Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

VĂN HÓA NHẬU



     Nói đến từ văn hóa, người ta thường nghĩ đến những điều tốt đẹp, tinh túy của xã hội loài người. Ấy vậy mà ở Việt Nam, văn hóa lại đi với không ít những điều thiếu tích cực, nếu không muốn nói là tiêu cực như văn hóa phẩm đồi trụy, văn hóa ăn nhậu...
     Có lẽ khó ai trả lời được câu hỏi tại sao “văn hóa nhậu” lại phổ biến và trở thành bình thường “chuyện thường ngày ở huyện” bất kể ở nông thôn hay thành thị, với người giàu hay người nghèo? Vui, nhậu, buồn, nhậu, bạn bè lâu ngày gặp nhau, nhậu, bàn kế hoạch kinh doanh, nhậu, chuẩn bị một phi vụ làm ăn, nhậu, kết thúc phi vụ làm ăn, cũng nhậu... Sáng có không ít người đã lai rai, trưa nhậu là bình thường, tối nhậu là phổ biến. Nhậu từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến đêm... Cơ quan, doanh nghiệp triển khai công tác đầu năm xong phải có tiệc, sơ kết, tổng kết cũng phải có tiệc. Tiệc mà không có rượu bia thì không phải là tiệc. Đám cưới phải có rượu bia, đám tang cũng không thể thiếu bia rượu. Sinh nhật, thôi nôi, đầy tháng... của con, của cháu, nhưng bố mẹ, ông bà lúc nào cũng phải ngà ngà men say. Có lẽ tìm một lý do để không ăn nhậu mới là việc khó.

     Khi đã vào bàn nhậu, người thích bia hơi, bia tươi, bia chai, bia lon... Người thích rượu vang Úc, Chile, Pháp, Ý... Người mạnh ”đô” hơn thì rượu đế, vodka, cognac, whisky... rồi thì phải là whisky 12 năm, 18 năm hay 25 năm, thậm chí 38 năm... Người khỏe thì vậy, còn người bệnh có thể tìm đến đủ loại rượu thuốc ngâm thực vật, động vật... Đúng là cả một trời lựa chọn mà ngay cả những người tự nhận là ăn nhậu sành điệu nhất cũng không thể kể hết được những loại rượu bia đang có mặt trong các quán nhậu ở Việt Nam.
     Chẳng ai có thể khẳng định loại thức uống có cồn này xuất hiện từ khi nào trong lịch sử phát triển của loài người. Chỉ biết sự phát triển của xã hội loài người dường như tỷ lệ thuận với sự đa dạng chủng loại, mức độ tiêu thụ những loại thức uống này.
     Người uống có thể đưa ra rất nhiều lý do để uống, những điều có lợi khi sử dụng rượu bia, nhưng hầu hết đều là những nhận định chủ quan, cảm tính và thiếu cơ sở khoa học. Còn tác hại của rượu bia thì lại rất rõ ràng, có cơ sở khoa học, nhiều kết luận dựa trên các công trình nghiên cứu khoa học công phu.
     Biết hại cho sức khỏe vẫn uống, biết ảnh hưởng hạnh phúc gia đình, tốn kém tiền bạc, thời gian, nguy cơ tai nạn giao thông... vẫn uống, rồi khi nghe thông tin cấm bán rượu bia sau 22g thì không ít người phản đối. Quả là khó hiểu!

(SGGP Thứ bảy)

 CHA & CON cùng NHẬU, NHẬU...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét