Mùa xuân Bính Thìn năm 1976, trên căn gác cũ kỹ phố Yết Kiêu Thành Phố Hà Nội, nhạc sĩ tài danh Văn Cao ở độ tuổi 80 đã cho ra đời tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên”. Đây là tác phẩm cuối cùng của đời ông sau hơn 20 năm ngừng sáng tác.
Điệu nhạc êm đềm, nhẹ nhàng, sâu lắng đưa con người hòa quyện với thiên nhiên khi trời đất chuyển mình vào xuân theo nhịp dặt dìu của bầy chim én, cách cảm nhận mùa xuân của tác giả thật mênh mang, mơ màng, đơn giản chỉ bằng tiếng gà bất chợt gáy giữa trưa xa xa bên sông; chỉ bằng những làn khói hòa lẫn cùng những tia nắng bềnh bồng nhè nhẹ len lõi qua những kẻ lá hàng cây nhưng lại có sức hấp dẫn làm lay động, xao xuyến tâm hồn mỗi người.
Giai điệu mang một chút gì đó buồn buồn, mà không buồn sao được khi đâu đó vẫn còn dư âm mất mát, đau thương sau nhiều năm chìm trong khói lửa chiến tranh, người trai trở về sau cơn binh lửa và những giọt nước mắt trong giây phút hội ngộ trùng phùng thiêng liêng làm xúc động lòng người. Đã nhiều năm lắm rồi, mới có một mùa xuân thanh bình nhẹ nhỏm như thế và tác giả tin tưởng một cuộc sống yên lành hạnh phúc sẽ đến cho mai sau và đây cũng là niềm mơ ước của nhiều người.
Tác phẩm ra đời nhưng không được phổ biến rộng rãi. Cho mãi gần 20 năm sau. Năm 1995, khi tác giả đã tạ thế, bài hát mới thực sự được nhiều người biết đến và ngày càng lan tỏa, chiếm lĩnh tâm hồn người nghe. Ngày nay, cứ mỗi độ xuân về tết đến, người ta lại được nghe âm thanh của “Mùa xuân đầu tiên” trên các phương tiện âm nhạc với giá trị nhân văn đích thực của nó.
Tôi may mắn được biết đến “Mùa xuân đầu tiên” vào khoảng năm 1978-1979 do bạn trai của một chị đồng nghiệp (sau này là vợ chồng) đến cơ quan thăm và tập cho chúng tôi hát. Cảm nhận được cái hay của âm điệu, ca từ; với chiếc đàn guitar; tôi, Lành, Mỹ Thể chúng tôi đã từng say sưa hát “Mùa xuân đầu tiên” thời ấy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét