Cùng ngồi dưới vòm lá cây bên hông của một căn nhà, tính ra chỉ khoảng chừng mười người, vậy mà đã có nước mắt từng giọt lăn trên gò má, có nước mắt nối nhau thành dòng, và có cả nước mắt chưa kịp ướt do có bàn tay vội vàng lau nhanh. Một niềm xúc động mà có lẽ bài viết này không thể diễn đạt hết được. Tình nhân loại thì bao la mà nước mắt thì vời vợi muôn trùng, huống chi đây lại là tình Thầy trò cũ sau nhiều chục năm tìm lại, mà hoàn cảnh Cô giáo cũ của mình thì lại quá trớ trêu!
Bạn Lành đã có bài viết về Cô Hoàng Xí đăng đàn trên blog để các anh chị học trò cũ cùng đọc, nay trong bài viết này tôi chỉ ghi lại mấy dòng cảm xúc khi cùng Thầy Cương và các anh chị đến thăm Cô!
Đã nhiều lần tôi gặp Cô Hoàng Xí với chiếc xe đạp và tấm thân gầy, hàng ngày đến chỗ bán bánh mì trên đường Thủ Khoa Huân. Lần nào Cô cũng cười với học trò cũ của mình bằng nụ cười nhân hậu. Tôi còn nhớ hồi đó, nhiều lần Cô nói với tôi về bệnh tình của Cô Ái Linh, nhờ vậy tôi đã đưa Thầy Cương, Thầy Khải đến thăm. Và tôi cũng biết hoàn cảnh Cô lúc đó, nhưng không bao giờ, vâng, không bao giờ, Cô nói với tôi một lời nào về hoàn cảnh của Cô, hoàn cảnh bị mất nhà ở, phải đi bán bánh mì trước các trường học, một mình bương chải để kiếm sống từng bữa một, để nuôi hai đứa con lúc đó hãy còn rất nhỏ.
Chúng tôi đến nhà Cô vào khoảng 10h (sáng), vì xe phải đi Hòa Đa Phan Rí đón Thầy Cương. Cô nói đã nghe tôi điện thoại báo trước rồi, nhưng Cô vẫn không nén được xúc động. Và Cô đã lúng túng không biết mời tất cả ngồi chỗ nào, vì trong nhà thì không thể. Hơn nữa, cùng đi có cả Thầy Cương, một đồng nghiệp của Cô, đã lâu rồi vì hoàn cảnh nên chưa gặp mặt.
Sau khi thăm hỏi nhau và mọi người đã vào ngồi quây quần ngoài sân nhà, bằng một giọng chậm và ấm, anh Liễu đọc cho tất cả cùng nghe bài viết của Lành về Cô. Lúc này không gian như chùng xuống theo từng lời của anh Liễu. Nước mắt Cô Hoàng Xí đã chảy thành dòng. Nước mắt học trò của Cô cũng thế. Cô Hoàng Xí đã trút những gì trắc ẩn trong Cô, vì đây chính là những người thân của Cô mà!
Cô nói đã 10 lần phải thay đổi chỗ ở rồi, cứ có người chỉ giúp cho, là mẹ con dọn đến ngay. Cô lo sợ nhất lúc này, lỡ mà chết đi thì sẽ không thể tưởng tượng được hai đứa con sẽ sống ra sao? Rất thương mẹ, đứa con trai lớn quyết học nhanh để có nghề làm, để kiếm tiền phụ mẹ, và sẵn sàng nuôi em gái của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và cũng rất thương mẹ, đứa con gái út của Cô ngày ngày phụ mẹ bán bánh mì Mơ ước của em là đậu đại học, làm kỹ sư xây dựng mặc dù em biết đây là việc nặng nhọc, để xây nhà cho mẹ và anh ở, để đưa cả nhà thoát khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã này Cô càng nói, nước mắt Cô càng chảy, nước mắt các học trò của Cô vì cảm thương Cô, cũng thế!
Chị Thúy Hoa đại diện để nói mấy lời với Cô, thôi thì “sông có lúc người có khúc”, Cô Hoàng Xí hãy còn học trò cũ lúc nào cũng đứng cận kề và hãy còn nhiều đồng nghiệp cũ vẫn tìm đến.
Không gian tĩnh lặng, có tiếng chim chíp kêu của đàn chim sẻ trên cành cây.
Bỗng nhiên tôi không còn nghe tiếng Cô Hoàng Xí và mọi người nói với nhau những gì nữa. Tai tôi bị ù hẳn đi. Tiếng của Cô và tiếng chim sẻ trên cành hình như đã hòa làm một.
Rõ ràng đó là tiếng của con chim mẹ đem mồi về, đang chíp chíp gọi đàn chim con!
Ra khỏi nhà Cô để tìm đến nhà Thầy Hổ theo chương trình sáng nay, tôi vẫn cứ đứng bần thần trước cổng nhà Cô.
Hôm nay là ngày mấy nhỉ? cũng không còn biết nữa! Học trò cũ Trường Trung học Hải Long cho dù đến cuối cuộc đời, cũng không thể nào quên được buổi sáng ngày hôm nay!
(MC)
Anh Chí ơi!! bài viết hay lắm anh Chí.MT thích phần cuối anh viết.
Trả lờiXóaHôm nào rãnh phone em vào cuối tuần nói chuyện gia đình.