Mưa về, làm khí trời dịu lại sau những ngày oi bức nóng nực, cây cỏ chợt bừng tỉnh sau giấc ngủ dài của những tháng ngày nắng chói chang. Chỉ vài trận mưa thôi đã vươn mình đâm chồi nẩy lộc xanh mướt cả khu vườn.
Những cơn mưa đầu mùa gợi trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Ngày đó, cứ đầu mùa mưa, khi nước tràn ngập cả cánh đồng lúa rồi theo mương chảy về “lòng lươn” sau nhà để thoát ra sông suối, gia đình tôi lại có dịp đi bắt cá đồng, chỉ cần tay lưới cước dài khoảng chục sải tay, xin của người anh làm biển ở Mũi Né bỏ đi do rách đứt, giăng qua giăng lại theo lòng lươn và một cái “dẹp”, có người còn gọi là cái “lờ” được kết bằng nan tre, một đầu như cái phểu lớn, vào được nhưng ra không được, chận giữa con mương. Cứ chiều đến, ra giăng lưới, đặt dẹp. Đêm đến, những bầy cá, từ sông suối, ngược dòng nước lên ruộng sinh sản, con thì dính lưới, con thì lọt vào dẹp. Trời vừa hửng sáng, gở lưới, những con cá trắng vảy óng ánh dính lưới quậy đành đạch, còn trong dẹp lổn ngổn đủ loại: cá lóc, cá trê, cá lăng, cá cháo và có cả lươn, con nào con nấy bóng lượn, có con to gần bằng cườm tay. Ngày nào cũng dầm nước, lội bùn thế mà vui. Nhiều bữa bắt được bốn, năm ký, ăn không hết phải nuôi trong bể nước, ăn từ từ.
Lươn thì làm món xào lăn xúc bánh tráng nướng, cá lóc hấp cuốn rau sống bánh tráng, cá trê chiên dòn, cá lăng, cá trắng nấu canh khế chua… Bắt cá đồng ở những cơn mưa đầu mùa vừa là thú vui, vừa làm phong phú bữa cơm gia đình. Những năm sau này cái thú kia không còn nữa vì mỗi năm cá một ít đi do người ta bắt bằng điện và có những con cá da lở loét do nhiễm thuốc trừ sâu từ đồng ruộng.
Bây giờ, cũng những cơn mưa đầu mùa như ngày ấy, cánh đồng lúa rì rào theo từng làn gió không còn nữa, thay vào đó, những hàng trụ thanh long sừng sững im lìm phơi mình dưới nắng mưa. Cái lòng lươn, con mương ngày nào vẫn còn đây nhưng bị thu hẹp lại để lấy đất trồng cây. Dưới ấy, vẫn còn những bầy cá thưa thớt lờ đờ lặng lẽ bơi lội theo dòng thời gian./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét