Cả làng ít ai biết tên trong giấy tờ của “ông Tư mù” là gì, người lớn gọi là anh Tư, trung niên gọi là chú Tư, còn trẻ nhỏ gọi là ông Tư; nhưng đó là trước mặt thôi chứ sau lưng thì thêm tiếng “mù” vì ông Tư bị mù, mà cũng chẳng ai biết vì sao ông bị mù và mù từ lúc nào.
Từ khi cái làng nhỏ ven tỉnh lộ này được hình thành đến nay người ta đã thấy “ông Tư mù” với vật “bất ly thân” là cái gậy tre, khuơ qua khuơ lại lọc cọc trên đường khi có việc phải ra khỏi nhà…Cũng có vợ con hẳn hoi, vì mù không làm nương rẫy đồng áng được nên ở nhà làm nghề đan lát, trời phú cho đôi bàn tay khéo léo, vót từng cái nan tre, chẻ từng sợi “lạt” buộc li ti mà con dao chưa hề phạm vào tay chảy máu, cả cái làng này thúng, mủng, rổ, rá, nia, dần, sàng, giỏ…đều mua của ông Tư mù, sản phẩm ông làm ra rất đẹp và sắc sảo ai ai cũng hài lòng. Ông còn có biệt tài là chỉ cần rờ tờ giấy bạc là biết mệnh giá bao nhiêu ngàn liền; muốn tới nhà ai trong xóm, chỉ cần dẫn đi lần đầu, những lần sau ông tự đi mà chưa hề sai nhà, lạc đường… Cả ngày ông làm bạn với cái Radô (Radio) nên tin tức, thời sự trong Nam ngoài Bắc; bên Tây bên Tàu ông đều thuộc làu làu. Cứ mươi bữa nửa tháng lại qua nhà tôi chơi, vừa uống tách trà nóng vừa kể vanh vách đủ thứ chuyện trên trời dưới đất mà ông nghe được từ cái Radô…
Trời chiều lắm rồi, tôi đi làm đồng về đã nghe thấy giọng bi bô của ông trước ngỏ. Lạ vậy cà, mới sáng sớm nay ông đã cùng tôi uống trà kể tôi nghe đủ thứ chuyện trong cái Radô mà, nào là chuyện biển đông; chuyện quan chức, đại gia nhậu nhẹt bê tha trên du thuyền, tắm kiểu mới có một cô bị rớt xuống sông chết đuối; chuyện Thứ trưởng khai gian học vị Tiến sĩ; chuyện trộm Kho bạc; chuyện giết người cướp tiệm vàng…kể cả chuyện ca sĩ lên sân khấu mặc quần bằng lưới gây xôn xao. Giờ cái “dzụ” gì nữa đây ta.
Tui qua báo cho chú Hai nó biết cái tin vừa mừng vừa lo, mừng là chiều nay con gái út nhà tôi nhận được giấy báo thi đậu Đại học, lo là không biết lấy tiền đâu cho nó ăn học đây. Tôi không biết trả lời sao đành nói dăm câu động viên. Hơi đâu anh Tư lo cho nó mệt, cháu nó thi đậu Đại học là nhà có phúc rồi, cái làng này thiếu gì nhà giàu nứt khố có con thi năm lần bảy lượt mà vẫn trượt là trượt, cái thằng Tám xóm trên năm ngoái con nó thi rớt, chê thầy ở cái Tỉnh lẻ này dạy dỡ, vào tận Thành phố ôn thi cả năm vậy mà vẫn rớt; còn cái thằng Ba xóm dưới, nghe nói làm tới cái chức gì to lắm, con nó vào Sài Gòn học bốn năm năm nay, cùng một lứa ra trường đứa nào cũng có bằng, nó thì không, té ra mấy năm nay bao nhiêu tiền gởi vào nó ăn chơi xả láng, đến trường được mấy buổi đâu mà bằng với cấp. Con anh Tư được như thế là vinh hạnh cho cái làng này lắm rồi. Thôi thì anh chị rán làm thêm, trời thương tình cho trúng mùa rồi mọi chuyện cũng sẽ đâu vào đó…Sẵn dịp tui mới câu được mấy con ếch, mình rai rai vài ly gọi là mừng cho cháu mà cũng mừng cho anh chị luôn.
Thế là nâng ly, xuống ly, cà kê dê ngỗng đủ thứ chuyện trên đời, trời tối lúc nào không hay, anh Tư mù cáo từ lọc cọc ra về, mới đến đầu ngỏ, tôi sực nhớ gọi với theo. Anh Tư, trời tối rồi, anh cầm cái đèn pin này mà về... Trời! Chú Hai mày uống có mấy ly mà say rồi sao? Hay là chú mày bôi bác tui. Mù lòa thế này thì trời sáng có khác gì trời tối, có đèn pin hay không có đèn pin có khác gì nhau đâu…Ấy! Ấy. Anh Tư hiểu sai ý tui rồi. Tui đưa đèn pin cho anh Tư không phải để anh thấy đường đi về mà để người ta thấy anh người ta tránh.
Cũng có lý !!!
Bài này hay thật , hay nhất là lúc Anh Hai cho Anh Tư Mù mượn cây đèn pin
Trả lờiXóa