Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

Nhạc sĩ Vinh Sử của xóm nghèo


Năm 1970, qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Ðỗ Lễ tác giả nhạc phẩm “Sang Ngang,” tôi được gặp và quen biết nhạc sĩ Vĩnh Sử.
Vinh sử là một người ăn nói khiêm nhường, tính vui vẻ, miệng cười “xòe xòe,” nói chuyện duyên dáng rất dễ thương nên nhanh chóng tạo cảm mến với người đối thoại. Ông không hút thuốc nhưng uống bia đều đều mỗi ngày dăm ba chai. Phương tiện di chuyển của Vinh Sử là chiếc xe mô-tô to đùng, còi xe khi là âm thanh tiếng chó sủa, khi là tiếng lợn ủn ỉn hoặc tiếng gà gà gáy te te, làm giật mình người chung quanh mỗi khi ông bóp còi.


Nhạc sĩ Vinh Sử. (Hình: Trần Quốc Bảo cung cấp)

Nhạc sĩ Vinh Sử xuất thân ở xóm nghèo Vĩnh Hội, Quận 4, Sài Gòn, nên đa số nhạc phẩm của ông sáng tác đều dành cho giới nghèo sống trong xã hội, chẳng hạn như diễn tả về tình yêu được bày tỏ bằng ngôn ngữ đời thường rất mộc mạc chân tình trong nhạc phẩm “Nhẫn Cỏ Cho Em,” một bản nhạc ngay khi đưa ra công chúng đã nhanh chóng được đón nhận nồng nhiệt vì nội dung làm rung động lòng người: Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương
tặng em theo sính lễ huy hoàng...
thì đây anh đan nhẫn cỏ
tặng em coi như bỏ ngõ, lòng anh chắc em đã biết

Tình yêu thuở học trò cũng vậy, thay vì trai gái tặng nhau món quà quý giá hay đắt tiền giá trị, Vinh Sử trái lại, tặng bạn cùng lớp nhành cây trứng cá, như mấy câu dưới đây của bài “Nhành Cây Trứng Cá”:
Bẻ một nhành cây, nhành cây trứng cá
Ðể khi vô trường, chia trái cho em
Hương trái mê ly, hai đứa xù xì
Cô giáo phạt quỳ, em lệ hoen mi

Thế rồi ở Quận Tư Khánh Hội xóm nghèo, Vinh Sử sáng tác tiếp bài “Gái Nhà Nghèo,” kể cảnh khổ của một cô gái nghèo, như sau:
Em vốn mang thân con gái nhà nghèo
Thay cha mẹ già lo đàn em yêu...
Tuổi trăng đôi tám mỹ miều
Mà nào em ước mơ nhiều
Khi biết nhà vách lá, cột xiêu...

Vinh Sử sáng tác rất phong phú, lúc ông chưa nổi tiếng đã có số lượng dồi dào cả trăm nhạc phẩm, ông mang đi bán cho các nhà sách và nhà xuất bản để xin ứng trước một số tiền xem như mượn nợ, khi nhạc ông xuất bản bán được sẽ khấu trừ lại. Ngoài ra người nhạc sĩ còn mang nhạc phẩm mình đến tặng cho các ca sĩ với hy vọng sẽ có giọng hát nào hợp để họ trình bày, giới thiệu nhạc phẩm của ông đến công chúng.

Chờ đợi mỏi mòn vô vọng, trong khi số nợ nần ông từng vay mượn nơi các nhà xuất bản ngày càng nhiều hơn. Cho đến một ngày, có một ca sĩ hát bài “Nhẫn Cỏ Cho Em” trên đài phát thanh Sài Gòn, đó là ca sĩ Chế Linh, rồi tiếp đến là Thanh Tuyền và Giao Linh, bài hát này được thính giả khắp nơi tới tấp gọi vào đài phát thanh yêu cầu cho nghe lại; và theo số yêu cầu của thính giả, bản nhạc Nhẫn Cỏ Cho Em đã được phát lại cả trăm lần sau đó, khiến cho bản nhạc nhanh chóng nổi tiếng và đưa Vinh Sử trở thành một nhạc sĩ tên tuổi.

Bấy giờ các nhà xuất bản cho người đi tìm Vinh Sử để mua lại tác quyền nhạc, còn Vinh Sử nghe tin mình bị kiếm tìm lại ngỡ là bị lùng tìm đòi nợ nên sợ quá đi trốn. Nhưng không, các nhà xuất bản từng ứng trước tiền cho Vinh Sử không những quên nợ cũ mà còn trả tiền bản quyền rất cao cho Vinh Sử ở những tác phẩm mới về sau.

Khi nhạc của Vinh Sử được yêu thích và chú ý, ông có đầu óc kinh doanh, tự in riêng những bản nhạc lẻ của mình rồi mang đến gởi bán ở các tiệm sách, hoặc nhờ các tủ thuốc lá dọc theo vỉa hè đường Lê Lợi bán giùm. Ở thập niên 60, bản nhạc “Nhẫn Cỏ Cho Em” mỗi tháng bán trên 200,000 bản, đặc biệt nhạc phẩm “Yêu Người Chung Vách” có số bán kỷ lục 500,000 bản trong 1 tháng.

Tiền vô nhiều nhưng Vinh Sử vẫn ở nơi xóm nghèo, sống với người nghèo... Ðời sống va chạm hay đùm bọc mình luôn là chất liệu rung động tạo cảm hứng cho người nghệ sĩ sáng tác nên tác phẩm. Nhạc của Vinh Sử đa số viết cho giới người nghèo ở xóm nghèo nên được tầng lớp dân chúng bình dân, là những con người thuộc thế giới nghèo nàn nhưng đôn hậu, tuy sống chân chất nhưng tình cảm nồng nàn, đã đón nhận và yêu thích dòng nhạc của Vinh Sử, do đó nhạc ông sau một thời gian được người ta đặt cho danh hiệu là “Nhạc Sến,” Sến ám chỉ mấy cô gái nghèo phải đi làm thuê, gánh nước mướn, mưu sinh vất vả nơi phồn hoa đô hội. Thế rồi người nhạc sĩ luôn vinh danh những tấm lòng, luôn nói lên những tâm trạng của hạng người bình dị như con cò con sến, lại được người đời sau đó tặng luôn cho Vinh Sử danh hiệu “Vua Nhạc Sến”! Vinh Sử đón nhận danh hiệu này bằng một tấm lòng, chấp nhận và hãnh diện với chữ “Vua,” tươi cười thích thú nói rằng “Sến hay Cò gì cũng được, miễn nhạc của mình hát lên mà bà con đồng cảm, yêu thích đón nhận là được rồi!”

Ðể chứng tỏ cho những lòng dạ chật hẹp có cái nhìn hạng bậc nhân vị, Vinh Sử ghi tên học ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và đã theo học nơi trường dạy âm nhạc này một thời gian dài. Vinh Sử tuy đường học vấn dở dang nhưng là người có chí tiến thân mạnh mẽ, ông học ở trường đời để thành nhân nhiều hơn là cần thiết đỗ đạt cấp bằng nơi trường học. Ngoài nghề sử dụng chất xám của tim óc để sáng tác nhạc, Vinh Sử đặc biệt còn có thêm nghề khéo léo của đôi tay là nghề đóng giày rất thiện nghệ, và ông đã dùng tay nghề thiện xảo của mình mở một xưởng nhỏ đóng giày, và xưởng giày của Vinh Sử đã tạo việc làm cho một số bà con ở xóm nghèo có thêm lợi tức.

Cách đây năm bảy năm về trước, Vinh Sử được một người đàn bà dưới miền Tây tự nguyện dọn đến sống chung, chăm lo cơm nước, quán xuyến việc nhà một thời gian. Nhờ có người nội trợ, nghề đóng giày những tưởng đã mang đến cho Vinh Sử một công ăn việc làm bền vững, một cuộc sống no ấm. Nhưng cũng một ngày, chính người đàn bà đã đến kia lại bỏ đi, tàn nhẫn hơn, bà mang theo tất cả bạc tiền dành dụm được của hai người. Thế là Vinh Sử trắng tay, trở thành người nghèo túng với cuộc sống đơn độc, khủng hoảng.

Tháng Mười Một năm 2011, tôi hay tin Vinh Sử vì đau buồn mà lâm trọng bệnh, bệnh ung thư ruột già, phải vào nằm nhà thương. Sau đó cắt ruột hai ba lần, làm cho việc đi vệ sinh rất khó khăn, một mình phải tự lo cho mình, tình cảnh thật thê thảm. Từ đó đến hôm nay, 30 Tháng Tư, 2013, ông phải sống trong cảnh bệnh hoạn ngặt nghèo, không người giúp đỡ, nghèo khổ cực cùng.

Bài viết này tôi cố gắng ghi lại một số hiểu biết về nhạc sĩ Vinh Sử, và thông báo về hoàn cảnh hiện tại của ông đang mắc bệnh ung thư trong tình trạng nguy ngập và thiếu thốn, đơn chiếc. Mong sẽ đến tay các ca sĩ từng hát, các trung tâm băng nhạc từng thu âm, những thính giả từng nghe những bản nhạc “sến” của Vinh Sử, hay như ngay cả quý bà con cùng xóm nghèo với ông khi xưa, hiện đang sinh sống ở nước ngoài, quý thính giả, đã từng quý mến dòng nhạc của người nhạc sĩ này, để rất mong được tất cả quý vị khi biết tin nhạc sĩ Vinh Sử đang lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, còn thêm bệnh ung thư như vậy, quý vị thương cảm mà tiếp tay gởi quà hay gởi tiền cứu giúp.

Dưới đây là điện thoại và địa chỉ của nhạc sĩ Vinh Sử:

Nhạc sĩ Vinh Sử
86/52 đường 37
Phường Tân Kiểng, Quận 7
TP. HCM, Viet Nam
Ðiện thoại: 0903.933.020
Lê Quý An(Viết thay nhạc sĩ Vinh Sử đang trong tình cảnh bệnh ung thư ngặt nghèo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét