Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

Ngày Tết Giải Trí Với Truyện Kiều




 

Hoàng Yên Lưu

 

Những câu thơ viết bằng chữ Việt thời cổ tức chữ Nôm, trích trong truyện Kiều, tả cảnh hội Đạp thanh với những nét chấm phá về mùa xuân gợi nhớ tới bức tranh cổ Thanh minh thượng hà đồ của Trương Trạch Đoan nhưng lại có nét gần với cảnh sắc quê hương ta ở miền thượng du Bắc Việt nơi tác giả có nhiều năm bôn ba vào buổi Lê mạt-Nguyễn sơ:

 

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ, hội là đạp Thanh.

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử, giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

 

Tác giả những vần hoa mỹ trên là nhà thơ Nguyễn Du, một thi nhân có cảm xúc tế nhị, tình cảm đậm đà, lại nửa đời lang bạt đất Bắc rồi về Trung sau khi mưu việc phù Lê không thành. Sang triều Gia Long, ông lại đi sứ Trung hoa… nếm trải nhiều bước đoạn trường, thưởng thức nhiều cảnh sắc thiên nhiên nên kiến thức càng phong phú, tình càng sâu, ý càng lắng đọng.

Nhờ có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên và con người, chứng kiến cuộc bể dâu trong vòng trên dưới ba chục năm trải ba triều đại (Lê mạt-Tây sơn-Nguyễn sơ) nên tác phẩm của ông khắc họa cả một xã hội, đủ hạng người, đủ tình đời. Do đó, trong Truyện Kiều có đủ thứ cảm xúc sinh động: vui, buồn, chán, ghét, gồm cả bi, hoan, ly, hợp… Nhờ thế, ngưởi đọc có thể tìm thấy hình bóng mình, cảnh ngộ và tâm nguyện của mình trong kiệt tác và khi rảnh rỗi hay lúc có tâm sự ta có thể vừa giải trí vừa tìm cố vấn nếu có Truyện Kiều trong tay.

Gần hai trăm năm lưu hành, không phải tác phẩm chỉ được giới trí thức hân thưởng mà người bình dân cũng dùng Kiều trong lúc cảm xúc dâng cao.

Nam thanh nữ tú ngày xưa ngẫu hứng ngâm Kiều, đố Kiều.

Muốn ngỏ ý kín đáo với người mình yêu, khi có dịp gặp gỡ chàng trai có thể mượn câu Kiều:

Tiện đây xin một đôi điều

Đài gương soi thấu dấu bèo cho chăng?

Muốn dặn dò khi từ biệt, chàng trai có thể nhắn nhủ bóng bẩy người yêu trọn đạo thủy chung:

 

Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.

Nhớ quê người ta ngâm Kiều:

Đoái trông muôn dặm tử phần,

Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa!

Nhớ mẹ, lữ khách mượn Kiều bày tỏ tấc lòng:

Tiếc người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

 

Mọi người đều công nhận Truyện Kiều là một đại tác phẩm trong văn học của ta. Ngoài giá trị văn chương đã làm thỏa mãn biết bao nhà phê bình trong nước và ngoài nước, người tìm nó thưởng thức văn chương cũng nhiều mà kẻ ngâm nga lúc xúc cảnh sinh tính cũng không ít. Nó cũng là sách giáo khoa giúp người muốn viết văn, làm thơ. Học nó là bảo tồn tiếng Việt và như một học giả từng nói “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn.”

Mùa xuân nói về khía cạnh giải trí của Truyện Kiều thích hợp hơn cả. Giá trị “mua vui cũng được một vài trống canh” của Truyện Kiều đã được ca tụng từ lâu, ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 19 khi tác phẩm xuất hiện cho tới ngày nay.

 

Đố Kiều

Lúc trai gái hội họp hoặc mượn câu Kiều để tỏ tình hoặc mượn Kiều để đố vui thăm dò đối tượng xem có phải người thanh lịch văn vẻ và hiểu biết hay không. Vì thế lối đố kiều rất được dân gian ưa chuộng. Cô gái có thể hỏi chàng trai, người tự hào là đã biết thưởng thức những vần thơ của Nguyễn Du:

Truyện Kiều anh học đã lầu 

Đố anh kể được một câu năm người

 

Nếu là trai thanh, có thể đáp ngay gái lịch:

Này chồng, này mẹ, này cha

Này là em ruột, này là em dâu

 

Câu hỏi có thể oái oăm hơn:

Truyện Kiều anh đã thuộc nhiều

Đố anh kể được truyện Kiều nghìn năm

 

Chàng trai “hay chữ” tính toán rất nhanh, biết rằng trong Truyện Kiều có đúng mười lần chữ Trăm năm nên không ngần ngại khéo cắt xén thành 22 câu nối vần được với nhau, cộng lại đủ 1000 năm như sau :

“Trăm năm” trong cõi người ta

Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân

Đã nguyền hai chữ đồng tâm

“Trăm năm” thề chẳng ôm cầm thuyền ai

Trót vì cầm đã bén dây

Chẳng “Trăm năm” cũng một ngày nước non

“Trăm năm” tính cuộc vuông tròn

Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông

Tóc tơ căn vặn tấc lòng

“Trăm năm” tạc một chữ đồng mới hay

Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay

Tiết “Trăm năm” nỡ một ngày bỏ đi

Chở che đùm bọc thiếu gì

“Trăm năm” danh tiết cũng vì đêm nay

Rằng “Trăm năm” cũng từ đây

Của tin gọi một chút này làm ghi

Người đâu gặp gỡ làm chi

“Trăm năm” biết có duyên gì hay không

Lỡ làng nước đục bụi trong

“Trăm năm” giữ một tấm lòng với ai

Một nhà phúc lộc gồm hai

Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần

 

Đố chữ, đố nghĩa, còn có lối “đố vui để chọc”. Có anh thư sinh tự hào thuộc làu Kiều từ câu đầu tới câu chót, gặp hai chị em cô gái tinh nghịch. Cô chị làm bộ ít học hỏi chàng rằng:

– Này anh ơi, anh học nhiều hiểu rộng… Cô Kiều của chúng ta, trong 15 năm luân lạc có lúc nào mang bầu hay không?

Thư sinh nghiêm mặt:

– Nói bậy, nàng Kiều dù bị đày đọa “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần” nhưng Nguyễn Du chẳng bao giờ tả những chi tiết bất nhã đó trong một tác phẩm văn chương cao nhã!

Cô em cười thành tiếng rồi nói:

– Thế…Thế anh giảng giùm em câu này:

Thất kinh nàng chửa biết là làm sao

Cụ Tố Như đã nói rõ Kiều “thất kinh” và “chửa” nên hoảng hốt hỏi “biết là làm sao… bây giờ?” sao anh bảo cụ tránh né?

Có những câu đố cố giảng sai nghĩa nhưng cũng có lý vui vui. Có người hỏi cô Kiểu có lấy phế binh hay không?

 

Một người hóm hỉnh trả lời: Có! Đó là chàng Từ Hải. Tại sao? Vì Nguyễn Du tả họ Từ:

“Một tay” gây dựng cơ đồ

 

Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành.

Một tay… tung hoành thì là phế binh chứ còn ai khác!

Giai thoại còn nhiều. Nhà văn tiền phong Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) tác giả cuốn tiểu thuyết Tố Tâm xuất bản 1925, được coi như một trong những cuốn tiểu thuyết viết theo lối Tây phương đầu tiên ở VN, kể lại vài mẩu chuyện trào phúng tao nhã lấy từ truyện Kiều:

 

Câu chuyện “Họ, Vắt”

“Một thư sinh ở thành thị thường về nông thôn thưởng xuân. Chàng ta là người học giỏi, mê Kiều và rất thuộc Kiều, thường vẫn tự phụ về vốn liếng Truyện Kiều của mình.

Nhân đi qua một bãi cỏ rộng, thấy mấy cô thôn nữ đang vừa chăn bò, vừa cười đùa rất hồn nhiên, vui vẻ, chàng liền sấn đến định tán chuyện làm quen:

Một cô trong bọn bỗng buột miệng ngâm:

Trông chừng thấy một văn nhân…

Rồi cô bỏ lửng. Chàng thư sinh thấy cô ta khen thế thì hãnh diện lắm, vội sửa lại bộ cánh và có ý ngong ngóng muốn nghe nốt câu sau. Chợt một cô khác cất giọng ngâm tiếp:

… Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao

Tưởng các cô coi mình là Kim Trọng, té ra họ chỉ đánh giá mình như Mã Giám Sinh, chàng thư sinh vừa thẹn vừa bực. Nhưng rồi nhận thấy các cô nói động đến thơ mà Kiều là cái món sở trường của mình thì anh ta có ý coi thường các cô lắm, bèn lên mặt hợm hĩnh hỏi:

– Truyện Kiều các cô thuộc được bao lăm mà cũng dám giở dói ra như vậy?

Bị xem khinh, một cô nhanh nhảu nói mát:

– Vâng chúng em quê mùa đâu có thuộc Kiều bằng anh được. Còn anh thuộc Kiều nhiều thì mời anh hãy đọc một câu Kiều để bảo con bò kia đứng lại cho chúng em biết tài với!

Chàng thư sinh nghe nói thế thì bỗng chột dạ tự nhủ “Chết chửa, mình thuộc Kiều nhưng có biết dùng Kiều để điều khiển con bò bao giờ đâu?” Nhưng rồi anh ta cũng đánh liều đọc:

Tần ngần đứng suốt giờ lâu,

Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.

Anh ta lợi dụng chữ đứng trong câu trong câu thơ và đọc rõ to chữ ấy. Song con bò vẫn chẳng nghe lời anh. Các cô đều cười ầm ỹ. Tưởng chừng bò chưa nghe rõ, anh ta lại đọc lần nữa và để tỏ ra mình làu Kiều, anh ta đọc một câu khác:

Trong vòng tên đạn bời bời,

Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ

Anh ta lại hét to chữ đứng trong câu thơ này. Nhưng con bò vẫn như không nghe thấy gì cả. Thì ra chàng thư sinh chưa quen tiếng nói của đồng ruộng; sau phải nhờ các cô bảo cho biết, bấy giờ chàng ta mới đọc:

Họ chung có kẻ lại già,

Cũng trong nhà dịch lại là từ tâm,

Anh đọc to và kéo dài tiếng họ, quả nhiên con bò đứng lại ngay. Kế đó có một cô lại thách:

– Bây giờ anh hãy đọc một câu cho con bò đi rẽ sang phải xem nào?

Chàng thư sinh làm bộ thông thạo chẳng cần nghĩ ngợi, đọc luôn:

Nàng rằng phận gái chữ tòng

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.

Anh đọc thất to và nhấn mạnh hai tiếng đi. Con bò nghe thấy bước đi ngay, song nó lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không rẽ sang phải. Anh chạy theo đọc lại lần nữa nó cũng chẳng nghe cho. Chợt anh nhớ ra một câu khác, chắc mẩm lần này thế nào cũng có kết quả. Anh dõng dạc ngâm:

Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.

Anh nhấn mạnh và kéo dài chữ rẽ. Nhưng khốn thay! Con bò vẫn cứ đi thẳng. Các cô thấy vậy đều ôm bụng cười như nắc nẻ. Chàng thư sinh ngượng quá, đỏ mặt tái tai, đành xin chịu thua. Bấy giờ một cô trong bọn mới đọc chữa cho rằng:

 

Một vùng cỏ mọc xanh rì,

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.

Cô nhấn mạnh tiếng vắt, quả nhiên con bò ngoan ngoãn rẽ sang phải ngay.

Thế là chàng thư sinh hết lên mặt hợm hĩnh về cái vốn Kiều của mình, vội vã nói mấy câu đánh trống lảng rồi chuồn thẳng…

 

Câu chuyện “Vả bây giờ”

“Ở vùng nọ có một cô gái đẹp mà có tài ăn nói, mở một quán nước bên đường để kén chồng. Các cậu cống, anh đồ nghe tin kéo đến rất đông. Chàng nào cũng hăm hở tưởng mười mươi là chiếm được người đẹp, nhưng khi đến hăm hở chừng nào thì khi về lại tiu nghỉu chừng nấy, vì chưa có ai địch lại được mồm mép chua ngoa đáo để của cô gái.

 

Một hôm, có một nho sinh nọ, chẳng biết là định “đánh đường tìm hoa” hay là tình cờ qua đường vào quán nghỉ chân. Cô gái quen như mọi bận, lại giở cái giọng “đàn chị” ra để trêu chọc, nhưng thò ra câu nào thì bị anh chàng đập lại chan chát, thành ra cô ta đã có phần nao núng. Cuối cùng, cô ta bèn đọc một câu:

Khen cho con… mắt tinh đời!

Anh hung đoán giữa trần ai mới già.

 

Khi đọc cô nhấn mạnh ba tiếng khen cho con… , nghỉ một tí rồi mới đọc ba tiếng sau thành câu thơ có nghĩa: “Bà khen cho con đấy, con ạ! Vì con cũng có cặp mắt tinh đời đấy”. Nho sinh vốn là một thanh niên nhanh trí, thấy cô gái nhấn mạnh ba tiếng khen cho con… thì đã hiểu ngay là cái ý xỏ xiên của cô ta, anh ta bèn “tương kế tựu kế” đọc ngay một câu trong Truyện Kiều như sau:

Vả bây giờ… mới thấy đây,

Mà lòng đã chắc những ngày một hai

Nhưng lúc anh ta đọc anh ta dằn mạnh ba tiếng vả bây giờ, cũng nghỉ một tí mới đọc tiếp ba tiếng sau, thành thử câu thơ lại có nghĩa là: “Cô nói hỗn với tôi thì tôi vả cho cô bây giờ, để cho thấy tôi là người như thế nào?”

Cô gái là người tinh tế, thấy nho sinh nọ trả lời mình cũng bằng một câu Kiều với ý nghĩa hóm hỉnh như vậy thì vừa phục vừa thẹn, mặt đỏ au lên, và lặng thinh ngồi mân mê tà áo chẳng biết trả lời ra sao nữa.”

 

Câu chuyện “Cô Kiều cười!”

“Một nhóm học trò lớn, nhân một hôm thầy đi vắng, ngồi tán gẫu với nhau về thơ Kiều

– Trong suốt Truyện Kiều, người ta thấy cô Kiều lúc nào cũng khóc, không có lúc nào cười, các bạn có thấy không?

Một anh nữa nói:

– Đúng đấy! Cô Kiều quả thật không bao giờ cười. Nhưng mà có một lần người ta trông vào cô thì thấy cô buồn cười. Đố các bạn đó là lần nào?

Nhóm học trò còn đang suy nghĩ, thì một anh chợt nói:

– Tôi biết rồi. Đó là lần thăm mả Đạm Tiên:

“Vân rằng: Chị cũng nực cười!

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!”

Cả nhóm thanh niên đều vỗ tay cười. Nhưng một anh nãy giờ không nói gì, đứng ra nói:

– Các anh bảo cô Kiều không bao giờ cười ư? Tôi nói là có đấy, mà lại cười to, cười nhiều nữa kìa!

Nhóm học trò sửng sốt hỏi vặn:

– Đâu, lúc nào? Anh đọc chúng tôi nghe!

Anh học trò ung dung nói:

– Đó là lúc Từ Hải trở về rước cô:

Cùng nhau trông mặt cả cười

Dan tay về chốn trướng mai tự tình”…

Nhóm học trò lại một phen vỗ tay như pháo rang.

 

Bói Kiều

Truyện Kiều được nhiều người kể cả trí thức và bình dân coi như sách bói. Một số người có khuynh hương tâm linh, khi có việc cần, giữ lòng thành khẩn giở quyển Kiều lên và chọn một số dòng thường thì nam tả, nữ hữu (trai chọn trang bên trái, gái chọn trang bên phải). Ý nghĩa của những dòng này có thể giúp ta dự đoán những việc có thể xảy ra.

Người muốn biết chuyện tương lai chỉ cần giơ cuốn Kiều lên trán và cung kính khấn vái:

“Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Tiên Thúy Kiều…

Tên con tên là…

Cho con xin một quẻ 4 câu ứng về việc nhân duyên ở vị trí bấm ngón tay kể xuống dưới”

Mơ tưởng khách đông sàng, không biết duyên nợ ngày sau ra sao, một cô gái có thể bói Kiều như trong tác phẩm Lều chõng của Ngô Tất Tố.

Trang Kiều được mở ra và theo vết bấm, kết quả có thể như bốn câu sau:

Vội vàng sắm cửa lễ công

Kiệu hoa cất gió, đuốc hồng ruổi cao

Bày hàng cổ xúy xôn xao

Song song đưa tới trướng đào sánh đôi

Còn gì mừng hơn, rõ ràng là cảnh lên xe hoa về nhà chồng!

Năm 1984, một bác sĩ mới ra trường làm việc ở bệnh viện chợ Quán, Sài gòn, quyết định vượt biên bằng đường biển, đã giở cuốn Kiểu ra bói một quẻ được hai câu:

Thôi con, còn nói chi con,

Sống nhờ đất khách thác chôn quê người!

Quẻ có chữ “sống thác” nghe ghê người nên người thân khuyên anh đừng đi nhưng đã lỡ đóng tiền nên người trí thức này quyết tâm dấn thân vào cuộc vượt biển tìm tự do vì nghĩ tháng ba ít gió bão “tháng ba bà già đi biển” có gì lo!

Buổi ra khơi ban đầu thuận lợi nhưng tới bờ biển Thái lan thì gặp hải tặc, chúng cướp tàu và buộc dân di tản phải bơi vào bờ. Hậu quả, bác sĩ kiệt lực, chết đuối và được cư dân ven bờ vớt xác chôn cất ở một khu hoang vu ven biển.

Còn gì đúng hơn lời dự tri: Sống nhờ đất khách thác chôn quê người!

Giải một quẻ căn cứ vào những câu Kiều hiển nhiên gặp khó khăn vì ý nghĩa mơ hồ. Hơn nữa nó có thể đúng với việc khác mà không đúng với việc mình đang cầu. Học giả Trần Trọng Kim trong hồi ký Một cơn gió bụi kể lại một chuyện bói Kiều liên quan tới một chí sĩ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cụ cử Dương Bá Trạc, anh ruột giáo sư Dương Quảng Hàm.

Tác giả Một cơn gió bụi nhớ lại: vào 1943 khi ông và Dương Bá Trạc bị quân Phiệt Nhật ép buộc sang Tân gia ba với ý đồ dùng những nhân vật quốc gia uy tín để hy vọng sau này lập chính phủ Việt Nam thân Nhật. Tới Tân Gia Ba ít lâu thì cụ cử Dương bệnh nặng và qua đời (1944).

“Ðộ hơn một tháng trước, một hôm ngồi nói chuyện, ông Dương nói: ‘Tôi thường không tin sự bói toán, nhưng tôi nghiệm thấy bói Kiều lắm lúc hay lắm. Khi xưa tôi có đi thi Hương, bói một quẻ, biết là đỗ, mà rồi đỗ thiệt. Sau phải đầy ra Côn Lôn, lại một hôm bói một quẻ, đoán là sắp được về, cách mấy ngày quả được về thiệt’. Chúng tôi nói: ‘Bây giờ ông thử bói một quẻ xem’. Ông nói: ‘Ðể sáng mai.’

Sáng ngày hôm sau, ông vui mừng bảo chúng tôi: “Về, chúng ta sắp được về.”

“Sao ông biết?”

“Tôi vừa bói một quẻ Kiều được hai câu nầy:

Việc nhà đã tạm thong dong,

Tinh kỳ giục dã đã mong độ về.

Theo cái nghĩa cái câu ấy là chúng ta sắp được về.”

Thấy ông nói thế, ai nấy đều vui vẻ mừng rỡ lắm. Kể ra đối với ông Dương thì không đúng, mà đối với cả bọn chúng tôi thì chỉ cách có mấy tháng là được về cả. Việc tin hay không tin ở quẻ bói là chuyện khác, đây tôi cốt lấy một chuyện cỏn con đó mà chứng thực cái lòng mong mỏi của chúng tôi lúc ấy là ai cũng muốn chóng được về.”

 

Báo Phổ thông xuất bản tại Sài gòn năm 1961 có kể lại chuyện lãnh tụ Nguyễn Thái Học từng bói Kiều khi bị thực dân Pháp lùng bắt:

 

“Sau cuộc khởi nghĩa thất bại ở Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao (9, 10-2-1930), một số các nhà cách mạng Việt Nam Quốc Dân đảng chạy về miền xuôi, mạn ngược để trốn tránh sự lùng bắt của thực dân Pháp.

Lúc bấy giờ hương vị của ngày xuân đầm ấm hãy còn tràn ngập tâm hồn của người dân Việt, nhưng âm thầm có một nhóm người nào có biết xuân là gì. Đêm ấy đúng là đêm mùng 2 Tết Canh Ngọ, Nguyễn Thái Học, Cô Giang, Ký Con, Chánh Tôn, Lương Ngọc Tốn, Vũ Hoằng, tất cả sáu người trốn về xã Hùng Thắng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, ẩn mặt trong nhà một đồng chí tá điền.

 

Đêm xuân, họ dừng chân tại đây cốt nghỉ bước gian nan để tránh sa vào lưới bẫy kẻ thù, mà cũng để bàn định lại kế hoạch cho ngày mai, họ không tin rằng cuộc cách mạng đã bùng nổ có thể tan rã khi mà họ ở ngoài vòng kiềm tỏa. Người vững niềm tin nhất có thể là đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Nhưng giữa một đêm xuân gợi nhớ như đêm đó, các nhà cách mạng không tránh khỏi đôi chút ngậm ngùi để lòng luyến nhớ đến gia đình thân quyến. Giờ này những người thân yêu của họ ở đâu làm gì? Có được đoàn tụ với họ hàng thân thích dưới mái nhà xưa, hay cũng trải qua cảnh lạc loài buồn thương như họ?

Đã sang nửa đêm, trời lạnh, mọi người trằn trọc không ai ngủ được. Ngọn đèn dầu xung quanh họ khi mờ khi tỏ bập bùng như một ảo ảnh cuộc đời. Buồn quá, để xua đuổi mối tình tư gia làm mềm yếu lòng mình, Nguyễn Thái Học tung chăn ngồi dậy vặn to ngọn đèn, pha trà để uống. Các bạn Học cũng ngồi dậy, có cái gì vương vít nơi lòng làm họ không chợp mắt được.

 

Có người đề nghị nên đánh tam cúc để giết thời giờ. Một vài anh em đồng ý, còn Học thì thản nhiên ngồi uống trà đoạn với tay lên án lấy quyển Truyện Kiều để ngâm những vần thơ tuyệt tác của thi nhân.

Lật qua, lật lại vài trang chẳng biết nghĩ sao Nguyễn Thái Học nhìn xung quanh rồi bảo các bạn mình:

– Đầu năm mỗi người chúng ta cũng nên bói thử một quẻ Kiều…

Một hai đồng chí phá lên cười:

– Ai dà, làm cách mạng mà cũng tin bói toán nữa à?

Nghe tiếng cười, cô Giang từ trong ổ rơm bò ra hỏi:

– Các anh vui gì mà ồn lên thế?

Một đồng chí trỏ Nguyễn Thái Học rồi đáp:

– Anh Cai (biệt danh của Học) đòi bói Kiều.

Ký Con đang nằm, vùng chỗi dậy:

– Bói thì bói.

Thế là các nhà cách mạng xúm xít vây quanh ngọn đèn dầu. Các đồng chí đồng ý nhường cho Học bói trước.

Nguyễn Thái Học ngồi xếp bằng. Hai tay ấp lấy quyển Kiều trang trọng nâng lên ngang mặt như người lễ Phật, miệng lâm râm khấn vái:

– Hải Dương tỉnh, Nam Sách huyện, Hùng Thắng xã, Canh Ngọ niên, chính nguyệt sơ nhị nhật, tôi là Nguyễn Thái Học quê làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên… lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy Vương Thúy Kiều, lạy chàng Kim Trọng, lạy chư vị…

Lương Ngọc Tốn chợt xen vào:

– Đừng lạy chư vị lầu xanh nhé!

Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con thích chí phá lên cười. Nguyễn Thái Học nghiêm mặt quay sang bảo:

– Các anh đừng đùa hãy để tôi khấn nốt. Thế rồi anh lại tiếp: lạy chư vị trong truyện xin cho tôi bói một quẻ, lấy 4 câu về trang tả, có lành ứng lành, có dữ ứng dữ…

Khấn xong, hai tay Học mở quyển Kiều đưa ra trước ánh đèn, đọc to lên:

Thân ta, ta phải lo âu,

Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này.

Liệu đường cao chạy xa bay,

Ai ân ta có ngần này mà thôi.

Nguyễn Thái Học vừa dứt lời, Lương Ngọc Tốn vội vớ lấy quần áo chạy ra cửa. Các đồng chí nhìn Tốn ngơ ngác hỏi:

– Ồ, anh chạy đi đâu?

Lương Ngọc Tốn bảo:

– Nguy đến nơi rồi. Ta chạy đi, quẻ bói bảo rằng hùm đang há miệng, liệu mà xa chạy cao bay.

Ký Con phải kéo Lương Ngọc Tốn lại và cố trấn tĩnh mới lấy lại được sự bình tĩnh ở người bạn đồng chí

Cuộc bói Kiều lại tiếp tục. Đến lượt Vũ Hoằng nhà cách mạng đồng quê với Phó Đức Chính. Sau khi khấn xong, Hoằng mở quyển Kiều ra chọn 4 câu:

Từ con lưu lạc quê người,

Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm.

Tính rằng sông nước cát lầm,

Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây!

Quẻ bói trước và quẻ bói này cùng một điềm dữ. Tuy không tin nhảm mà trên gương mặt các nhà cách mạng cũng thoáng hiện nét buồn. Cô Giang lặng nhìn người yêu là Nguyễn Thái Học rồi nhìn các đồng chí với một vẻ thẫn thờ chưa từng thấy. Ký Con lẳng lặng cầm quyển Kiều ném lên bàn rồi bảo:

– Hơi đâu bận tâm với những cái mê tín dị đoan.

Và giục Học với các đồng chí nên đi ngủ để lấy lại sức khỏe hầu đối phó với kè thù hung bạo đang rình rập khắp nơi.

 

Đêm mùng 2 Tết năm ấy trôi qua trong sự lặng lẽ, và những ngày gian khổ kế tiếp trôi qua. Sáu nhà cách mạng dừng lại ở Hùng Thắng, chỉ sống một đêm xuân đoàn tụ rồi phân tán mỗi người một nơi, tiếp tục xây dựng lại sự nghiệp cách mạng đã đổ nát: Cô Giang trở về Bắc Giang, Ký Con lạc vào Nam Định, Lương Ngọc Tốn đến Hải Phòng, để rồi lần lượt rơi vào lưới rập của thực dân Pháp.

Một hôm cải trang làm phu mỏ trốn qua Phả Lại, khi đến ấp Cổ Vịt, Nguyễn Thái Học bị vây bắt đưa về Hỏa lò Hà Nội, để ra trước Hội đồng Đề Hình.

 

Tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và mười hai đồng chí bị đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái. Cô Giang cũng đến Yên Bái chứng kiến cái chết của chồng rồi về Thổ tang dùng súng lục tự tử chết dưới gốc cây đa.”

(Phổ Thông 1961)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét