Từ cổ chí kim, đã có không biết bao công
trình nghiên cứu, tác phẩm văn học nghệ thuật… về tình yêu. Theo đó, tình yêu
là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp, ở đó con người đến với nhau bằng sự
rung cảm, đồng điệu của con tim, sự thăng hoa của cả tâm hồn lẫn thể xác. Thế
nhưng, nhìn vào thực tế xã hội ngày nay, chúng ta thấy dường như nhân loại lại
ngày càng “mù quáng” hơn trong chuyện tình yêu.
Vì sao như vậy?
Bàn chất của tình yêu là vô điều kiện, là
cho đi mà không mong nhận lại. Giống như tình yêu thuần khiết cùa người mẹ đối
với người con, bất luận người con có đối xử tệ bạc như thế nào đối với người
mẹ, trong trái tim người mẹ vẫn thấm đẫm tình yêu đối với đứa con của nình.
Tình yêu chính là khởi nguồn của sự sống. Ở
đâu có tình yêu, ở đó sự sống sinh sôi. Ngược lại, ở đâu không có tình yêu, ở
đó chỉ có sự hủy diệt. Không có sự ngoại lệ nào vượt ra ngoài ý nghĩa thiêng
liêng đó.
Tình yêu đích thực làm cho con người ta hấp
dẫn đến với nhau bởi hai mục đích tự nhiên: giúp nhau học hỏi và cùng nhau sáng
tạo. Sống trong tình yêu đích thực, bao giờ cả hai cũng bổ khuyết cho nhau để
trở nên hoàn hảo và cùng nhau sang tạo những giá trị mới. Đứa con chính là một
trong những tạo phẩm linh thiêng, kết quả của sự sáng tạo trong tình yêu.
Khác với trí não, nơi phát ra những năng
lượng lý tính, logic; năng lượng tình yêu phát ra từ trái tim, là dòng năng
lượng thấu cảm, vượt khỏi giới hạn lý tính, logic thông thường. Thế nhưng cuộc
sống trong môi trường vật chất cám dỗ đã khiến con người ta ngày càng trở nên
thực dụng, xa rời bản tính thiêng liêng. Như lời một bài thơ: “Trái tim nhầm
chỗ để trên đầu” (Tố Hữu), phần lớn con người bây giờ yêu bằng cái đầu nhưng
vẫn tưởng mình yêu bằng trái tim. Cho nên thường khi một người yêu một ai đó,
từ trong vô thức, bao giờ họ cũng đặt ra những tiêu chuẩn, điều kiện về cả mặt
vật chất (ngoại hình, phong cách, tài năng, công danh, tiền bạc, địa vị xã
hội…) lẫn tinh thần (tính cách, tác phong, lòng chung thủy, sự trung thực…). Để
rồi khi “điều kiện” đó mất đi, tình yêu cũng không còn nữa.
“Tình yêu có điều kiện” luôn gắn liền với
bản ngã. Thường thì bản ngã thích nhận hơn là cho đi. Bản ngã trong tình yêu sẽ
làm cho bạn muốn sở hữu và khát khao sở hữu người mình yêu cả tinh thần lẫn thể
xác. Nếu có một ngày họ rời bỏ bạn hoặc yêu một ai khác, họ sẽ bị xem như một
người không xứng đáng với tình yêu của bạn. Bạn sẽ căm giận họ và không bao giờ tha thứ.
Suy cho cùng, thứ “tình yêu” đó thực sự
không phải là tình yêu mà là sự si mê. Ngược với tình yêu đích thực mang bản
chất của sự sống và vĩnh cửu; sự si mê luôn đồng hóa với bản ngã, với tính vật
chất, nhất thời và làm cho con người ta trở nên mù quáng. Vì thế, cái gọi là
“tình yêu” mang tính vị kỷ như thường thấy ngày nay, không giúp cho con người
thăng hoa tâm hồn, mà ngược lại, chỉ mang đến đau khổ, bất hạnh.
Nhưng liệu có thể thay đổi được điều đó?
Hoàn toàn trong tầm tay bạn, bởi vấn đề chỉ ở chổ bạn có thực sự muốn thay đổi
hay không. Giống như tính chất của vòng tròn, bạn cho đi thứ gì thì cuối cùng
nó cũng quay về với bạn. Giống như nguyên lý “nhân – quả” mà mọi người thường
hay nói, “cho đi thứ gì sẽ nhận lại thứ ấy”. Vì thế, bạn hãy cho đi tình yêu
đích thực, để rồi tình yêu đích thực sẽ đến với bạn. Chắc chắn là như thế.
BẠCH LIÊN HOA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét