ra, Rô, Rõ là Za, Zô, Zõ
    Trong khi đó người miền Tây phát âm những chữ ấy là Ga, Gô, Gõ.
    Người dân miền Tây phát âm câu 'Bắt cá Rô bỏ trong rổ kêu rột rột" như "Bắt cá Gô bỏ trong Gổ kêu Gột Gột."

    Chẳng biết dân Mũi né phát âm chữ nào không đúng nhỉ??

    Trả lờiXóa
  10. Cách phát âm của người miền Bắc không giống hoàn toàn, nhiều người Bắc không phân biệt những chữ dẫn đầu có vần S/X, D/GI/R, và TR/CH

    Trả lờiXóa
  11. Hai bài Thùy sưu tầm K có đọc hồi năm ngoái.Nghe Thùy nói mình giật mình vội xem lại thì đúng như Thùy nói.Chắc K sẽ cám ơn Thùy đôi gương lão để tránh sự nhầm lẫn chứ không dám lấy le đâu?
    Mong Thùy thông cảm và cùng cười hì...hì vì sự nhầm lẫn này.Ok nhá!

    Trả lờiXóa
  12. Hì hì :)

    Anh Kỳ đeo kính lão vô trông đạo mạo hẵn ra ... hihihi :P

    Trả lờiXóa