Thứ Ba, 19 tháng 10, 2010

NHỮNG CHUYẾN ĐI - Chùa Hang - Tập cuối

Từ bãi tắm của các nàng tiên nhìn chếch về hướng Tây, dưới những rặng dừa xanh rì, những hàng phi lao cao vút là làng chài La Gàn (tôi tạm gọi thế vì không biết tên), trong đấy có Lăng Ông, là nơi thờ những Bộ xương cá Voi vốn được Vua Gia Long sắc phong là Thần Nam Hải, ngư dân kính trọng gọi tắt là “Ông”. Cũng giống như các làng chài ven biển từ Đèo Ngang vào tới Mũi Cà Mau, cá Voi gắn liền với cuộc sống của người dân, cùng dựa vào nhau vượt qua những cơn phong ba bão táp ngoài biển khơi. Tương truyền, cách đây trên 100 năm, ngư dân La Gàn phát hiện xác cá Voi chết (còn gọi là “lụy”) lập lờ trôi vào bờ, thanh niên trai tráng đưa “Ông” về làng, nhưng Ông to và nặng như “Con Voi” nên phải mai táng tại bờ biển, 3 năm sau (mãn tang) mới cải táng, đưa cốt Ông về thờ. Lăng Ông được hình thành từ đó (Lăng ở La Gàn còn có tên khác là “Phủ Ngọc Cốt”). Mỗi lần phát hiện có cá Voi chết, ngư dân tổ chức các nghi thức tẩm liệm, cung nghinh về Lăng mai táng một cách rất long trọng và xem việc thờ cúng cá Voi là một tập tục rất cần thiết trong đời sống tâm linh. Đến nay đã có trên 100 bộ cốt Ông được thờ tại Lăng này.

Theo một ngư dân lớn tuổi trong làng (đã 4 lần phát hiện cá Ông lụy) kể lại: vào một buổi sáng tháng 8 ÂL năm 1982, một đàn cá Voi ước chừng trên 20 con dìu một “Ông” lụy từ biển khơi tiến vào bờ, chờ cho đến khi dân làng nổi kèn trống nghinh Ông về Lăng, đàn cá kia mới quay đầu trở về biển khơi. Thế mới biết, loài cá này cũng sống thành cộng đồng, có tổ chức và quan tâm tới đồng loại. Cá Voi chết trôi vào bờ gần đây nhất là vào tháng 7 ÂL năm 2009, do một du khách từ xa đến tắm biển phát hiện.

Tôi nghe nói, trước khi tổ chức công nhận kỷ lục bộ xương cá Voi lớn nhất vùng Đông Nam Á tại Vạn Thủy Tú (Phan Thiết), các chuyên gia rất bất ngờ thấy bộ xương cá Voi ở Phủ Ngọc Cốt (La Gàn) còn lớn và ước tính còn nặng hơn ở Vạn Thủy Tú. Do đó, kỷ lục về bộ cốt Ông Nam Hải ở La Gàn là điều cần được xác minh công nhận.

Cũng trong làng chài La Gàn kia, một người quen có lần mời tôi và mấy người bạn về nhà chơi, chiêu đãi món cá Lồi xối mỡ, món này nhiều bạn cũng đã biết rồi, nhưng điều đáng nói là phải ăn với một loại ớt, vì chưa có “thương hiệu” nên gọi là ớt “hiểm”, so với trái ớt vàng “khổng lồ” trong vườn của bạn Hoàng Gia Kế thì khác một trời một vực, chỉ bé tí, lớn hơn cái ruột bút bi một chút, dài khoảng trên dưới một phân. Cũng cuốn cá, rau sống bằng bánh tráng mỏng cho vào miệng, cắn ngay một trái ớt, vị cay cấp thời như lửa đốt nhưng không gắt hòa lẫn với cá cứ thế từ từ rồi thấm dần, thấm dần rồi trôi tuột, trôi tuột…cho đến khi không còn chỗ trôi tuột nữa mới thôi. Sau đó nhấp một ngụm rượu “ngâm đủ thứ” mà bạn tôi nói vui là uống vào không bổ dọc cũng bổ ngang, không bổ xuôi cũng bổ ngược. Hơi ấm cứ thế rân rân chạy từ trên xuống dưới, rồi từ dưới dội ngược lên trên…khà một cái, đã hết chỗ chê (bạn Mai Thân thường nói “quá đã”). Chủ nhà khoái lắm, thấy khách liên tục nâng ly. Hình như “độc trị độc”, vị cay của ớt làm giảm bớt đi nồng độ của rượu nên uống mãi không thấy say. Tôi tửu lượng kém, ly rượu giống như ly của Thạch Sanh, nâng hoài mà không hề cạn đáy. Tôi hỏi:

-Đây là loại ớt gì mà thơm, ngon thế?
-Đây là giống ớt đặc biệt, chỉ có ở La Gàn, muốn ăn phải trèo lên cây mới hái được.
-Trời đất, loại ớt này thuộc “bộ giống cổ thụ” chắc?
-Không tin hả? Mời tham quan.

Cả bọn kéo nhau ra sau vườn, đúng thật, anh ấy leo lên một cây (giống như cây Đa) to tướng, hái nguyên một nắm trước sự ngạc nhiên của mọi người…Thì ra, một loại chim chuyên ăn ớt đã thải ra trúng hốc cây trên cao, nhờ mùa mưa, cây mọc, phát triển xanh tươi, cành lá xum xuê, dày đặc trái là trái…Vỡ lẽ, mọi người cùng cười chảy cả nước mắt.

Được biết, đây là loại ớt có ở vùng này từ lúc nào không ai rõ, nhân giống bằng phương pháp đúc từ hột rất khó mọc. Tự rụng rồi tự mọc một cách tự nhiên hoặc do chim ăn thải ra đất, mọc dưới bóng râm trong vườn hoặc theo hàng rào. Trái ớt hiểm La Gàn được xếp vào loại “đặc sản”, tuy giá cao hơn các loại ớt khác nhưng hiếm khi thấy bán ngoài chợ, nó được các nhà hàng đặt mua trước. Khách du lịch “sành điệu” đòi cho được loại ớt này mới gọi thức ăn.


Buổi chiều ở làng chài La Gàn thật yên tĩnh, nghe được cả tiếng gió xào xạc trên những ngọn dừa, nghe được cả tiếng của những đợt sóng nối nhau vỗ vào bờ; trước căn nhà lá trong vườn cây, chú bé khoảng 5-7 tuổi, mình trần, da thịt chắc nịch, đen nhánh vì nắng gió đang ngồi nhìn cha vá lưới, chăm chú quan sát từng nút thắt khéo léo để rồi một ngày nào đó, cái nghề “đi biển” kia lại được truyền cho con cháu như bao đời nay cha ông đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sau nhà, khói lam chiều chuẩn bị cho bữa ăn của người mẹ bốc lên cao rồi tụ lại dưới những tàn cây. Mâm cơm duy nhất chỉ tô canh nấu bằng lá me với mẽ cá tươi mới đánh bắt trong ngày và một dĩa cá kho; vợ chồng con cái quây quần vừa ăn vừa vui vẻ thì thầm trò chuyện như sợ khuấy động cái không gian yên tĩnh của một vùng quê hiền hòa. Ngoài kia, những tia nắng cuối cùng trong ngày tắt dần, làng chài chìm dần vào bóng đêm. Mái ấm hạnh phúc của một gia đình lồng trong khung cảnh một làng quê thanh bình đẹp như một bức tranh làm tôi nhớ mãi cho đến bây giờ, đặc biệt là mỗi khi có dịp đi qua những vùng quê ven biển.

Rồi đây, hòa nhịp với đà phát triển của xã hội; rồi thì cái làng chài yên bình kia có còn giữ được vẻ nên thơ nữa không hay sẽ trở nên xáo trộn; rồi thì những khối bê tông trình trịch của những ngôi nhà mới xây sẽ thay cho những căn nhà cổ xưa; rồi thì xe cộ tấp nập bát nháo tung đầy bụi khói; rồi thì hàng quán sẽ mọc lên như nấm; rồi thì cuộc sống sẽ trở nên vội vã, ồn ào, náo nhiệt; rồi thì cái làng chài được mệnh danh là cổ nhất, xưa nhất kia sẽ rối tung lên; rồi thì, rồi thì còn nhiều thứ sẽ rồi thì nữa…Thế là hình ảnh yên ả thanh bình của cái làng chài may ra chỉ còn trong trí nhớ của những người lớn tuổi đã sinh ra và lớn lên ở vùng này hoặc những du khách đã có dịp dừng bước nơi đây. Biết làm sao được. Người dân La Gàn muốn thế, họ muốn đổi thay, họ muốn có cuộc sống với những tiện nghi hiện đại, họ muốn trở mình vươn dậy theo từng bước phát triển của xã hội….

Cũng không thể biết được tương lai sẽ ra sao, thôi thì một đêm nào đó, đung đưa theo nhịp võng trước hiên căn nhà lá của làng chài êm đềm kia; trong cái nửa tỉnh nửa mê của men rượu “ngâm đủ thứ”, của ớt “cổ thụ”, mắt lim dim ngắm nhìn hàng hà sa số những ánh đèn câu mực phát ra từ khơi xa như ngày hội hoa đăng; văng vẳng đâu đây tiếng chuông chùa vọng lại hòa lẫn tiếng sóng vỗ rì rào; mơ màng theo hai chàng Lưu Nguyễn lạc vào chốn bồng lai; khi về lại trần thế, nhớ xin mấy viên sỏi đủ thứ màu, mua mấy món quà ở gian hàng lưu niệm để khoe với bạn bè, người thân là ta cũng đã đi đến vùng đất Bắc Bình, Tuy Phong; chiêm bái Chùa Hang Cổ Thạch, tắm biển Cà Dược, bước trên bãi sỏi lung linh màu, ngắm nhìn vịnh Hải Âu, thưởng thức rượu “ngâm đủ thứ” với ớt “cổ thụ”. Đây cũng là quê hương của Thầy, nơi ở của bạn bè đã từng chung đèn sách dưới mái trường Hải Long thân thương xa xưa…

Tôi viết về Chùa Hang tương đối chi tiết để các bạn cứ tha hồ hình dung, tha hồ tưởng tượng, tha hồ mơ mộng, mà nếu thấy chưa thỏa mãn thì về Phan Thiết, gặp Mai Chí, gặp Lê Thị Lành rồi ta lại đi Chùa Hang Cổ Thạch, nhân tiện ghé thăm Thầy Cương, ghé thăm Tư Hào, ghé thăm Diệu Hoàng một thể./.
Hết

Ghi chú: Nhớ nhiều về các bạn nên thỉnh thoảng đưa tên vào bài viết, đồng ý nhé!
Tháng 10/2010 – Phạm Đình Nhân

2 nhận xét:

  1. Anh Nhân
    Loạt bài anh viết quá sinh động , quá hay , không thể nào nói khác được

    Trả lờiXóa
  2. DN viết bài đọc hấp dẫn không buồn ngũ.DN nếu làm nghề giáo chắc là học trò nhờ.

    Trả lờiXóa