Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

NHỮNG CHUYẾN ĐI - Chùa Hang - Tập 4

Chùa Cổ Thạch còn là nơi lưu giữ được nhiều di sản có giá trị lịch sử, nhiều di sản văn hóa Hán Nôm, liễn, đối, hoành phi và những tài liệu có từ những ngày đầu thành lập Chùa, một số cổ vật có giá trị khác như: Đại Hồng Chung, Trống Sấm đều có niên đại từ thế kỷ thứ XIX. Để tưởng nhớ công lao của vị Thiền sư Bảo Tạng, Chùa lấy ngày 25 tháng 5 AL hàng năm làm ngày giỗ tổ. Vào ngày này hoặc những ngày lễ lớn như Phật Đản, Vu Lan…chúng ta sẽ được chứng kiến không khí tưng bừng của hàng ngàn thiện nam, tín nữ tham gia lễ hội; nhà Chùa tổ chức cơm miễn phí cho khách hành hương với những món chay ngon miệng. Nếu ai không quen ăn chay, xin mời xuống các nhà hàng dưới chân núi, ở đây đủ món ăn chơi, trái cây đủ loại: xoài, chuối, cam, quýt, mít, ổi, me, cóc…, sơn hào hải vị: nghêu, sò, ốc, hến, tôm, cua, cá, mực… loại nào cũng có. Ngoài ra cũng có món bánh tráng mắm ruốc, cựu học sinh Hải Long mà không biết món này xem như chưa phải dân Rạng-Mũi Né, nghe nói hồi đó, trước Trường Hải Long có một quán nhỏ, dựng tạm bằng tranh tre nứa lá của Chị Bảy Nở chuyên bán món bánh tráng mắm ruốc, giờ ra chơi nhiều người đến mua, nhất là các nữ sinh, mắm ruốc được giã với nhiều gia vị trong đó có tỏi, ớt, trông rất sạch sẽ và hấp dẫn. Ăn bằng cách múc 1 muỗng nhỏ mắm cho lên miếng bánh tráng nướng nhiều mè, bẻ một miếng nhỏ, quệt miếng mắm cho vào miệng, nhai giòn tang; cũng có người thích thưởng thức theo kiểu lấy bánh tráng mỏng, quệt mắm ruốc, bóp vụn bánh tráng nướng bỏ vào, cuốn tròn lại như ngón tay cái, rồi cắn, rồi nhai, rồi hít hà sau đó uống thêm một ly nước đá bào tức là cục đá lạnh được bào nhuyễn, xịt một chút xi-rô là tuyệt vời.

Buổi sáng các quán dọc theo đường ra biển còn có món mì quảng, nhưng tôi dám chắc là không thể nào ngon bằng mì quảng do bạn Trần Vĩnh Lại nấu chiêu đãi các bạn ở Sài Gòn được (chưa ăn nhưng nghe bạn Thanh Vân diễn tả đủ thấy ngon). Bởi trong tô mì Trần Vĩnh Lại ngoài cái ngon của hương, của vị, còn có cả cái ngon của nghĩa, của tình. (bạn ấy còn hứa nấu cơm gà chiêu đãi tôi).

Gác chuông – Cổ Thạch Tự


Thời gian trôi nhanh thật, chưa thưởng ngoạn bao nhiêu mà mất hơn một buổi rồi, muốn chiêm ngắm cho hết có lẽ phải cả ngày. Tôi nghe nói bên Trung Quốc, có một khu vực với núi non trùng điệp, rừng cây bạt ngàn nguyên sinh, nơi đó tọa lạc trên 1.500 ngôi Chùa trong một diện tích vô cùng rộng lớn chẳng biết bao nhiêu mà nói, có những Chùa chỉ dùng để lưu trữ toàn bộ kinh Phật, có những bộ kinh cổ rất quý hiếm. Tôi nhẩm tính, muốn tham quan cho hết quần thể một ngôi Chùa phải mất ít nhất 2 ngày, vậy thì muốn chiêm bái toàn bộ khu vực này (không tính thời gian đi từ chùa này đến chùa kia) thì phải mất 3.000 ngày, tức là ít nhất trên 8 năm.

Đứng trên tầm cao của Chùa Hang, phóng tầm mắt ra xa, cả một vùng non nước hữu tình hiện ra choáng ngợp kỳ vỹ; thấp thoáng bãi biển Cà Dược, mũi La Gàn, các đồi cát nhấp nhô trãi dài theo bãi biển rất nên thơ; màu xanh của trời, của biển, của cây cỏ hòa trộn lẫn nhau làm tâm hồn ta trở nên thư thái một cách lạ lùng. Thế thì không lý do gì mà đã đến Cổ Thạch lại không chiêm ngưỡng những điều tuyệt diệu của biển ở đây.


Từ đỉnh núi Linh Thứu nhìn ra bãi Cà Dược


Theo con đường cũ, ta xuống núi, ra hướng biển; đại dương mênh mông rồi lắng lại bằng một bờ vịnh hình vòng cung với “một trời” sỏi là sỏi, đủ kích cỡ, nhỏ từ viên bi cho đến lớn bằng nắm tay, vì đủ loại kích cỡ nên gọi là cục sỏi cũng được, hòn sỏi cũng đúng mà viên sỏi cũng chẳng sai, hòn nào hòn nấy tròn lẳng, bóng láng, đủ màu sắc: trắng ngà, đen tuyền, nâu sẫm, tím than, xám chì, vàng nhạt, xanh lục, đỏ thẩm, …kể mãi không hết, nằm chồng chất, xếp từ lớp này lên lớp khác không biết dày bao nhiêu là thước tấc; hiếm nơi nào trên thế giới có bãi sỏi nhiều màu đến thế; có người gọi là bãi đá Cà Dược, người thì gọi bãi đá Cá Sấu (vì dáng dấp giống như con cá sấu khổng lồ đang nằm), người thì gọi là bãi đá bảy màu, tôi thì gọi là bãi sỏi “tùm lum màu” và nếu cứ để chân trần bước trên đá sẽ có cảm giác như được mát-xa cả lòng bàn chân; nghe nói nếu ngâm những viên sỏi trong dung dịch hóa chất (là hóa chất gì thì tôi chẳng rõ) màu sẽ ửng sáng lên và bóng một cách kỳ lạ . Nhiều người chở cả xe về trang trí nhà cửa nên gần đây người ta không cho lấy nữa, ta xin vài viên về làm kỷ niệm có lẽ không đến nỗi hẹp hòi không cho?


Bãi sỏi tùm lum màu


Mũi La Gàn còn có hàng ngàn ghềnh, khộp, khe, hốc là nơi định cư lý tưởng của loài chim Hải âu; hàng năm cứ vào khoảng từ tháng giêng đến tháng bảy âm lịch là mùa các nục, cá cơm; hàng hà sa số chim Hải âu từ đẩu từ đâu kéo về nhập bầy với chim tại chỗ bay lượn, kiếm ăn theo luồng cá làm trắng cả một vùng non nước, í ới gọi nhau tạo ra những âm thanh rất là vui tai. Có người nói chim Hải âu là chim báo bão hoặc chim khí tượng, tôi thì gọi là chim “dự báo được mùa” bởi hễ nguồn cá dồi dào là chim về nhiều, ngư dân sẽ có những mẽ lưới bội thu. Điều ngạc nhiên là chim nhiều như thế nhưng không thấy bất cứ người dân địa phương nào săn bắt (kể cả mấy tay “bợm nhậu”), có lẽ ở đây có những quy định nghiêm khắc không viết ra giấy (còn gọi là luật bất thành văn) để bảo vệ loài chim? Cảm nhận được sự an toàn, chim càng ngày càng về “định cư” nhiều hơn nên còn được gọi là “thiên đường Hải âu” và cái vịnh hình vòng cung xinh xinh kia được gọi là “Vịnh Hải âu”. Về phía Tây Nam có một eo biển khá rộng với bãi cát vàng rực, sạch mịn, bờ dốc thoai thoải là bãi tắm an toàn lý tưởng nhất.


Tháng trước, uống cà phê với anh bạn tại Sân Vườn khách sạn Bình Minh – Phan Thiết, anh ấy hỏi:
- Ông đi Chùa Hang chưa?
- (Hăm hở trả lời) Rồi. Đẹp lắm.
- Ở đó có cái giếng tên là “giếng tiên”?
-
Đúng rồi, nước trong và mát ngọt.
- Tôi đố ông, vì sao nó có tên là giếng tiên?
Một thoáng bối rối,.. tịt, không trả lời được.
-
Vậy chứ ông nói tôi nghe vì sao tên là giếng tiên.
- Tôi cũng không biết luôn ! hà…hà..hà…

Trớt quớt !!! Đố mà không có đáp án.


Bây giờ thì tôi biết rồi. Chuyện xưa kể rằng, trên tiên giới ấy sau những ngày vui kết hoa đăng…, nhàm chán với khung cảnh nhà trời, các tiên nữ rủ nhau lén Vương mẫu nương nương trốn xuống hạ giới tìm chốn ăn chơi, vào một đêm trăng sáng, phát hiện bãi tắm Cà Dược tuyệt đẹp, thế là các nàng “sà” xuống tung tăng bơi lội, nô đùa, tắm gội (nghĩ cũng lạ, chỉ có ban đêm trăng sáng tiên nữ mới xuống dương trần tắm gội, không nghe nói tiên nữ tắm ban ngày). Sau đó các nàng tiên đến cái giếng dưới chân Chùa uống nước, xối nước ngọt, ca hát thâu đêm suốt sáng, còn để lại những dấu chân trên đá đến ngày nay, nên từ đó cái giếng kia mới có tên là Giếng Tiên. (thích quá, có mấy nàng chẳng thèm về trời nữa, ở lại hạ giới, học trường Hải Long. Cũng có mấy nàng dọc đường mê bắt bướm hái hoa, quên cả giờ giấc, về trễ, cổng trời đóng kín mít, phải quay lại trần gian, “đáp” trúng nước Mỹ và một số nước Châu Âu, gặp mấy tiên ông đẹp trai phong độ, ở lại luôn). Nghe nói, sau đó Vương mẫu nương nương phát hiện được, bực tức lắm, quở trách: sao các ngươi đi mà không rủ ta lén Ngọc Hoàng đi với ? vì cái tội không rủ rê mà bị phạt 7 ngày liên tục không được ca múa, kể cả hát karaoke. Suốt một tuần, không đờn ca xướng hát, Điện Linh Tiêu vắng như Chùa Bà Đanh.


Còn ngày nay, vì trần gian “láo nháo” quá, các tiên nữ phải hóa thân thành “tiên bà bà”, sau khi múa hát đủ thứ nhịp điệu tại thiên đình Chùa Cú, đến khi không còn điệu nào nữa để múa, chưa đã, bay cái vù đến Chùa Hang, với đôi chân trần lướt nhẹ trên bãi sỏi tùm lum màu; lung linh vô cùng, huyền ảo vô cùng, đẹp vô bờ bến; rồi tung tăng, rồi tắm, rồi gội, rồi bơi lội, rồi nô đùa, rồi đến giếng tiên uống nước, ca hát…Còn các tiên ông thì sao? Cứ ngồi trên vỉa đá mép biển, mà phải ngồi “bệch” theo kiểu của bạn Hoàng Gia Kế mới độc đáo, bên bầu rượu đào, vừa nhâm nhi với cá khô trộn rau sống, xoài sống, vừa canh chừng đồ đạc kẻo mấy chàng….dấu mất xiêm y, các tiên bà bà lấy gì mà bay về…nhà (ngày xưa gọi là bay về trời).

Xa xa là bãi tắm của các nàng tiên
(còn nữa)


3 nhận xét:

  1. Mới sáng dậy đọc bài viết của anh Nhân, cười một phen no bụng rồi, khỏi phải ăn sáng. Cười nhất là cảnh tiên ông tiên bà.

    Nhưng anh Nhân giao nhiệm vụ canh chừng xiêm y của tiên bà cho tiên ông Thùy thấy không ổn đâu. Tiên ông nhâm nhi rượu đào với cá khô một hổi rồi lăn quay ra làm một giấc thì xiêm y của tiên bà chắc chắn là không cánh mà bay và lúc đó tiên bà chỉ có nước quấn rong mà bay về lâu đài tình ái .... hahaha :P

    Trả lờiXóa
  2. Tôi và Thùy mới lên nhà cô Hồng chiều thứ hai . Cô khen loạt bài viết của Đình Nhân hay lắm. Tôi thấy lối viết ký sự của Đình Nhân tuyệt quá.

    Sang năm về VN tôi sẽ rủ Đình Nhân nhâm nhi rượu đào ở bãi tắm của các nàng tiên. Còn Thùy thì có ý định chở một ít sỏí đủ mầu về Mỹ để ở ven hồ cá sau vườn.

    Trả lờiXóa
  3. Đình Nhân viết bài hay lắm.
    chắc phãi đề cử làm phóng viên viết bài cho blog hai long nhé.
    Văn Liễu làm bài thơ con cóc tặng nhé !

    Bãi đá muôn màu khoe sắc
    Các tiên bà lại thích tắm nơi đây
    Tiên ông uống rượu nhăm nhi
    Chăm lo canh giử xiêm y tiên bà

    Chẵng ngờ rượu thắm cá khô
    Để cho quần áo tiên bà mất đi
    Tiên bà chẵng biết làm sau
    Phải đành chấp nhận ở nơi dương trần

    Tiên ông về chốn thiên đình
    Trình bày tự sự mẫu vương nhà trời
    Mẫu Vương chẳng biết làm sau
    Liền ngay hóa phép cho làm nử sinh

    Nử sinh trường Hãi quê ta
    Chăm lo học tập nhiều tài thơ ca
    ca ca hát hát hò hò
    Làm cho mọi lúc mọi nơi tưng bừng

    Lời ca bay đến tiên ông
    Tiên ông lập tức bay về trần gian
    Ngọc hoàng biết được sự tình
    Phải đành tác hợp "NHÂN LÀNH" xứng đôi.

    KHAAA ... KHAAAA

    Trả lờiXóa