Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Đọc báo cuối tuần.


Kiều Tấn từ anh lơ xe đến nhà nghiên cứu nhạc dân tộc

Nghệ sĩ Kiều Tấn.
Nghệ sĩ Kiều Tấn.
Anh tâm sự: “Trước đây, dù đi bất kỳ đâu, làm nghề gì, tôi cũng cặp kè cây guitar phím lõm để vừa luyện tập, vừa giải khuây trong những phút giải lao. Sống cực khổ như vậy khiến tôi càng quyết tâm phải làm được nhiều điều ý nghĩa cho cuộc sống”.
- Anh đến với âm nhạc như thế nào?
- Đó là cả một chặng đường gian khổ nhưng cũng có nhiều điều thú vị. Chuyện thi tú tài của tôi cũng ngộ, trước hôm thi, ông chủ xe hàng đưa tôi tới nhà một người bạn gửi gắm: “Ông cho thằng này ngủ nhờ một đêm để ngày mai nó đi thi, nó đờn hay lắm đó!”. Ai dè, hôm đó, nhà ông ta tổ chức nhậu kèm đờn ca suốt đêm và tôi trở thành nàng Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến. Gần sáng, tôi phải giả say để được về phòng ôn bài. Thế mà năm đó tôi cũng đỗ, tên được đăng trên báo mà cứ tưởng như trong mơ. Năm 1973, tôi lên Sài Gòn học Đại học Luật và được giới thiệu với nhạc sĩ Trúc Giang, trở thành người giảng dạy và biên tập tài liệu cho lớp nhạc Trúc Giang... Sau này, để nghiên cứu âm nhạc, tôi thi vào Nhạc viện TP HCM khoa Lý luận. Để viết được rõ ràng, mạch lạc, tôi vào học Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP HCM. Sau này, để phục vụ cho công tác làm truyền hình, tôi theo học Báo chí.
- Anh có bao nhiêu công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc được công bố?
- Tác phẩm đầu tay của tôi là Tự học đàn và ca 6 câu vọng cổ, ấn hành năm 1975. Trong thời gian công tác tại Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, tôi thực hiện các công trình Phương pháp ký âm cho nhạc tài tử và cải lương, bước đầu tìm hiểu âm nhạc dân gian dân tộc Mạ ở Lâm Đồng. Riêng công trình Tìm hiểu cây guitar phím lõm, được công bố vào năm 1985, và sau đó tôi nâng cao thành luận văn tốt nghiệp Nhạc viện TP HCM. Tôi vừa hoàn tất công trình 20 bài bản tổ nhạc tài tử Nam Bộ.
- Anh có thể kể về thời thơ ấu gian khó của mình?
- Tôi sinh năm 1954 ở Long An. Cha tôi là người gốc Bắc nhưng rất mê đờn ca tài tử. Ông gia trưởng đến độ mẹ tôi không chịu nổi đã đưa tôi lúc đó mới 6 tuổi trốn ra Bình Định. Tôi sống lay lắt bằng gánh hàng rong của mẹ và trở thành trợ thủ đắc lực trong việc mang vác hàng, xách đèn cho mẹ bán đêm. Ở chợ Bình Định, nhiều lần tôi đứng chôn chân bên những chiếc xe sơn đông mãi võ lưu động, có loa phóng thanh phát ra những câu vọng cổ. Một thời gian sau, mẹ con tôi về Sa Đéc và đón ông anh ra sống chung. Anh tôi có giọng ca khá hay nên gia đình rước một thày đờn mù về dạy và tôi có cơ hội được học lỏm. Tôi học rất nhanh và chính thày cũng phải ngạc nhiên về điều đó. 12 tuổi, tôi được mời đi diễn ở các bữa tiệc, đám cưới, 14 tuổi, tôi lập ban nhạc Hoa Tím của trường Trung học Sa Đéc...
(Theo Thanh Niên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét