Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

LÊN CHÙA LINH LONG

Mũi Né gần tròn 16 năm sau sự kiện thiên nhiên hiếm có đó là địa điểm nhật thực toàn phần nhìn rõ nhất Việt Nam xảy ra ngày 24/10/1995. Là một “thành phố” ven biển, là thủ phủ của Resorts vì chưa có nơi nào trên toàn cõi Việt Nam cùng ở một khu vực có nhiều resorts đến như vậy. Vịnh Mũi Né (tôi tự gọi như thế) với tôi là một trong những vịnh đẹp nhất Bình Thuận, còn dân cư sống trên đồi cát dọc theo bờ vịnh từ xửa từ xưa rồi. Xửa xưa ấy có đến hàng mấy trăm năm mà chứng tích để lại chính là Lăng thờ Ông Nam Hải, là Chùa Linh Long, là Chùa Khánh An… Lần nào đến Mũi Né tôi cũng ngắm nhìn cái vịnh thơ mộng với đường vòng cung sắc sảo như nét vẽ của họa sĩ, san sát hàng trăm tàu thuyền đủ màu sắc neo đậu sau chuyến đi biển, nhưng cũng bao nhiêu lần như thế tôi lại chưa một lần ghé vào một ngôi chùa nào đó của vùng đất Mũi Né này để nghe tiếng mõ tụng kinh, tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng gió đung đưa những cành lá xào xạc trên mái ngói, tiếng rào rào của những chiếc lá khô trên sân chùa hoe nắng mỗi khi có những làn gió thổi qua…Thế thì lần này, tháng này, năm này “tôi lên chùa” Linh Long – Mũi Né. Không biết là ngẫu nhiên hay “có duyên” với Chùa Linh Long mà tôi lên đúng thời điểm 200 năm ngày thành lập (1811-2011) và cũng là ngày khởi công xây dựng “Phật tích nhập Niết bàn” (mồng 6 tháng ba năm Tân Mão – 08/4/2011).
Tôi gọi là “Lên chùa” vì hầu hết chùa thường tọa lạc trên núi cao, trên đồi cao nên phải “lên” và mỗi lần lên chùa tôi lại lẩm bẩm câu hát đồng dao “lên chùa bẻ một cành sen – Ăn cơm bằng đèn – Đi cấy dưới trăng” vâng! Vu vơ và rạo rực lắm. Sau mấy chục cái tam cấp, bước vào sân chùa với tiếng chim hót, tiếng gió rì rào…êm ả, tĩnh lặng; tách biệt hoàn toàn với âm thanh ồn ào, vội vã của một “thành phố” du lịch nhộn nhịp chỉ cách chưa đầy 100 mét. Cửa chùa luôn rộng mở, tôi cứ “vô tư” mà vào; của chùa mà! Nói vui, có nước trà cứ vô tư mà uống, có cơm chay, cứ vô tư mà ăn. Nghĩ thế, tôi cứ vô tư quay phim, chụp ảnh, chiêm ngưỡng cảnh chùa, đi tới đi lui tha hồ quan sát như chỗ không người. Một nhà sư lớn tuổi với khuôn mặt trầm buồn xuất hiện. -Chào thầy! -Gật đầu. -Thưa thầy. Con ở cách đây gần 50 cây số, nhân dịp qua đây đến viếng cảnh chùa, xin phép Thầy cho con được ghi lại một số hình ảnh của chùa. -Cũng không hề trả lời, thờ ơ gật đầu. Cảm thấy “hơi khó chịu” tiếp tục tham quan, xin phép cho nó lịch sự thôi chứ đâu có tấm bảng nào ghi “cấm quay phim chụp hình” đâu mà phải xin phép. Đến khi không còn gì nữa để chụp, tôi đi thẳng đến dãy nhà chính của chùa, cũng vị sư với khuôn mặt trầm buồn lúc nãy uể oải bước xuống võng mời tôi vào căn phòng nơi tiếp khách của sư trụ trì, cũng với động tác uể oải rót nước từ một bình trà đặt trong võ ấm được làm bằng võ trái dừa, chưa kịp rót đầy 2 tách nước cũng là lúc tôi kết thúc “lời giới thiệu” sơ bộ về bản thân và mục đích đến thăm chùa. Khuôn mặt trầm buồn tươi hẳn lên vươn ra ngoài cửa: -Cho Thầy 2 ly trà đá.
Một vị sư trẻ lễ phép cúi đầu chào bưng nước vào, sau một hồi “đàm đạo” tôi mới hiểu ra thầy quá mệt mõi sau buổi lễ khởi công xây dựng “Phật tích nhập Niết bàn”, rồi còn phải tiếp hàng trăm khách từ nhiều nơi đến dự lễ; càng lúc câu chuyện càng trở nên cởi mở hơn không còn khách sáo như ban đầu, nét trầm buồn uể oải dần dần tan biến. Không có nhiều thời gian, chỉ khoảng hơn 30 phút được nói chuyện với thầy, hình ảnh ngôi chùa Linh Long chiều dài lịch sử 200 năm với bao thăng trầm, đổi thay của thời gian như những thước phim dần hiện rõ.

Lâu lắm rồi, có lẽ vào khoảng cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, những ngư dân miền trung Quảng Bình, Phú Yên…chọn vùng đất Mũi Né làm nơi sinh sống, khi công việc làm ăn và nơi cư trú tạm ổn định cũng là lúc ngư dân nghĩ ngay đến đời sống tâm linh và chùa được hình thành từ đó. Theo lời kể và tài liệu còn ghi chép được thì Chùa Linh Long được khai sơn vào tháng 2 năm Tân Mùi (1811) trong niên đại thứ 10 Vua Gia Long, ban đầu được dân làng xây dựng bằng tranh tre nứa lá, tọa lạc trên dốc đá Thương Chánh (nay là khu phố 9 – Phường Mũi Né) do thiền sư Đăng Đệ nguyên quán tỉnh Phú Yên trụ trì từ năm 1811 đến năm 1851. Năm 1851, đời Tự Đức thứ hai, theo thời gian, chùa hư hỏng, dột nát nên được dân làng dời về đồi đốc Nghĩa Trũng giếng Ông Hổ ngày nay, xây dựng bằng vách đá, lợp ngói âm dương, do Giang đạo sĩ Thích Hoằng Quý, nguyên quán tỉnh Phú Yên, thuộc dòng Lâm tế Chúc Thánh đời 41 trụ trì cho đến năm 1888 thì viên tịch. Năm Nhâm Tý 1888 Yết Ma Thích Hoằng Phúc nguyên quán tỉnh Phú Yên thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời 41 tiếp tục trụ trì cho đến năm 1940. Từ năm 1941, sa môn Thích Diệu Quả nguyên quán tỉnh Bình Thuận, đệ tử Yết Ma Thích Hoằng Phúc thuộc dòng Lâm tế Chúc Thánh đời thứ 42 kế vị trụ trì. Năm 1968 theo thời gian mưa nắng chùa bị xuống cấp và bị động cát lấp dần, Sa môn Thích Diệu Quả cùng Chư vị Cư sĩ tiền bối quyết định xây mới Chùa Long Linh (khởi công tháng 4 AL 1968 - Hoàn thành tháng 6 AL 1969). Từ năm 1977 đến năm 2000 Nhà nước quản lý chùa Từ năm 2001 đến nay, Đại đức Thích Pháp Minh nguyên quán Quảng Nam Đà Nẵng thuộc dòng Liễu Quán đời thứ 45 trụ trì. Ngôi chùa khang trang tọa lạc trên đồi cát, ba mặt hướng ra biển, mùa nào cũng được hưởng những cơn gió mát lạnh từ biển thổi vào, sau một loạt tam cấp tới sân chùa hướng tay mặt là khu vườn Lâm Tỳ Ni, tái tạo hình ảnh Thái tử Tất Đạt Đa ra đời; bên trái là Vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như. Sau chùa là cả một quần thể kiến trúc quy mô trong một khung cảnh trầm mặc, uy nghi. Trong đó Tháp Sa môn Thích Diệu Quả có thể nói là ngôi tháp cao to đẹp nhất trong những ngôi chùa tại Bình Thuận.
Gian chánh điện với hàng chữ lớn “ĐẠI HÙNG BỬU ĐIỆN” và những câu đối treo dọc theo trụ cột hai bên: *Linh Hải Khải Từ Vân Phật Nhựt Đằng Huy Quang Tiếp Chúng. *Long Cung Khai Pháp Vũ Thiền Cơ Hưng Thịnh Ứng Trung Thiên. Chùa Linh long còn nhiều công trình kiến trúc uy nghi, độc đáo hòa hợp được giữa nét cổ kính và nét hiện đại hiếm có ở các chùa hiện nay. Tiễn tôi ra cửa trong nắng chiều đầy hơi mặn của biển bằng món quà là 1 quyển sách Kỷ yếu và 3 đĩa CD thuyết pháp về kinh Phật, Thầy Thích Pháp Minh hỏi tôi Pháp danh. Tôi trả lời là không có. Lãng sang chuyện khác, tôi hỏi - Thầy dự kiến chừng nào hoàn thành công trình Phật nhập Niết bàn - một thoáng chần chừ. Tôi đáp luôn - còn tùy vào ngân khoản - gật đầu. Đúng vậy, cho dù nhiệt tình đến đâu, cho dù mong muốn tạo thêm nhiều cảnh trí cho Chùa, cho dù cả cuộc đời với tất cả tâm huyết nối tiếp các chư vị tiền bối kiến tạo những công trình "Phật tích" để lại cho các thế hệ mai sau nhưng một trong những yếu tố không thể thiếu được đó là vật chất để xây dựng. Lửng thửng bước những bước cuối cùng xuống chân dốc, bên này là thế giới tĩnh lặng của tu hành, bên kia là thế giới ồn ã của đời thường. Những con người của thế giới ồn ã này ngày rằm, ngày lễ thường đội mâm quả, mâm xôi lên chùa lễ Phật, rồi lạy cúng. Mong rằng trong những lời khấn vái xin điều gì đó cho riêng mình còn có điều gì đó dành cho chúng sinh. Có một điều mà Thầy Thích Pháp Minh chưa biết đó là tôi không theo đạo Phật nhưng lại luôn tìm hiểu và viết về những ngôi Chùa./. PĐN

3 nhận xét:

  1. Cám ơn PhamDinhNhân đã cho Mỹ nhìn laị ngôi Chuà Linh Long ở trên đồi cao thuộc Thị Xã Thach Long.Nhìn Chuà khác và đẹp hơn xưa nhiều. Qua những hình ảnh Mỹ thấy bùi ngùi nhớ lại từ thuở xa xưa gia nhập gia đình Phật Tử (Oanh Vũ)đi cấm trại tại chùa này.

    Trả lờiXóa
  2. Mỹ cám ơn anh Nhân rồi mình cám ơn anh Nhân thêm nữa.chùa Linh Long quả là khác hơn xưa và đẹp hơn xưa nhiều .Ngày đó mỗi lần nghỉ tíet học tụi mình ,Bích .Tròn .Sinh và Trong hay ra sau chùa cầu cơ lắm.Kg hiểu la ma ,quỉ hiện hình hay là bàn tay của mấy đứa bạn đẩy đi mà mỗi lần như vậy cũg rờn rợn ...tóc gáy ,có khi sọ quá bỏ chạy .Dù là kỷ niêm nho nhỏ nhung vẫn vô cùng nhung nhớ ,chẳg biết các bạn co bao giơ nhớ như mình kg nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Khi đọc bài "Lên chùa Linh Long" tôi thấy có đoạn văn sau đây:"Chùa Linh long còn nhiều công trình kiến trúc uy nghi, độc đáo hòa hợp được giữa nét cổ kính và nét hiện đại hiếm có ở các chùa hiện nay."
    Tôi không hiểu trong chùa Linh Long có "nét hiện đại hiếm có". Vậy, những nét đặc thù đó là những gì nhỉ? Quý ACE hoặc tác giả vui lòng giải thích dùm. Cám ơn nhiều.

    Trả lờiXóa