Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

PHẬN NGƯỜI QUANH MỘT CHỮ DANH.


Danh, đơn giãn chỉ là tên gọi. Muôn loài vạn vật, từ thuở khai sinh, tất thẩy vốn vô danh. Chỉ tới khi con người tiến hóa, để nhận thức thế giới, mới đặt tên cho mọi thứ quanh mình. Đơn giản cũng chỉ để phân biệt hiện tượng này với hiện tượng kia, sự vật này với sự vật khác, người này với người nọ…
   Nhưng rồi, cùng với quá trình trưởng thành trong nhận thức về bản thể, để khẳng định “tôi thông minh”, “tôi tài giỏi”, “tôi khác biệt”, “tôi độc đáo”, “tôi vượt trội”…, con người bắt đầu chạy theo danh. “Phàm đã sinh ra ở đời thì phải có danh phận”. Hầu hết đều nghĩ vậy và bắt đầu đặt ra cho mình những mục tiêu “cao cả” để phấn đấu, đua tranh.
   Mà đã có danh thì phải có lợi, chứ “hữu danh vô thực” thì vô nghĩa quá. Vậy là nhiều người lại tăng tốc cuộc đua tìm danh, kiếm lợi.
   Nhưng cuộc đua nào rồi cũng đến hồi khóc liệt, vì luôn phải có người thắng kẻ thua, người hơn kẻ kém, mà con người thì mỗi ngày một thêm đông đảo. Thế nên, để đảm bảo đạt được danh lợi, ắt phải nắm được quyền lực, bởi chỉ khi có quyền lực trong tay mới có thể kiểm soát được tình thế, mới chắc chắn bước lên được đỉnh cao và bảo toàn danh lợi.
   Cứ thế, con người ta tiếp tục lao vào những vòng xoáy đua tranh. Có danh, có lợi, có quyền rồi thì phải bằng mọi giá mà giữ lấy, vì để có được nó, đã phải đổ biết bao mồ hôi nước mắt, thậm chí cả máu nữa.
    Nhiều người ngỡ rằng có được những thứ ấy thì sẽ có được niềm vui, hạnh phúc vững bền. Thế nhưng sự thật, đã có biết bao thảm cảnh xả ra từ những cơn cuồng vọng chạy theo lợi danh, quyền lực.
   Thực ra, việc phấn đấu vươn lên vì một mục tiêu nào đó, là việc hoàn toàn chính đáng. Bởi vì ai cũng có quyền tự do, ai cũng cần tồn tại, ai cũng phải hoàn thiện bản thân và ai cũng có nhu cầu được khẳng định, được thể hiện năng lực chính mình, nhất là khi điều đó nằm trong khả năng và sự phấn đấu vươn lên xuất phát từ khác vọng mưu cầu hạnh phúc và phụng sự người khác.
   Thế nhưng sự đời thường không đơn giản, bởi mấy ai biết dừng đúng lúc, mấy ai biết đủ bao giờ. Cũng bởi ở chữ tham, ở cái tôi vị kỷ, nhiều người đã bằng mọi cách, bất chấp mọi thủ đoạn, để đạt được những thứ vượt quá sức mình. Để rồi khi dính mắc vào vòng xoáy danh lợi, họ bỗng biến thành con người khác.
   Bao giờ cũng vậy, những người bằng mọi cách phấn đấu để đạt được “đỉnh cao” danh vọng, quyền lực thì càng sợ hãi phải mất đi những thứ mà họ đã cố công có được. Khi đó, đồng hành với đỉnh cao danh vọng, quyền lực, không còn là niềm vui, hạnh phúc trong sự sẻ chia chân thật với mọi người, mà là tâm lý sợ hãi ẩn sâu, lan rộng trong tâm can họ. Nỗi sợ hãi bao giờ cũng song hành với sự hoài nghi. Vì thế, niềm tin vào những người chung quanh trở nên yếu dần và thậm chí mất đi trong họ. Mặc dù bề ngoài, bao giờ họ cũng khẳng định sự phấn đấu là để phụng sự người khác, thế nhưng từ trong sâu xa, việc “phụng sự người khác” chỉ là chiếc áo khoác nhằm che đậy khát vọng của bản ngã bên trong họ mà thôi.
   Có thể nhiều người rất khéo léo che đậy “ước mơ thầm kín” của cái tôi vị kỷ, song chẳng mấy khó khăn để nhận ra điều đó. Đơn giản bởi những người thật sự sống vì người khác, khát khao được phụng sự người khác, luôn sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân cho cuộc sống của mọi người. Bởi khát vọng của họ xuất phát từ tình yêu thương chân thật, vô điều kiện, mà tình yêu thương chân thật bao giờ cũng đến một cách tự nhiên từ sự rung động của trái tim, không phải đến từ cái đầu toan tính đầy vị kỷ để rồi không chỉ đánh mất đi hạnh phúc của chính mình mà còn làm khổ đau người khác.

BẠCH LIÊN HOA.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét