Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

NHỮNG NGÀY GIÁP TẾT THỜI THƠ ẤU

Cho đến bây giờ, mỗi năm cứ vào những ngày giáp tết, khi những chiếc ô tô tấp nập, chở đầy hàng hóa, đầy màu sắc, đầy hương vị xuân xuôi ngược, ôn ào trên đường và cứ từng tốp một, những chiếc mô tô 2 người kèm theo vali, túi xách vội vã chen lách giữa dòng xe cộ như tranh thủ từng phút thời gian ít ỏi của năm cũ; trên những khuôn mặt hối hả đó, mỗi người một địa chỉ, mỗi người một hướng đi, mỗi người một miền quê và tất cả đều chung một mục đích là về với gia đình ăn tết. Cái không khí nhộn nhịp ấy làm tôi nôn nao, rạo rực bởi “tết đã gần đến rồi” và ký ức tuổi thơ vào những ngày giáp tết lại trở về trong tôi.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê hiền hòa ven biển, cũng như tất cả những đứa trẻ cùng lứa, tết bao giờ cũng là sự náo nức, sự chờ đợi; trước hết là được nghĩ học mấy ngày, sau đó được xúng xính trong bộ quần áo, nón dép mới, được tiền lì xì. Đặc biệt vào những ngày 27, 28, 29 tết mơ ước được đi chợ đêm, đơn giản chỉ là xem người ta mua sắm, xem hàng hóa người ta bày bán dọc theo lối đi trong chợ và thích thú được tự mua sắm cho mình một vật dụng gì đó chẳng hạn như cây kẹp tóc, khoen tai…là thỏa mãn lắm rồi.


Gia đình tôi vào những ngày cuối năm làm thêm nghề đóng cốm bán tết, là loại bánh được đóng bằng nếp rang, dân gian gọi là “nổ”. Từ rằm tháng chạp, những bao nổ được Má tôi chọn kỹ càng mua về, nổ phải được rang bằng loại nếp thơm, sau khi rang xòe ra những hạt nổ lớn, trắng ngần, thơm phức. Cả gia đình chúng tôi mỗi người một tay, đổ nổ ra cái nia, lặt kỹ những võ thóc còn sót, đổ vào cái ảng lớn, trộn với nước đường đã được thắng cùng với gừng, me; vừa trộn, vừa bóp cho thật đều; sau đó đưa vào khuôn gỗ ép thành bánh hình khối chữ nhật, đem phơi nắng, gói bằng loại giấy màu, 2 đầu được dán bằng những bông hoa cắt bằng giấy, vừa trang trí, vừa dấu đi những những nếp xếp của giấy sau khi dán. Việc đóng cốm được thực hiện từ chiều tối cho đến khuya bởi lúc này êm gió, không bị bụi, không bị ruồi nhặng. Cả gia đình, mỗi người một việc, vừa làm vừa chuyện trò thật đầm ấm. Năm nào tôi cũng được giao nhiệm vụ khuấy chảo đường; đường phải là đường tán được nấu thủ công bằng mía, rỉ mật trong đường còn nhiều, màu vàng tươi, (bấy giờ đường cát không nhiều trên thị trường mà giá lại cao), hơn nữa cốm có hương vị đường tán mới mang bản chất dân dã, miền quê…Chảo đường luôn được khuấy đều, liên tục, ngưng tay đường sẽ trào ra ngoài, lửa liu riu, non quá đường lỏng thì sau này cốm dễ bị lên mốc mà già lửa quá đường sẽ bị cháy đắng, nấu bằng than củi nhiệt độ lên xuống bất thường chứ không có bếp Gaz như ngày nay để ổn định nhiệt độ. Đến khi múc muỗng đường đổ xuống thấy chảy ra hơi đặc là đạt yêu cầu. Do công việc, nên niềm mơ ước nhỏ nhoi được đi chợ đêm một lần cũng lần lượt qua đi từ năm này đến năm khác.

Nhưng rồi một năm, niềm mơ ước kia cũng đã trở thành sự thực, khi công việc làm cốm hoàn tất sớm, tôi được đi chợ tết. Ngày ấy chợ Quận quê tôi hàng hóa không được nhiều như bây giờ nhưng cũng đủ những gì cần thiết cho những ngày tết. Bên cạnh những hàng bán thực phẩm như thịt heo, gà, vịt, măng…rồi những hàng bán bánh, mứt, hạt dưa, trà, rượu…rồi những hàng bán bình, ly, chén, bát…còn tràn ngập là những dãy chuyên chỉ bán chuối xanh, bưởi vàng, bông vạn thọ, cây trường sanh dành để đơm bàn thờ. Quả thật, không có màu sắc nào hài hòa, tôn vinh lẫn nhau như cái xanh đậm của chuối xanh và vàng cam của những chùm quýt rực rỡ. Cùng tham gia trong mâm ngũ quả còn có trái măng cầu, trái trứng gà, trái thơm chen chúc trong những chiếc thúng, chiếc rỗ lớn của các chị nông dân, hoa trái còn nguyên cả cành lá tươi xanh…Rồi phía bên kia là những gian hàng treo đầy quần áo rực rỡ. Gian hàng tôi bị mê hoặc nhất là bán lược, gương, nhẫn, dây chuyền…Đây là cả một thế giới huyền diệu đầy ao ước của tôi. Đi tới, đi lui, ngắm cho thỏa thích, cuối cùng cũng chọn cho mình được 1 sợi dây chuyền, chiếc nhẫn và 1 đôi khoen vừa ý nhất (bằng kim loại mạ vàng chứ không phải vàng thật), có lẽ đây là một trong những niềm vui lớn nhất không thể diễn tả bằng lời mà tôi có được thời thơ ấu. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy vui.


Đã nhiều năm qua đi và tôi cũng đã xa quê lâu lắm rồi, có lẽ chợ tết quê tôi không còn nghèo nàn như ngày xưa, khoảnh đất mà gia đình tôi đã từng sống bây giờ không còn vết tích gì chứng tỏ hơn 35 năm về trước đã từng có một căn nhà dựng trên đó; cha mẹ tôi cũng không còn nhưng cứ mỗi độ xuân về khi mà không khí chộn rộn của những ngày giáp tết bắt đầu cũng là lúc những hình ảnh xa xưa chợt hiện về trong trí tôi, cảnh cả gia đình đầm ấm vừa trò chuyện vừa làm cốm, cảnh đi chơ đêm để tự mua cho mình món quà nhỏ nhoi vừa ý nhất. Có lẽ không bao giờ tôi quên được ký ức tuổi thơ những ngày giáp tết, nó sẽ in đậm trong trí nhớ và theo tôi suốt cả cuộc đời./.

25 tháng chạp
Lê Thị Lành


6 nhận xét:

  1. Bài viết dễ thương và hay quá chị Lành. Thùy có nghe anh Kế kể chuyện mẹ anh Kế làm cốm hộp vào dịp Tết. Không biết bao giờ mới có dịp ăn thử món này.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài của em anh nhớ mẹ anh lắm .
    Cứ mỗi độ xuân về 27-28 tết là Mẹ anh , Anh , Mai, Bích hì hục đóng cốm đom lên bàn thờ cúng Ông Bà.

    Trả lờiXóa
  3. Cốm cổ truyền và lời viết mộc mạc chân thật làm kỳ nhớ lại lúc nhỏcứ mỗi lần tết vềngồi xem người lớn đóng cốm dưới ánh đèn dầu.Cảm giác thật ấm áp.

    Trả lờiXóa
  4. Lành em cốm này là cốm thật hay là cốm minh hoạ.
    Cốm đóng đường cát hay đường tán,nếu đóng đường tán mùng bốn mang cho vài học nhé ..hiiiii..

    Trả lờiXóa
  5. Cốm này đóng bằng đường cát, cốm đóng bằng đường tán mồng 4 Tết em mang về :(

    Trả lờiXóa
  6. Minh cung rat thich Com lam bang duong tan , chu ngay nay an com lam bang duong cat va nhat la com say minh thay thua xa com ngay xua , noi den thang duong minh cung co ky niem day , ngay xua moi lan Me thang nuoc mau de danh kho ca , minh ngoi chau san moi lan me nho vao chen nuoc de thu xem mau da toi chua ? minh lien nhanh tay vot may giot duong keo lai bo vao mieng ,Me lay doi dua khe vao tay ,vay ma minh dau co so , cu ngoi do va lam nua ... oi nho qua nhung giot nuoc mau cua ME

    Trả lờiXóa